• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On February 4, 2012
508 views

Mỗi lần nhắc tới Châu Đốc, cư dân miền Tây Nam Phần không ai là không biết phía bên kia bờ sông Hậu Giang, đối diện với thị xã Châu Đốc có làng người Chăm mà người dân ở đây gọi nôm na là “Chà Châu Giang”. Mà nói gì người dân quê mùa dốt nát không biết chữ thì gọi như vậy đã đành, ngay như sách vở của Sơn Nam hay của nhiều nhà khác khi viết về Châu Đốc cũng gọi như vậy .

“Tình thế loạn lạc ở Cao Miên thúc đẩy những người Mã Lai cư ngụ tại U Đông di cư xuống vùng biên giới Châu Đốc, họ kết hợp với người Chăm từ Bình Thuận tràn qua. Nhờ điểm tương đồng về tôn giáo (Hồi Giáo), họ trở thành nhóm “Chà Châu Giang” (tỷ lệ mã Lai 1 phần 10, Chăm 9 phần 10) đã từng phục vụ đắc lực trong quân đội triều đình Minh Mạng. Trung tâm cư ngụ quan trọng nhất của họ là vùng Châu Giang (đối diện chợ Châu Đốc), cù lao Cỏ Tầm Bon. Họ được Triều đình thừa nhận, phân ra chin đội đồn điền, do quan Hiệp quản người Chà Châu Giang cai trị “(1)

Cách gọi mang tính chung chung mhư vậy, lâu dần thành quen miệng, rồi bận lo việc cày bừa, chẳng mấy ai quan tâm nguồn gốc người Chà này từ đâu và cũng chẳng ai biết hay để ý tìm kiếm tài liệu ở đâu về các làng người Chăm này! May sao, qua trang nhà Thatsonchaudoc.com, tôi đã đọc được bài “Từ một thôn ấp khép kín” trích trong cuốn “Bangsa Champa, tìm về cội nguồn cách xa” của hai tác giả Dohamide và Dorohiêm (2), tôi mới vở lẽ ra nhiều điều và tôi cố đi tìm mua cuốn sách này về đọc thử.

Thiết tưởng, trước khi đi vào tập sách này, xin được nhắc qua về tiểu sử của các tác giả. Ông Dohamide, dân tộc Chăm, có tên Việt là Đỗ Hải Minh, là nhà nghiên cứu về người Chăm vùng đồng bằng sông Cửu Long, sanh năm 1934 tại làng Koh Taboong tức làng Cỏ Đầm Bôn, Châu Đốc, Tây Nam Phần Việt Nam. Ông tốt nghiệp Thủ khoa Ban Cao Nguyên năm 1958 và Ban Đốc Sự Hành Chánh, Học viện Quốc gia Hành chánh , Sài Gòn, năm 1963. Ngoài ra, ông còn tốt nghiệp bằng Thạc sĩ về Chánh trị học, trường Đại học Kansas, Hoa Kỳ, năm 1967, và là Sáng lập viên Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam năm 1959. Khi viết sách báo ông còn ký các bút hiệu khác như Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang.

Riêng ông Dohoriêm, dân tộc Chăm, sinh năm 1937 tại làng Koh Taboong là bào đệ của tác giả Đỗ Hải Minh. Tốt nghiệp Thủ khoa Ban Cao Nguyên năm 1960 và tốt nghiệp Ban Đốc sự, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sài Gòn năm 1967. Ngoài ra, ông Dohoriêm còn được đi tu nghiệp tại các Đại học Sussex (Brighton), Anh Quốc và Đại học Nông Nghiệp Philippines, Đài Loan. Tác giả Dohoriêm còn là Chuyên viên văn hóa giáo dục các sắc tộc thiểu số và là Sáng lập Ban Văn nghệ Chàm Hoa Phượng. Khi viết văn, làm thơ ông ký bút hiệu Giang Châu Giang, Chế Liêm. (3)

Trở lại tác phẩm biên khảo “Bangsa Champa, Tìm về cội nguồn cách xa” của hai tác giả Dohamide và Dohoriêm, dày 384 trang, ngoài các phần giới thiệu và “Thay lời kết’, quyển sách bao gồm các nội dung chính sau đây:

Phần I : Hành trình tìm về một cội nguồn cách xa, bao gồm các đề tài:

1/ Khái niệm cội nguồn Bangsa.
2/ Từ một thôn ấp khép kín.
3/ Nỗi ray rứt thuở thiếu thời.
4/ Malayu hay Chăm ?
5/ Ghi chép buổi đầu về Champa.
6/ Về vùng đất cội nguồn.
7/ Ugama và Bangsa.
8/ Viết về Champa.
9/ Gần cuối chặng đường.

 

Phần II : Biểu hiện Bangsa Champa, bao gồm :

1/ Vài nét khái quát
2/ Cội nguồn dân tộc Champa.
3/ Các thành phần dân tộc Champa.
4/ Nagar Champa.
5/ Tín ngưỡng Champa thời cổ.
6/ Di sản văn hóa Champa.

 

Qua hai phần chính mà chúng tôi vừa lược ghi, đã cho thấy các tác giả đã dầy công sưu tầm và biên khảo rất đầy đủ chẳng những về các làng Chăm vùng Châu Đốc không thôi, mà còn mang lại cho người đọc một kho tài liệu về cội nguồn cùng văn hóa người Chăm từ những nét khái quát đến các khía cạnh khác của đời sống vật chất lẫn tinh thần của một sắc tộc cùng hiện diện trên vùng đất Miền Tây Nam Phần của chúng ta mà ta lại dường như ít được để ý nhất so với vài sắc tộc khác như người Hoa, người Miên, người Thượng.

Xin lấy một ví dụ nhỏ trong Phần I, “Từ một thôn ấp khép kín”, các tác giả đã giải đáp cho người đọc biết bao câu hỏi khó. Chẳng hạn, xưa nay khi nói về người Chăm Châu Đốc, cư dân miền Tây cứ nghĩ chỉ có làng Châu Giang là có người Chăm, nên mới có tên gọi “Chà Châu Giang”. Nhưng thực tế qua các trang sách này, tác giả giải thích khá rành mạch: ”Ngôi làng sanh quán chúng tôi có tên khác lạ đối với ngôn ngữ Việt; làng Koh Taboong, được sách Việt ghi là Cỏ Đầm Bôn, từ thời Pháp thuộc xác định trên các văn kiện hành chánh là KaTamBong. Dịch theo tiếng Chăm Koh có nghĩa là cồn, là cù lao; còn Ta-boong thì là cây gậy, ngụ ý hình dáng của cù lao này giống như một cây gậy .”(4)

Và tác giả viết tiếp: “Koh Taboong là một trong 7 làng Chăm Châu Đốc. Ngoài Koh Taboong là làng chôn nhao cắt rún của chúng tôi, còn có 6 làng người Chăm khác là Mat Chruk, Koh Kaboak, Plây Kênh, Plao Ba, Koh Ghoi, Koh Kaghia, Sabâu, với địa danh Việt tương ứng Châu Giang , Đa Phước, Châu Phong, La Ma hoặc Vĩnh Trường, Bún Lớn hoặc Bún Bình Thiên, Đồng Cô Kỵ …, địa thế không liền nhau, nhưng cùng nằm dọc theo hai bên bờ sông Cửu Long trải dài đến giáp giới với Kampuchea.”(5) Ngoài ra, về tên gọi các tên làng Chăm, tác giả giải thích tiếp: “Phần lớn các địa danh tiếng Chăm kể trên khởi đầu bằng từ “Koh” có nghĩa là cù lao, cho thấy phần lớn các làng Chăm Châu Đốc đều nằm trên các cù lao trên ven sông Cửu Long…”(6)

Mở thêm các trang sách kế tiếp, người đọc sẽ bắt gặp một vương triều Champa ngày xưa với vị vua mà trong dân gian gọi là Patao nắm toàn quyền cai trị cả nước. “Trên nguyên tắc, có hai thị tộc chính đã thay nhau lãnh đạo Champa, mỗi thị tộc có một biểu tượng riêng, Thị tộc Cây cau, mệnh danh là Kramukavamsa; một dòng khác là Thị tộc Cây Dừa, Narikelavamsa.”(7) Các trang sách biên khảo về vương quốc Champa xưa còn nhiều tài liệu qúy báu nữa mà một bài viết ngắn này không thể nào tóm lược cho đầy đủ được, trong đó “Cội nguồn Bangsa Champa” theo các sử liệu của Trung Hoa, theo nghiên cứu ngữ học, theo các kết qủa khai quật cổ học “là những tài liệu có một giá trị đặc biệt "(8).

Nhưng trở lại cái gần với chúng ta nhất, đó là người Chăm Châu Đốc có những gì khác với người Việt ngay tại vùng này? Để trả lời câu hỏi này có lẽ sẽ mời quý vị cùng đọc lại bài “Nỗi ray rứt thuở thiếu thời” của tác giả, qúy vị sẽ được tác giả kể lại cho qúy vị nghe về những ngày thơ ấu của mình phải sống trong “một thôn ấp Chăm khép kín” với biết bao nỗi băn khoăn về nguồn cội của mình cùng nhiều tập tục khác lạ trong đó có tục cưới hỏi, trong nhà không có bàn ghế mà chỉ ngồi trên thảm hoặc trải chiếu, cùng những khác biệt về tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng có lẽ cái nét khác biệt rõ nhứt đó là giữa hai bên có hai nền văn minh khác nhau là người Việt thuộc “nền văn minh ăn đũa” và người Chăm thuộc “nền văn minh ăn bốc “. Và tác giả tiếp: ”Mỗi nền văn minh bao trùm một số dân tộc sanh sống trên một vùng bao rộng của trái đất. Có đi sâu tìm hiểu thì mới biết tập tục ăn bốc là tập tục chung của người Á rập, người Thổ, người Ấn Độ, người Mã Lai, người Nam Dương v.v…”(9)

Về tục cưới hỏi, các tác giả có kể cho người đọc nghe là tục cưới hỏi của người Chăm hoàn toàn khác với tục cưới hỏi của người Việt dù cùng ở bên cạnh nhau tại các làng Chăm Châu Phong, Châu Giang, Cỏ Đầm Bôn …: ”Trong đám cưới, ở bên đàng gái cũng như bên đàng trai, hầu như chẳng ai mời gọi ai, giới thanh niên đều tự động xúm lại giúp trang hoàng nhà cửa... Bên nhà gái, việc trang hoàng được thực hiện bên trong, gian nhà hằng ngày dành cho nữ giới ...” và ngược lại, “bên đàng trai thì trang hoàng trong gian nhà ngoài, gian nhà dành cho đàn ông…” Ngoài ra, bên đàng gái có tục “toong gare”, tức là ráp chiếc giường có chân, nơi cô dâu ngồi ngày cưới để chú rể được dẫn vào ngồi kế bên. Trái lại “bên nhà trai thì chỉ trải thảm trên tấm nệm đặt sát vách có hai chồng gối hai bên, trông tựa như ngai vàng”. Thêm vào đó còn có việc giăng “tirai”. Tirai là một tấm phong trang trí kết bằng cườm và kim tuyến nhiều màu sắc trên nền vải nhung, được treo bao quanh căn phòng cô dâu cũng như chú rể.” Thêm vào đó, “cả cô dâu và chú rể đều được nhuộm ngón tay bằng một thứ gọi là “hala ja-miên” màu đỏ sậm”. Để trang điểm cho cô dâu có một bà chuyên lo việc này gọi là “Muk uôk”, và bên đàng trai cũng có một “Ông uôk” lo việc ăn mặc và dăn dò chú rể về các nghi thức khi hành lễ. Ngoài ra, “đôi trai gái còn phải qua thủ tục “tagôk gare” mới được chánh thức thành cô dâu và chú rể, mở màn “harây pađưng baruk”, tức ngày dựng vợ gả chồng... Chịu ảnh hưởng Islam, người Chăm Châu Đốc theo phụ hệ, nhưng vẫn giữ truyền thống mẫu hệ của cha ông ngày xưa, chàng rể ngày cưới được đưa sang nhà cô dâu trực tiếp nhận cô dâu từ cha vợ trong một lễ gọi là Qubol. Sau lễ Qubol, một người lớn tuổi dẫn chú rể vào phòng trong. Lúc bấy giờ, cô dâu được bà Muk uôk nhắc cô dâu nhắm nghiền đôi mắt lại và chàng rể thường lấy ngón tay trỏ chỉ vào trán cô dâu, rồi đưa tay rút cây trăm to lớn cắm trên cuộn tóc bới theo kiểu Chăm cổ xưa, phía sau đỉnh đầu. Xong vị bô lão hướng dẫn chú rể đến ngồi cạnh cô dâu ở thế ngồi xếp bằng, đầu gối chú rể phải hơi gác qua bên cô dâu. Hai động tác chỉ ngón tay vào trán và ngồi gác đầu gối qua bên cô dâu ngụ ý biểu tỏ uy quyền của ngưòi chồng đối với bạn đời của mình.. Xong bài kinh cầu nguyện, cô dâu và chú rể cùng ngồi bên nhau một hồi lâu gọi là lễ “padim” để họ hàng đến ngắm nhìn và mừng đôi vợ chồng mới”(10) . Đặc biệt, các tác giả còn cho biết, trong xã hội Chăm Châu Đốc, hầu như không bao giờ có trường hợp làm dâu hay ở rể vì hai vợ chồng trẻ được thu xếp sống trong một gian của ngôi nhà cha mẹ để làm ăn riêng, đến khi có tiền bạc thì sẽ cất một ngôi nhà ra riêng, chớ không sống chung trong gia đình cha mẹ vợ.

Và cũng để tìm hiểu về nguồn gốc 1% người Mã Lai ở các làng Chăm Châu Đốc như nhà văn Sơn Nam có đề cập trong phần đầu bài viết này mà tôi đã trích, thực hư như thế nào, chúng tôi đã lần mở lại các trang sách và được các tác giả Dohamide và Dorohiêm giải thích khá tường tận trong chương “Malayu hay Chăm”(11) như sau: ”Đặc biệt được chú ý hơn cả là một cụ già mà mọi người thường kính cẩn thưa là Datôk Saykhol, được xem như là chức sắc đứng đầu toàn thể các Jam’ah Chăm tại tỉnh Châu Đốc thời đó. Qua lời phát biểu trước dân làng, tôi nhận ra, vị Saykhol Islam mà mọi người tôn kính này không nói tiếng Chăm mà là một thứ tiếng gọi là Java Ku, thực sự là tiếng Khmer có pha trộn một số từ Mã Lai. Những vị lớn tuổi đã giải thích cho tôi rõ là bên cạnh các Plây người “Chăm mình”, còn có người Java Ku nữa.”

Theo các tác giả, thì người Java Ku có nguồn gốc từ: ”Java là tên một quần đảo của nước Indonesia ngày nay, nhưng Java trong dân gian người Chăm khi nói, người từ Java đến, thực sự là người Mã Lai không hơn không kém. Trong tiếng Chăm, Ku hoặc Kur tức là Khmer trong dân gian nói là Miên. Người Java Ku, trên nguyên tắc, là người Mã Lai lai Khmer. Về cách ăn mặc, thì hoàn toàn không khác gì người Chăm Châu Đốc khác cả, nhưng về tướng tá nói chung thì nước da có hơi sáng hơn. Người Java Ku sống tập trung ở làng Châu Giang tức Mat Chruk ngay tại bến phà bên kia bờ đối diện với châu thành Châu Đốc.”

Nhưng người đọc có lẽ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi đọc những vần thơ bằng tiếng Việt của một người Chăm, tác giả Dorohiêm với bút hiệu Chế Liêm, nhơn mùa nước lụt năm 1967, ông đã cảm tác mấy vần thơ sau đây ghi lại cảnh các làng Chăm vùng Châu Đốc bị chìm trong biển nước bao la với tình cảm dạt dào, đầy thương cảm :

“Lũ tràn về khổ lắm em ơi, Lụt cuồn cuộn, vượt nhanh bờ thềm Lộ mòn xưa, hàng me nghiêng ngả Koh Taboong sầu, Kênh đào lênh đênh. 
Dề lục bình xanh, nhởn nhơ trôi. Sàn nhà cao, ngói trổ nhìn trời Châu Giang xưa đò ngang vắng lặng Thôn nữ ơi, sớm tắt nụ cười. 
Ngã tẻ Châu Phong vàm kênh thưa đò, Hoa vàng điên điển trổ cành khô La Ma xóm lưới chèo gác mái Tắc ráng buồn, trơ mắt đợi chờ. 
Cồn Tiên tơ lụa, lúa tiêu điều Hàng cây xua đủa rũ buồn hiu Trống chiều văng vẳng, lời tha thiết Ai thở than dưới hạt mưa chiều. 
Koh Gol, Tân Châu, tợ Biển Hồ Khung dệt gác mái, lạnh chân tơ Sà –rông tơ lụa nằm ủ rủ, Chiêm nữ nép mình, bặt tiếng tơ. 
Mái lá trường làng lén nhìn trời, Sân nền óng ả, cá vờn mồi, Trẻ thơ lạnh cóng lim dim mắt Trông thầy, tìm bạn, sớm sầu đời…”(12) 

Trước khi kết thúc các ghi nhận về tập sách này, thiết nghĩ, cũng nên ghi lại đây các tài liệu mà các tác giả đã tham khảo như một cách nhìn về công phu cùng giá trị chính xác của cuốn sách về mặt biên khảo, bao gồm 36 tựa sách và 19 bài nghiên cứu bằng Anh và Pháp ngữ, cùng với 22 quyển sách và 5 bài nghiên cứu bằng Việt ngữ của tổng số 67 tác giả, quả là một công trình nghiên cứu thật sư lớn lao.

Sách Thuyết Uyển nói:”Học giả nên có ba sự nhiều : đọc sách nhiều, nghị luận nhiều, trước thuật nhiều”, và rồi Ngô Lai nói: ”Trong bụng không có được ba vạn quyển sách; trong mắt không có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ, thì chưa chắc đã làm được văn”(13) . Với chừng ấy sách vở, tài liệu mà các tác giả đã đọc và tham cứu, tác phẩm “Bangsa Champa, Tìm Về Cội Nguồn Cách Xa” của hai tác giả Dohamide và Dorohiêm, quả là công trình biên khảo về nguồn gốc người Chăm vùng Châu Đốc thật vô cùng qúi báu. Và dĩ nhiên qua tác phẩm này, tôi hiểu rõ thêm về các cư dân tại các làng Chăm vùng Châu Đốc với phong tục, tập quán cùng các khía cạnh khác trong đời sống của các “thôn ấp Chăm khép kín” này mà từ bấy lâu nay dù nhiều bận tôi đi ngang qua vùng này nhưng chẳng hiểu chút gì về các làng mạc của người Chăm ở đây!


Houston, ngày 18-02-2008 


Phụ chú:

1/”Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang” của Sơn Nam, nhà xuất bản Trẻ, quận 3 thành phố HCM, năm 2005, trang 71 .

2/”Bangsa Champa, Tìm Về Cội Nguồn Cách xa” của Dohamide Đỗ Hải Minh và Dorohiêm, do Seacaef & Viet Foundation xuất bản, California, Hoa Kỳ, năm 2004.

3/ Theo tiểu sử các tác giả in ở bìa sau cuốn sách đã dẫn.

4/ Sđd trang 25

5/ Sđd trang 32

6/ Sđd trang 33

7/ Sđd trang 265-266

8/ Sđd trang 162

9/ Sđd trang 28

10/ Sđd các trang 46-47 và 48

11/ Sđd trang 37

12/ Sđd trang 62

13/ “Vân Đài Loại Ngữ” của Lê Qúy Đôn, do Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích, nhà xuât bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, năm 2006, mục VI Văn Nghệ, điều 19 v à 20, trang 267 .

Theo Damau.org

 

Be the first person to like this.