• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On February 4, 2012
544 views

Đây là tiểu luận được chỉnh sửa, triển khai từ bài “Ngõ vào plây Chăm” đăng trên tập san Văn nghệ Dân tộc (Hội Nhà văn Việt Nam), ngày 14.10.1995. Hơn 9 năm qua đi, tác giả có bài “Thực trạng xã hội Chăm, một số giải pháp chính” (Tagalau 4, 2004) tạo dư luận nhiều chiều. Mặc dù việc phơi bày khuyết tật-nhược điểm của dân tộc vẫn là cần thiết và cấp thiết, nhất là với các nước đang phát triển – nói như nhà văn hóa Hữu Ngọc: “Quan trọng nhất là phải biết nhìn ra nhược điểm của chính mình” – nhưng tác giả Nguyễn Văn Tỷ vẫn muốn nêu lại cái tốt của dân tộc và văn hóa dân tộc, để lần nữa khẳng định logic trong tư duy ông: luôn suy tư đầy trách nhiệm về và cho cộng đồng.

Dân tộc Chăm là một dân tộc đã từng sinh sống lâu đời trên phần đất miền Trung Việt Nam, từ Đèo Ngang (Quảng Bình) đến Bình Thuận. Người Chăm có một nền văn hóa rực rỡ và phong phú. Họ có những nếp sống gia đình, lễ nghi tôn giáo khá độc đáo. Ở Ninh Thuận và Bình Thuận có những plây Chăm sống cạnh thôn ấp người Kinh, có khi san sát nhau, rất đoàn kết, chan hòa nhưng lại không bao giờ trộn lẫn nhau về mặt thổ cư cũng như bản sắc văn hóa: Họ giữ nề nếp riêng, lối sống riêng của cộng đồng mình do những lễ nghi tôn giáo và phong tục tập quán qui định. Chính những nề nếp riêng đó làm cho cuộc sống của cộng đồng người Chăm lúc nào cũng “đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ngày nay, có lẽ mọi dân tộc trên thế giới đều có một suy nghĩ chung là việc đáng đau buồn nhất cho một dân tộc là sự mất gốc, nghĩa là dân tộc đó đã hòa nhập với cuộc sống của dân tộc bản địa từ thế hệ này đến thế hệ khác rồi dần dần “hòa trộn” hoàn toàn, tự biến mình thành lai căng đến mức độ không còn xác định được nguồn gốc của mình là đâu nữa. Đó là niềm ưu tư của các dân tộc đang định cư giữa lòng dân tộc đa số khác của các nước mà hôm nay phần đông các con cái của họ không nói được tiếng mẹ đẻ của mình thì còn đâu là niềm hy vọng “bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”? Đấy cũng là bài toán khó mà dân tộc Chăm đã từng suy nghĩ trong quá khứ và phải tiếp tục suy nghĩ trong hiện tại khi cộng đồng Chăm di cư đến một số nước khác đã hòa trộn một cách nhuần nhuyễn với các dân tộc bản địa ở Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin, đến độ không còn nhận biết được nguồn gốc của mình!

Trên thế giới hôm nay, khi mọi sinh hoạt của con người được hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì cuộc sống cũng phải hòa nhập với cộng đồng các dân tộc xung quanh mình cũng như với cả thế giới. Như thế, xu hướng chuyển từ hòa nhập đến hòa trộn và hòa tan là một sự kiện hết sức tự nhiên. Đó cũng là vấn đề mà Nhà Nước Việt Nam hôm nay đang đặt ra trước sự mở cửa để hòa nhập với nền kinh tế thị trường thế giới và làm bạn với mọi người. Đúng là vấn đề không đơn giản. Dân tộc Việt Nam hôm nay, muốn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì rõ ràng phải phát huy những nét đẹp cổ truyền của dân tộc mình để làm vũ khí chống lại khuynh hướng hòa tan trong sự xâm nhập ồ ạt của những văn hóa đa dạng, tạp phức và lai căng của các dân tộc khác trên thế giới. Tôi thấy vấn đề này cũng đã được các nước phát triển trong khu vực đặt ra khá gay gắt, đặc biệt là Thái Lan, đến mức độ khách du lịch khó tìm ra được một câu quảng cáo bằng tiếng Anh ở các cửa tiệm và đường phố.

Trong bối cảnh của sự hòa nhập rộng rãi hôm nay, ta thử xem xét những nét đặc trưng nào của bản sắc văn hóa dân tộc mình đáng được bảo tồn.

A. Xã hội Chăm chịu sự chi phối rộng rãi của tôn giáo-tín ngưỡng

Người Chăm có hai tôn giáo chính rất độc đáo là Bàlamôn giáo và Hồi giáo. Tôi nói rất độc đáo vì trên thế giới này không nơi đâu có hình thức tôn giáo như cộng đồng người Chăm Việt Nam: Bàlamôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, du nhập vào Champa vào cuối thế kỷ thứ IV. Đặc điểm của Bàlamôn giáo là thờ nhiều thần, nhưng ở đây Bàlamôn của dân tộc Chăm lại thờ cả thánh Allah. Hồi giáo có nguồn gốc từ Ả Rập, truyền qua Mã Lai, du nhập vào Champa vào thế kỷ thứ X. Đặc điểm của hồi giáo thế giới là độc thần, chỉ thờ độc nhất là đấng Allah, nhưng Hồi giáo của dân tộc Chăm (được gọi là Bàni) lại thờ luôn các thần của Bàlamôn giáo. Sở dĩ có hiện tượng lạ lùng trên là do quá trình lịch sử Champa phức tạp, hai tôn giáo trên đã chống chọi nhau gây chia rẽ trầm trọng, nên các vua chúa Champa thời đó phải đưa ra thuyết dung hòa tôn giáo kiểu “tuy hai mà một, tuy một mà hai”.

- Mỗi một tôn giáo có cái kiêng kỵ khác nhau: Người Chăm Hồi giáo (tức Bàni) kiêng thịt heo và thịt dông; vì vậy khi vào plây Chăm Bàni, khách không nên mang theo thịt heo hay thịt dông để tỏ “phép lịch sự tối thiểu”. Ngược lại khi vào plây Chăm Bàlamôn, khách kiêng mang theo thịt bò.

- Từ những lễ nghi tôn giáo Chăm, khi vào thánh đường Bàni hay vào những tháp Chăm, khách nên tìm cái chăn trắng để mang cho “phải phép”. Ngoài ra trong thánh đường, khách chỉ được ngồi dự lễ trong vòng hai hàng cột ngoài chứ không được ngồi cao hơn. Khi chụp ảnh quay phim lại càng phải dè dặt hơn, phải do các thầy hay các vị có trách nhiệm hướng dẫn.

- Lúc sống, khi chết, người Chăm bị ràng buộc chặt chẽ vào lễ nghi tôn giáo và phong tục tập quán của mình. Đặc biệt người Chăm Bàni có những lễ nghi rất cụ thể để tuân theo từ khi lọt lòng đến lúc mất; con trai khi lên 14-15 tuổi, phải qua lễ “Katat” (lễ nhập đạo), đến trưởng thành, cưới gả thì phải qua lễ “likhah” (còn Bàlamôn giáo thì phải qua lễ “Bbơng pađih”). Con trai có qua lễ Katat, sau này mới tiến hành đám Likhah được; và có đám Likhah rồi, khi cha mẹ mất con trai mới được dự lễ “tẩy thể” (tắm gội thể xác trước khi chôn cất) và lễ “âuwa” (lễ trả hiếu cho cha mẹ). Ngay cả bản thân mình, nếu không được qua các lễ nghi tôn giáo “Katat” và “likhah” thì lễ chôn cất sẽ được thực hiện rất đơn giản chứ không theo lễ nghi bình thường. Đó là điều bất hạnh lớn đối với người Chăm Bàni.

- Do lễ nghi tôn giáo ràng buộc như trên, người Chăm cảm thấy rất khó khăn khi phải lấy người ngoại đạo, hay phải sống xa quê hương vì ngại thiếu thủ tục và lễ nghi tôn giáo nghiêm túc lúc lìa đời. Theo trào lưu đổi mới hôm nay, sự giao lưu giữa người Chăm trong cộng đồng cũng như những người không cùng cộng đồng dân tộc được đặt ra khá gay gắt. Chính vì vậy mà người Chăm phải tìm cách giải quyết vấn đề hôn nhân không cùng tôn giáo bằng cách làm thủ tục nhập đạo cho người bạn đời của mình để không còn gây khó khăn trở ngại (thủ tục này trước đây khó thể hiện vì các chức sắc không chấp nhận).

- Ngoài lễ nghi tôn giáo ra, sinh hoạt thông thường cũng có những đặc trưng của nó mà người khách có quan hệ làm ăn với người Chăm cũng cần biết như: Ngày Chủ nhật và ngày thứ Năm người Chăm kiêng xuất của (như xuất lúa, hay xuất những vật quí trong gia đình. Hôm nay, tập quán này đã được cải tiến nhiều, nhất là ở các giới trẻ).

- Trên đây tôi chỉ đề cập đến người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn và Bàni, còn một bộ phận thiểu số người Chăm theo Islam thì vấn đề sinh hoạt hàng ngày càng bị tôn giáo chi phối nặng nề hơn nữa vì phải tuân theo đúng lễ nghi và tập quán của Islam quốc tế.

- Chính các lễ nghi tôn giáo như nói trên đã chi phối sinh hoạt của dân tộc Chăm, định hình cho những nếp suy nghĩ và hoạt động của cộng đồng, lâu ngày hình thành những tập quán ăn sâu vào lòng dân tộc và trở thành những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc Chăm.

Nguyễn Văn Tỷ

Be the first person to like this.