• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On March 30, 2017
456 views

 

Pgs. Ts. Po Dharma (Viện Viễn Ðông Pháp)

Sakkarai Dak Rai Patao là biên niên sử duy nhất viết bằng tiếng Akhar Thrah Chăm liên quan đến lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga, chứ không phải là biên niên sử của vua chúa liêng bang Champa đóng đô ở Vijaya. Tiếc rằng, những yếu tố cơ bản lịch sử trong tư liệu có giá trị này đã bị hiểu lầm và sửa đổi theo nhãn quan riêng tư của một số nhà nghiên cứu hay nhà viết lách trong nhiều bài viết đăng tải trên tập san và báo chí viết bằng tiếng Việt ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại gần 40 năm qua. Chỉ cần nhìn lai các bài viết sai lầm về Po Klaong Garai, Po Binnasuar và Po Saong Nhung Ceng, ba nhân vật được ghi trong biên niên sử này, chúng ta đã thấy rằng Sakkarai Dak Rai Patao đã bị thêu dệt tùy theo quan điểm của mỗi tác giả để rồi trở thành nạn nhân của làn sóng nghiên cứu về văn hóa Chăm hôm nay.

Một số tác giả cho rằng Po Klaong Garai là vị vua thật sự trị vì vào năm (1151-1295). Họ còn cho rằng Po Klaong Garai là Jaya Indravarman IV vua của liên bang Champa (1147-1160), nhưng họ không bao giờ cho biết tại sao. Tiếc rằng, trong tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao, Po Klaong Garai chỉ là vua huyền sử, một vị thần linh tự sinh ra (éngkat) và được xếp vào triều đại thứ 5 trong danh sách các vua huyền sử này. Sau mấy năm trì vị ở trần gian, Po Klaong Garai trở về trời (nao mâng rup).

Po Binnasuar (hay Po Binthuer) cũng là nhân vật được phô trương trong nhiều bài viết. Một số người tự phỏng đoán rằng Po Binnasuar (1316-1361 hay 1328-1373) là quốc vương Chế Bồng Nga (1360-1390). Tiếc rằng, Po Binnasuar và Chế Bồng Nga là hai vị vua khác nhau. Po Binnasuar là vua của tiểu vương quốc Panduranga, gốc làng Bính Nghĩa, Phan Rang lên ngôi năm 1316 hay 1328. Ðền của ngài vẫn còn thờ phượng ở gần làng Bính Nghĩa này. Ngược lại, Chế Bồng Nga là quốc vương của liên bang Champa đóng đô ở Vijaya (Ðồ Bàn), lên ngôi năm 1360.

Cuối cùng, Po Saong Nhung Ceng (1799-1822) là quốc vương Panduranga đã chết tại Phan Rí vì bệnh già yếu vào năm 1822 mà cả thư tịch cổ Việt Nam cũng đã chứng minh biến cố này. Ngược lại, một số nhà viết lách cứ cho rằng ngài chạy sang Cao Miên lánh nạn vào năm 1822. 

Nguyên nhân của sự sai lầm 

Ðiều mà chúng tôi muốn khẳng định ở đây đó là những sai lầm này chỉ xuất hiện trên mặt sách báo viết bằng tiếng Việt và nó bắt nguồn từ ngày ra đời tác phẩm Dân Tộc Chàm Lịch Sử của Dorohiem và Dohamide xuất bản vào năm 1965. Thế thì đâu là nguyên nhân chính đã đưa các nhà nghiên cứu hay người viết lách bằng tiếng Việt vấp phải lỗi lầm vô cùng tai hại cho lịch sử Champa nói chung và lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga nói riêng. Ðể trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin trình bày sơ lược xuất xứ của các bài nghiên cứu về Sakkarai Dak Rai Patao kể từ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến hôm nay.

Người nghiên cứu đầu tiên về Sakkarai Dak Rai Patao là E. Aymonier (1890: 145-206). Trong bài nghiên cứu này, E. Aymonier tự đặt bao câu hỏi có chăng Sakkarai Dak Rai Patao chỉ là cốt truyện huyền sử, hoang đường nếu cho rằng tác phẩm này là biên niên sử của vương quốc Champa? Vì rằng danh sách vua chúa ghi trong Sakkarai Dak Rai Patao không có gì liên hệ đến vua chúa Champa đóng đô ở Viyaja, từ niên đại lên ngôi, tên tuổi, thủ đô, v.v. Trong bài viết của mình, E. Aymonier chỉ nêu ra câu hỏi, đặt lại vấn đề liên quan đến xuất xứ của tư liệu này, nhưng ông không tìm ra một câu để giải đáp.

Mười lăm năm sau, nhà nghiên cứu Pháp là E. Durand (1905: 377-382) trở lại nghiên cứu tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao. Trong phần kết luận, E. Durand cho rằng đây không phải là cốt truyện huyền sử và hoang đường, mà cũng không phải là biên niên sử của liên bang Champa như E. Aymonier đã nêu ra, mà là biên niên sử của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam, chỉ có thế thôi. Bài nghiên cứu của E. Durand vào năm 1905 đã trở thành một yếu tố lịch sử mà các chuyên gia ở phương Tây đều công nhận cho đến hôm nay. Theo quan điểm của E. Durand, Panduranga không phải là một đơn vị hành chánh tương đương với “Tỉnh” ở Việt Nam, mà là một tiểu vương quốc nằm trong liên bang Champa. Chính vì thế, tiểu vương quốc này cũng có một cơ cấu hành chánh riêng, chính trị và quân sự  riêng, kể cả biên niên sử riêng, đó là Sakkarai Dak Rai Patao. Năm 1978, tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao trở thành bài luận án phó tiến sĩ của tôi ở đại học Sorbonne, Paris. Trong bài luận án này, tôi cũng chứng minh rằng Sakkarai Dak Rai Patao là biên niên sử của Panduranga, một tiểu vương quốc của liên bang Champa.

Không đọc đến bài nghiên cứu của E. Durand viết vào năm 1905 và những bài bài viết khác đăng tải trong các sách báo khoa học ở phương Tây, và cũng không cần nghiên cứu sâu đậm nội dung của biên niên sử viết bằng tiếng Chăm akhar thrah này, Dorohiem và Dohamide (Dân Tộc Chăm Lược Sử, 1965) chỉ dựa vào bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp của E. Aymonier xuất bản vào năm 1980 để phát họa nội dung Sakkarai Dak Rai Patao theo cảm hứng riêng tư của mình. Trong tác phẩm này, Dorohiem và Dohamide, vì vô tình hay là cố ý, đã sửa đổi hoàn toàn quan điểm của E. Aymonier để thay vào đó một quan điểm mới lạ nhưng rất là phi lịch sử, cho rằng Sakkarai Dak Rai Patao là biên niên sử của vương quốc Champa, nhưng Dorohiem và Dohamide không đưa ra một dữ kiện lịch sử nào để minh chứng nội dung bài viết của mình. Ðúng ra, phong cách “sửa đổi yếu tố lịch sử” này chỉ thường xuất hiện trong các bài viết của người viết lách hơn là của nhà khoa học dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Sau ngày ra đời tác phẩm Dorohiem và Dohamide vào năm 1965, một số nhà nghiên cứu hay một vài người viết lách chỉ dựa vào tác phẩm bằng tiếng Việt mang tựa đề là Dân Tộc Chàm Lược Sử,  để rồi lặp đi lặp lại bao sự sai lầm lịch sử trong bài viết của Dorohiem và Dohamide. Thế là, tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao Cham, kể từ năm 1965, đã trở thành nạn nhân của quan điểm sai lầm do Dorohiem và Dohamide đưa ra, chứ không phải là nạn nhân của các nhà viết lách nữa.

Ðể làm sáng tỏ lại vấn đề liên quan đến nội dung của tác phẩm lịch sử có giá trị này, chúng tôi muốn đặt lại vấn đề ở đây có chăng Sakkarai Dak Rai Patao là một tác phẩm huyền thoại như E. Aymonier đã đề nghị vào năm 1890 hay là biên niên sử của vương quốc Champa như Dorohiem và Dohamide đã phỏng đoán vào năm 1965 hay là biên niên sử thật sự của tiểu vương quốc Panduranga như E. Durand đã đưa ra vào năm 1905? 

Sơ lược lịch sử Panduranga 

Cũng nhờ các bia ký Champa, tư liệu cổ Việt Nam và Trung Hoa, các nhà nghiên cứu phương Tây đã phác họa lịch sử vương quốc Champa một cách tổng thể từ thế thế kỷ thứ 2 đến năm 1471, cũng là năm đánh dấu cho sự thất thủ Vijaya, tức là thành Ðồ Bàn (G. Maspero: 1928); G. Coedes: 1964; Po Dharma: 1978, 1987). Sau năm 1471, các bia ký Champa không còn xuất hiện nữa. Dựa vào sự biến mất của bia ký, các nhà nghiên cứu không còn quan tâm đến lịch sử cận đại của Champa sau thế kỷ thứ 15. Tiếc rằng, người ta đã quên rằng dân tộc Chăm ở khu vực Phan Rang và Phan Rí vẫn còn lưu trữ rất nhiều văn bản cổ viết bằng tiếng Chăm liên quan đến lịch sử và nền văn minh Champa sau năm 1471 (Po Dharma: 1987; P-B. Lafont: 1980). Trong kho tàng văn chương lịch sử này, Sak Karay Dak Rai Patao là văn bản duy nhất nói về biên niên sử của vua chúa Panduranga.

Ai cũng biết, kể từ đầu thế kỷ thứ 20, các nhà nghiên cứu phương Tây (L. Finot: 1903; G. Coedes: 1964; P-B. Lafont: 1980; Po Dharma: 1987; B. Gay: 1988)  đã phân tích một cách khoa học và có hệ thống những nền tảng tổ chức chính trị và hành chánh Champa để rồi đưa ra một kết  luận chung đó là Champa không phải là một quốc gia tập quyền, thống nhất như thể chế chính trị ở Trung Hoa hay ở Việt Nam, mà là một vương quốc liên bang (fédération) và đôi lúc cũng là một liên hiệp quốc gia (confédération), rất gần gũi với thể chế liên bang Mã Lai hôm nay.

Liên bang Champa tập trung 5 tiểu vương quốc trong đó có Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Ðứng đầu của quốc gia liên bang Champa là quốc vương mang tôn hiệu Rajadiraja (tức là vua của vua), chứ không phải là Patao như Dohamide và Dorohiêm (2004, tr. 263) đưa ra. Quốc vương này còn mang một tôn hiệu khác đó là Po Tana Raya (lãnh chúa toàn diện đất đai) để cai trị quốc gia với «cây lộng duy nhất››, biểu hiện cho uy quyền hoàng gia Champa. Thủ đô liên bang lúc ban đầu đặt tại Indrapura (Quảng Nam) sau đó dời về Vijaya (Bình định) kể từ năm 1000.

Nằm ở cực nam của lãnh thổ liên bang Champa, Panduranga là một tiểu vương quốc có một thể chế hành chánh, chính trị và quân sự riêng biệt. Sự hình thành tiểu vương quốc này đã có từ lâu đời. Vì rằng vào năm 1050, bia ký đã nói đến cuộc vùng dậy của nhân dân Panduranga chống lai chính quyền trung ương Champa ở miền bắc. Ðể trả lời cho thái độ bất qui phục này, quốc vương Champa là Jaya Paramesvaravarman I đứng ra chỉ trích kịch liệt thái độ ương ngạnh của nhân dân Panduranga mà ngài gọi họ là «dân tộc phóng đãng (vicieux), ác tâm (malfsaisant), khinh bạc (frivole), luôn luôn phản động chống lai triều đình trung ương» (Maspero, 1928: 37 ; Po Dharma, 1987 : 57). Nhằm phá tan yêu sách đòi tự trị ở miền nam và đưa dân tộc Panduranga phải tôn trọng uy quyền triều đình trung ương, quốc vương liên bang Champa thường biến tiểu vương quốc Pandurang thành một lãnh thổ đặc hữu (apanage) đặt dưới quyền cai trị của một thái tử (yuvaraja) do quốc vương liên bang Champa chỉ định (Finot, 1909: 205-209, Maspero, 1928: 137). Sự hiện diện của thái tử này cũng không ngăn cấm nổi Panduranga trở lại con đường cũ : thua keo này bày keo khác. Vì rằng, Panduranga vẫn là nơi phát sinh một số biến cố chính trị lớn vào thế kỷ thứ 11. Biến cố thứ nhất đó là một nhân vật quan trọng trong triều đình của Panduranga đứng ra kêu gọi nhân dân tách rời ra khỏi liên bang Champa, rồi tự phong mình làm vua ở miền nam, dù rằng vương triều này chỉ kéo dài trong vòng 13 năm. Hết tìm cách xây dựng một quốc gia tự trị, Panduranga còn là nơi trú ẩn dành cho một số nhân vật chính trị từ trung ương ở Vijaya chạy sang lánh nạn (Finot, 1909: 205-209; Maspero, 1928: 137).

Với bản chất cương quyết của nhân dân Panduranga đấu tranh cho bằng được quy chế tự trị ở miền nam, một số quốc vương liên bang Champa không còn cách nào khác là công nhận nền tự trị của Panduranga ở miền nam. Ðiển hình nhất là vào thế kỷ thứ 10, tư liệu Trung Hoa cho rằng mặc dù Panduranga vẫn là lãnh thổ trực thuộc liên bang Champa, nhưng tiểu vương quốc này vừa triều cống vua liêng bang Champa ở miền bắc, vừa gởi triều cống đến Trung Hoa như một quốc gia độc lập (Pelliot, 1903: 649).

Ngoài yêu sách tự trị, vua chúa Panduranga cũng thường xác nhận họ có một thị tộc riêng biệt. Ðiển hình là vào cuối thế kỷ thứ 11, quốc vương liên bang Champa là Sri Harivarman IV (1074-1081) tự cho mình là người xuất thân từ thị tộc cây câu (Narikela) của dòng thân mẫu ở Panduranga, một thị tộc tinh khiết của chủng tộc Champa. Thân phụ của ngài thuộc thị tộc cây dừa (Kramula) ở Vijaya. Hai thị tộc này thường dùng đến bạo lực để chinh phục uy quyền ở liên bang Champa trong nhiều thế kỷ (Maspero, 1928: 43).

Hết sự khác biệt về thị tộc, Panduranga thường đeo đuổi tư thế độc lập của mình về phương diện chính trị đối với miền bắc. Chính vì thế, Panduranga thường không hỗ trợ quân sự cho Vijaya, một khi tiểu vương quốc phía bắc này bị ngoai bang xâm chiếm. Vào năm 1145, vua Cao Miên xua quân xâm chiếm Vijaya và giết chết vua liên bang Champa là Indravarman III. Trước sự tấn công của ngoại bang, Panduranga không hề gởi quân để giúp đỡ quốc vương Champa ở phương bắc. Thêm vào đó, Panduranga còn đón nhận hoàng tử của tiểu vương quốc Vijaya là Rudravarman IV cùng với đứa con trai là Srivanandana chạy sang lánh nạn trên lãnh thổ của mình một khi quân Cao Miên phá hủy thủ đô Vijaya vào năm 1145. Ngoài sự tiếp đón nồng hậu này, dân chúng Pandurang còn tôn vinh hoàng tử Srivanandana lên làm vua Champa ở miền nam lấy vương hiệu là Jaya Harivarman I (Maspero, 1928: 156-157). Thế là vương quốc Champa bị chia đôi thành hai miền rõ rệt. Vijaya đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội Cao Miên và Panduranga thì có Jaya Harivarman I. Với sự hỗ trợ của quân đội Panduranga, vua Jaya Harivarman I xuất quân ra bắc vào năm 1149 tấn công Vijaya và giết được tổng tư lệnh quân viễn chinh Cao Miên là hoàng tử Harideva, tức là em rể của vua nước này (Maspero, 1928: 156).

Năm 1190, vua Cao Miên là Jayavarman VII giao quyền cho hoàng tử Champa là Sri Vidryanandana sang lánh nạn ở Cao Miên từ năm 1182, đem quân tấn công Vijaya lần thứ hai, bắt được vua Champa là Jaya Indravarman IV đưa về Cao Miên. Một khi thắng trận, vua Cao Miên phong cho em rể của mình lên làm quốc vương Vijaya (Nagara Vijaya) với vương hiệu là Suryajayavarman. Riêng về hoàng tử Sri Vidryanandana, ngài trở lại Panduranga, tự phong cho mình là quốc vương của tiểu vương quốc này với vương hiệu là Sri Suryavarmadeva, đặt thủ đô tại Rajapura (Phan Rang). Thế là vương quốc Champa lai bị chia đôi một lần nữa. Miền bắc do quân Cao Miên trấn giữ. Tiểu vương quốc Panduranga do hoàng tử Sri Suryavarman lãnh đao (Maspero, 1928: 166).

Vì không chấp nhận tiểu vương quốc Vijaya bị cai trị bởi ngoại bang, hoàng tử Champa tên là Rasupati vùng dậy vào năm 1191 đánh đuổi quân xâm lược Cao Miên sau đó lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Indravarman V. Ðể trả thù cho cuộc vùng dậy này, vua Cao Miên chấp nhận trả tự do cho cựu quốc vương Jaya Indravarman IV bị bắt giam tại vương quốc này vào năm 1190. Từ vương quốc Cao Miên, cựu quốc vương Jaya Indravarman IV ghé sang Panduranga cầu cứu quân sự hầu chiếm lại ngai vàng ở phương bắc. Một khi đã nhận lời giúp đỡ, vua Panduranga là Sri Suryavarman xua quân sang miền bắc, đánh đuổi quân xâm lược Cao Miên ra khỏi Vijaya. Lợi dụng sự chiến thắng này, vua Panduranga phế truất cựu vương quốc Jaya Indravarman IV ra khỏi ngai vàng, tự phong mình làm quốc vương liên bang Champa kiêm cả chức vua của tiểu vương quốc Panduranga kể từ năm 1192 (Maspero, 1928:165-166).

Một năm sau, tức là vào năm 1193, vua Cao Miên Jayavarman VII xuất quân sang chinh phạt Sri Suryavarman ở Vijaya. Bị thất trận vào năm 1203, Sri Suryavarman chạy sang Ðại Việt lánh nạn. Nắm chủ tình hình, vua Cao Miên chiếm lại thủ đô Vijaya và đặt nền cai trị ở miền bắc Champa trong xuốt 17 năm, từ 1203 đến 1220 (Maspero, 1928: 167)

Sự đô hộ của Cao Miên ở Champa vào những năm 1203 và 1220 đã đánh dấu một biến cố quan trọng trong văn chương lịch sử ở Champa. Chính trong thời điểm này mà tác phẩm Sakkaray Dak Ray Patao đã ra đời với vị vua đầu tiên là Sri Agarang trị vì vào năm 1193 hay 1205 tùy theo dị bản. Tiếc rằng, không tư liệu nào có thể giúp chúng tôi để nhận diện rằng sự ra đời của Sakkaray Dak Ray Patao ở Panduranga có liên hệ gì với chính sách đô hộ Cao Miên ở Vijaya, miền bắc của Champa? Ðây chỉ là một vấn đề đặt ra nhưng không ai có thể trả lời câu hỏi này (Po Dharma, 1978).

Một khi đã thoát thân ra khỏi nền đô hộ của Cao Miên vào những thập niên đầu của thế kỷ thứ 13, vương quốc Champa lại vướng vào một tai họa khác đó là chính sách Nam Tiến của Ðại Việt.

Sau khi thôn tính dần dần một số đất đai ở phía bắc của Champa, Ðại Việt quyết định nuốt trọn thủ đô Vijaya vào năm 1471 và dời biên giới của mình đến đèo Cù Mông, phía bắc Phú Yên. Sự thất thủ thành Ðồ Bàn đã đưa bản đồ dân cư Champa vào một khúc quanh mới. Vì rằng, kể từ năm 1471, Champa bị thu hẹp lại trong lãnh thổ của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam mà thôi (Po Dharma, 1987, I, tr. 61-62).

Sau khi Vijaya bị thất thủ, tướng Bố Trì Trì sang lánh nạn ở Panduranga, chiếm giữ một phần năm đất đai của tiểu vương quốc này để thành lập một quốc gia riêng biệt. Ngài cũng xin vua Lê Thánh Tông công nhận sự tấn phong của mình và biên niên sử Minh Chê của Trung Hoa vẫn còn nói đến sự liên hệ với Champa của Bố Trì Trì giữa năm 1478 và 1543 (Maspero, 1928: 240).

Từ ngày thất thủ thành Ðồ Bàn vào năm 1471 đến năm 1611, tức là gần 140 năm, người ta cứ tuởng rằng chiến tranh không còn tái diễn nữa giữa hai nước láng giềng thù địch, đó là Champa và Ðại Việt. Tiếc rằng sự hòa bình này chỉ là một giấc mơ huyền ảo. Năm 1611, nhà Nguyễn bắt đầu phất cờ Nam Tiến, mà Phú Yên là nạn nhân đầu tiên của chính sách xâm lược này. Năm 1653 quân nhà Nguyễn chiếm đóng Kauthara (Nha Trang) và năm 1658 tràn sang khu vực Sài Gòn tức là đất đai của Cao Miên thời đó (Po Dharma (1987, I: 64-66).

Ba mươi chín năm sau ngày thất thủ Kauthara (1653), nhà Nguyễn quyết định nút trọn lãnh thổ Champa còn lại vào năm 1692, thay đổi danh xưng Chiêm Thành thành Trấn Thuận Thành và thành lập phủ người Việt đầu tiên mang tên là phủ Bình Thuận trong biên giới của tiểu vương quốc Panduranga. Ðể trả lời cho chính sách xâm lược này, nhân dân Champa vùng dậy đánh đuổi quân xâm luợc nhà Nguyễn vào năm 1693. Vì không kháng cự nổi, nhà Nguyễn chấp nhận trao trả lại nền độc lập cho Champa vào năm 1694 với điều kiện là Panduranga phải công nhân sự hiện diện của phủ Bình Thuận ở tiểu vương quốc này nhằm quản lý các cư dân Việt sống ở Champa thời đó (Po Dharma, 1987, I: 67-71).

Phủ Bình Thuận là đơn vị hành chánh trực thuộc nhà Nguyễn tập trung các làng xã người Việt nằm rải rác trong lãnh thổ Champa. Sự ra đời của phủ Bình Thuận đã thay đổi hoàn toàn địa bàn dân cư Panduranga thời đó. Vì lãnh thổ này không dành riêng cho dân tộc Champa nữa mà là cả cư dân Việt. Mô hình dân cư quá phức tạp này đã đưa hai cộng đồng Chăm và cư dân Việt đến sự xung đột thường xuyên trong những năm kế tiếp (Po Dharma, 1987, I: 70-71).

Vào thập niên của cuối thế kỷ thứ 18, Panduranga lại trở thành một bãi chiến trường đẫm máu giữa hai thế lực thù địch người Việt, đó là chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thế thì sự sống còn của Panduranga hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của chiến tranh này. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Ðể đền đáp công lao cho một số người Chăm dấn thân vào phong trào chống Tây Sơn, Gia Long quyết định tái lập lại vương hiệu Panduranga và phong cho Po Saong Nhung Ceng, một chiến sĩ gốc người Chăm (tức là tổ tiên của Bà Thềm ở Phan Rí) đã từng theo ông trong buổi ban đầu chống quân Tây Sơn, lên làm vua của tiểu vương quốc này (Po Dharma (1987, I: 83-99). Và Po Saong Nhung Ceng cũng là vị vua cuối cùng nằm trong danh sách của Sakkaray Dak Rai Patao.

Những biến cố mà chúng tôi đã nêu ra đã cho độc giả thấy rằng Panduranga có một quy chế chính trị và quân sự rất là đặc biệt trong quá trình lịch sử của Champa. Dù rằng đã mấy lần vùng dậy chống triều đình trung ương để đòi nền tự trị ở miền nam, xuất quân đánh đuổi kẻ xâm lược Cao Miên ra khỏi Vijaya ở miền bắc, gởi cả phái đoàn ngoại giao sang triều cống Trung Hoa như một quốc gia độc lập, có vua chúa và quân đội riêng, Panduranga vẫn là một đơn vị hành chánh của Champa. Nhưng đơn vị hành chánh này không thể hiểu là một “Tỉnh” của Champa như một số người thường hiểu lầm từ ngày ra đời tác phẩm của Dorohiêm và Dohamide vào năm 1965, mà là một tiểu vương quốc nằm trong liên bang Champa. Dựa vào yếu tố chính trị và hành chánh này, các nhà khoa học thường định nghĩa rằng Champa không phải là một quốc gia thống nhất và tập quyền như thể chế Việt Nam, mà một vương quốc liên bang. Ðây là một thể chế thông dụng mà người ta còn thấy ở liên bang Mã Lai hôm nay tập trung 9 tiểu vương quốc (Dupuis, 1972) hay liên bang Lào trong thời phong kiến tập trung 4 tiểu vương quốc như Luang Prabang, Vientian, Xieng Khoang và Champasak (Saveng Phinith, 1987: 6).

Kể từ năm 1905, thể chế liên bang Champa đã trở thành một yếu tố lịch sử mà không ai có thể chối cãi được, ngoại trừ ba nhà nghiên cứu duy nhất trên thế giới đó là Lương Ninh, Dohamide và Dorohiêm. Trong bài viết của Lương Ninh xuất bản vào năm 2004, tác giả cho rằng «nếu đem lý thuyết Mandala (liên bang) áp dụng ở Champa, thì tác giả chỉ đồng ý một nữa›› mà thôi. Ðây là lối lý luận khập khiễng. Ngược lại, Dohamide và Dorohiêm thì phủ nhận hoàn toàn thể chế liên bang Champa trong tác phẩm Bangsa Champa xuất bản vào năm 2004. Không cần đưa ra một nguồn tư liệu nào để minh chứng cho quan điểm của mình, Dohamide và Dorohiêm tự phỏng đoán rằng vương quốc Champa hợp thành một cơ cấu quốc gia thống nhất. Chúng tôi khỏi bàn quan điểm này, vì đây chỉ là lối suy diễn dựa vào cảm hứng riêng tư và lý luận phi khoa học của Dohamide và Dorohiem mà thôi.

Một khi đã công nhận Panduranga không phải là một “Tỉnh” của Champa như Dohamide và Dorohiem đã hiểu lầm từ năm 1965, mà là một tiểu vương quốc trong liên bang Champa, thế thì Panduranga cũng có quyền hưởng được quy chế pháp lý để có một biên niên sử riêng của mình, đó Sakkarai Dak Rai Patao. 

Nội dung của biên niên sử 

Trong thư viện của Pháp hiện còn lưu trữ 12 dị bản khác nhau của tác phẩm Sakkaray Dak Rai Patao. Trong tổng số này, có 10 dị bản viết bằng tiếng Chăm ở Việt Nam và 2 dị bản viết bằng tiếng Chăm ở Cao Miên.

Sakkaray Dak Rai Patao viết bằng chữ Chăm Cao Miên cho rằng đây là biên niên sử của Nagar Panang-Panik, tức là biên niên sử của tiểu vương quốc nằm trong khu vực Phan Rang và Phan Rí, hay là  Panduranga. Ngược lai, Sakkaray Dak Rai Patao viết bằng chữ Chăm Việt Nam chỉ ghi rằng đây là biên niên sử Patao Chăm (vua chúa Chăm), nhưng không cho biết rõ Patao Chăm này thuộc về Panduranga hay vua chúa Champa đóng đô ở Vijaya.

Nếu nói rằng Sakkaray Dak Rai Patao là biên niên sử của liên bang Champa thì không thể chấp nhận được. Vì rằng, hầu hết các lai lịch, “nghĩa trang” thuộc dòng thân mẫu (Kút) và đền tháp của vua chúa trong Sakkaray Dak Rai Patao đều nằm ở khu vực Phan Rang và Phan Rí hôm nay. Ðiều đáng chú ý nữa đó là các thủ đô như Bal Sri Banây, Bal Hanguw, Bal Anguai, Bal Batsinâng, Bal Pangdarang đều nằm trong lãnh thổ của Panduranga. Các danh xưng của vua chúa trong Sakkaray Dak Rai Patao đều khởi đầu bằng cụm từ «Po», như Po Romé, Po Klaong Haluw, v.v. chứ không phải khởi đầu bằng cụm từ «Jaya, Sri›› như Jaya Indravarman, Sri Sinhavarman, v.v. được sử dụng bởi các vua chúa liên bang Champa đóng đô ở Vijaya. Thêm vào đó, người ta chưa bao giờ tìm thấy một bản văn nào viết bằng Akhar Thrah Chăm phát xuất từ khu vực Panduranga lại nhắc đến một số kỷ niệm xa xưa ở khu vực Champa miền bắc (từ Bình Định cho đến Quảng Bình), ngoại trừ vài danh từ địa phương như Huê (tức là Huế), Mbin Ngai (tức là Quảng Ngãi), v. v., vì rằng các địa danh này chỉ xuất hiện trong văn chương Chăm vào thời Nguyễn mà thôi. Chính vì thế, một số người Chăm cho rằng Harek Kah Harek Dhei dùng trong bản văn Chăm nằm ở Quảng Bình là hoàn toàn phi khoa học, vì địa danh này chỉ nằm ở khu vực Aia Ru (tỉnh Phú Yên) tức là địa đầu của tiểu vương quốc Pan

Be the first person to like this.