Blogs
Categories
Đến nay, những dòng chữ cổ được khắc trên vách đá, ghềnh thác ở thượng nguồn dòng A Vương, sát biên giới Việt - Lào, thuộc xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam (ảnh) vẫn còn là “ẩn ngữ” đối với giới chuyên môn. Minh văn này từng được lính Pháp phát hiện, ghi chép từ năm 1938 và được chính quyền Tây Giang “phát hiện lại” từ 2010. Nhưng rất tiếc, chưa có công trình nghiên cứu, bảo vệ. Di chỉ độc đáo này đang đứng trước nguy cơ biến mất...
Ẩn ngữ ở vùng biên
“Nương” theo lời giới thiệu đầy vẻ thần bí của ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, về những dòng chữ lạ, khắc trên ghềnh đá, vách núi giữa rừng núi Trường Sơn, chúng tôi ngược dòng A Vương để đến làng Achia, xã Lăng, “sờ” vào huyền thoại.
Mưa chiều biên giới như trút nước, lũ dòng sông Len (chảy qua xã Lăng), chi lưu nguồn A Vương dâng đột ngột, bùn đất đục ngầu, nên phải chờ đến ngày hôm sau chúng tôi mới đến được. Cây rựa trên tay Bh’riu Clói liên tục chém bụi rậm tìm lối. Người dẫn đường vừa đi, vừa kể: “Tôi nghe ông nội kể lại, quan Pháp ở đồn Samo, sát biên giới với Lào, khi phát hiện những dòng chữ cổ này đã nhờ ông và dân làng chặt cây rừng, làm thang, bè gỗ, trèo lên vách đá, bôi đá vôi lên chữ để chụp lại ảnh. Họ ở lại Achia nhiều ngày, nhưng dân làng không biết tiếng, chỉ làm theo hướng dẫn, kể cả khi giúp họ thức ăn”.
Vách đá có chữ cổ, lạ mà ông Bh’riu Clói kể phải bắc thang, giờ chỉ ngang đầu gối, bởi đất đá đã bồi lấp cả trăm năm rồi. Dòng chữ trên ghềnh đã nằm sâu trong lòng suối. Trên vách đá vôi sát bìa rừng giờ chỉ còn thấy được 3 - 5 dòng chữ, mờ nhạt bởi thời gian. Với thực trạng sa bồi đang diễn ra, di chỉ này sẽ mất tích trong vài năm tới.
Trưởng phòng VHTTDL huyện Tây Giang - Nguyễn Chí Toàn, cho biết, từ 2010, chính quyền huyện “phát hiện lại” di chỉ này. Từ đó, đã mời nhiều nhà nghiên cứu, bảo tàng, nhà dân tộc học... đến khảo sát, in mẫu chữ nhờ diễn dịch, nhưng đến nay chưa giải mã được. Cũng giống như việc phát hiện trống đồng cổ ở đây, minh văn trên đá ở Achia vẫn còn là mật ngữ của cổ nhân, chưa có lý giải nào.
Cần bảo vệ trước khi quá muộn!
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ - nguyên cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích, di sản Quảng Nam, người từng lặn lội đến đây, dùng giấy dó, mực xạ để rập phiên bản cổ ngữ này cho biết: Có 3 bản khắc trên đá tự nhiên, dạng chữ Chăm, nhưng chúng tôi không diễn dịch được nên in phiên bản về để tiếp tục nghiên cứu. Tôi đã gửi đến Bảo tàng Chăm, nhờ chuyên gia về cổ ngữ nước ngoài giúp. Tình cờ phát hiện Tiến sĩ Daoruang Wittayarait (Trường thực hành cao cấp Pháp) đã từng có bài viết về minh văn khắc đá này, đăng trên tờ Lettre de la Société des Amis du Champa Ancien năm 2004.
Theo tiến sĩ Wittayarait, ông có tư liệu này từ con gái của J.Le Pichon - một vị quan ba, thanh tra đội quân ở An Nam, từng đồn trú ở hai huyện Hiên và Giằng, Quảng Nam, thời thuộc Pháp, đã chụp ảnh và ghi chép. (J.Le Pichon có rất nhiều ghi chép, hình ảnh nghiên cứu có giá trị về văn hóa Cơtu). Ghi chép của quan ba J.Le Pichon ghi rõ, đã phát hiện minh văn này từ tháng 3 - 4.1938, gần đồn Samo. Ông đã thuê lính bản địa làm giàn giáo, bôi vôi trắng để rõ chữ rồi chụp lại ảnh. Từ tư liệu này, các chuyên gia cổ ngữ đã cho rằng đây là thổ ngữ Môn-Khơme. Họ đã so sánh với các mẫu chữ trên những bia đá cổ từng phát hiện sớm ở vùng Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam và bia Vat Luong Kao (Nam Lào) mà đoán định cổ ngữ xếp vào niên đại thế kỷ thứ VI, thứ VII. Ghi chép của J. Le Pichon, từ năm 1938 ông đã trao đổi với linh mục Cadière, xác nhận đây là ngôn ngữ của người Chăm cổ. Tiến sĩ người Pháp này cũng đã “đọc” được nhiều từ liên quan đến đồ hiến tế như châu báu, ngọc trai, trâu, nghĩa từ thần thánh...
Theo chuyên gia về người Cơtu - Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam), người Cơtu xưa là một láng giềng thân thiện với người Chăm. Từng có câu chuyện “Con đường muối” mà gần đây các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về việc giao thương, trao đổi của vùng đồng bằng với miền núi ở miền Trung Việt Nam, Lào, Thái Lan. Nhưng văn khắc này bước đầu chỉ là đoán định, còn là ẩn ngữ phải tiếp tục giải mã.
Trước mắt, chính quyền, ngành văn hóa Quảng Nam cần phải có biện pháp bảo vệ để di chỉ văn hóa thuộc dạng hiếm quý này trước nguy cơ có thể biến mất bởi sa bồi, vì sự vô tình xâm hại của người dân.
theo laodong.com.vn
Be the first person to like this.