• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On February 12, 2012
47 views
Lễ hội Ramawan của người Chăm 

(Trich Sakaya, Lễ hội của người Chăm, Nxb VHDT, Hà Nội, 2003, tr.118-126)
 

 


Lễ hội Ramawan:

Lễ hội Ramawan của người Chăm Awal diễn ra trong thời gian một tháng, trước khi vào lễ họ thường tổ chức lễ hội trong 3 ngày đầu. Lễ hội diễn ra làm 3 phần: lễ tảo mộ (nao ghur) - lễ cúng gia tiên (ew  muk kei – kèm theo hội) và lễ chay niệm tại thánh đường (mbang aek).
Lễ tảo mộ (nao ghur):
Làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ “cúng gia tiên” (ew muk kei) nhân ngày Ramawan. Nghi thức lễ do Po Acar thực hiện bằng những lời cầu kinh bằng tiếng Ả rập được rút ra từ kinh Koran (Kuru-ân) và một số vị đàn ông khác thuộc kinh kệ cũng ăn mặc chỉnh tề cùng với các phụ nữ van vái mời tổ tiên ông bà về dự lễ Ramawan.
Lễ cúng gia tiên (ew muk kei): 
Sau khi tảo mộ về, họ chọn một nơi trang trọng nhất trong nhà làm bàn tổ (danok). Bàn tổ được trải chiếu hoa, để khay trầu, ấm trà, 2 cái gối nằm…Đây là nơi tạm nghĩ của tổ tiên về hưởng lễ nhân ngày Ramawan. Sau khi lập bàn tổ xong, họ dâng lễ vật lên cúng tổ tiên như bánh tét, bánh ít, chè, xôi, bánh sakaya (món lạt – kaya yuer); gà luộc, cơm canh, cá khô (món mặn - kaya klam)…Lễ vật được dâng cúng thành nhiều mâm. Mỗi một thành viên trong gia đình đều cầu khấn trong hương hồn tổ tiên phù hộ độ trì cho họ. Mâm lễ còn được dâng thành nhiều đợt. Mỗi đợt dâng lên hai mâm (mâm ngọt và mâm mặn). Trong mỗi lần dâng lễ vật vị cúng lễ luôn đọc kinh, vừa rót rượu vừa khấn vái trong khói hương trầm toả ra nghi ngút. Các vị thần linh được mời về hưởng lễ là tổ tiên bên nội và cả bên ngoại sau đó là những người thân trong gia đình đã khuất...Trong ngày cúng gia tiên (ew muk kei) những thành viên trong gia đình đều họp mặt đông đủ với hương hồn của tổ tiên. Họ luôn cầu khấn và hi vọng tổ tiên sẽ phù hộ độ trì. Kết thúc lễ này, họ mời bà con, bạn bè dự lễ cùng hưởng lễ vật, họ cùng ăn, cùng chúc tụng lẫn nhau.
Hội: trong 3 ngày lễ cúng gia tiên họ thường tổ chức ngày hội. Mỗi làng palei Chăm Awal đều tổ chức giao hữu bóng đá, văn nghệ, có một sớ năm các làng còn tổ chức  trò chơi dân gian như thi đội nước, bò kéo xe, kéo cày, giả gạo ... Các trò chơi không chỉ lôi cuốn các thành viên trong làng mà còn có nhiều thành viên ở các làng palei khác tham gia. Ba ngày đầu cúng lễ gia tiên người Chăm Hồi giáo Bàni thực sự là ngày hội mở đầu cho lễ Ramawan.
Lễ Ramawan (mbang aek): 
Thánh đường (sang magik) dự lễ Ramawan. Và cũng kể từ đây tẩt cả tu sĩ Po Acar cũng tập trung tại thánh đường để hành lễ trong thời gian một  tháng.
Hành lễ Ramawan trong thánh đường: 
Hành lễ Ramawan tại thánh đường được diễn ra theo các bước lễ như sau: lễ tẩy thể (mâk aia), lễ đánh trống (ataong hagar), lễ đọc kinh (wak) và lễ kết thúc (taleh).
+ Lễ tẩy thể tu sĩ Acar: Trước khi vào hành lễ các tu sĩ Po Acar đều làm lễ tẩy thể. Lễ tẩy thể được diễn ra trước thánh đường. Lễ được thực hiện một lúc 9 vị tu sĩ. Mỗi tu sĩ mặc váy mình trần (áo khoác vai), tay cầm chén đồng để lấy nước tẩy thể. Nước tẩy thể được họ lấy từ giếng hoặc cái hồ ở trong khuôn viên thánh đường. Lễ tẩy thể này mang tính tượng trưng. Khi lấy được nước thì 09 vị tu sĩ đứng trên 09 miếng đá (batau khakbah) được đặt ở trước thánh đường đọc kinh làm lễ tẩy thể. Sau đó họ mặc trang phục chỉnh tề bước vào thánh đường làm lễ. Khi bước vào cửa thánh đường họ còn đọc câu kinh dài và làm nghi thức lễ của người Hồi giáo là lấy tay chạm mũi.
+ Đánh trống và gọi lễ (ataong hagar): Mỗi lần thực hiện lễ trong thánh đường họ đều dùng trống (hagar) để khởi lệnh. Đánh trống lễ trong thánh đường được phân công tu sĩ cụ thể. Người đánh trống thường là cấp tu sĩ Katip hay Imam trong hàng ngũ chức sắc Chăm Awal. Trống được treo ở góc bên trong thánh đường (gần cửa ra vào). Tiếng trống gọi lễ thường bắt đầu bằng một hồi dài liên tục và kết thúc bằng 03 tiếng sau cùng. Khi tiếng trống gọi lễ (bang) kết thúc, người đánh trống được một vị tu sĩ khác đến tiếp đón về nơi dự lễ bằng cử chỉ hai người đứng cạnh nhau, hai tay chạm lên mão (mũ) và hai tai. Cuối cùng ngâm lên bài kinh và bắt đầu lễ đọc kinh.
+ Đọc kinh (wak): 
Trong 4 bước hành lễ trên, lễ đọc kinh “wak” là quan trọng do một vị Imam hoặc Katip hướng dẫn đọc và hành lễ. Các vị tu sĩ đứng theo hàng ngang trong thánh đường, mặt hướng về hướng tây (hướng về La Mecque). Bài kinh có khi một người đọc, có khi cùng đọc tất cả và thỉnh thoảng đọc đồng thanh hoặc hô vang tiếng “Omin”. Khi đọc các tu sĩ thể hiện nhiều thao tác khác nhau như bái lạy, qùy, đứng, tay thì lần từng hạt chuỗi (mặc khải). Kết thúc một lần đọc kinh thì các tu sĩ thường ngồi lại thành vòng tròn. Từng vị tu sĩ tham gia lễ trong thánh đường đều bắt tay nhau, rồi đưa tay chạm vào mũi. Đây là nghi thức chào nhau thân thiện mà thường gặp ở các tín đồ Hồi giáo thế giới.
Trong lúc các tu sĩ hành lễ thì bà con trong làng thường dâng lễ cho vị thần Auloah (Alla) như têm trầu, cây nến bằng sáp ong để thắp sáng... để biết ơn đến thánh Alla và cầu may, cầu tài lộc. Những gia đình có tu sĩ thì còn đội lễ vật như cơm, bánh trái đến thánh đường để các tu sĩ dùng về đêm.
Hành lễ Ramawan kéo dài trong một tháng. Trong tháng lễ họ còn chia ra làm nhiều giai đoạn (tiểu lễ) khác nhau như sau:
Lễ ngày thứ sáu (harei jama-ah): Trong tháng lễ Ramawan họ tổ chức 4 lần đọc kinh lễ ngày thứ sáu. Nghi thức lễ cũng tương tự như đã trình bày trên, chỉ khác ở chỗ là chủ lễ đọc kinh trong ngày thứ sáu là vị Katip, lễ vào giờ kinh (wak)- hướng về thánh Mohamat. Nghi thức hành lễ này khá long trọng, vị katip phải đứng vào bục giảng trong thánh đường (mrong), tay cầm gậy lễ (gai bhaong) và cuốn sách giảng kinh Koran. Khi bài giảng kinh kết thúc thì tín đồ dâng lễ vật (xôi, chè) lên thánh đường. Các tu sĩ ngồi quây quần lại bên nhau cùng đọc kinh và đốt chén lửa xông hương trầm kết thúc bài lễ kinh.
Lễ kinh vào ngày thứ năm (Harei pok jip): Lễ này cũng được thực hiện trong ngày thứ năm hàng tuần. Nghi thức hành lễ, đọc kinh dâng lễ vật cũng tương tự như lễ thường ngày trong thánh đường. Chỉ khác ở chỗ là lễ này đọc kinh vào giờ kinh Esha và cuối cùng có đọc thêm 5 kinh lễ cầu cúng tổ tiên tương tự như lễ cúng gia tiên ở phần đầu (mbang muk kei).
Lễ Muk trun, Ong trun: Lễ Ramawan kết thúc 15 ngày đầu gọi là “Nữ thần gian thế” (Muk trun) và từ ngày thứ 20 trở đi đến cuối tháng là lễ “Nam thần” giáng thế (Ong trun). Nghi thức hành lễ của các lễ này cũng tương tự như các nghi thức lễ ngày thứ sáu hàng tuần đã trình bày. Đặc biệt sau lễ “Muk trun” là mốc thời gian báo hiệu các tín đồ ở làng Chăm (kể cả Chăm Awal và Chăm Ahier) đã hết thời kỳ kiêng cữ, chay tịnh. Họ sẽ được phép sát sinh, cúng tế thuộc về lễ nghi tín ngưỡng dân gian Chăm. Còn sau lễ “Ong trun” bà con trong làng có tục dâng gạo (tuh brah) ở  thánh đường để các tu sĩ làm lễ bố thí cho người nghèo. Trong lễ Ong trun này các tu sĩ còn thực hiện lễ nghi cho các tín đồ như lễ “Palek kalam” cho các cháu trai đã làm lễ cắt da quy đầu (katat) theo tập tục của Hồi giáo...Các  tín đồ có tuổi  trưởng thành, buộc phải qua nghi lệ này mới được phép dự lễ đọc kinh tảo mộ, cúng gia tiên (ew muk kei)..
+ Lễ kết thúc Ramawan (taleh Ramawan): Lễ Ramawan kết thúc vào ngày thứ 30 tháng 9 của tháng lễ chay tịnh. Ngày kết thúc lễ được tổ chức rất long trọng trong thánh đường. Ngoài việc tổ chức đọc kinh Koran như thường lệ và cầu những điều tốt lành cho dân làng (giờ kinh Subahik); họ còn tổ chức lễ rước gậy thần Auloah (Alla); làm lễ thăng quan tiến chức cho các vị tu sĩ trong thánh đường (Imam, Katip). Ngày cuối cùng của tháng lễ, ngoài việc tín đồ trong làng tổ chức ăn cơm bố thí (cơm, trứng luộc và muối mè) gọi là “lithei yakat” của các vị tu sĩ, dân làng còn dâng lễ vật, mỗi tín đồ dâng 2 mâm lễ (một mặn, một ngọt)... lên thánh đường để cúng lễ thánh Auloah (Alla) rồi kết thúc lễ Ramawan.
Tóm lại: Lễ Ramawan là lễ hội lớn nhất của người Chăm Awal/Bani – người Chăm ảnh hưởng Hồi giáo. Lễ hội nguyên gốc của nó chỉ là lễ đơn thuần cho mùa chay niệm của tín đồ Hồi giáo  vào tháng 9 Hồi lịch. Thế nhưng khi người Chăm tiếp nhận, họ đã cải biên lại thành lễ hội mang bản sắc của riêng mình. Do vậy lễ Ramawan của người Chăm không chỉ là lễ chay niệm, đọc kinh cầu nguyện thánh Alla một ngày 5 lần mà nó còn kết hợp với lễ cúng gia tiên, tục dâng gạo, lễ cúng nữ thần giáng thế - một tín ngưỡng  thờ mẫu có nguồn gốc bản địa có từ lâu đời của người Chăm đã hiện diện trong lễ Ramawan. Hơn thế nữa, trong lễ hội Ramawan, các tín đồ còn được phép múa hát - một loại hình sinh hoạt khó có thể chấp nhận trong luật của Hồi giáo nhưng cuối cùng cũng hội nhập vào lễ Ramawan. Những yếu tố trên đã kết hợp, dung hoà lại với nhau tạo cho lễ Ramawan trở thành một lễ hội đặc sắc của người Chăm, góp phần làm phong phú và đa dạng sắc màu độc đáo của lễ hội Chăm.
TP Hồ Chí Minh ngày 01/08/2010
Sakaya

Be the first person to like this.