• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
21 views

Hội Luận: Vai trò của lịch sử Champa trong quá trình hình thành lịch sử Việt Nam


Ts. Po Dharma

Vai trò của lịch sử Champa trong quá trình hình thành lịch sử Việt Nam là chủ đề của buổi hội luận nhân dịp lễ ra mắt tác phẩm Vương quốc Champa: Ðịa Dư, Dân Cư và Lịch sử do Hội Ðồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa tổ chức tại hội truờng của thành phố San Jose, Hoa Kỳ vào ngày 17-9-2011.

MỤC TIÊU CỦA HỘI LUẬN

Champa là vương quốc có nền văn minh cao độ nằm ở miền trung Việt Nam. Sau 8 thế kỷ đối đầu với cuộc Nam Tiến của Ðại Việt, vương quốc Champa chỉ để lại cho hậu thế hôm nay một chuỗi di tích đền đài hoang phế và hai cộng đồng tộc người gồm có dân tộc Tây Nguyên khoảng 700 ngàn người và dân tộc Chăm hơn 100 ngàn người sinh sống trong khu vực của tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Châu Ðốc và Tây Ninh. 

Sau ngày vương quốc Champa bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới vào năm 1832, dân tộc Champa trở thành công dân Việt Nam, đất đai Champa được sáp nhập vào các đơn vị hành chánh Việt Nam và di tích đền đài Champa trở thành di sản phi vật thể Việt Nam, cấu thành yếu tố làm tô thêm vẻ đẹp cho nền văn minh đa dạng của quốc gia này. Tiếc rằng, lịch sử Champa vẫn là một chủ đề nằm bên lề trang sử của dân tộc Việt. Chính đó là nguyên nhân giải thích cho sự ra đời của buổi hội luận mang chủ đề: Vai trò của lịch sử Champa trong quá trình hình thành lịch sử Việt Nam.

Ðây là cuộc trao đổi trong tình hữu nghị và khách quan chung quanh vai trò của lịch sử Champa trong tiến trình hình thành nền văn minh Việt Nam hầu đưa ra một nhận định chung về thực trạng của xã hội Champa trong bối cảnh chính trị hôm nay và nêu ra những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn sự tồn vong của dân tộc này trong đại gia đình của quốc gia Việt Nam đa chủng tộc.

ÐẠI BIỂU THAM GIA HỘI LUAN

Hội Luận ngày 17-9-2011 đặt dưới sự điều hợp của Pgs. Ts. Po Dharma (Viện Viễn Ðông Pháp, Paris), tập trung 8 đại biểu xuất thân từ công đồng Việt Nam và Champa tại hải ngọai. Họ là nhân vật tiêu biểu trong giới nghiên cứu khoa học, phong trào đấu tranh dân chủ và tự do, tổ chức hội đòan và cơ quan thiện nguyện, v.v.

Hội luận. Từ trái sang phải : Ls. Nguyễn Tâm, Musa Porome, Ts. Trương Bổn Tài, Pgs. Ts, Po Dharma, Hoàng Thế Dân

1). Ts. Trương Bổn Tài, quê quán Sài Gòn, là Giáo Sư dạy môn Kinh Tế Học tại trường đại học San Jose State University và ngành Quản Trị Thương Mại tại Ðại Học Phoenix. Ông là người rất say mê về nền văn minh Việt Nam, đã phát hành hai tác phẩm về văn hóa Việt Nam, và cũng là sáng lập viên của Nhóm Việt Học, một tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá nền văn minh Việt Nam.

2). Ông Musa Porome là Chủ Tịch Văn Phòng Champa Quốc Tế (IOC-Champa). Quê quán ở tỉnh Ninh Thuận, ông là nhà trí thức Chăm đã từng tham gia trong các hoạt động bảo tồn văn hóa Champa từ 30 năm qua. Là thành viên của tập san Champaka, ông đã đóng góp nhiều bài viết trên tập san và mạng web của tổ chức này. 

3). Ông Nguyễn Công Bằng, quê quán tỉnh Kiên Giang là người đã từng phục vụ trong quân lực VNCH. Cuối năm 1978, ông thoát thân ra khỏi trại tù và vượt biên sang định cư tại Hoa Kỳ. Tại hải ngoại, ông không ngừng tham gia trong các phong trào đấu tranh cho Việt Nam tự do và dân chủ.

4). Mục sư Cường Ðiệu là dân tộc Tây Nguyên, đến Ðan Mạch vào năm 1975, tốt nghiệp cử nhân về ngành thương mại vào năm 1988 và tiến sĩ thần học vào năm 2007 tại trường đại học Berkeley, California. Ông cũng là người rất tích cực phục vụ cho cộng đồng tại nhiều khu vực ở Hoa Kỳ.

5). Ông Hoàng Thế Dân, quê quán ở miền trung Việt Nam là Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, ông sang định cư ở Hoa Kỳ và giữ vai trò lãnh đạo trong ngành xí nghiệp điện tử. Ông cũng là nhân vật nằm trong phong trào đấu tranh cho Việt Nam tự do và dân chủ tại hải ngoại. 

6). Bà Dương Chi Mai là trưởng nữ của cựu thiếu tá Dương Tấn Sở, một phụ nữ tiêu biểu trong cộng đồng Chăm hôm nay, đã đạt được giải thưởng WRITING ON AMERICA vào năm 2007. Sang định cư tại Hoa Kỳ vào năm 2009, bà Dương Chi Mai hiện là sinh viên của trường Cosumnes River College.


Hội luận. Từ trái sang phải : Nguyễn Công Bằng, Ngô Viết Trọng

7). Nhà văn Ngô Viết Trọng xuất thân từ cơ quan Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam, đến Hoa Kỳ định cư vào năm 1993. Ông đã ấn hành 9 cuốn tiểu thuyết, trong đó có tác phẩm mang tựa đề: “Chế Bồng Nga - Anh Hùng Chiêm Quốc”, ra mắt vào tháng 7 năm 2011 tại thành phố Sacramento.

8). Ông Nguyễn Tâm là luật sư tốt nghiệp từ Ðại Học Luật của Hoa Kỳ, có văn phòng thường trực tại thành phố San Jose, không ngừng đấu tranh nhằm che chở cho người nghèo và cô thế trong xã hội hôm nay. Ông cũng là người rất thân cận với cộng đồng Chăm của tiểu bang California.

NỘI DUNG HỘI LUẬN

Trước khi đi vào chi tiết của chủ đề, Ts. Po Dharma nhấn mạnh rằng lịch sử Champa ở đây không ám chỉ cho lịch sử của vua chúa Champa hay lịch sử chiến tranh giữa Champa và Ðại Việt, mà là lịch sử mang tính cách tổng thể bao gồm cả yếu tố chính trị, văn hóa, tổ chức gia đình và xã hội, phong tục tập quán, v.v. 

Vì thời gian quá ít, nhưng đề tài thì quá rộng và bao la, thành ra buổi hội luận này chỉ bàn đến những chủ đề thiết yếu được xem như là nguyện vọng chính đáng của dân tộc Champa đối với sự tồn vong của họ trong thế kỷ thứ 21 này. 

Sau đây là phần tóm lược nội dung của buổi hội luận.

1). Lịch sử Champa không thể tách rời ra khỏi lịch sử Việt Nam

Hầu hết các đại biểu trong buổi hội luận đều công nhận rằng Việt Nam hôm nay là quốc gia đa chủng tộc. Một khi chấp nhận Việt Nam là quốc gia đa chủng, thì người ta phải chấp nhận Việt Nam là quốc gia đa lịch sử, đa văn hóa, cấu thành nền văn minh đa dạng của quốc gia này. Kể từ đó, lịch sử Việt Nam không thể định nghĩa như lịch sử riêng tư của dân tộc Việt mà là lịch sử của tất cả dân tộc nằm trong đại gia đình Việt Nam. Ngược lại, lịch sử vương quốc Champa cũng không phải là di sản tinh thần riêng tư của dân tộc Champa mà di sản chung của quốc gia Việt Nam hôm nay. Chính vì thế, người ta không thể tách rời lịch sử Champa ra khỏi yếu tố lịch sử Việt Nam được. 

2). Cần phục hưng lại qui chế đặc biệt dành cho dân tộc Champa 

Năm 1841, vua Thiệu Trị ban hành qui chế đặc biệt trong đó dân tộc Chăm được công nhận như một tập thể dân bản địa (thổ dân) có lãnh thổ riêng, hệ thống tổ chức hành chánh riêng, tòa án phong tục riêng, có ruộng đất riêng dành cho cộng đồng sư cả lảnh đạo tôn giáo, đền tháp và thánh đường Hồi Giáo, v.v. Ngày 15-4-1950, hoàng đế Bảo Ðại ban hành qui chế tự trị mang tên là Hoàng Triều Cương Thổ dành cho dân tộc Tây Nguyên. Dưới thời đệ nhị Cộng Hòa, chính phủ Việt Nam ban hành thêm chính sách đặc biệt dành cho dân tộc Chăm và dân tộc Thuợng, liên quan đến chương trình giáo dục, kinh tế, xã hội, v.v. hầu giúp dân tộc này có cơ hội theo kịp đà phát triển của dân tộc Kinh. 

Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam xóa bỏ qui chế đặc biệt dành cho dân tộc Champa bằng cách chuyển hóa dân tộc này thành công dân vô sản của xã hội chủ nghĩa. Kể từ đó, dân tộc Champa trở thành một tầng lớp nông dân chuyên sống về nghề nông nhưng không có đất đai để canh tác. Chính đó là nguyên nhân giải cho thực trạng kinh tế suy đồi mà dân tộc Champa đang gánh chịu. Nghèo túng, nợ nầng, thiếu công ăn việc làm trở thành chủ đề nổi cộm trong xã hội Champa hôm nay. Trình độ dân trí thấp kém càng đưa xã hội Champa đi vào con đường bế tắc. Vì trình độ quá thấp kém so với dân tộc Kinh, thế hệ trẻ Champa không bao giờ có cơ hội tiến thân trong các trường đại học thường tuyển chọn các thí sinh dựa vào qui chế thi cử chung với sinh viên gốc người Kinh. 

Ðưa vào những yếu tố vừa nêu ra, đa số đại biểu đưa ra quan điểm rằng dân tộc Champa không thể nào tự giải quyết vấn đề nghèo đói, công ăn việc làm và nền dân trí thấp kém của họ nếu chính quyền Việt Nam không đưa ra một chính sách ưu tiên dành cho tập thể của dân tộc bản địa này. 

3). Lịch sử Champa không phải là văn chương hận thù dân tộc 

Trong tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa, Gs. Lafont đã nêu ra lời kết luận rằng chiến tranh giữa Champa và Ðại Việt là chiến tranh giữa các nhà cầm quyền Champa theo văn minh Ân Giáo chống lại các nhà cầm quyền Ðại Việt theo văn minh Phật Giáo, chứ không phải cuộc chiến hận thù giữa dân tộc Champa và dân tộc Việt trong nghĩ rộng của nó. Tiếc rằng lịch sử Champa lúc nào cũng xem như một chủ đề nhạy cảm và vẫn còn nằm bên lề trang sử của dân tộc Việt, không được phổ biến trong trường lớp, trên các làn sóng của đài phát thanh và truyền hình, v.v. để rồi hôm nay cả dân tộc Việt lẫn dân tộc Champa cũng không biết nội dung lịch sử của vương quốc này. 

Ðây là chủ đề quan trọng mà nhà nước Việt Nam và cộng đồng nguời Việt hôm nay cần quan tâm đến làm thế nào để lịch sử Champa không còn là lịch sử riêng tư của dân tộc Champa nữa mà là di sản chung của quốc gia Việt Nam cần phải đưa vào giáo trình giảng dạy trong các trường lớp. 

4). Nhân vật lịch sử Champa không thể bị bỏ quên trong bối cảnh xã hội

Các đại biểu trong buổi hội luận đều công nhận rằng dân tộc Champa hôm nay là một cộng đồng nằm trong đại gia đình của quốc gia Việt Nam. Ðứng trên mối liên hệ lịch sử mà phân tích, dân tộc Champa dù sao đi nữa cũng là con cháu của vua Chế Mân và của bà hoàng hậu Huyền Trân Công Chúa. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, người ra chỉ lập đi lập lại những nhân vật lịch sử có nguồn gốc xuất xứ từ phía Huyền Trân Công Chúa để rồi quên đi tên tuổi của vua Chế Mân. Bằng chứng cụ thể, những con đường và đại độ tại Việt Nam hôm nay đều lấy tên gọi của những vị anh hùng của dân tộc Việt, như đường Lê Lợi, đường Trần Nhân Tông, đường Nguyễn Huệ, v.v. nhưng người ta không bao giờ nghe đến con đường mang tên là Chế Mân, trong khi đó người ta lại đặt tên cho con đường, mang tên là đường Huyền Trân Công Chúa. 

Ðây chỉ là chi tiết nhỏ nhoi nằm trong tiến trình của lịch sử, nhưng chi tiết này đã nói lên thế nào yếu tố lịch sử Champa hoàn toàn bị quên lãng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. 

5). Vấn đề luật tục của dân tộc Champa

Trong buổi hội luận, vấn đề luật tục của dân tộc Champa cũng là chủ đề đáng được quan tâm. Ðứng rên phương diện nhân chủng học mà phân tích, dân tộc Chăm và Việt đều là tập thể nhân loại như nhau. Nhưng hai dân tộc này hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc lịch sử và văn hóa, hệ thống tổ chức gia đình và xã hội. Chính vì thế, triều đình Huế đã ban cho dân tộc Chăm và Thượng một qui chế riêng về luật tục. Và qui chế pháp lý này vẩn còn duy trì duới thời đệ nhị Cộng Hòa. 

Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam xóa bỏ tòa án phong tục của dân tộc Champa và buộc dân tộc này phải qui phục luật dân sự của Việt Nam hoàn toàn dựa vào phong tục tập quán của dân tộc Kinh. 


Hội luận. Từ trái sang phải : Mục sư Cường Ðiệu, Duơng Chi Mai

Một thí dụ điển hình. Dân tộc Chăm theo chế độ mẫu hệ tức là qui chế dành cho người đàn bà làm chủ nhân tối cao về tài sản của gia đình, từ của cải, con cái, đất đai, nhà cửa, v.v. Một khi đưa ra tòa xử lý, thì luật lệ Việt Nam hiện hành không bao giờ công nhận người đàn bà Chăm có quyền trên tài sản gia đình của họ. Ðây là một vấn đề vô nan giải mà dân tộc Chăm đang than van nhưng không biết tìm ai để cầu cứu. 

6). Sự tồn vong của dân tộc Champa trong thế kỷ thứ 21

Sự tồn vong của dân tộc Champa trong thế kỷ thứ 21 này cũng là chủ đề mà các nhà nghiên cứu không ngừng bàn đến. 

Sau ngày thay đổi chế độ chính trị vào năm 1975, có nhiều hiện tượng cho thấy rằng danh xưng của dân tộc Chăm sẽ bị xóa bỏ trên bản đồ nhân chủng thế giới trong thế kỷ thứ 21 này, không phải vì súng đạn của chiến tranh hay vì chính sách diệt chủng của chính quyền nào đó, mà là họ bị đồng hóa trước sức ép của một tập thể không lồ, tập trung hơn 80 triệu người Kinh nắm toàn quyền chủ động trên các hệ thống giáo dục, tuyền thanh, truyền hình và báo chí. Ðây là qui luật chung của xã hôi mà dân tộc Chăm không thể thoát ra bối cảnh này, nếu dân tộc này không ý thức rõ ràng về sự tồn vong của họ trong thế kỷ thứ 21 này. 

8). Dân tộc Chăm và dân tộc Tây Nguyên đều là thần dân của vương quốc Champa xưa kia. 

Theo Gs. P-B. Lafont, Champa là vương quốc đa chủng tộc và lảnh thổ bao gồm vùng duyên hải và khu vực miền cao của dảy trường sơn. Sự hiện diện của các đền tháp Champa trên cao nguyên là bằng chứng điển hình nhằm chứng minh rằng dân tộc Chăm và Tây Nguyên là tập thể xuất thân thừ vương quốc Champa xưa kia. 

Cũng theo Gs. P-B. Lafont, mỗi dân tộc nằm trong đại gia đình Champa có vai trò riêng biệt trong hệ thống tổ chức trị của vương quốc này. Nếu người Chăm làm nghề đi biển, thì anh em Tây Nguyên chuyên vể bộ binh trong, sử dụng đoàn voi trong các trận chiến, v.v. 

Hôm nay là ngày ra mặt sách Lịch Sử Champa. Dựa vào nội dung của tác phẩm này, dân tộc Champa sinh sống ở khu vực Tây Nguyên và đồng bằng cần xác định lại thế nào là mối liên hệ của họ đối với di sản lịch sử của vương quốc này hầu né tránh mọi sử hiểu lầm Champa là vuơng quốc của nguời Chăm không liên hệ gì với anh em Tây Nguyên sống ở miền cao.

8). Văn hóa Chăm trên đà bị thoái hóa.

Ai cũng công nhận rằng bảo tồn di sản văn hóa Champa là chủ đề vô cùng khó khăn và nan giải, đòi hỏi dân tộc đó phải có một khái niệm vô cùng rõ rệt về giá trị di sản thiêng liêng của họ và phải nhận lãnh vai trò bảo vệ di sản này với bất cứ già nào. 

Qua các cuộc nghiên cứu, người ta đưa ra kết luận rằng sau năm 1975, giá trị di sản văn hóa Champa đang đi vào con đường thoái hóa. Nguyên nhân chính của sư thóai hóa này phát xuất từ phong trào bài trừ phong tục tập quán Champa vì không phù hợp với cuộc sống hiện đại hôm nay nữa. Kể từ đó, một số trí thức Chăm thi đua nhau để sửa đổi, chế biến, cải cách, từ hệ thống tín ngưỡng, ngôn ngữ chữ viết, nội dung văn chương, yếu tố lịch sử, cho đến cách ăn mặc, tác phong đối xử, v.v. theo mô hình và quan điểm riêng tư của từng cá nhân và từng nhóm người. Sự chế biến và cải cách này đã tàn phá đi cả một di sản văn hóa truyền thống Champa. Ðây là mối nguy cơ mà dân tộc Champa hôm nay cần phải ý thức, hầu định hướng lại tương lai sống còn của họ trong thế kỷ thứ 21 này. 

BBT Champaka
Be the first person to like this.