Blogs
Categories
1. Quá trình hình thành những điệu múa dân gian Chăm
Người Chăm có tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, những ngọn núi dòng song, cửa biển, cây cổ thụ…đều được họ xem là có linh hồn, có khả năng phù hộ độ trì hoặc có thể đe doạ cuộc sống của con người. Với trình độ tư duy đơn giản, trình độ khoa học chưa phát triển, người Chăm chưa lý giải được các hiện tượng tự nhiên như mây mưa, sấm chớp mà tất cả đều cho là quyền năng của thượng đế sinh ra. Vì vậy, để được may mắn, bình an, được mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, tôm cá đầy khoang, con đàn cháu đống…thì họ tôn thờ các vị thần linh như thần núi (Patau Cơk), thần sông (Patau Ia), thần biển (Pô Riyak), thần mây, thần mưa, sấm chớp…họ phải làm lễ thờ cúng thần linh. Và múa chính là tiếng nói của họ đến với thần linh, tất cả những mong muốn của họ được gửi đến thần linh qua những điệu múa.
Trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, người Chăm đã tạo ra những điệu múa mô phỏng những hình ảnh rất gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày của mình như đi biển, đi lấy nước, chống thú dữ…từ những điệu múa mô phỏng đời sống sinh hoạt đó, họ đã dùng để phục vụ cho những nghi lễ - lễ hội và phục vụ cho chính cuộc sống bản thân mình.
Chính từ tín ngưỡng dân gian và cuộc sống hàng ngày của mình mà người Chăm đã sáng tạo ra các điệu múa tương ứng với những vị thần. Theo tống kê thì người Chăm có tất cả 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần của họ.
Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, người Chăm là một dân tộc có nhiều lễ hội. Đối với người Chăm, múa rất quan trọng. Hầu như lễ múa nào cũng gắn liền với lễ hội. Múa vừa tạo không khí linh thiêng, vui tươi, sinh động cho lễ hội. Từ lễ hội họ đã sáng tạo ra những điệu múa dân gian để phục vụ lại cho chính mình. Vì thế múa dân gian phản ánh quá trình sinh hoạt, lao động của người Chăm, nó không tách rời với lễ nghi tín ngưỡng mà cùng với đời sống sinh hoạt của con người nó tạo nên nét đặc sắc trong múa Chăm
Ngay từ xa xưa khi nghệ thuật múa dân gian bắt đầu manh nha và hình thành thì nó chỉ mang những động tác đơn giản, đó chỉ là những động tác sinh hoạt hàng ngày. Có thể nói sự hình thành và phát triển của múa dân gian có sự ảnh hưởng rất lớn từ cơ sở kính tế của người Chăm. Đây là một quá trình hình thành và phát triển lâu dài song song với nó là ảnh hưởng từ cơ sở kinh tế Chăm (nếu nhìn vào thời kỳ phát triển kính tế của loài người thi chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy nó hình thành và phát triển qua một quá trình lâu dài).
Ngay từ thời xa xưa khi sản xuất của người Chăm còn mang tính thô sơ thì múa dân gian Chăm cũng chỉ là động tác đơn giản, mỗi khi đến ngày mùa hoặc mỗi khi đi biển về họ lại mô tả lại những động tác đi gặt lúa, đội lúa, đi biển kèm theo những tiếng vỗ tay hoan hô, à hay. Những động tác này lúc đầu không mang chút gì của nghệ thuật, bởi vì ở thời kỳ này con người chưa có khả năng thẩm mỹ để diễn đạt và hiểu chúng.
Sau này khi mà sản xuất càng ngày càng phát triển hơn thì múa Chăm càng ngày được nâng cao hơn, các động tác điêu luyện hơn. Tuy cuộc sống con người phát triển hơn nhưng nhiều vấn đề họ chưa lý giải được, họ thần thánh hoá những sự vật hiện tượng đó. Trải qua năm tháng, tín ngưỡng đó càng lớn lên, càng mầu nhiệm, và lúa này nhiều vị thần lại xuất hiện trong tâm linh họ như thần song biến (Pô Riyak), thần nước (Pô Yang Ia), thổ thần (Pô Bhum), ….để dâng lễ vật lên cho các vị thần có thấy cúng đảm nhiệm. Và thầy cúng thông qua múa để đưa mọi tâm tư, mọi ước vọng của con người đến với thần linh. Ở giai đoạn này múa đựơc nhiều người gọi là múa tín ngưỡng dân gian.
Đến giai đoạn sau này, khi mà kinh tế xã hội con ngừơi đã tiến lên một bước cao hơn thì múa dân gian Chăm cũng phát triển lên cao hơn. Múa dân gian lúc này bắt đầu đi đến hoàn thiện và trở thành một “nghệ thuật”. Những động tác, điệu bộ…được phát triển đến mức phù hợp và gần gũi với những đặc trưng của nghệ thuật múa từ tính cách điệu, tính tương và tính khái quát.
2. Những điệu múa cơ bản
Múa dân gian Chăm tuy có nhiều điệu múa khác nhau nhưng nhìn chung có 4 điệu múa chính có mặt xuyên suốt trong nghệ thuật múa. Bốn điệu múa (4 động tác) được người Chăm sử dụng phổ biến là Biyên, Kmân, Mrai, Chron. Sau này những điệu múa trên đã được nâng cao và hình thành nên những điệu múa như Patra, Chaligia. Và cho đến ngày nay là điệu Biyên, điệu Chaligia, điệu Patra, điệu Chron chính là 4 điệu múa được sử dụng nhiều nhất trong múa Chăm. Mỗi điệu múa này có những nét riêng thể hiện đặc trưng theo tên gọi của mình.
Theo truyền thuyết của người Chăm, ngày xưa dưới trần gian đầy rẫy ma quỉ, thú dữ… hoành hành cuộc sống con người. Thiên hoàng Pô Kuk sai con gái là Pô Ina Nưgar xuống trần gian để xây dựng xứ sở Chăm và cho sự sinh tồn của của người Chăm. Bà đã bốc 4 vì tinh tú và cho nở ra 4 con thượng cầm là chim công (Biyên), điểu cầm (Kmân), gà lôi (Mrai), và gà tây (Chron) để cùng các nàng tiên cưỡi xuống trần gian. Khi xuống đây bà đã chỉ cho người Chăm biết trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa, dệt vải, dạy nhân dân chống lại thú dữ…tạo nên cảnh quốc thái dân an cho người Chăm. Khi nhìn những con chim bay lượn rất đẹp, người Chăm đã bắt chước các động tác của chim để sáng tạo 4 động tác mang tên 4 loài chim này.
Qua truyền thuyết trên cho thấy, bốn điệu múa được biết đến là Biyên, Chron, Kmân, Mrai. Nhiều người cho rằng đây là 4 điệu múa cơ bản và có mặt trong hầu hết các lễ nghi - lễ hội Chăm. Tuy nhiên qua xác minh và tìm hiểu thì chúng tôi thấy có 4 điệu múa được xem là cơ bản, phổ biến và có mặt trong hầu hết lễ nghi - lễ hội Chăm. Đó là 4 điệu múa: Biyên (điệu múa công), Patra (điệu hoàng tử), Chron (điệu gà tây), Chaligia (điệu quý phái). Đấy là bốn động tác dành riêng cho nữ.
3. Ragăm Biyên (Điệu múa công)
+ Tay: hai tay gần như ở giữa. Khi guộn xoè hai bàn tay đứng, lòng bàn tay ngửa về phía trước, từ từ chuyển giống như đuôi công xoè. Đây là động tác điển hình cho toàn bộ động tác múa dân gian Chăm, trong đó nó biểu hiện quy luật, đặc điểm, tính chất, phong cách của múa Chăm.
Trên cơ sở động tác múa Biyên đã nảy sinh nhiều điệu, động tác múa quạt khác nhau. Mặc dù có sự khác nhau nhưng người xem vẫn bắt gặp quán xuyến và được bộc lộ rất rõ nét. Động tác múa Biyên được xem là có giá trị đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật múa dân gian Chăm.
* Sự vận động các động tác múa Biyên:
+ Hai tay cầm quạt xoè căng ra.
+ Hai tay duỗi thẳng để cách hông 10 phân.
+ Tay cầm quạt từ từ nâng lên theo điệu nhạc
+ Bật nhanh xuống và chuyển hướng
+ Động tác đưa tay ra phái trước (gần như là động tác xẩy thóc)
Đối với người Chăm múa luôn gắn liền với nhạc. Khi âm nhạc vang lên thì ở đó có những người múa. Trong múa Biyên có điệu nhạc tương ứng là nhạc trống Biyên.
4. Ragăm Patra (Điệu múa hoàng tử)
Đây là điệu múa để diễ tả hình ảnh của vị hoàng tử trẻ người Chăm gọi là Pô Patra. Động tác múa trong điệu này được biểu diễn như sau:
Tay: hai tay về một bên, một tay ngang vai, một tay ngang đầu. Khi guộn hai tay cùng chiều.
5. Ragăm Chron (Điệu múa gà tây)
Đây là điệu múa được mô phỏng theo hình ảnh của con gà tây. Điệu múa này được biểu diễn như sau:
Tay: tay cao, tay thấp ở hai bên. Khi guộn, đưa hai tay gặp nhau ở giữa gần thắt lưng, đâm thẳng mũi ở hai bàn xuôi hướng đất.
* Nhạc trong điệu múa Chron: cũng được gọi theo tên tương ứng của múa đó là nhạc điệu Chron.
6. Ragăm Chaligia (Điệu quý phái)
Điệu múa quý phái được biểu diễn như sau:
Tay: một tay ở giữa, hai tay thấp, hai tay guộn cùng một lúc rồi chỉ mũi bàn tay xuống hướng đất.
Âm nhạc trong điệu Chaligia còn gọi là điệu Chalitai:
Dù múa với đạo cụ nào cũng sử dụng 4 động tác chủ yếu này, có thể thêm bớt chút ít về giác độ, nhưng vẫn giữ 4 động tác cơ bản mà trở thành quy định.
Chân: đối với nữ thì chỉ có một bước nhún cơ bản. Bước nhún này khi dùng với tiết tấu nhanh, khi dùng với tiết tấu chậm. Bước nhún được cấu tạo bằng sự chuyển dộng của bàn chân bằng cung đoạn với tư thế êm nhẹ. Động tác Chăm hoàn toàn lệ thuộc hoàn toàn vào trang phục của người Chăm với chiếc áo dài phủ kín. Khác với bước nhún trong nghệ thuật múa của một số dân tộc khác, bước nhún của người Chăm thường nhún lên, trong khi ở một số dân tộc khác bước nhún thường là nhún xuống.
Đối với nam: qua tất cả múa nam, chúng ta thấy các thiết kế động tác chẵn và cũng giống như động tác nữ: ( NSND Đặng Hùng, duy trì và phát triển nghệ thuật múa truyền thống…..)
+ Tay: có 4 độngtác:
=>Tay thấp tay cao, luôn luôn lấy cùi chỏ làm góc độ gần như vuông, tạo thế khuỳnh, thoải mái, cởi mở.
=>Hai tay thấp ở hai bên, cùng với tư thế hơi vuông góc bởi cùi chỏ.
=> Hai tay thẳng khỏi đầu.
=>Hai tay thẳng ngang.
+ Chân cũng có 4 động tác:
* Chấm mũi bàn chân. Chấm mũi dựng đứng bàn chân nọ sát vào giữa lòng bàn chân kia.
* Nhấc một chân cao, một chân trụ, một chân nhấc lên với chiều vuông góc của đầu gối, bàn chân nhấc lên không duỗi mu mà dùng sức chống chế ngang.
* Chấm gót chân. Chấm gót chân của bàn chân nọ cách một bàn chân theo hướng chữ đinh.
* Hai chân ngang. Hai chân hạ trụ xuống như thế tấn ngang hai bàn chân ngang, hướng lòng bàn chân về phía trước.
Động tác chân của nam cũng do ảnh hưởng mặc váy nên chưa có những động tác rộng và thiếu những động tác chiều cao.
Tất cả những động tác nam nữ đều gọi theo tên gọi trên cơ sở âm nhạc. Múa của người Chăm được cấu tạo dựa trên tiết tấu, chủ yếu là bộ gõ, với 4 định âm: glèng, dịk, dìng, tơk.
( | ) glèng: dùng dùi đánh vào mặt dương của trống (mặt lớn)
(=) dik: dùng dùi ấn vào mặt dương
(0) tơk: dùng dùng bàn tay vỗ sát vành trống, mặt âm
(__) ding: dùng bàn tay vỗ sâu vào mặt trống đầu âm.
Trong múa dân gian Chăm, trống ginăng đóng vai trò chủ đạo, nó quy định những động tác, nhịp điệu nhanh hay chậm…Vì thế trong bất cứ lễ hội, lễ nghi nào có tiếng trống vang lên là ở đó có múa Chăm.
Theo vietnamtourism.edu.vn