Blogs
Categories
I. Nguồn gốc của người Chăm Islam ở Châu Đốc - An Giang
NC News - Mỗi khi nói về dân tộc Chăm, không ít người trong chúng ta lại thắc mắc: Vì sao lại có người Chăm ở Châu Đốc, trong khi vương quốc Chăm của họ lại ở miền Trung Việt Nam?
Quay lại lịch sử, với những biến cố chính trị xã hội, người Chăm từ niềm Trung di cư sang Campuchia rồi ngược về Châu Đốc và tạo nên cộng đồng Chăm ở đấy cho đến tận bây giờ.
Sự xuất hiện của người Chăm ở Campuchia
Theo các cổ thư của Trung Quốc, thì từ năm 190, một người tên là Khu Liên (1) thuộc vùng Tượng Lâm (2) đã kêu gọi nhân dân trong vùng đứng lên chống lại sự cai trị hà khắc của nhà Hán. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Khu Liên đã thành lập một vương quốc tên là Lâm Ấp (3) vào năm 192, mà sau này chính là vương quốc Champa, cát cứ ở miền Trung Việt Nam. Vào bấy giờ, miền Nam vẫn còn thuộc vương quốc Phù Nam.
Qua sử liệu của Trung Quốc, ta thấy được vương quốc Champa đã có sự hình thành và phát triển từ rất sớm, còn trước cả nước Đại Việt (Việt Nam) gần 8 thế kỷ. Tuy nhiên, do chiến tranh mà vương quốc Champa dần dần biến mất, sát nhập vào lãnh thổ chung của Việt Nam và trở thành một bộ tộc không thể tách rời trong hơn 54 dân tộc anh em tại Việt Nam.
Và, cũng chính bởi chiến tranh, mà khốc liệt nhất là cuộc chiến năm 1471, người lãnh đạo nước Đại Việt - vua Lê Thánh Tông - đã tiêu diệt gần như hoàn toàn vương quốc Champa, ở đây chính là địa bàn vương quốc Vijaya có kinh thành Đồ Bàn. Số thì bỏ mạng ngoài sa trường, số thì bị bắt làm tù binh. Và trong đó, có rất nhiều người vượt lên trên Tây Nguyên, qua khỏi vùng Kontum ngày nay, chạy sang nước Chân Lạp (nay là Campuchia) để cư trú. Đợt tị nạn đông nhất có ghi rõ số lượng là vào năm 1692, khi Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đánh chiếm vùng Khánh Hoà (Kauthara). Sử liệu Khmer đã ghi lại: có khoảng 5000 gia đình người Chăm đã băng rừng, vượt núi để đến Chân Lạp xin tị nạn.
Vào năm 1833, nhân việc con nuôi của tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi (4) nổi dậy đánh chiếm thành Phiên An (thành Gia Định cũ). Trong cuộc nổi dậy này, Lê Văn Khôi đã dựa vào một thế lực rất lớn từ cộng đồng người Chăm, lúc này đang được hưởng quyền tự trị. Đến năm 1835, cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi bị dập tắt. Vua Minh Mạng đã cho thi hành những chính sách hà khắc đối với người Chăm: phân biệt đối xử với những ai đã theo cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi; xoá bỏ quyền tự trị của trấn Thuận Thành (Panduranga). Dân số Chăm định cư tại Chân Lạp đông lên. Không chỉ định cư tại Chân Lạp, người Chăm còn di cư sang cả nước Xiêm La (Thái Lan bây giờ).
Sự xuất hiện của người Chăm ở An Giang
Thời vua Minh Mạng, nhờ sự tài giỏi về quân sự, vị vua này đã khiến các nước phiên bang như Ai Lao (Lào ngày nay), Chân Lạp đều thần phục Việt Nam và phải chịu sự bảo hộ của Việt Nam. Tuy nhiên, sự bảo hộ này bị một số người Khmer thân Xiêm La chống đối. Mãi đến thời vua Tự Đức (năm 1854), sau khi Khmer nhờ quân Xiêm La đuổi quân Việt ra khỏi lãnh thổ, đồng thời dùng chính sách bài Việt và cứng rắn với người Chăm, quyền tự trị của người Chăm tại một số tỉnh của Chân Lạp như Kompong Cham bị bãi bỏ.
Nhiều chức sắc cao cấp của cộng đồng Chăm tại đây nổi lên, vì không muốn bị đồng hoá với người Khmer. Năm 1858, người Chăm đã nổi dậy chống lại Hoàng Gia Chân Lạp là vua Ang Duong. Lấy viện cớ này, vua Ang Duong mang 10.000 quân đến càn quét bộ tộc Chăm và giết chết nhiều thủ lãnh người Chăm. Tuyên án khổ sai cho 6000 người khác. Một thủ lãnh Chăm dẫn hàng ngàn người Chăm khác đến Châu Đốc để xin nhà Nguyễn tị nạn. Họ chia làm 7 làng Chăm. Địa thế không liền nhau, nhưng cùng nằm dọc theo hai bên bờ sông Cửu Long trải đến giáp với Campuchia.
Còn có một nhóm nhỏ khác theo ông hoàng Pôchecoc về định cư ở vùng Tây Ninh. Được sự chấp nhận và cho phép mở mang khai khẩn và buôn bán làm ăn.
Người Chăm ở An Giang chủ yếu làm nghề chài lưới trên sông, vì vốn từ cổ xưa cha ông họ là những người sống trên biển rất tài giỏi. Và một phần do vùng đất ở đây không có nhiều đất đai để canh tác.
Sau biến cố 30/4/1975, có khá nhiều người Chăm ở Châu Đốc, Tây Ninh vì trốn sự hà khắc và cai trị độc tài đã liều mình chạy qua Campuchia để làm mồi cho bọn Khmer Đỏ, cũng như là bọn cướp. Phần bị giết, phần bị lột sạch tiền của. Rồi từ Campuchia trốn sang biên giới Thái Lan để xin tị nạn chính trị. Số người trốn đi hiện nay cư ngụ tại nhiều bang trên đất Mỹ.
II. Đời sống của người Chăm Islam Châu Đốc
Kể từ khi được phép của triều Nguyễn, các làng Chăm mọc lên định cư rải rác nằm dọc theo hai bên bờ sông Hậu, trải dài đến giáp biên giới Campuchia. Có tất cả 7 làng Chăm Châu Đốc: Koh Taboong, Mat Chruk, Koh Kaboak, Plây Kênh, Plao Ba, Koh Kaghia, Sabâu, tương ứng với các địa danh tiếng Việt là Châu Giang, Đa Phước, Châu Phong, Lama, Vĩnh Tường, Bún Lớn, Bún Bình Thiên, Đồng Cô Kỵ. Hiện nay, có khoảng 13.700 người Chăm Islam tại đây với khoảng 2100 hộ, cũng dần thích nghi với cuộc sống mới. Tuy nhiên, những nét văn hoá đặc trưng của tín đồ theo đạo Islam không vì thế mà bị biến dạng hay hoà tan theo xu hướng hoà nhập cùng thời đại.
Trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX, bộ tộc Chăm theo đạo Islam ở Châu Đốc sống một cuộc sống khép kín, ít khi giao tiếp với bên ngoài, nên chỉ có một số ít người biết được tiếng Việt. Một phần là vì vào thời buổi bấy giờ, hệ thống giao thông đường bộ chưa được phát triển, mở mang như sau này, nên đại đa số người dân chỉ lưu thông bằng đường thuỷ. Những con tàu chạy bằng hơi nuớc, những chiếc ghe chành (“ghe chài” theo tiếng địa phương) là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Bên cạnh đó là sự bài bác âm thầm trong cộng đồng đối với những người giao du với người Việt, học theo thói xấu uống rượu, hút thuốc, nhảy đầm… theo phong cách phương Tây, nó nằm trong các Haram (5) của kinh Koran.
Chỉ cách nhau độ khoảng 100m, nhưng dường như giữa bên này sông - thôn xóm của người Chăm, và bên kia sông - đô thị của người Việt, đã có một khoảng cách rất lớn nếu xét về cơ sở hạ tầng cũng như đời sống dân chúng. Một bên là nhà cao cửa rộng, những mái nhà ngói đỏ, lợp tôn với đủ màu sắc khác nhau. Còn một bên là những mái lá nhà sàn, cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người, mặt tiền nào cũng có một cầu thang rắn chắc bằng gỗ, và bên trong hầu như không có bàn ghế, nên khi có khách đến thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm, để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Nhà cửa phần lớn sát vào nhau, và cả làng dường như không có nhà nào trồng quả.
Và khác với người Việt bên kia sông, người Chăm bên này theo mẫu hệ.
Đời sống văn hóa
Người Chăm Islam tại đây, đàn ông lớn nhỏ phải để tóc ngắn và khi tham gia sinh hoạt cộng đồng trong làng phải đội nón nỉ màu đen dành cho người nhỏ tuổi, còn người lớn hơn đội nón màu trắng. Những người ở xa về quê, nếu để tóc dài sẽ nhận sự đàm tếu từ làng xóm, cho đó là sự thiếu đứng đắn, nhận được sự bài xích từ cộng đồng, có khi gia đình bị lên án thậm tệ.
Còn đối với phụ nữ già trẻ, khi ra đường phải đội khăn phủ đầu, nếu không muốn bị đánh giá là không tốt. Nhưng chiếc khăn đội bỏ xuôi xuống hai bên màng tang, để được vắt lên trong lúc làm việc, chớ không bắt chước theo kiểu dáng hoàn toàn che bó lại chỉ chừa hai con mắt như người Arap. Người Chăm Islam thường vận Sà-rong quấn quanh mình, dài đến gót chân.
Ngôn ngữ họ sử dụng không phải tiếng Việt mà là tiếng Chăm cách tân, có ảnh hưởng ít nhiều với tiếng Khmer và tiếng Mã Lai. Nói “tiếng Chăm cách tân” là để tránh sự hiểu lầm như của một số người rằng ngôn ngữ của người Chăm sử dụng là ngôn ngữ Mã Lai và người Chăm hiện nay đang cư ngụ tại Châu Đốc là do di cư từ Mã Lai sang.
Người Chăm Châu Đốc có tập tục ăn bốc, đây là một điều rất xa lạ đối với người Việt, nếu không có những hiểu biết về văn hoá thường xảy ra tình trạng coi thường tập tục này. Trước khi ăn phải rửa tay, chỉ sử dụng ba ngón giữa và ngón cái của bàn tay phải để đưa cơm vào miệng, trong khi bàn tay trái chỉ để cầm những gì dơ bẩn.
Khi nói đến cuộc sống đời thường của người Chăm Châu Đốc, người ra không thể bỏ qua một lễ hội truyền thống đua ghe Ngo (6), mà xuất xứ quan hệ mật thiết với ngành nghề đi biển truyền thống của vương quốc Champa xa xưa, ngày nay đã hoàn toàn biến mất trong sinh hoạt của người Chăm Phan Rang - Phan Rí.
Đối với khách du lịch thập phương, món đặc sản của người Chăm Châu Đốc chính là món Tung Lò Mò, nó chính là Lạp xưởng nhưng được làm bằng thịt bò.
Đời sống tâm linh
Đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Chăm Châu Đốc gắn liền với nguyên lý tôn thờ một thượng đế là Allah. Điều đó đã chế ngự hoàn toàn cuộc sống văn hoá của người dân. Nó vô hình chung đã tạo thành mặc cảm và định kiến đối với nề nếp đời sống không phải Islam. Họ có khuynh hướng như phải thu mình lại để bảo tồn những gì mình hiện có trong phạm vi thôn ấp.
Mỗi ngày, người Chăm Islam cầu nguyện 5 lần, bắt đầu khi trời vừa rạng sáng, trưa ngọ, xế chiều, chạng vạng và trở về khuya và mỗi lần như vậy họ lại đến các thánh đường trong làng để cầu nguyện, mặt quay về hướng Tây, là hướng về Thánh Địa Mecca, một địa điểm linh thiêng với người theo Islam.
Theo giáo lý Islam, không có hệ thống giáo phẩm hoặc giáo sĩ chuyên nghiệp, vì mọi người tin rằng ai nấy cũng bình đẳng như nhau, chịu trách nhiệm trước Đấng Tạo Hoá với những việc làm bản thân mình ở thế gian này. Tuy nhiên, việc điều hành sinh hoạt trong thôn làng gắn liền với với các giáo đường (masjid). Trên thực tế, có một hệ thống chức sắc điều hoà sinh hoạt tại các thôn làng:
Hakim là một vị đứng đầu xóm đạo, chịu trách nhiệm đối ngoại và điều hành tổng quát mọi việc nội bộ xóm làng liên quan đến Islam;
Na-ib là vị phụ tá của Hakim, thay thế Hakim khi vị này đi vắng;
Ahly là một chức năng lãnh đạo cao cấp Puk (ấp, xóm). Các puk nằm xa thánh đường (masjid) trung tâm thường thiết lập cho riêng mình một cơ sở kiến trúc quy mô nhỏ hơn masjid, gọi là surao, để dân chúng còn có nơi tham gia lễ nguyện tập thể hằng ngày và chỉ đến masjid vào những ngày thứ sáu hoặc những ngày lễ trọng đạo hằng năm.
Trong hệ thống đạo, còn có một vài chức năng khác nhau gắn liền với giáo đường là:
Ông Imam là một vị có hiểu biết sâu rộng về giáo lý và thuộc lòng kinh sách, đứng ra hướng dẫn các lễ nguyện cầu tập thể;
Ông Khotib là người cũng như Imam nhưng trách nhiệm chỉ vào ngày thứ sáu hoặc ngày lễ Raya;
Ông Bilal cũng vậy, là người đảm trách xướng kinh, kêu gọi bổn đạo đến dâng lễ nguyện tập thể sau hồi trống;
Ông Seak là người trông nom thánh đường, giống như ông từ ở các chùa người Việt (yuon theo tiếng Chăm).
Trong đời sống văn hoá - tín ngưỡng, Haram Islam (những điều cấm kỵ của Thiên Kinh Co-ran) đã nối kết con người họ với nhau, cùng đi đến thành đường vào ngày thứ sáu, nam một bên và nữ một bên. Dạy dỗ con cái cũng từ kinh Co-ran, người học thuộc kinh Co-ran mới được xem là có đức độ trong xã hội, cùng nhau bảo vệ những truyền thống tốt đẹp giữ gìn bấy lâu nay. Bên cạnh đó, cũng bởi vì những Haram nên họ khó có thể tiếp xúc với người Kinh, do có sự dị biệt về tín nguỡng cũng như cách sinh hoạt hàng ngày trong đời sống.
Tục lễ cưới hỏi
Trong các trật tự về tôn ti, giới trẻ lúc nào cũng phải giữ phong cách khép nép, kính trọng người lớn, nên chỉ có trông vào lễ cưới thì mới được vui đùa thoải mái. Trai gái chỉ có thể quen biết mặt nhau qua tập tục giao lưu được tổ chức vào ban tối giữa xóm trên và xóm dưới, có những người lớn dẫn đường, đến những nhà ngỏ ý mời. Nhân dịp này, các bậc cha mẹ thường sắp xếp cho con trai muốn cưới vợ, trước giờ cô gái đến, lên núp yên lặng trên gác để từ đó, nhìn mặt ý trung nhân được nhận ra do sự thoả hiệp với các cụ già đến ngồi trước mặt cô gái đó.
Trong đám cưới, ở bên đàng gái cũng như bên đàng trai hầu như chẳng ai mời gọi ai, giới thanh niên đều tự động xúm lại giúp trang hoàng nhà cửa. Bên nhà gái, việc trang hoàng được thực hiện bên gian trong, gian dành cho nữ giới, còn gian ngoài dành để tiếp khách nam giới. Ngược lại, bên nhà trai thì trang hoàng gian ngoài, gian dành cho nam giới, còn nữ giới thì đều tập trung ở gian trong.
Đám cưới được diễn ra trong ba ngày: Ngày nướng bánh (Âm-Ha), ngày nhóm họ (Pa Thưng-Pa Gú), ngày lễ lên ghế. Nhà trai đưa rể sang nhà gái. Khi chú rể bước xuống cầu thang nhà mình, mọi người hát: “Xin cha mẹ tha thứ, con từ giã cha mẹ”. Khi chú rể bước tới chân cầu thang nhà gái, các bà đàng gái bưng nước rửa chân cho chú rể, trong lúc mọi người hân hoan hát vang bài hát rửa chân, và trải khăn trắng mời chú rể bước vô nhà.
Lễ đính hôn cũng rất đặc biệt. Sau khi một người có uy tín đọc xong đoạn kinh Coran nhắn nhủ chú rể tôn trọng người bạn đời thì cha cô dâu cầm tay chú rể nói: “Tôi gả đứa con gái tên là…”. Chú rể đáp: “Tôi nhận cưới...”. Khi được đưa vào phòng cô dâu, chú rể sẽ gỡ cây trâm cài trên tóc vợ, rồi cùng ngồi trên giường lắng nghe vị Imam cầu nguyện.
Trong bữa cơm của đôi tân hôn, có một đĩa cơm, một đĩa thức ăn. Bốn phụ nữ có gia đình cùng nói lời chúc mừng đôi vợ chồng trẻ và mọi người sẽ cùng bốc ăn chung. Trước lễ động phòng hoa chúc (Sen Thoa), bốn phụ nữ ấy giăng mùng, trải chiếu tiến hành lễ “lượm bạc cắc”. Người ta đặt một xô nước trong đó có 10 đồng bạc cắc.
Hai vợ chồng thò một bàn tay vào một lượt để mò bạc cắc. Ai lượm số bạc cắc nhiều hơn thì được có tiếng nói quyết định trong gia đình.
Tập tục đưa rể về nhà cô dâu không có nghĩa là người con trai lấy vợ sẽ theo chế độ ở rể, lệ thuộc vào nhà vợ. Sự thực đám cưới của người Chăm Châu Đốc chỉ có nghĩa kết hợp xây dựng vợ chồng. Hai vợ chồng trẻ thường được thu xếp cho sống trong một gian của ngôi nhà cha mẹ để làm ăn một thời gian, đến khi có tiền bạc thì sẽ cất một ngôi nhà ra riêng, chớ không sống chung trong gia đình cha mẹ vợ.
Những nét văn hóa đặc sắc này góp phần tạo nên đa sắc màu trong 54 dân tộc anh em Việt Nam.
Chú thích:
(1), (2), (3): Là các tên dựa theo các cổ thư của Trung Hoa nói về quá trình hình thành Champa.
(4): Lê Văn Khôi vốn là thổ phỉ ở Cao Bằng, trước là họ Bế, rồi đổi thành họ Nguyễn Hữu Khôi. Vì chống lại triều đình nên bị triều đình truy sát gắt gao, ông phải chạy vào Nam và đầu hàng Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt thấy ông là người giỏi võ, nên nhận làm con nuôi, đổi tên thành Lê Văn Khôi, cho Lê Văn Khôi làm chức phó vệ úy.
(5): Đua ghe Ngo là lễ hội của người Chăm Islam tại Châu Đốc. Xuất xứ của nó vốn có quan hệ mật thiết với ngành nghề đi biển truyền thống của quốc gia Champa thời xưa. Hiện nay, coi như đã hoàn toàn biến mất tại Phan Rang - Phan Rí.
Với người Chăm Châu Đốc, đua ghe Ngo là một sở trường. Người Việt và người Khmer cũng có đua ghe nhưng các tay đua thường ngồi chứ không đứng như các tay đua người Chăm. Đây là một dịp cho người Chăm các làng cùng chèo ghe đưa gia đình về xem và yểm trợ tinh thần chiếc ghe Ngo của làng mình.
Ghe Ngo vốn là cách gọi của người Khmer. Có thể trong quá trình sinh sống trên đất nước Campuchia, do sự lai tạp trong ngôn ngữ, nên người Chăm Châu Đốc đã vay mượn ngôn ngữ này của người Khmer. Ghe Ngo là một loại xuồng độc mộc, làm bằng thân cây khoét sâu trũng, mũi và lái vút lên cao.
Thanh Tú©
Tạp chí Phía Trước
Nguồn: ketnoibanbe.org, Tác giả: HanParis
Be the first person to like this.