Blogs
Categories
Lễ hội Katê, thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm (nhằm khoảng tháng 10 dương lịch), là để tưởng nhớ các vị Nam Thần như Pô Klong Garai, Pô Rôme... như mọi năm, lễ hội thường diễn ra trên một không gian rộng lớn từ tháp (Bi môn, Kalan) - làng (Paley) - đến gia đình (Nga wôm). Vì lẽ ấy, lễ hội không chỉ gắn với các đền tháp cổ kính - nơi ngưng tụ những giá trị kỹ thuật, mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm mà còn gắn liền với một phần khác của văn hoá như : đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ, những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với dân, với nước và hát kể về công việc đồng áng, sản vật trăm hoa, trăm quả, trăm nghề... Lễ hội Katê sẽ đưa những người dự lễ say sưa với tiếng trống Gi năng, kèn Saranai hòa vào những điệu múa của các thiếu nữ Chăm bay khắp cõi trời mơ... đánh thức tháp Chăm cổ kính, đang lặng ngủ dưới bụi thời gian bừng dậy, sáng lòa và tỏa ra trăm sắc ngàn hương của một nền văn hoá độc đáo riêng biệt.
Cả nước có khoảng 100.000 người Chăm, thì tại Ninh Thuận, cộng đồng người Chăm chiếm khoảng 50%. Theo thông lệ hàng năm, lễ hội Katê được tiến hành theo các nghi lễ sau : một ngày trước khi diễn ra lễ hội chính thức ở các đền Tháp Pô Nưgar, Tháp Pô Klong Garai, Tháp Pô Rôme, tại thôn Hữu Đức có tổ chức lễ đón rước y phục giữa người Raglai và người Chăm. Sau đó đến ngày 28-09 thì tổ chức Katê ở làng Chăm. Như vậy lễ hội diễn ra trong thời gian 3 ngày (từ ngày 26.09 - 28.09.2000) và được sắp xếp như sau :
Ngày thứ nhất, là lễ đón rước y phục của nữ thần Pô Nưgar ở thôn Hữu Đức. Lễ diễn ra tại ngôi đền Danok trong làng. Đền này được xây năm 1942. Nơi đây, du khách sẽ chứng kiến cuộc đón rước, trao báu vật của Nữ thần và giao lưu văn hóa giữa người Chăm và người Raglai. Sở dĩ có lễ rước y phục, vì tất cả các y phục của vua chúa thờ ở đền tháp Chăm đều do người Raglai cất giữ. Vì vậy, khi đến ngày lễ Katê thì người Chăm phải làm lễ đón rước người Raglai chuyển y phục về lại các đền tháp Chăm. Trong đó, lễ rước y phục (Rokaw khan pô yang) Pô Nưgar diễn ra vào buổi chiều, trước ngày hội chính thức ở đền tháp một ngày (26-09-2000) còn lễ đón rước y phục ở Tháp Pô Rôme và Tháp Pô klong Garai thì diễn ra vào buổi sáng hôm sau (27-09-2000). Tiếp đến là "Lễ tắm tượng thần" (Mney yang), "Lễ mặc y phục cho tượng thần" (Angui khan aw Pô yang), "Đại lễ (Mưliêng yang) và "Hội".
Theo trình tự ấy, Lễ hội Katê tại đền tháp được điều hành bởi Ban tế lễ chức sắc đạo Bàlamôn bao gồm : Thầy cả sư (Pô Dhia) trụ trì đền tháp làm chủ lễ; Thầy kéo đàn Kanhi (Ôn Kadhar) hát thánh ca; Bà Bóng (Muk Payâu) dâng lễ vật lên các vị thần : ông Từ (Camưnay) chủ trì lễ tắm tượng và một số tu sĩ Bàlamôn (Paseh) phụ lễ. Lễ vật dâng cúng Katê tại đền tháp bao gồm : 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp, 5 mâm cơm, canh cúng với thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng (lithey thap), 3 cỗ bánh gạo và hoa quả. Ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè...
Trong thời gian diễn ra ngày Hội văn hoá Chăm - Lễ hội Katê năm 2000, Ninh Thuận đã đón trên 2000 du khách, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá nghệ thuật dân gian... Tham dự ngày hội còn có các Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm ở các tỉnh Bình Thuận, An Giang, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, mang đến liên hoan hàng trăm tiết mục ca, múa nhạc ... Đặc biệt Ngành Văn hoá - Thông tin tổ chức buổi tọa đàm có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy vốn nghệ thuật Chăm trong cuộc sống hôm nay.
Lần đầu tiên Bộ VH-TT phối hợp với tỉnh Ninh Thuận tổ chức một hoạt động văn hoá lớn, gắn liền với các khu di tích lịch sử của cộng đồng người chăm trong cả nước nên từ năm 1999 đến tháng 8-2000, Ngành Văn hoá - Thông tin đã tổ chức việc tôn tạo các khu di tích Champa, quy tập các tài liệu, hiện vật cổ Chăm về Nhà bảo tàng tỉnh; Xây dựng chương trình tổ chức lễ hội và chương trình sinh hoạt, vui chơi giải trí trong cộng đồng người Chăm muôn màu muôn vẻ.
Chúng tôi có cuộc gặp gỡ anh Đàng Năng Đức ở Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận, anh Đức cho biết: "Quả thật đây là một Festival văn hóa cộng đồng Chăm, chứ không đơn giản là một hội thi như những lần trước". Hầu hết thành viên của các Đoàn Bình Thuận, An Giang, Phú Yên, TPHCM và Ninh Thuận không kể ngày, đêm hăng say tập luyện một chương trình ca, múa nhạc có sự tham gia dàn dựng của các nhạc sĩ lớn trong nước. Đường phố rực cờ, hoa đủ màu, Ngành Du lịch xem như hoàn thành nhiệm vụ đón và phục vụ tốt nhu cầu của du khách thập phương.
Các điểm tham quan như Tháp Pô Klong Garai, Tháp Pô Rôme, Tháp Hòa Lai, Làng gốm Bầu Trúc, Làng dệt thổ cẩm thôn Mỹ Nghiệp mà theo truyền thuyết là nơi sinh ra vị vua Pô Klong Garai... chật như nêm các du khách. Nhiều tiết mục mang đậm bản săc văn hoá dân tộc trong hội thi, gây ấn tượng khó quên cho du khách. Các thiếu nữ Chăm duyên dáng và lộng lẫy trong nhiều bộ trang phục dân tộc, cùng du khách say sưa với tiếng trống Gi năng, tiếng kèn Saranai, tiếng Mã lai, mời gọi các vị thần, tổ tiên cùng hoà nhịp với niềm vui khó tả và dịu dàng trong các hội thi đội nước, thi tay nghề dệt truyền thống... Sự giao lưu thắm đậm tình bè bạn trong lễ hội cứ náo nhiệt, rộn ràng cho đến khi mặt trời ngả về chiều, thì lễ hội Katê trên các tháp cổ Chăm mới kết thúc.
Theo danangpt.vnn.vn
Be the first person to like this.