• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On January 19, 2012
100 views

Phạm Văn Rớt

NC News - Ở An Giang hiện có hơn một vạn người Chăm. Họ cùng ngữ hệ với người Chăm miền trung, có một số người nói và nghe được tiếng Khmer. Họ sống tập trung thành những ấp (puk) hay liên ấp xen kẽ những làng của người Kinh, từ biên giới Việt Nam - Cambodia, rải rác, chạy dài theo sông Hậu Giang và sông Khánh Bình chảy xuống hợp ở Tam Giang thị xã Châu Đốc, rồi đổ xuống xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang). 

Ở An Giang hiện có hơn một vạn người Chăm. Họ cùng ngữ hệ với người Chăm miền trung, có một số người nói và nghe được tiếng Khmer. Họ sống tập trung thành những ấp (puk) hay liên ấp xen kẽ những làng của người Kinh, từ biên giới Việt Nam - Cambodia, rải rác, chạy dài theo sông Hậu Giang và sông Khánh Bình chảy xuống hợp ở Tam Giang thị xã Châu Đốc, rồi đổ xuống xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang). 

Trong sinh hoạt cộng đồng, hôn nhân gia đình, tang chế, tranh chấp tài sản, thừa kế... người Chăm không đưa ra chính quyền giải quyết, mà xử lý bằng luật tục (Atach) do hệ thống chức sắc tôn giáo xét xử. Đó là: "giáo cả" (Ha-kêm) - do tín đồ liên ấp bầu ra, nhiệm kỳ suốt đời, trừ khi sai phạm nặng: "phó giáo cả" (Na-ef Ha-kêm), ủy viên thư ký (Ka-ren), thủ quỹ (Pan Pageh), cố vấn. Đối với vấn đề chính trị, theo ai, chống ai, họ đều tuân theo sự lãnh đạo của Ha-kêm.

Người Chăm An Giang theo đạo Hồi Islam, nghiêm chỉnh chấp hành năm tín điều: Tin tưởng tuyệt đối vào Thánh Allah, hành lễ mỗi ngày năm lần, chay tịnh trong tháng lễ Ramadan, bố thí cho người nghèo, hành hương về thánh địa Meca. Họ kiêng ăn thịt heo, chó, khỉ và những loài chim chân quắp mồi. Phải đọc kinh trước khi giết những gia súc, gia cầm được phép ăn. Nếu con vật đó chết trước khi đọc kinh, phải bỏ đi. Khi lễ Ramadan kết thúc, người giàu trong ấp muốn đãi bà con thì mua một con bò đưa đến Thánh đường. Con bò được trói lại cẩn thận, trên mình phủ kín tấm vải trắng. Mọi người đứng chung quanh con vật, im lặng nghe ông thầy Cả đọc kinh. Chấm dứt hồi kinh, thầy Cả một tay cầm dao, một tay kéo tai con vật xuống, đo cần cổ, tới đâu là cắt đến đấy. Luật tục cho phép người Chăm có quyền lấy vợ, lấy chồng người dân tộc khác nhưng phải chịu gia nhập Hồi giáo. Nam giới đội mũ trắng, vận sà-rông, từ 13 tuổi đến 15 tuổi phải làm lễ cắt da quy đầu (Kho-tanh). Ông Chèn Kho-tanh đọc kinh, lấy kẹp tre cặp da quy đầu, dùng dao bén cắt, rồi thoa thuốc cầm máu và sát trùng. Điều này trái ngược với người Chăm miền trung chỉ dùng dao gỗ cứng cắt với tính cách tượng trưng. Phụ nữ Chăm ở An Giang không che mặt khi ra đường, nhưng choàng khăn the đủ mầu, trông rất đẹp. Thiếu nữ Chăm đến tuổi dậy thì từ 14, 15 tuổi phải tuân thủ luật Ga-sâm (cấm cung). Trong thời gian đó, ở các gia đình khá giả, họ thuê một bà già biết thêu dệt giỏi để phục vụ và dạy dỗ cô gái nghề dệt. Buồng của cô gái cấm cung là giang sơn kín đáo riêng biệt. Họ không được giáp mặt khách, chỉ quanh quẩn trong nhà, trong buồng quay tơ, dệt vải. Đến chiều tối mới được đi cùng "bà vú" hay người mẹ hoặc chị em ruột xuống sông tắm rửa bằng một cầu thang phụ nhỏ dẫn xuống sông. Muốn đi thăm họ hàng hoặc có việc cần thiết phải ra đường, cô gái cấm cung đi cùng bà già hoặc thiếu phụ và phải đi vào buổi tối để không ai nhìn rõ mặt. Cô gái cấm cung đến tuổi ba mươi mà không có ai cưới thì gia đình cho cô gái được tự do hơn. Hiện nay tục cấm cung đã bị bãi bỏ.

Theo luật tục, con trai Chăm đi cưới vợ, khác với ở Ninh Thuận, Bình Thuận con gái Chăm đi cưới chồng. Người con gái đến tuổi 15 phải làm lễ hãm mình (Karok) đến đủ 16 tuổi tròn mới được lấy chồng. Nếu chưa qua lễ Karok, bị coi là gái "Ta-bung" (gái cấm) không có quyền lấy chồng. Việc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt và nhờ người mai mối. Để đạt đến ngày động phòng hoa chúc, đôi tân lang phải qua các lễ: lễ hỏi, lễ cưới, lễ nhóm họ, ngày đưa rể và lễ động phòng. Ngày cưới là ngày người phụ nữ Chăm được phô diễn nhan sắc, áo quần cho mọi người ngắm nhìn. Do vậy, trang phục và trang điểm cô dâu rất công phu. Sau khi cùng bố vợ giao ước tại Thánh đường, chú rể được đưa bằng kiệu về nhà gái, ngồi cạnh cô dâu trước lư trầm hương tỏa khói thơm. Một ông già đọc kinh ban phước lành cho cô dâu, chú rể. Nhập phòng, chú rể bước đến, dùng ngón trỏ chỉ nhẹ vào trán cô dâu thể hiện quyền lực, rồi nhổ một trong ba bông hoa (hoặc cành trâm) đang cài giữa búi tóc cô dâu, đặt trên đùi, tỏ ý rất hài lòng về người vợ mà Thượng đế và cha mẹ đã ban cho mình. Khi có thai, sản phụ kiêng nằm võng, sợ võng đứt hư thai; không ngồi ngay cửa chính sợ sinh con chậm; choàng khăn không buộc chặt lấy cổ, sợ sinh con bị nhau cuốn cổ; căng chiếc lưới đánh cá trên giường hai mẹ con để ngăn ma quỷ. Sinh xong, nhau thai rửa sạch chôn ngay dưới cầu thang. Sản phụ nằm trên hoặc cạnh bếp lửa một tuần lễ, ăn cá lóc kho tiêu, uống nước muối nhạt và uống thuốc điều hòa khí huyết là vỏ cây cọp cào, lợi sữa là cây "tam rây param đoh".

Đàn ông Chăm giữ vai trò chủ gia đình và xã hội. Người cha qua đời, người thay thế giải quyết mọi việc là bác, chú, anh... Nam giới có quyền cưới nhiều vợ, miễn là có đủ khả năng nuôi sống họ. Tuy nhiên trong thực tế xã hội Chăm, hầu hết chỉ một vợ một chồng. Người chồng có quyền ly hôn vợ, nhưng phải có hai người làm chứng rằng hành vi của chồng là đúng và sáng suốt. Luật tục quy định ba trường hợp ly hôn vợ. Trường hợp "Talak Sa", vợ chồng ly hôn rồi có quyền ở lại với nhau không qua một thủ tục nào, nếu khi ly hôn không nói rõ lý do ly hôn. Trường hợp "Talăk Tùa", vợ chồng ly hôn còn trong thời hạn ba tháng, có quyền ở lại với nhau không làm thủ tục nào cả; nếu quá ba tháng, phải làm một tiệc cưới đơn giản. Trường hợp "Talăc Khâu", người chồng muốn ở lại với vợ cũ phải nhờ người bạn cưới vợ mình; sau 3 tháng, người chồng hờ này xin ly hôn; lúc bấy giờ, người chồng cũ mới có quyền cưới lại vợ mình.

Tuy theo chế độ phụ quyền nam giới làm chủ,nhưng luật "Atach" cũng quy định những quyền lợi cho giới nữ. Đám cưới xong, người chồng phải ở rể bên vợ suốt đời (matri local). Bên nhà trai cất nhà cho chàng rể ở cạnh nhà cha mẹ vợ. Chàng rể ở nhà của cha mẹ vợ thì số tiền làm nhà phải giao cho gia đình vợ. Phụ nữ Chăm có quyền ly hôn chồng, nếu chồng bị bệnh bất lực hoàn toàn trước hay sau ngày cưới, người chồng không cấp dưỡng cho vợ đủ sống, người chồng vi phạm luật "Atach", uống rượu bia, lưu manh, trộm cắp, dâm ô, hỗn láo với người cao tuổi hoặc người có chức sắc... Để được ly hôn, trước hết, người vợ kiện đến ông "Ahly" - giáo cả ở xóm, do tín đồ bầu ra - nếu không xong, chuyển đến ông "Ha-kêm" xử lý. Cuối cùng, hai vợ chồng cương quyết ly hôn thì được giải quyết. Con ở với mẹ, cha có nghĩa vụ đóng góp nuôi dưỡng con cho đến tuổi trưởng thành. Tài sản chung chia đôi. Chồng làm, vợ không làm tùy chồng định đoạt. Nhà cửa bên vợ thì không chia. Nhà do vợ chồng xây dựng thì chia đôi. Trường hợp nhà do chồng làm, tùy chồng quyết định.

Đám ma người Chăm đơn giản, hợp vệ sinh, chôn cất (địa táng) trong ngày, không cúng kiếng ăn uống, khi đưa tang không kêu khóc. Người Chăm tin tưởng sau khi người ta chết, hồn vía họ ra ở ngoài mả, lúc nào có lệnh Thánh Allah phán xét, hồn sẽ đến nghe phân xử. Người nào lúc sống giữ đúng giáo lý Hồi giáo, làm nhiều việc thiện, tuân thủ luật Atach Chăm..., theo người Chăm quan niệm, khi chết hồn sẽ được lên thiên đàng (suor Rôka). Người nào có nhiều tội lỗi khi chết, hồn bị đày xuống địa ngục ("Nua Rôka"), sau đó mới đầu thai lại. Luật Atach Chăm nghiêm cấm thờ cúng bụt, tin ma quỷ, bói toán, bùa ngải, đồng bóng... nhưng cá biệt một số người Chăm vẫn còn tin tưởng những chuyện trên, nhất là tin "ma lai" (Kăm lai) ban đêm rút đầu, ruột đi kiếm ăn. Truyền thuyết cho rằng, những phụ nữ Chăm lỡ thời muốn kiếm chồng hoặc những người có chồng thường đi xa, muốn chồng trung thành với mình, phải nhờ vào quyền lực "ma lai". Muốn luyện "ma lai", phải được một đạo sư cao tay truyền dạy phù phép. Trước tiên, chọn một nơi xa xóm làng, hoang vắng, có nhiều mồ mả, ít ai dám lui tới. Sau đó, cắt cổ một con gà trống trắng khỏe mạnh, mổ bụng, móc bỏ bộ lòng, lấy cây căng hai cánh ra, treo đầu gà trên một sợi dây buộc vào cái cây như cần câu, cắm tại nơi làm lễ. Mỗi đêm, vào lúc chín, mười giờ, người phụ nữ luyện "ma lai" bí mật đến địa điểm, lột hết xiêm y, đọc thần chú. Thời gian luyện từ năm đến mười đêm, đến khi nào con gà trên cây cất tiếng gáy, coi như đã thành công. Truyền thuyết này đã bị ánh sáng khoa học đẩy lùi, giờ chỉ còn là dư âm bên chén trà thơm.

Theo Phạm Văn Rớt, phanquocanh.com 

Be the first person to like this.