• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On February 4, 2012
83 views

0

 Theo sử liệu Trung Hoa, vào cuối thế kỷ thứ II (sau công nguyên - năm 192), vì không chịu được sự cai trị hà khắc của nhà Hán, nên nhân dân huyện Tượng Lâm đã nổi dậy giết huyện lệnh, giành lấy chủ quyền và thành lập một quốc gia độc lập. Người lãnh dạo cuộc khởi nghĩa là Khu Liên được nhân dân tôn làm vua. Quốc gia mới thành lập của Khu Liên mà địa bàn hoạt động chính là ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay, được gọi là nước Lâm ấp (từ năm 192 - 758) rồi Hoàn Vương (758 - 866) và cuối cùng là Chiêm Thành (từ năm 866 trở về sau). Tên gọi Chiêm Thành là phiên âm và dịch nghĩa củaChampa pura - nghĩa là thành phố của người Chăm.

Lãnh thổ của vương quốc Champa trải dài từ phía Nam đèo Ngang thuộc thành Quảng Bình đến lưu vực sông Đồng Nai thuộc Bình Thuận ngày nay (khoảng từ vĩ tuyến 11o - 18o) bao gồm đồng bằng ven biển, cao nguyên và miền núi.

Do ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ rất sớm bằng con đường hải thương nên vương quốc Champà đã sử dụng một thể chế hành chánh giống như miền Nam Ấn Độ nghĩa là trong một Vương quốc có nhiều tiểu vương quốc gọi là Mandala. Mỗi tiểu vương quốc Manđala được thành lập dựa vào những yếu tố phong thuỷ như Núi Thiêng (tượng trưng thần Siva), Sông Thiêng (tượng trưng nữ thần Ganga, vợ thần Siva), Cửa biển Thiêng (nơi giao dịch buôn bán, trung tâm thương mại), Đất Thiêng (nơi thờ tự thần linh và tổ tiên, trung tâm tín ngưỡng), Thành phố Thiêng (nơi cư ngụ của vua và hoàng tộc, trung tâm vương quyền). Ranh giới của mỗi Manđala được ấn định bởi ngọn đèo. Tuy nhiên đây chỉ là ranh giới có tính cách tượng trưng vì đất dai và ranh giới được cai quản bởi thần linh.

Theo đó vương quốc Champa có ít nhất là năm Tiểu vương quốc Manđala (Mandala theo nguyên nghĩa là vòng tròn huyền thuật để cầu nguyện thần linh hậu thế nhập tâm thức cá thể vào tâm thức vũ trụ. Thường dùng trong Ấn giáo và Phật giáo Mật tông) dựa theo địa thế thiên nhiên :

1 - Indrapura (?): gồm khu vục từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, nằm giữa đèo Ngang và đèo Hải Vân ngày nay.

2 - Amaravati: gồm Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Bình Đê.

3 - Vijaya: gồm tỉnh Bình Định, Phú Yên nằm giữa đèo Bình Đê và đèo Cù Mông, Đèo Cả.

4 - Kauthara: gồm tỉnh Khánh Hòa, phía Nam Đèo Cả đến núi Đồng Bò (?) gần Cam Ranh.

5 - Panduranga: gồm tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, từ núi Đồng Bò (?) đến lưu vực sông Đồng Nai.

Mỗi tiểu vương quốc đều có kinh đô riêng với các tổ chức kinh tế, quân sự độc lập được cai trị bởi các tiểu vương. Mỗi tiểu vương quốc bao gồm nhiều tiểu quốc nhỏ hơn nữa và được cai trị bởi những thủ lĩnh hoặc lãnh chúa. Vị vua hùng mạnh nhất vương quốc được tôn xưng là Rajadhiraja nghĩa là vua của vua.

Người Chăm được hình thành bởi nhiều sắc tộc khác nhau thuộc hai nhóm Malayo - Polynoisan và Môn Khmèr.

Kinh tế chính của vương quyền Champa dựa vào nguồn thuế thu nhập từ nội thương, ngoại thương. Người Chăm có những thương nhân giỏi. Họ biết trao dồi hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược; thu mua những lâm sản quí như trầm hương, ngà voi, quế, thú lạ để trao đổi, buôn bán với các thương nhân Ấn Độ, Ả Rập, Trung Hoa, Nhật Bản... tại các cửa biển lớn như cửa Đại Chiêm - Hội An, cửa Thị Nại - Qui Nhơn, của Phan Thiết... Trầm hương của người Chăm được thương nhân ả Rập gọi là Can fì là một thứ hàng quí từng làm say mê các thương nhân và quí tộc ở Trung Đông và Đông Á.

Ấn giáo là Tôn giáo của hoàng gia, vì vậy vua và giới quí tộc là những người bảo trợ để xây dựng đền tháp thờ cúng thần linh. Tín ngưỡng chính của vương triều Champa là thờ tự thần - vua và các đấng bảo hộ vương quốc cũng như vương quyền.

Di sản nghệ thuật quý giá của vương quốc Champa hiện tồn tại ở miền Trung là những đền tháp bằng gạch nung dựng rải rác trên đồng bằng ven biển; một vài đền tháp dựng trên cao nguyên. Những kiến trúc này có niên đại từ thế kỷ thứ 7-8 đến thế kỷ 16 - 17 tập trung ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Mỹ Sơn - Amaravati / Quảng Nam - Đà Nẵng và PoNagar Kauthara / Khánh Hòa :

Hai trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của vương quốc Champà là thánh đô Mỹ Sơn và thánh đô Pô Nagar.

Mỹ Sơn là nơi thờ phượng vị thần - vua Bhadresvara - gốc rễ của vương quyền, và Pô Nagar Nha Trang thờ phượng nữ thần Bhavagati hay Yangin­ Pô Nagar - cội nguồn của vương quốc Mỹ Sơn được dựng từ cuối thế kỷ thứ 4 dưới triều vua Bhađravarman. Ông đã cho xây dựng ở đây một ngôi đền gỗ để thờ Linga của thần - vua Bhadresvara - đấng sáng tạo, gốc rễ của các vương triều Champa. Sau ông, nhiều vị vua kế tục đã cúng dâng nhiều đền - tháp để thờ vị thần vua này. Với khoảng 70 đền - tháp được xây dựng liên tục từ thế kỷ 7 - 13, Mỹ Sơn trở thành tổng thể kiến trúc đồ sộ nhất của vương quốc, đánh dấu tài năng lỗi lạc của nghệ thuật Champa. Vẻ đẹp của Mỹ Sơn được sánh ngang với các di tích nghệ thuật quan trọng ở vùng Đông Nam Á như Angkor (Campuchia); Borobudur (Indonésia), Pangan (Mianma) ...

Mỹ Sơn cũng là di tích cung cấp những văn bia quý giá để góp phần dựng lại lịch sử vương quốc Champa trong nhiều thế kỷ.

Pô Nagar Nha Trang được xây dựng để thờ nữ thán Bhavagati - một hóa thân nữ tính của thần Siva đã được bản địa hóa thành Yang In­ Pô Nagar/Thiên Y-A-Na, bà được tôn thờ là thần mẹ - tạo dựng vương quốc Champa. Đền - tháp ở đây với khoảng 10 công trình kiến trúc được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 13 trên diện tích hẹp của một ngọn đồi nhỏ.

Do không bị tàn phá bởi chiến tranh nên đền - tháp ở đây gần như còn nguyên vẹn. Ngôi đền chính của Pô Nagar Nha Trang thuộc thế kỷ 11 hiện là ngôi đền cao nhất trong kiến trúc Champa. Đặc biệt pho tượng nữ thần Bhavagati thờ trong ngôi đền này vẫn được nhân dân dịa phương sùng bái. Lễ hội Thiên Y-A-Na được tổ chức trọng thể vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm. Cùng với Mỹ Sơn, di tích Pô Nagar cung cấp nhiều văn bia quan trọng ghi khắc trên những trụ cửa bằng sa thạch, liên tục trong nhiều thế kỷ, là những cứ liệu quý giá để tìm hiểu lịch sử phát triển miền Nam vương quốc.

Những di tích khác ở vùng Amaravati:

Bên cạnh Mỹ Sơn, một Thánh đô Phật giáo quan trọng là Đồng Dương được dựng dưới triều vua Indravarman/Đế thích Phạm Vương, là một vị vua giàu có và hùng mạnh của vương quốc Champa. Khoảng năm 875 Đồng Dương là một Phật viện lớn, thờ đức Phật - vua Laksmindra - Lokésvara - đấng bảo hộ vương quyền.

Đồng Dương là một quần thể kiến trúc to lớn dàn trải trên một chiều dài gần 2000 mét, nối liền với một hồ nước lớn hình vuông nằm ở phía đông. Đây là một trung tâm Phật giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á đương thời.

Nghệ thuật thời kỳ Đồng Dương đã tạo nên một vẻ đẹp độc đáo nhất lịch sử mỹ thuật Đông Nam Á. Những đền tháp ở Đồng Dương đã bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh, ngày nay chỉ còn sót lại vòm cửa của một tháp cổng gopara mà nhân dân trong vùng gọi là Tháp sáng. May mắn thay, một phần lớn tác phẩm điêu khắc của Đông Dương được phát triển và tập trung trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa - Đà Nẵng đã phần nào giúp chúng ta hình dung được tầm vóc kỳ vĩ của di tích này.

Ngoài 2 di tích quan trọng Mỹ Sơn và Đồng Dương, tại Quảng Nam - Đà Nẵng còn những kiến trúc quan trọng khác như Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An.

Khương Mỹ (đầu TK l0), Chiên Đàn (TK 11 - 12) là 2 nhóm tháp có 3 đền thờ chính (Kalan) thờ 3 vị thần trong Ấn Độ giáo là Brahma, Visnu, Siva hoặc hóa thân của các vị thần này. Bằng An (TK11 - 12) là một kiểu kiến trúc độc đáo có thân và mái tháp hình bát giác, còn ở tiền sảnh có thêm 2 cửa bông. Hiện nay, đây là một ngôi tháp duy nhất trong kiến trúc Champa có kiểu dáng như vậy còn đứng vững.

Trong vùng Quảng Ngãi có một di tích quan trọng đó là thành Cổ Châu Sa tọa lạc ở xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 10km về hướng đông - bắc. Đây là một tòa thành cổ của người Champa đắp bằng đất ở tả ngạn sông Trà Khúc. Mặc dầu thành đã bị tàn phá nhiều nhóm hệ thống tường thành và hào nước còn rất tốt cho phép chúng ta quan sát được vị thế cũng như kỹ thuật xây dựng thành. Một số bi ký, vết tích kiến trúc và điêu khắc phát hiện được trong thành có niên đại từ thế kỷ thứ 9 đến 12. Đặc biệt nhân dân ngày nay sinh sống trong thành vẫn bảo lưu được kỹ thuật thủy nông cổ truyền của người Chăm xưa. Thành Cổ Châu Sa có liên quan chặt chẽ với phế tích Chánh Lộ, nằm trong thị xã Quảng Ngãi. Chánh Lộ là một kiến trúc lớn hình bát giác như tháp Bằng An thuộc thế kỷ thứ 11, nay đã bị sụp đổ hoàn toàn. Một phần những tác phẩm điêu khắc của Chánh Lộ  hiện được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa - Đà Nẵng.

Nhóm tháp vua Vijaya:

Khoảng sau năm 1000, tiểu vương quốc Vijaya trở nên cường thịnh, giữ vai trò trung tâm của vương quốc. Những đền tháp ở đây được xây dựng từ thế kỷ 11 đến 14.

Đền tháp vùng Vijaya có thể chia làm 2 nhóm:

1 - Nhóm nằm trong truyền thống Champa: Tháp Bạc, Bình Lâm (TK. 11), Thốc Lốc, Cánh Tiên, Thủ Thiện (TK. 12 -13)

2 - Nhóm chịu ảnh hưởng nghệ thuật Khmèr: Dương Long, H­ng Thạnh (TK. 12 - 13)

Nghệ thuật kiến trúc vùng Vijaya là một bước phát triển của những đền - tháp vùng Amaravati. Nhóm tháp đáng lưu ý ở đây là nhóm Tháp Bạc dựng trên một ngọn đồi cao nằm cạnh sông Côn cách cửa Thị Nại (Sri Boney) không xa lắm (cửa Thị Nại là thương cảng quan trọng ở vùng Đông Nam á vào thế kỷ 11 - 14). Tháp Bạc dựng khoảng đầu thế kỷ 11, là một quần thể lớn gồm 4 kiến trúc. Vị trí của Tháp Bạc gần như ở trung tâm vùng Vijaya. Từ ngọn đồi này chúng ta có thể nhìn thấy tất cả đền - tháp trong vùng.

Nhóm tháp chịu ảnh hưởng kiến trúc Khmèr tuy vẫn xây bằng gạch nung nhưng sử dụng rất nhiều sa thạch ở vòm cuốn, cửa vào, cửa giả và ở tầng trên tháp Mái. Vào cuối thế kỷ 12 đế quốc Khmèr xâm chiếm Champa trong nhiều thập kỷ đem đến những ảnh hưởng nghệ thuật Khmèr vào nghệ thuật Champà mà nhóm tháp Dương Long và Hưng Thạnh là những chứng cứ. Tuy ảnh hưởng nghệ thuật Khmèr nhưng kiến trúc này vẫn giữ được cá tính của đền tháp Champa, nêu bật được giá trị thẩm mỹ truyền thống của nghệ thuật Champa mỗi khi tiếp xúc với các nền nghệ thuật khác.

Năm 1471, vùng Vijava bị bỏ phế, vương quốc Champa phải thu hẹp lãnh thổ vào phía nam Đèo Cả.

Cùng với nghệ thuật vùng Amaravati, đền - tháp ở vùng Vijaya là những chứng cứ vật chất sinh động để tìm hiểu nền văn minh Champà trong nhiều thế kỷ (từ TK 7 - 14). Đây là thời kỳ cường thịnh của vương quốc Champa với nhũng mối quan hệ và giao lưu rộng rãi khắp vùng Đông Nam Á, từng có một thời giữ vai trò quan trọng trên con dường thương hải từ Đông sang Tây.

Núi Đá Bia - Đèo Cả, ngọn núi thiêng của miền Nam Vương quốc Champa

Núi Đá Bia - Đèo Cả nay là ranh giới tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, xưa kia, có lẽ đây là ranh giới hai miền Nam và Bắc Vương quốc Champa. Hình dáng ngọn núi Đá Bia rất giống ngọn núi thiêng Lingaparvata của di tích Vatphu ở Champarác thuộc miền Nam Hạ Lào. Cách không xa núi Đá Bia về hướng bắc gần cửa sông Đà Rằng, trên một ngọn đồi nhỏ có một ngôi tháp gọi là tháp Nhạn, đây là một đền thờ dựng vào khoảng thế kỷ 11. Đặc biệt trên vách dá ở sườn phía đông nam ngọn đồi nhỏ này có khắc hai dòng rưỡi chữ Phạn Sankrit ca ngợi công đức của vua Bhadravarman Phạm Hồ Đạt là người sáng lập thánh dô Mỹ Sơn vào cuối thế kỷ thứ 4. Trước kia, những học giả người Pháp cũng đã tìm thấy tại Vatphu một bi ký ca ngợi vua Bhadravarman/Phạm Hồ Đạt. Điều này chứng tỏ 3 ngọn núi thiêng Mahaparata/Mỹ Sơn - Núi Đá Bia Lingaparvata/Vatphu có liên quan với nhau, chứng tỏ thời bấy giờ lục lăng của vua Bhadravarnan/Phạm Hồ Đạt và thế lực của vương quốc Champa đã ảnh hưởng lớn trên bán đảo Đông Dương.

Đền tháp vùng Panduranga:

Đền tháp vùng Panduranga bao gồm nhiều công trình có niên đại sớm từ thế kỷ 8 - 9 và cả nhóm kiến trúc có niên đại muộn thế kỷ 14 - 17.

Nhóm tháp Phú Hài còn gọi là Pô San­ gồm 3 tháp dựng trên ngọn đồi sát cửa biển Phan Thiết, xưa kia là một thương cảng quan trọng của miền Nam vương quốc Champa. Đền tháp Phú Hài là một trong những kiến trúc có niên đại rất sớm (vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII). Nhóm tháp này giữ lại một vài ảnh hưởng của nghệ thuật Khmèr thời tiền Angkor chỉ sử dụng chất liệu gạch để trang trí những trụ cửa hình tròn, chưa dùng đến sa thạch.

Cùng với Phú Hài là nhóm Pô Đăm (Pô Tằm) gồm 5 kiến trúc dựng trên một sườn núi cách xa quốc lộ 1. Trục tháp xoay về hướng Nam, nhìn xuống một thung lũng rộng với nhóm cánh đồng lớn. Đền tháp Pô Tằm tuy nhỏ nhưng được trang trí rất tinh xảo bằng nhiều kiểu hoa văn sinh động làm nên giá trị độc đáo cho chúng (niên đại cửa nhóm tháp này thuộc cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX).

Hòa Lai là một nhóm 3 tháp nằm sát quốc lộ I. Đây là một trong những kiệt tác của đền tháp Champa. Những đặc điểm nghệ thuật của nó đã hình thành một phong cách độc đáo trong kiến trúc Champa suốt thế kỷ thứ 9.

Trên một ngọn đồi mà người Champa gọi là Đồi Trầu (Chokhala) về phía bắc thị xã Phan Rang - Tháp Chàm tồn tại một nhóm tháp gọi là Pô Klong Garai thuộc thế kỷ 13 - 14. Nhóm tháp còn tương đối nguyên vẹn với những thành phần kiến trúc được bảo quản tốt giúp ta dễ dàng tìm hiểu cấu trúc cửa đền tháp Champa. Trong ngôi đền chính thờ một bộ Mukha Linga (Linga có mặt người) hiện vẫn được thờ phụng bởi người Champa ở địa phương này.

Cách Pô Klong Garai khoảng 10km đường chim bay về hướng nam là tháp Pô Rômê cũng được dựng trên ngọn đồi nhỏ. Đây là ngôi tháp có niên đại muộn nhất trong kiến trúc Champa, khoảng thế kỷ 16 - 17. Hình dáng ngôi tháp là một mô phỏng của tháp Pô Klong Garai. Trong tháp thờ tượng thần Siva mang những đặc điểm của mẫu hình bản địa.

Hằng năm nhân dịp tết Katê vào tháng 7 - lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch), người Chăm ở vùng Ninh Thuận tổ chức nghi lễ tế tự tại hai nhóm tháp Pô Klong Garai và Pô Rômê. Riêng tại tháp Rômê lễ rước trang phục của vua Pô Rômê được cất giữ bởi ngọn Raglay ở Tây Nguyên được cử hành rất trọng thể. Trong dịp tết Katê, người Chăm ở địa phương còn tổ chúc nhiều lễ hội mang đậm sắc thái cổ truyền của dân tộc (trong nghi thức cúng tế, trang phục, ca múa, âm nhạc). Ngày nay, di sản kiến trúc và nghệ thuật Champà là một kho tàng vô giá, là cơ sở vật chất chính yếu để nghiên cứu và phát triển văn hóa - du lịch ở miền Trung, một mũi nhọn kinh tế thời đất nước mở cửa. Văn minh Champa là một bộ phận trọng yếu để tìm hiểu quá khứ rực rỡ của vùng Đông Nam Á, nơi mà các quốc gia ở đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của Chân Á - Thái Bình Dương ở thế kỷ 21.

Trần Phương Kỳ 
Theo báo Du lịch số 6 (tháng 07-2001)

 

Theo danangpt.vnn.vn

Be the first person to like this.