• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
37 views

Người ta vẫn thường cho rằng cây thuốc lá và tập tục hút thuốc lá bắt nguồn từ vùng Virginia Nam Mỹ. Thổ dân ở đây thường gom cây thuốc lá mọc hoang chất thành đống, phơi khô để đốt lửa, vừa dùng khói xua đuổi rắn độc và côn trùng vừa sưởi ấm. Lâu ngày thành nghiện mùi khói thuốc lá, họ vấn lá thuốc khô đốt lên, hút.

Cách hút thuốc lá này đã được Sir Walter Raleigh, một nhà văn cũng là một nhà hàng hải nối tiếng của Anh quốc đưa vào nước Anh vào khoảng đầu thế kỷ XVII, sau đó được phổ biến rộng ra Châu Âu, rồi dần dần được lan truyền qua các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, chủ yếu thuốc lá theo chân quân viễn chinh Pháp.

Thực ra, cây thuốc lá hoặc cây thuốc lào và tập tục hút thuốc đã tồn tại ở vương quốc Champa, ít ra từ thế kỷ VII hoặc thế kỷ thứ XIII.

Chưa có bằng chứng nào cho thấy cây thuốc lá (Nicotinia Tabacum Lin) hoặc cây thuốc lào (Nicotinia Rustica Lin) có mọc hoang hoặc được trồng vào thời điểm này từ đất Quảng Bình trở vào hay không, nhưng từ Quảng Nam đến Bình Định, những nhà sưu tập đã phát hiện rất nhiều tẩu thuốc bằng đất nung, bằng đồng thau, bằng bạc hoặc hợp kim có bạc được chôn theo trong mộ cùng các vật tuỳ táng khác, trong đó có những chiếc hủ Gusi-Jar, những chiếc gương soi mặt, những đồng tiền, những chiếc chén và đĩa đồng mỏng tráng men của Trung Hoa có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ XV.

Những chiếc tẩu thuốc của người Champa từ đầu thế kỷ VII cho biết tập tục hút thuốc lá đã có trong đời sống của người Champa cổ, ít ra là từ đầu thế kỷ VII. Vì có thể người Champa trước đó đã có tập tục hút thuốc, nhưng chưa phát minh cách dùng tẩu hoặc chưa có đủ điều kiện để đúc ra các tẩu thuốc bằng kim loại. Hiện nay số tẩu thuốc Champa sưu tầm được lên đến vài trăm với chất nicotine lưu cữu hàm lượng cao. Như thế, người Champa ngày xưa đã biết dùng tẩu thuốc để hạn chế lượng nicotine vào phổi. Có người còn biết dùng tẩu loại nhỏ có nối thêm ống hút dài để tăng cường khả năng giảm thiểu chất nhựa độc hại từ thuốc lá. Tuy nhiên thuốc lá chưa qua chế biến vẫn khiến các chứng bệnh đường hô hấp là khá phổ biến đối với người Champa xưa.

Tịch thư cổ và các hiện vật cho thấy ngoài trầm-hương (Aloe-wood), người Champa xưa còn tiêu thụ rất nhiều tùng-hương (Colophony) và an-tức-hương (gum-benzoin). Những hương liệu này được khai thác tại chỗ và nhập từ Ba Tư và Indonesia. An-tức-hương là nhựa của cây cánh-kiến-trắng (Styraz Tonkinese Pierre), tùng-hương là nhựa của cây thông (Pine-tree). Tùng-hương là một chất nhựa không tan trong nước, được người Champa xưa, nhất là từ thế kỷ VII về trước, dùng để kết dính các vật dụng bằng đồng thau, gỗ hoặc gốm. Còn an-tức-hương có chứa axít Benzoic và nhiều tinh dầu, rất dễ cháy. Khi cháy, nó toả ra một mùi thơm rất dễ chịu có khả năng làm an thần, dịu được cơn ho và cắt được sự khó thở của cơn hen suyễn như trong sách cổ "Thần nông bản thảo" đã ghi. Công dụng đó cũng đã được nói lên ngay trong chính tên của nó: "An" là yên, "tức" là thở, "hương" là thơm. An-tức-hương là vị thuốc có mùi thơm làm cho yên định được hơi thở. Người Champa xưa đổ nhựa an-tức-hương vào thân rỗng của những pho tượng Thần hoặc Phật cỡ nhỏ bằng lá vàng hoặc lá bạc. Khách hành hương hoặc người mắc bệnh mua những pho tượng nầy dâng cúng đền thờ. Thầy tế sẽ đặt cắm chúng lên những giá đồng có mũi nhọn, đốt vào phần chỏm trên như đốt trầm, khói toả khắp đền, tạo không gian thần bí và gây cảm giác lâng lâng dễ chịu, nhất là với người mắc các chứng bệnh về hô hấp, làm tăng thêm đức tin tôn giáo. Sau khi phần tượng an-tức-hương đã cháy hết, lớp vỏ ngoài bằng vàng hoặc bạc sẽ được dùng để đúc những pho tượng lớn hoặc chế tác thành những vật dụng thờ cúng.

Be the first person to like this.