• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On February 4, 2012
46 views

Trong suốt quá trình lịch sử, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hóa phát triển cao, một nền nghệ thuật dân gian đặc sắc. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm, cùng với Giava và Khơme được đánh giá là một trong ba nền nghệ thuật đặc sắc ở Đông Nam Á, mang tầm cỡ thế giới. Ngoài những giá trị văn hóa vật thể như hệ thống đền đài, tháp cổ, những bức phù điêu, tượng đá, bia ký, cộng đồng người Chăm, đặc biệt là ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hiện nay đang lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể cổ truyền đa dạng, phong phú và đặc sắc, đó là kho tàng chuyện cổ dân gian, ca dao tục ngữ, thành ngữ, câu đố và đặc biệt là kho tàng dân ca, dân vũ, nhạc lễ, hát cúng quyện với hệ thống nhạc cụ đa dạng và độc đáo.

Ca múa nhạc dân tộc Chăm phản ánh khá rõ nét cách nhận thức, quan niệm, thẩm mĩ, thể hiện tình cảm, sự tưởng nhớ của mình đối với các bậc tiền nhân đã có công xây dựng quê hương đất nước đem sự bình yên cho dân làng, hay sự sùng bái một hoặc một vài vị vua được thần hoá. Chúng ta hãy cùng khám phá môn nghệ thuật độc đáo này, để thấy rõ hơn giá trị của ca múa nhạc dân gian trong đời sống tinh thần, đặc biệt là đời sống tâm linh của đồng bào Chăm. 

Nghệ thuật Ca múa nhạc dân gian - Loại hình nghệ thuật gắn với lễ hội Chăm 

Người Chăm đang lưu giữ một kho tàng dân ca với những làn điệu, cung bậc có quan hệ mật thiết với dân ca người Việt và các làn điệu dân ca của các dân tộc sống cộng cư, cận cư khác. Nhiều điệu hát trữ tình, đằm thắm như “Thay mai”(Ai đến phía xa), “Ainich lo”, “Lekdiphik”, hay những làn điệu như “Dohdamdara” (hát đối đáp), Klaymrailopan (sợi chỉ đủ màu) đều mang những âm hưởng trữ tình, đặc sắc. Người Chăm còn có các làn điệu Ariya, là hình thức hát trường ca theo dạng kể chuyện, hát lối bằng thơ và có một kho tàng các làn điệu hát ru. Kho tàng nhạc lễ, hát lễ được các tu sĩ Balamôn lưu truyền và hát ở các nghi lễ, đây là nhạc lễ có nguồn gốc tôn gíáo Balamôn từ ấn Độ xa xưa: “Trong kinh VêĐa từ thế kỷ XX trước công nguyên có "Samma Vêđa" là tập ca khúc dùng để hát xướng khi cúng bái, tổng cộng 1549 bài, nội dung chủ yếu của Phuốc Vêda là nói rõ trong khi cúng tế nên dùng các thi ca này và tiến hành cúng tế như thế nào".

Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bị lớp lớp bụi thời gian phủ lấp, cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ kéo dài, ác liệt đã hủy diệt bao đền đài, tháp cổ và cả những giá trị văn hóa phi vật thể khác, nhưng Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm như những viên ngọc quí vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng dân tộc Chăm nhờ vào môi trường lễ hội. Những giá trị văn hóa ấy trước đây chỉ tồn tại trong các lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng. 

Nghệ thuật ca múa nhạc không tách rời giá trị đặc trưng trong từng lễ hội với những bài ca nghi lễ (Dcannưy), hát dân gian (Douh Mưduôn), dân ca, dân vũ (Paran douh), hát giao duyên (Douh Dam dara)… Trong khi hát (tuỳ nội dung bài hát) có múa: múa tôn giáo (múa Siva), múa tín ngưỡng (Đạp lửa, vãi chài…), múa dân gian (múa quạt, đội nước), múa cung đình (Apsara)… Kèm theo với múa và hát bao giờ cũng có bộ nhạc cụ dân tộc: trống Ginang, trống Baranưng, kèn Xaranai, chiêng, đàn Kanhi, lục lạc… Các yếu tố đó đan quyện vào nhau tạo âm thanh không thể thiếu khi khoan thai, lúc sôi nổi tương ứng cho từng lễ hội.

Ở tín ngưỡng của người Chăm, các chức sắc đảm nhiệm công việc điều hành nghi lễ và cả âm nhạc, múa. Đội ngũ chức sắc này phần lớn là chuyên nghiệp, đôi khi được mời từ các plây khác để phục vụ âm nhạc cho nghi lễ, lễ hội. Trước đây, trong các nghi lễ của người Chăm Hồi giáo đặc biệt không có sự tham gia của âm nhạc và múa. Hiện nay người Chăm Hồi giáo Bà ni cũng tham gia vào những sinh hoạt hát múa trong những lễ hội cộng đồng với người Chăm Bàlamôn. Hầu như trong các nghi lễ của người Chăm Bàlamôn, âm nhạc đều tham gia một cách tích cực và trở thành nhân tố quan trọng trong nhiều nghi lễ, lễ hội. 

Xưa người Chăm không dám sử dụng các nhạc cụ, các điệu múa truyền thống để phục vụ vào cuộc vui chơi hay giải trí trong đời thường, vì như thế là xúc phạm đến các thần linh, trái với đạo đức, phong tục, tập quán. Theo trào lưu cuộc sống mới, dần dần nghệ thuật ca múa nhạc Chăm được đưa lên sân khấu biểu diễn. Có nghĩa là loại hình nghệ thuật này được sử dụng trong quần chúng nhân dân, nhưng phải luôn tuân theo nguyên tắc chặt chẽ, nghệ thuật múa của dân tộc. Trên những công trình kiến trúc Chăm, hình tượng vũ nữ apsara trong các tư thế múa luôn gợi cho người ta cảm giác như lạc vào tiên cảnh. Ai đã thưởng thức múa Chăm sẽ không thể không đắm lòng mình trong những vũ điệu quyến rũ này. Chính vì vậy, nhà thơ Inrasara của dân tộc Chăm viết:

“Những vòm ngực căng phồng ban mai
Những vòm ngực nung trầm suy tưởng
Hôm qua và ngàn sau.
Nhảy múa giữa hoàng hôn
Đường cong bay bay chiều vụn nát.
Bóng đêm tràn dài thung lũng khát
Nhảy múa gọi bình minh
Paranưng miệt mài ngàn năm vỗ”.


Âm nhạc dân gian Chăm: Nền âm nhạc mang nặng tính thiêng 

Người Chăm có một nền âm nhạc dân gian truyền thống rất phong phú, được hình thành và phát triển sớm trong lịch sử dân tộc. Ngày nay, đến xã hội Chăm, chúng ta sẽ chứng kiến những lễ hội đan xen, dày đặc trong năm mang đậm tính tôn giáo. Bởi thế, nên bất kỳ lễ hội nào của họ cũng có âm nhạc và múa. Âm nhạc trở thành một yếu tố của lễ, là nghi thức của buổi lễ và còn là linh hồn của buổi lễ . Đồng bào Chăm ví âm nhạc như phần hồn của cả dân tộc và dường như bất biến với thời gian. 

Trước đây, âm nhạc mang nặng tính thiêng, chỉ để phục vụ nghi lễ, không được sử dụng làm chức năng vui chơi giải trí có tính chất trần tục. 

Trong xã hội Chăm từ thuở xa xưa tín ngưỡng và tôn giáo đã chi phối hầu hết các lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hoá xã hội, những chức sắc trong các đạo Giáo thuộc đẳng cấp tăng lữ vừa giữ quyền điều hành, lãnh đạo xã hội, kinh tế lại vừa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. 

Ngay từ khi vương quốc Chămpa mới thành lập, Bàlamôn giáo đã du nhập và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người Chăm. Dưới triều đại các vua Chăm, giữa thần quyền và vương quyền luôn có sự đồng nhất (cụ thể là thánh đô và kinh đô luôn được định vị gần nhau như thánh đô Mĩ Sơn và kinh đô Trà Kiệu ở Duy Xuyên Quảng Nam). Vua Chăm tự coi mình là hoá thân của thần linh và từ đó tạo ra một hệ thống Vua - Thần để trị vì đất nước. Khi du nhập vào xã hội Chăm, Bàlamôn giáo đã dung hoà nghệ thuật âm nhạc dân gian bản địa với nền văn hoá Bàlamôn giáo để tạo thành nghệ thuật âm nhạc truyền thống Chăm giàu bản sắc. Người Chăm Bàlamôn đã thu hút vào sinh hoạt nghi lễ những yếu tố văn hoá dân gian bản địa, trong đó có nghệ thuật âm nhạc dân gian, đồng thời góp phần bảo lưu những giá trị văn hoá và những nhạc khí truyền thống, thông qua sinh hoạt âm nhạc nghi lễ của mình.

Dàn nhạc truyền thống Chăm với trống Ginăng, trống Baranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi đã hiện hữu trong đời sống văn hoá của người Chăm, đồng thời cũng là các nhạc khí vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của đạo Giáo. Sử sách đã ghi rõ: sau khi du nhập vào xã hội Chăm, Bàlamôn giáo đã thay thế các thần chính thống bằng các vị Vua - Thần, là những vị vua có thật trị vì đất Chăm, điều ấy bao hàm ý nghĩa đạo Bàlamôn đã đồng nhất những vị vua nắm giữ vương quyền với các vị thần Bàlamôn giáo. Bên cạnh đó, đạo Bàlamôn đã đưa những hoạt động âm nhạc nghi lễ vào cung đình Chăm, từ đó tất yếu dẫn tới sự đồng nhất giữa âm nhạc nghi lễ - tôn giáo và âm nhạc cung đình.

Mặc dù nền âm nhạc truyền thống Chăm được hình thành bởi ba thể loại: âm nhạc thế tục, âm nhạc cung đình và âm nhạc nghi lễ, song xã hội Chăm cổ là một xã hội tôn giáo, cho nên giữa ba thể loại âm nhạc này luôn có sự hoà hợp và đan xen lẫn nhau, trong đó thể loại âm nhạc nghi lễ đóng vai trò chủ đạo và âm nhạc cung đình Chăm luôn chiếm vai trò quan trọng trong sinh hoạt nghi lễ cung đình Chăm. Do đặc điểm tôn giáo và tính chất xã hội nên giữa âm nhạc cung đình và âm nhạc nghi lễ tôn giáo luôn có sự hoà hợp. 

Hệ thống nhạc khí trong dàn nhạc cung đình có lẽ cũng được sử dụng trong nghi lễ và có nguồn gốc từ các quốc gia bên ngoài nhập vào, được bản địa hoá trở thành những nhạc khí truyền thống của dân tộc Chăm. Thể loại âm nhạc này khá phong phú và thường xuyên tham gia vào các hoạt động nghi lễ của người Chăm. Trong số đó, đa dạng và độc đáo hơn cả là hệ thống nghi lễ nông nghiệp và hệ thống nghi lễ Rija.
Căn cứ vào những di tích điêu khắc còn lưu dấu trên các đền tháp và hệ thống tượng cổ ở bảo tàng Chăm, chúng ta có thể khẳng định rằng Vương quốc Champa trước đây đã từng có thể loại âm nhạc cung đình và một dàn nhạc đại lễ, đã từng tham gia vào các nghi lễ lớn trong cung đình với những nhạc công chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có những hình thức độc tấu, đệm nhạc cho hát - múa trong những buổi sinh hoạt giải trí của vua quan, triều đình và hoàng tộc.

Có lẽ do tính chất trang nghiêm và khuôn mẫu, hơn nữa người Chăm Bàlamôn quan niệm âm nhạc là dành cho thần thánh cho nên âm nhạc cung đình Chăm sớm hoà nhập với âm nhạc nghi lễ. Chính vì thế những nhạc khí trong dàn nhạc cung đình Chăm cũng là những nhạc khí trong dàn nhạc nghi lễ - Hệ thống nhạc khí Chăm phần lớn là ngoại nhập và bắt nguồn từ ấn Độ, Mã Lai hoặc JaVa, trong khi đó những nhạc khí có nguồn gốc dân gian hầu như bị thất truyền, trừ một số ít nhạc khí thực sự tham gia vào thể loại âm nhạc nghi lễ.

Trong âm nhạc dân gian Chăm, nhạc cụ truyền thống rất đa dạng, hầu như tất cả các nhạc cụ đều tham gia vào các hoạt động biểu diễn các nghi lễ truyền thống của người Chăm. Bộ gõ có trống baranưng, trống ghi năng, chiêng, chũm chọe, đàn đá, mõ, kàrồng (dây lục lạc); bộ dây có đàn ka nhi (nhị mu rùa), đàn chămpi, bộ hơi có kèn saranai, tù và bằng sừng trâu, khèn bầu, sáo… Các vị chức sắc giải thích rằng những nhạc cụ chính trong dàn nhạc lễ Chăm là biểu tượng của một thể thống nhất các bộ phận của vị thần. Trong đó, kèn Saranai là biểu tượng cho phần đầu, trống Paranưng là phần bụng (ôm vào bụng ngồi vỗ), đôi trống ghi năng là hai chân (luôn để bắt chéo và ngồi biểu diễn, một tay vỗ vào mặt trống phía trên và một tay cẩm dùi để đánh phía dưới).

Múa dân gian Chăm: Một đặc trưng của văn hoá Chăm 

Không chỉ có một nền âm nhạc dân tộc độc đáo và đa dạng, người Chăm có nền nghệ thuật múa dân gian đặc sắc, và là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm. Tiếng trống paranưng nổi lên hoà quyện với tiếng kèn saranai như cuốn hút những bước chân của những chàng trai, cô gái Chăm bước vào những điệu múa uyển chuyển nhịp nhàng, những điệu múa say cuốn, mê hoặc lòng người mang đậm phong cách văn hoá Chăm.

Múa Dân gian Chăm, còn gọi là múa cộng đồng, thường diễn ra vào các ngày lễ đầu năm, đầu mùa. Những điệu múa đặc trưng là đoá pụ (có nghĩa là đội nước, khi múa, những cô gái đội một cái bình trên đầu- đội đầu là một hình thức vận chuyển phổ biến của người Chăm), múa quạt, múa khăn, múa trống paranưng, múa roi, múa chèo thuyền. Múa chèo thuyền được coi là điệu múa lâu đời nhất của người Chăm, thể hiện sinh hoạt lao động vùng biển của con người.

Đa phần các điệu múa của người Chăm đều gắn liền với lễ hội, mà hệ thống lễ hội của người Chăm thì vô cùng phong phú. Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau, nhưng đều phản ánh ước vọng của người Chăm trước thần linh, thân tộc, thiên nhiên và cộng đồng. Họ mong sao cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được bội thu, cây cối tươi tốt, con cháu ấm no khoẻ mạnh, hạnh phúc, được sống yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên. Không chỉ gắn bó với lễ hội, múa dân gian Chăm còn gắn liền với những dịp trọng đại của gia đình như cưới xin, khánh thành nhà... Điều đặc biệt là múa dân gian Chăm hầu hết là múa có đạo cụ như khăn, roi, trống, quạt... và dựa vào đạo cụ mà gọi tên cho từng điệu múa. 

Vũ điệu múa Chăm thường bắt nguồn từ những động tác lao động, sinh hoạt thường ngày và đều phản ánh những ước vọng của con người trước thần linh, thiên nhiên và cuộc sống cộng đồng. Những điệu múa thể hiện sự cầu mong cho mưa thuận gió hoà, con cháu khoẻ mạnh, yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên, nhưng cũng có những điệu múa thể hiện ý chí quật cường sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống (múa roi).

Múa dân gian Chăm dựa trên bốn động tác cơ bản như: múa con công, múa con gà tây, múa quí phái và múa hoàng tử. Các nghệ nhân đã phát triển, biến hoá, kết hợp lại tạo thành những động tác múa hoàn chỉnh. Có thể xuyên suốt bài múa chỉ có bốn động tác chính mang tính chất qui nạp, chủ đạo nhưng vẫn tạo được ấn tượng độc đáo, cuốn hút người xem vào không khí linh thiêng, sâu thẳm nhưng chứa đầy ẩn vọng. Động tác tay có bốn động tác, còn động tác chân trong múa Chăm truyền thống chỉ có một bước nhún nhưng không thể thiếu, đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển của các điệu múa Chăm. Động tác nhún êm dịu, bồng bềnh như những đợt sóng nhẹ trên mặt biển mênh mông. Trong động tác chân có những nét phụ tô điểm cho những nhịp chính gây cảm giác lạ thường.

Múa dân gian Chăm, cùng với múa cung đình và múa tôn giáo, là một bộ phận độc đáo trong di sản văn hóa Chăm. Mỗi điệu múa Chăm chứa đựng trong đó những nội dung khác nhau, nhưng đều hướng đến các điểm chính là thể hiện ước vọng của người Chăm trước thần linh, thân tộc, thiên nhiên và cộng đồng. Họ mong sao cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu, cây cối tươi tốt, con cháu ấm no khỏe mạnh, hạnh phúc, được sống yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên. Ngoài ra còn có động tác nhún êm dịu, bồng bềnh như những đợt sóng nhẹ trên mặt biển mênh mông. Trong động tác chân có những nét phụ như tô điểm cho những nhịp chính gây cảm giác lạ thường. 

Múa Chăm là một kho tàng nghệ thuật quí báu không chỉ của dân tộc Chăm mà còn của Việt Nam và nhân loại. Bên trong những điệu múa ấy, người ta có thể phần nào cảm nhận được tâm hồn đầy chất văn hóa biển, dạt dào và sôi động, không ít sự lãng mạn trong tâm hồn của dân tộc Chăm.

Trong nghệ thuật múa dân gian Chăm, múa “thiêng” chiếm giữ một vị trí quan trọng. Hầu hết các lễ hội Chăm đều có sự tham gia của các vũ sư như Ong Kaing (ông bóng), bà Muk pajow (bà bóng khu vực tôn giáo), bà bóng Muk Rija (bà bóng của dòng họ – bản thân tên gọi chức sắc cũng đã là bà múa: Rija trong tiếng Chăm có nghĩa là múa). Những phong cách múa truyền thống Chăm còn thể hiện trên các mảng điêu khắc như Vũ nữ Trà Kiệu, Apsara và các tượng thần Ấn Độ giáo như Siva, Uma, Brahma, Visnu… Ngoài ra, người Chăm còn có những điệu múa sinh hoạt, hội hè. Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ thiếu nữ hay phụ nữ Chăm nào cũng biết múa. 

Múa dân gian Chăm có các loại chính sau:

Múa Chăm thường sử dụng với các loại đạo cụ như khăn, roi, trống, quạt... và dựa vào từng loại đạo cụ mà đặt tên cho điệu múa. 

- Múa đội lu (Tamia đwa buk), còn gọi là múa Đoa pụ: Xuất phát điểm là Múa đội Thong hala (cỗ bồng trầu) trong lễ dâng nước thánh trên tháp, sau đó nó được kết hợp với thao tác đội lu nước trong sinh hoạt ngày thường, thành loại hình múa này. Múa Đwa buk có nhiều biến thái đẹp mắt, nhưng thao tác đặc sắc hơn cả là các cô gái thả cả hai tay, khi thì đứng lúc lại ngồi hay nghiêng mình khá thoải mái trong biểu diễn. 

Trong sinh hoạt lao động thường ngày của người Chăm, đầu là phương tiện chuyển tải lâu đời rất thuận tiện. Có khi ta bắt gặp họ đội những bao lúa trên đầu từ ruộng về làng, hoặc những món đồ khá nặng. Bóng dáng các cô gái đội pụ đi lấy nước chính là những hình ảnh lao động truyền thống của đồng bào Chăm được tái tạo bằng hình tượng nghệ thuật, đó là múa Đoa pụ. 

- Múa quạt (Tamia tadik): Nếu như múa Đoa pụ với tính chất dịu dàng, sâu lắng, tế nhị thì múa quạt lại rộn ràng, vui tươi, sôi động. Chiếc quạt như tiếng nói thân tình, khi vui quạt rung lên, khi buồn thì úp xuống, lúc yêu đương lại duyên dáng đẩy đưa, khi nghĩa tình quạt sóng đôi bay lượn... 

Múa quạt là một hình thức múa dân gian lâu đời. Dụng cụ chính là chiếc quạt: xòe ra hay xếp lại cả cặp hoặc một xòe một xếp. Có thể múa cá nhân trong các ngày lễ hay múa tập thể trong những ngày lễ hội.

- Múa khăn (Tamia tanhiak): Người nghệ sĩ cầm khăn, dùng cổ tay hất khăn lên lúc khoan thai, nhẹ nhàng khi mạnh mẽ, dứt khoát, theo nhịp điệu của nhạc. Đây là điệu múa gắn với chiếc khăn, một vật dụng không thể thiếu đối với phụ nữ Chăm. Các nghệ sĩ múa chỉ dùng những động tác tay thật nhẹ nhàng để phất hai đầu chiếc khăn tung lên theo nhịp điệu của âm nhạc nhưng lại có tác dụng rất lớn như thúc giục rộn ràng, lúc ẩn, lúc hiện. 

- Múa dao: Điệu múa với dụng cụ là Carit, con dao có độ dài khoảng 40cm, hình xoắn ốc rất đẹp. Năm 60 trở về trước, điệu múa này còn tồn tại ở một dòng họ làng Caklaing (làng Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận), nay đã thất truyền

- Múa roi và múa đạp lửa (Tamia jwak apwei): Các điệu múa đã tồn tại từ lâu đời có tính khái quát cao. Nhịp điệu múa khỏe khoắn tượng trưng cho sự chiến đấu quyết vượt qua khó khăn, gian khổ.

Múa roi là điệu múa của nam giới, nó biểu hiện sự khoẻ khoắn, lòng quật cường có thể chiến thắng mọi chông gai thử thách. Đôi khi đạo cụ trong múa roi được thay thế bằng cây mía nhưng nội dung ý nghĩa của điệu múa không có sự thay đổi, nó vẫn biểu hiện sự đấu tranh kiên cường, chiến thắng tà ma quỷ quái để dành lại cuộc sống thanh bình. 

- Múa chèo thuyền (theo điệu trống Wah gaiy): dụng cụ múa là cây chèo được thay bằng cây mía trong dịp lễ. Điệu múa này mô tả những động tác chèo thuyền trên biển, luôn đi kèm với bài tụng ca: Ppo Tang Ahauk.

Ngoài múa roi, múa chèo thuyền có lẽ là điệu múa lâu đời nhất trong kho tàng nghệ thuật múa Chăm. Múa chèo thuyền là một tác phẩm phản ánh sinh hoạt lao động vùng biển của người Chăm với nội dung đầy tính nhân văn. Nó không chỉ miêu tả quá trình lao động trên biển của cư dân, mà còn đề cao đức độ con người, đồng thời khẳng định ý chí con người có thể chiến thắng mọi gian nan thử thách.

- Múa âm dương: Là tên chủng loại múa do nhà biên đạo Hải Liên đặt cho dạng múa phồn thực của Chăm, gọi là Tamia Klai Kluk, dạng múa này nay đã thất truyền, hiện chỉ còn lưu giữ tại làng Bính Nghĩa, tỉnh Ninh Thuận. Người múa là nam, với khúc gỗ được đẽo như hình dương vật, múa dẫn đường, sau đó là các cặp nam nữ khác, vừa vui nhộn vừa linh thánh.

Tất cả các điệu múa này vẫn còn tồn tại trong cộng đồng Chăm như một hình thái sinh hoạt lễ hội và theo thời gian, chúng được cách điệu để đưa lên sân khấu. 

Be the first person to like this.