• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
52 views

Những dấu ấn mà người Champa xưa để lại tại Hầm Hô chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tạo nên sức hút đối với nhiều người...

Những ai lần đầu tiên đặt chân đến Hầm Hô (thôn 10, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) đều không khỏi ngạc nhiên trước dấu ấn của thời gian vẫn còn lưu khắc. Cách đây hàng ngàn năm, bãi đá Hầm Hô đã có sự tác động của con người để tạo nên những “vật dụng” khai thác vàng. Cùng với Thác Trắng, cụm thắng cảnh Hầm Hô - Thác Trắng nằm trong khu vực “cánh đồng vàng” Bồng Miêu đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, Hầm Hô còn là một điểm đến khá thú vị và chứa nhiều điều bí ẩn đối với những ai thích khám phá. Nơi đây xuất hiện hàng chục rãnh dài, những vũng hình lòng chảo hay vũng to tròn mòn nhẵn đến kỳ lạ ngay trên các phiến đá bằng phẳng. Từ hạ lưu của dòng suối (Đập Làng) đến đầu nguồn (Đập Tây), có thể đếm được hơn 100 rãnh và vũng như vậy. Nhiều câu hỏi từng đặt ra đây là “tác phẩm” của tự nhiên hay có sự can thiệp của con người...

alt

Nằm trong một thung lũng rộng được mệnh danh là “cánh đồng vàng”, theo các tài liệu lịch sử thì mỏ vàng Bồng Miêu từng được người Champa phát hiện và khai thác từ hơn 1.000 năm trước. Nhờ trữ lượng vàng khai thác tại đây khá lớn, các nghệ nhân Champa xưa đã chế tác nên những đồ vật tinh xảo để dùng làm vật thờ cúng, vật trang trí hay trang sức. Sau một thời gian dài gián đoạn, đến thế kỷ XIV, Bồng Miêu được khai thác trở lại. Sang thế kỷ XVI, nơi đây được tập trung khai thác khá hưng thịnh. Thực dân Pháp xâm lược đã biến nơi đây thành một mỏ khai thác vàng quy mô, bóc lột sức lao động của hàng ngàn nhân công nước ta, triệt để khai thác trữ lượng vàng khá lớn ở đây để đem về Pháp.

alt
Hầm Hô và dấu vết khai thác vàng từ xưa.

Như vậy, giả thuyết cách đây hàng trăm thậm chí cả hàng nghìn năm trước mỏ vàng Bồng Miêu đã được con người phát hiện, khai thác là có cơ sở. Có thể những chiếc rãnh và vũng trên đá kia là do người Champa xưa đục khoét tạo thành những chiếc bàn nghiền quặng, những chiếc cối đá giã quặng và những chiếc máng để đãi quặng lấy vàng. Tại địa điểm Xà Rô trên núi Kẽm vẫn còn lưu dấu lại nhiều địa điểm, nhiều ngách đá khoét sâu vào núi được cho là nơi khai thác quặng của người Champa xưa. Theo giả thuyết của chúng tôi, do công việc giã, nghiền quặng trên những vách núi đá dựng đứng có thể gặp khó khăn và nguy hiểm, bên cạnh đó việc đưa nước lên núi để đãi quặng cũng là một thách thức lớn... nên sau khi khai thác, người Champa xưa đã vận chuyển về tập kết tại suối Hầm Hô. Họ tận dụng những khối đá to, bằng phẳng để đục thành những rãnh nghiền, cối giã, máng đãi quặng. Quặng được cho vào cối rồi dùng sức nước hoặc sức người giã nhỏ, sau đó cho vào các rãnh dài để nghiền cho thật mịn rồi dùng nước suối để đãi...

alt

Quan sát cả khu vực này với rất nhiều cối giã, rãnh nghiền và máng đãi quặng, có thể nhận thấy đây là địa điểm tập trung khai thác vàng với quy mô như cả một công trường. Việc bố trí các công đoạn khai thác cũng theo quy trình rõ ràng. Thường một vài tảng đá to liền kề nhau đều có sự hiện diện của cối giã, bàn nghiền và máng đãi được bố trí gần dòng nước nhất. Dường như công việc giã quặng tốn nhiều công sức và thời gian nhất nên tại khu vực này, số lượng cối đá có phần nhiều hơn so với bàn nghiền và máng đãi. Những chiếc cối được được đục đẽo khá công phu trên các tảng đá to, chắc chắn và có nhiều kích cỡ khác nhau. Cái nhỏ nhất có đường kính khoảng 0,4m, sâu khoảng 0,2m; cái to nhất có đường kính khoảng 1,5m, sâu chừng 1m. 

Thắng cảnh Hầm Hô - Thác Trắng đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp tỉnh nên đã thu hút lượng khách tham quan nhất định. Nhưng sẽ rất thú vị và ấn tượng hơn nếu đến Hầm Hô để lần tìm những giá trị lịch sử, thưởng ngoạn những dấu ấn mà người Champa xưa để lại trên “cánh đồng vàng”.

Be the first person to like this.