• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On January 27, 2012
116 views

Phật ra đời tại miền Bắc ấn Độ vào thế kỉ V Tr. CN do Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) đã đạt đến “giác ngộ”. Đức Phật nhập cõi Niết Bàn, chân lí sau cùng để qua đó con người được giải thóat khỏi vùng tái sinh, ông trở thành Đức Phật và dạy cho người khác con đường thoát khỏi tái sinh và khổ đau.

 

Lời mở đầu:

Phật ra đời tại miền Bắc ấn Độ vào thế kỉ V Tr. CN do Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) đã đạt đến “giác ngộ”. Đức Phật nhập cõi Niết Bàn, chân lí sau cùng để qua đó con người được giải thóat khỏi vùng tái sinh, ông trở thành Đức Phật và dạy cho người khác con đường thoát khỏi tái sinh và khổ đau. Vào khoảng năm 480 Tr. CN đạo lí của Ngài bắt đầu được truyền bá trong vùng lưu vực sông Hằng (Gangze). Từ thế kỉ III đến thế kỉ II Tr. CN, đạo Phật đã thịnh hành khắp ấn Độ, việc truyền bá Phật giáo được đẩy mạnh một cách mãnh liệt dưới thời A Dục Hoàng đế (Asoka), một nhà vua mộ đạo, và dưới thời của Hoàng tử Krishna. Tuy nhiên, Phật giáo đạt đến đỉnh cao thịnh vượng ở ấn Độ vào thế kỉ VII, rồi suy tàn bởi cuộc xâm lăng tàn khốc của người Islam giáo (Muslim) vào thế kỉ XIII. Từ đó, nó bị ấn Độ giáo (Hinduism) lấn lướt, chỉ còn vùng Nepal và Ceylon (Sri Lanka) còn tồn tại dưới hình thức yếu ớt và có phần phai nhạt.

Phật giáo cũng trải qua nhiều cuộc phân liệt. Nhưng cuộc phân liệt lớn nhất xảy ra vào thế kỉ I SCN. Lúc ấy, nó bị chia thành hai giáo phái lớn Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông như lịch sử đã ghi nhận.

Phái Nam tông thịnh hành ở miền Nam ấn Độ, về kinh tạng và lối tu hành còn giữ nhiều quy chuẩn nguyên thủy của đạo Phật, nên còn gọi là Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada). Phái này hiện thịnh hành ở Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Cămpuchia, Lào và một số tỉnh miền Nam Việt Nam, nơi có người Khmer sinh sống. Phái Bắc tông vốn thịnh hành ở phía Bắc ấn Độ và được biến cải rất nhiều. Phái này truyền sang các quốc gia và khu vực như Nepal, Tây TạngMông Cổ, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Hình tượng Bồ Tát trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa

Qua nghiên cứu về tiếu tượng học (iconography), chúng tôi rút ra một số  đặc điểm về nghệ thuật tạc tượng Phật giáo sau đây: đạo Phật không có một kiểu mẫu nhất định nào về hình tượng Đức Phật và các vị Bồ Tát. Tiếu tượng học Phật giáo chỉ dựa trên những công thức có tính chất địa phương bao trùm lên toàn bộ nền văn hóa á Đông. Ngay tại ấn Độ, quê hương của văn minh Phật giáo cũng có nhiều trường phái nghệ thuật:

- Trường phái Gandhara(1)ở vùng Tây Bắc chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hellénique của Hy Lạp.

- Trường phái Mathura ở vùng trung du sông Hằng

- Trường phái Gupta ở vùng Trung ấn, có nhiều tháp cổ và vết tích còn hiện diện cho đến thời đại của chúng ta.

- Trường phái nghệ thuật Amaravati ở vùng Đông – Nam sông Kishna. Qua những hang động Ajanta ở ấn Độ, hang Bamyan(2)ở Apganixtan, hang Đông Hoàng ở Tân Cương, hang Vân Cương và Long Môn ở Trung Quốc, rồi đến các bàn thờ Nara ở Nhật Bản, chúng ta có thể quan sát và nhận ra những đặc điểm địa phương của tượng Phật và Bồ Tát.

ở Chămpa xưa Bồ Tát (Avalokitesvara) thường được gọi là Lokesvara(3) còn trong một số bia kí thì viết là “Padmapani”, nghĩa là “hoa sen vàng” vốn là vật đặc trưng của vị Bồ Tát này. Tại Trung Hoa, Avalokitesvara được thể hiện trong hình dạng của một vị nữ thần có tên gọi là Quan In, ở Việt Nam gọi là Quan Âm, Nhật Bản gọi là Kouan On. ở Bắc ấn Độ, Bồ Tát là một nam thần, được thờ phổ biến từ thế kỉ II SCN. ở Dakkan có một ngôi điện thờ Ngài trên núi Potalaka (Phổ Đà) rất lớn, tại Sri Lanka, Java, Tây Tạng vị Bồ Tát này được mang tên là Tchemezig và được xem là hiện thân cho Đức Đạt Lai Đạt Ma. ở Đông Dương thời xưa, tín ngưỡng thờ Bồ Tát rất phổ biến nhưng trong văn hóa Cămpuchia thì Bồ Tát là một nam thần, còn Chămpa thì thể hiện Ngài là một nữ thần.

Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chứng minh rằng Phật giáo đã truyền vào Chămpa từ rất sớm, khoảng trong những thế kỉ đầu Công nguyên. Cuộc khai quật khảo cổ ở Quảng Nam – Đà Nẵng do các nhà khảo cổ Pháp tiến hành năm 1944 đã tìm thấy nhiều pho tượng Phật đồ sộ mang phong cách Grandhara. Trong số nhiều phế tích Phật giáo chìm sâu dưới lòng đất đã  tìm thấy nhiều  pho tượng Avalokitesvara, điều đó minh chứng hình tượng Bồ Tát đã có mặt trong cộng đồng cư dân Phù Nam.

ở Chămpa, Lokesvara được thờ phổ biến nhưng không có nhiều tượng lớn lắm. Di tích Đồng Dương ở Quảng Nam là nơi tìm thấy rất nhiều tượng Lokesvara tuyệt đẹp, thuộc thời đại Indravarman II của Chămpa. Những pho tượng này hầu hết được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh và Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm ở Đà Nẵng. Tượng Lokesvara Chămpa thường được thể hiện trong tư thế đứng, cũng có tượng lại thể hiện trong tư thế ngồi, nhưng rất dễ nhận ra vì thường trên cái búi tóc bó cao của Bồ Tát người ta chạm hình của vị Phật Amitabha, tượng chỉ có hai tay, tay trái cầm hoa sen. Các tượng Bồ Tát khác thì ngoài vật cầm tay là hoa sen, còn có chuỗi tràng hạt, bình nước Cam Lồ và quyển Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Hai cánh tay đeo vòng chạm khắc hoa văn rất tinh tế.

Các tượng  thời cổ thường thể hiện Bồ Tát theo những quy chuẩn nói trên và cách thể hiện thì không theo một tư thế nhất định, có tượng thể hiện trong thư thế tọa thiền, có tượng trong tư thế đứng, có tượng trong tư thế đang đi, điều đó gợi cho các học giả một ý nghĩ rằng: phải chăng đây là kiểu tượng của một nhân vật thần hóa. Tượng Lokesvara có nhiều hình dạng khác nhau, thường có từ 2 đến 4 dạng. Đứng trước những pho tượng nhiều tay như vậy, người Châu Âu thường lấy làm lạ mắt. Từ điểm đó người Châu Âu có thể suy nghĩ rằng thần, Phật ở Châu á không mang tính nghệ thuật, hình tượng rất quái dị, vì quan niệm của họ về cái đẹp hoàn toàn khác với người Châu á. Đó cũng là vấn đề dị biệt giữa phương Đông và phương Tây.

Người Châu Âu thường lấy cái đẹp theo quy chuẩn của người Hy Lạp làm tiêu chuẩn, thường có yêu cầu diễn tả cái đẹp phải đúng theo tự nhiên về đường nét và hình thể. Chẳng hạn như cái đẹp của con người được thể hiện qua những đường nét tuyệt mĩ của thần Vệ Nữ Hy Lạp. Tượng của phương Đông hoàn toàn không giống tượng của phương Tây, đó là điều làm cho người Châu Âu khó chịu ngay từ cái nhìn ban đầu cả về cảm giác lẫn lí trí. Thấm nhuần tư tưởng triết lí tôn giáo, các nghệ nhân á Đông thể hiện một tác phẩm nghệ thuật với một ý nghĩa thuần túy bằng trực giác, những cái tượng trưng cho nhà Phật phù hợp với ước vọng và niềm tin của xã hội mà họ đang sống. Sự thể hiện nhiều cánh tay là đại diện cho cái quyền lực vạn năng siêu phàm của Bồ Tát. Hình tượng đó trùng với quan niệm siêu hình của các nhà thần học về quyền năng siêu phàm của Bồ Tát Quán Thế Âm, vì vậy vai trò của người tạc tượng là phải tổng hợp được những cái trừu tượng trong ý nghĩa dân gian. Tượng không phải là một sự trình bày Bồ Tát dưới dạng nhân thần, mà còn là gợi ý cho thiện nam, tín nữ có thể cảm nhận niềm tin thông qua pho tượng. Bồ Tát thể hiện cho tư tưởng “phổ độ chúng sinh”, lẽ ra Ngài đã thành Phật từ lâu, nhưng vì lòng từ bi sâu sắc nên Ngài đã tự nguyện tái sinh thành nhiều kiếp ở trần thế để phổ độ chúng sinh cho những sinh linh tội lỗi. Với lòng từ bi, bác ái của mình, Ngài sẵn lòng bảo vệ chúng sinh thoát khỏi những nạn tai, hỏa hoạn, lụt lội và dịch bệnh .

Nhiều truyền thuyết giải thích về lí do Bồ Tát có nhiều đầu, nhiều cánh tay. Có một truyện kể lại rằng, một hôm Ngài hạ san xuống địa ngục để hoằng pháp cho các linh hồn tội lỗi, với dụng ý giúp họ siêu thoát và đưa họ về miền Tây Thiên cực lạc, nhưng càng thuyết phục thì họ lại càng phạm thêm nhiều lỗi lầm khác. Do suy nghĩ quá nhiều, đầu Ngài vỡ tung thành 10 mảnh. Cảnh tượng ấy làm cho Đức Phật A Di Đà, thầy của Ngài trên thượng giới vô cùng xót thương nên hóa phép biến cho Ngài thành nhiều đầu, do vậy mà tượng Quan Âm có nhiều đầu, có khi lại có nhiều mắt, nhiều tay. Có trường hợp trong mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt, đó cũng là cách mà Ngài có thể nhìn khắp nơi để cứu vớt loài người thoát khỏi bể khổ trầm luân. Còn việc có nghìn tay là muốn nói lên rằng Ngài có thể đưa những cánh tay nhiệm mầu đó ra để cứu vớt cho tất cả chúng sinh. Nếu như đi vào nghiên cứu hình tượng Bồ Tát ở Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy Bồ Tát được thể hiện bằng hình hài của một vị nữ thần mà nguồn gốc của nó có thể lấy trong truyện “Nam Hải Quan Âm toàn truyện”. Một truyện không hẳn mang hình thức Phật giáo, cũng không hẳn thuộc về Đạo giáo, mà hình như thuộc về tín ngưỡng dân gian. Truyện ở xứ Hưng Lâm, nằm giữa ấn Độ và Thái Lan, có một nhà vua tên là Diệu Trang, ông có 3 người con gái, hai người chị đã lấy chồng, còn cô út tên là Diệu Sơn quyết đi tu, bị vua cha ngăn cản và sau nhiều thử thách, cô được Ngọc Hoàng phong làm Bồ Tát. Người Trung Quốc quan niệm rằng Quan Âm ngự trên núi Phổ Đà (Potalaka), nằm ngoài biển Nam Hải nên bà cũng được thờ phổ biến trong giới ngư dân. Trung Hoa và Nhật Bản có đến 30 kiểu tượng khác nhau về Quan Âm và cả hai nơi này đều có một quan điểm chung là thể hiện Quan Âm trong hình hài của một vị nữ thần. Các nhà tu hành cũng biết được truyền thuyết của ấn Độ và cũng biết Quan Âm nguyên thủy vốn là một vị nam thần nhưng việc biến Ngài thành một người phụ nữ thì ngày nay vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục. ở Tây Tạng có nhiều tượng Quan Âm thể hiện dưới hình hài phụ nữ mang tên là nữ thần Tara. Nữ thần Tara tiêu biểu cho sức mạnh và lòng đại từ, đại bi. Tại Cămphuchia, người ta thường thấy tượng Bồ Tát có 3 mặt, trong đó có một khuôn mặt là phụ nữ. Tượng Bồ Tát Prajnaparmita tiêu biểu cho trí tuệ tuyệt vời, là loại tượng luôn luôn được thể hiện trong tư thế ngồi, búi tóc nhô lên phía trước. Tượng Tara hay Prajnaparmita thường được chạm nổi trong nghệ thuật điêu khắc Khmer.

Nhìn chung Lokesvara của Chămpa chịu ảnh hưởng của trường phái Siva giáo, nghệ nhân đã biết dung hòa và kết hợp yếu tố văn hóa ngoại sinh và văn hóa bản địa để tạo nên một nền văn hóa độc đáo mang phong cách riêng không lẫn lộn với bất cứ một nền nghệ thuật nào khác. Hơn thế nữa là sự thờ kính Thiên – Vương, sự đồng hóa một kẻ cầm quyền với Thượng Đế được dùng để nâng đức vua lên đến địa vị thần thánh. Đây là sự phối hợp tuyệt vời giữa thần quyền với thế quyền trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Sự sáp nhập giữa hoàng triều và thần linh thậm chí còn được thể hiện lên các bức chân dung của Bồ Tát qua việc gắn thêm châu báu và vương miện vào các pho tượng này.

Một trong những  nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Chămpa là khuynh hướng thiên về hình thể đầy đặn và có ba chiều. Đây là điểm khác với ấn Độ là nơi mà đa số các công trình kiến trúc trên đá đều là phù điêu cao, các bức tượng lớn được tạc theo khuôn mẫu thống nhất ở tất cả các phía. Ta có thể tìm thấy đặc điểm này ở Cămpuchia vào thế kỉ VI, rồi sau đó nó ảnh hưởng sang Thái Lan, Java và một số vùng khác. Các pho tượng thời kì sau này là những tác phẩm gây ấn tượng nhất về hình tượng ba chiều của chúng. Ngoài ra theo ghi chép của sử liệu Trung Hoa thì vùng đất của Chămpa có nhiều vàng, đó cũng là lí do tại sao giới khảo cổ còn phát nhiều tượng vàng nằm rải rác khắp nơi ở dải đất Miền Trung ngày nay.

Bá Trung Phụ(*)

Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo

_____________________

*. Nhà nghiên cứu, Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh.

1. Louis Malleret. Tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc Phật giáo và Bà La Môn giáo ở Đông Dương. Tài liệu đánh máy lưu trữ tại BTLSVN, do Đào Từ Khải dịch, 1968.

2. Robert E.Fisher. Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo. Nxb Mỹ Thuật, Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Tuấn dịch, 1996.

3. Meher Mcarthur. Tìm hiểu mĩ thuật Phật giáo. Nxb Mỹ Thuật, Phan Quang Định dịch.

Be the first person to like this.