Blogs
Categories
Người miền Trung nổi tiếng với món "mắm cái", "mắm nêm". Nhưng mấy ai biết thực ra "đặc sản" này là của người Chăm, vốn giỏi tài đi biển. Một trong những nghề chính của người Chăm xưa là đánh cá. Cá đánh bắt được ở biển về ăn không hết, người Chăm thường phơi khô hoặc ướp muối để dành.Một thời gian sau xác cá nát nhuyễn, trở thành mắm. Món này có mùi thơm nặng, lại rất mặn, ăn thẳng với rau sống, với cơm cũng ngon, chế biến với những thức khác càng ngon. Như đã nói, người Việt từ Quảng Bình trở vào đến các tỉnh Nam Trung Bộ đều ăn được "mắm cái", "mắm nêm". Ngoài Bắc, trong Nam không hợp khẩu vị cho lắm. Nghĩ lại cũng có lý. Chẳng phải dải đất miền Trung từng là vương quốc Champa trong quá khứ?Và, những lò sản xuất nước mắm, là loại nước chấm tinh chất trích từ "mắm cái" đều thuộc những địa phận mà người Chăm từng sinh sống như Nam Ô (Quảng Nam) Châu ỐI (Quảng Ngãi), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận)...
Đàn ông Chăm còn biết ăn con Đuông, là một loại ấu trùng của con bọ Xén-tóc (Oryctes nassicornis) sống trong thân cây Chà-là hoặc cây Dừa. Loại ấu trùng này có công dụng chữa các chứng suy thận, tăng cường khả năng tình dục cho nam giới. Ngoài ra, khi được nướng hoặc rán lên, con Đuông tỏa mùi thơm đặc biệt, vị lại đậm đà. Ngày nay người Chăm Hroi ở Bình Định và người Chăm ở Bình Thuận vẫn còn giữ tập tục ăn con Đuông. Thổ dân Kombai và Korowai ở đảo Java thuộc Indonesia sống trên cây, hằng năm vẫn còn tổ chức lễ hội ăn Đuông rất là vui nhộn.
Người Champa xưa cũng rất thích ăn con Cà-cuống (Belostoma Indica Vitalis), là một loại côn trùng sống và bắt mồi ở dưới nước. Cơ thể nó có chứa hai túi tinh dầu Hexenol Axetat rất thơm. Đối với cơ thể con người, nó có tác dụng kích thích mạnh khả năng tính dục. Thư tịch cũ của Việt Nam có ghi lại dưới triều vua chúa nhà Nguyễn, người Champa hằng năm thường triều cống cho Việt Nam nhiều sản vật quý hiếm trong đó có nhiều hủ đất đựng Cà Cuống và con Đuông. Nhưng người Việt hiện nay chỉ tiếp thu "mắm cái", không thấy ăn con Đuông, càng khó thấy Cà-cuống.
Người Việt và người Chăm xưa còn gặp nhau ở một món ăn giải trí và nghi lễ: cau-trầu-vôi. Theo nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm thì tập tục ăn cau trầu của người Chăm đã có từ xa xưa. Còn hậu duệ của người Chăm ở Bình Thuận nói rõ hơn:"Hễ bộ tộc Cây Cau (Kramuka Vamsa) có từ thời nào thì tập tục ăn trầu cau có từ thời đó". Người Chăm xưa tin rằng người ăn cau trầu thường xuyên sẽ sinh con trai nhiều hơn con gái. Sau này, các nhà khoa học phân tích lá trầu, thấy niềm tin ấy là có cơ sở.
Be the first person to like this.