• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On February 12, 2012
177 views

sachcham.jpeg

Sách chữ Chăm bị mối mọt không ai sử dụng (tapuk akhar  bhaw)
(Bài  đăng trên Thời Báo Kinh  Tế Sài Gòn ngày 11-6-2010)

Sinh năm 1967 tại làn g Chăm Bầu Trúc- Ninh Thuận, Sakaya (Văn Món) tốt nghiệp khoa sử Đại học Đà Lạt năm 1991, Thạc sĩ Nhân văn tại ĐH Malaya, Malaysia năm 2008 và học một số chuyên đề về lịch sử, văn hoá, xã hội ở ĐH Hawaii, Hoa Kỳ do Quỹ Ford Foundation tài trợ. Là một người đi nhiều, biết nhiều, quan trọng là sống và trải nghiệm trong bầu không khí văn hóa của cộng đồng Chăm, nhiều năm qua, nhà nghiên cứu Sakaya đã có nhiều công trình khoa học đăng tải trong nhiều cuốn sách, tạp chí trong nước và quốc tế.  Chúng tôi giới thiệu cuộc trao đổi với Sakaya và một bài viết riêng của ông dành cho Thời Báo Kinh tế Sài Gòn làm tâm điểm cho chuyên đề này.

PV: Theo thông tin chúng tôi thu thập được, 2/3 tượng thờ ở các tháp Ninh Thuận, Bình Thuận là tượng phục chế?

Sakaya: Đúng. Ở Ninh Thuận, hiện nay tượng thờ chủ yếu có mặt ở 4 ngôi đền tháp chính: đền Po Nagar (thế kỉ 9), tháp Hoà Lai (thế kỉ 9), tháp Po Klaong Garai (thế kỉ 13) và tháp Po Rome (thế kỉ 17). Trong đó tháp Hoà Lai và tháp Po Klaong Garai là hai di tích được bảo vệ tốt, chưa xảy ra vụ mất cắp nào. Còn đền Po Nagar và tháp Po Rome bị mất tượng thờ nhiều nhất. Đền Po Nagar ở Ninh Thuận có 3 tượng chính: tượng Po Nagar, Bia Adakan và Po Tâh nhưng hai tượng Bia Adakan và Po Tâh đã bị mất cắp năm 1997. Tháp Po Rome có tất cả 6 tượng chính nhưng mất 4 tượng: tượng Siva đặt trước cửa ra vào bị mất thời Pháp thuộc, tượng Bia Than Cih mất năm 1993, tượng Bia Than Can mất năm 1994 và bò thần Nandin (bò cái) mất năm 2005. Hiện nay, trong tháp Po Rome chỉ còn một tượng thờ vua Po Rome bằng đá– mang hình thể Mukha-Linga (Linga có gắn mặt vua) và một con bò thần Nandin (bò đực). Bên cạnh đó, nhiều đồ trang sức Po Rome  bằng vàng 24k nặng 1,7 kg cũng bị mất cắp vào 1982. Vậy tổng số tượng thờ ở hai di tích (đền Po Nagar và tháp Po Rome) có tất cả 9 tượng thờ chính nhưng đã mất đến 6 tượng, chiếm 2/3 tượng thờ ở di tích trên. Hiện nay, những tượng thờ bị mất trên đã được Bảo Tàng Ninh Thuận kịp thời phục chế lại bằng bột xi măng giả đá đặt lại ở các di tích đền tháp Chăm, nơi bị mất cắp.
Riêng ở Bình Thuận, hầu hết các đền tháp Chăm còn lại như tháp Po Sah Inâ, tháp Po Dam (thế kỉ 9), Đền Po Nít (thế kỉ 17), v.v đều thờ tượng hoặc bộ Linga- Yoni thật, không phục chế. Chỉ có trường hợp tượng thờ ở Đền Po Klaong Menai (thế kỉ 17) bị kẻ gian đột nhập đập bẻ để ăn cắp vào năm 2007 nhưng do chế độ bảo vệ nghiêm ngặt nên kẻ gian ăn cắp không thành. Tượng được hàn gắn để lại nguyên trạng ở di tích, chứ không phục chế.
PV: Qua khảo sát, rất nhiều tượng thờ trên các tháp bị mất cắp trong quá khứ phần vì chiến tranh, phần chính là chế độ bảo vệ còn "thô sơ”. Có cách nào tốt hơn để bảo vệ những cổ vật còn lại trên các tháp Chàm?

Sakaya: Như đã trình bày trên, hầu hết những tượng thờ bị mất cắp ở Ninh Thuận đều xảy ra vào thời bình, không phải thời chiến, cụ thể từ 1993 trở lại đây. Chỉ có duy nhất một tượng Siva ở tháp Po Rome bị mất cắp vào thời Pháp thuộc. Nguyên nhân mất cắp thì sẽ có hàng ngàn lí do khác nhau nhưng chung qui và dễ dàng nhận thấy nhất là sự mất cảnh giác của cơ quan chức năng và sự tinh vi của kể cắp. Bằng chứng trước khi mất cắp tượng Bia Than Cih vào năm 1993, tại tháp Po Rome, nơi xa xôi hẻo lánh nhưng không có lực lượng bảo vệ tháp chuyên nghiệp. Sau năm 1994, tháp Po Romé mới có nhân viên hợp đồng của Bảo tàng bảo vệ túc trực 24/24 nhưng tượng ở trong tháp Po Rome, bia Than Can “không cánh mà bay”. Tháng 5/2005, kẻ cắp còn ngang nhiên lộng hành, thách thức cơ quan chức năng, bằng cách đột nhập vào tháp Po Rome, đập phá tượng Bia Than Cih mà Bảo Tàng vừa mới phục chế.
Thiết nghĩ, bây giờ cũng chưa muộn, cơ quan chức năng nên phối hợp với người Chăm cùng bảo quản, cụ thể nên giao lại đền tháp cho ông Từ (Camanei) của người Chăm trông coi, còn nhà nước chỉ làm chức năng quản lí và hỗ trợ. Vì tháp Chăm đa số là những di tích mà người Chăm hiện đang thờ cúng, chứ không phải là phế tích (trừ tháp Hoà Lai). Trước giải phóng (1975), mỗi tháp Chăm đều có một ông Từ để trông coi và chăm lo cúng lễ. Ông Từ này cha truyền con nối, không ai thay được. Họ làm việc vì niềm tin tín ngưỡng cho nên rất tận tuỵ và có trách nhiệm với đền tháp, với cộng đồng. Sau 1975, cụ thể từ 1993, trở lại đây, vì nhu cầu trùng tu tháp, một mặt vì làn sóng du lịch phát triển nên mỗi tháp Chăm đều là địa chỉ của khách du lịch. Do vậy, nhà nước tiến hành quản lí đền tháp, đưa nhân viên nhà nước làm công tác quản lí, bảo vệ, bán vé, v.v. làm cho vai trò của ông Từ trên tháp Chăm bị vô hiệu hoá. Từ đó làm cho lòng tin, trách nhiệm của người Chăm gắn với đền tháp bị suy giảm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lơ là mất cảnh giác của quần chúng Chăm và hậu quả tượng thờ Chăm hiện nay do nhà nước quản lí bị mất cắp nhiều hơn so với trước kia khi còn trong tay nhân dân (ông Từ) quản lí và bảo vệ.
PV: Là một nhà nghiên cứu, anh cho biết ý kiến riêng trước việc bảo vệ cổ vật kiểu gia đình, tộc họ truyền đời. Một ví dụ tiêu biểu là  địa chỉ nhà bà Nguyễn Thị Thềm (Bắc Bình- Bình Thuận)- vị công chúa cuối cùng của vương triều Chăm. Hiện nay, nhiều người biết đến hai gian kho nhà mở, bảo quản cổ vật hoàng gia Chăm. Nhưng có một con số thống kê, qua thời gian, gần 200 cổ vật được lưu giữ đến nay chỉ còn lại con số 50 cổ vật…

Sakaya: Hiện nay, ngoài một số Bảo Tàng Việt Nam, hiện vật Chăm vẫn còn nằm rải rác ở một số bộ sưu tập cá nhân hoặc gia đình - dòng họ do thừa kế mà có. Chẳng hạn, Bộ sưu tầm cổ vật Champa của Vũ Kim Lộc; Bộ cổ vật Hoàng gia Champa của bà Nguyễn Thị Thềm (Bắc Bình- Bình Thuận) và một phần tàng thư Chăm còn lưu lại trong nhiều gia đình ở cộng đồng Chăm. Ngày nay, nhà nước đã có Luật Di Sản, mọi người có quyền sưu tầm hiện vật, mở bảo tàng tư nhân. Đây là điều kiện cho những nhà sưu tầm cổ vật Champa trình làng bộ sưu tầm của riêng mình để góp thêm thông tin chung cho việc nghiên cứu cổ vật Champa. Tuy nhiên do luật Việt Nam chưa nhất quán, hay thay đổi cho nên nhiều nhà sưu tầm có bộ cổ vật quý chưa mạnh dạn để trình làng.
Riêng hiện vật tại nhà bà Nguyễn Thị Thềm là những hiện vật thừa kế của gia đình hoàng gia Champa cuối cùng vào thế kỉ 19 bao gồm nhiều hiện vật quý giá bằng vàng như bộ vương miệng, đồ trang sức (nhẫn, vòng tay), đồ thờ cúng (chén, bát, mâm, quả đựng đồ lễ),v.v. Hiện nay bà Nguyễn Thị Thêm đã mất, cháu gái bà tiếp tục thừa kế để bảo quản, gìn giữ tại gia đình như một bảo vật của tổ tiên. Đây cũng là địa chỉ đáng tin cậy cho khách du lịch, tham quan, nghiên cứu về người Chăm. Một giải pháp tốt để gìn giữ bảo tồn hiện vật ở gia đình nhà bà Nguyễn Thị Thềm, ngoài ý thức nêu cao tinh thần trách nhiệm để gìn giữ bảo vật tổ tiên của gia đình thì nhà nước cũng cần hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà Nguyễn Thị Thềm về kinh phí và cả nhân viên kĩ thuật để lập hồ sơ, bảo quản và trưng bày hiện vật theo đúng tiêu chuẩn của bảo tàng,v.v. Vì ở đây, mặc dù hiện vật của gia đình nhưng nó là một phần di sản của quốc gia. Có như vậy mới tránh được vấn đề chảy máu cổ vật ở gia đình tư nhân. Vì túng thiếu nên không ai ngồi trông giữ những hiện vật này (“cám treo heo nhịn đói”) nên họ phải đem ra bán ngoài thị trường để lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhà nước cần phải tính đến kế hoạch, chính sách cụ thể giúp đỡ gia đình bà Nguyễn Thị Thềm bảo quản và giới thiệu hiện vật quí hiếm này tốt hơn đến với mọi người, trong nước và quốc tế.
PV: Mở rộng hơn, làm sao để bảo tồn cả những tàng thư Chăm với tư cách là những di chỉ văn hóa để thấu hiểu hơn quá khứ, mà hiện nay, có khi do luật tục, chúng còn lưu lạc thất thoát trong dân gian?

Sakaya: Về vấn đề tàng thư Chăm, mấy năm nay báo chí, sách vở  có thỉnh thoảng đề cập. Tôi xin nói rõ hơn, tại sao tàng thư Chăm chưa được các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm nhưng ngược lại ở nước ngoài như Pháp lại coi trọng. Hàng năm,Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) đều đầu tư kinh phí, phương tiện máy móc để sưu tầm, bảo quản, dich thuật và giới thiệu tàng thư Chăm Việt Nam.Vì một lí do đơn giản, ngoài bia kí ở đền tháp, tàng thư là di sản quí giá chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng,v.v. của người Chăm. Đây là nguồn tư liệu gốc đáng tin cậy giúp họ (những nhà khoa học) nghiên cứu về nền văn minh Chăm tốt hơn so với những tư liệu phỏng vấn tại địa phương mà một số nhà khoa học Việt Nam hiện nay thường làm để nghiên cứu người Chăm. Ngày ngày, những tàng thư này còn được lưu giữ ở mỗi gia đình ở làng Chăm Ninh – Bình Thuận. Tàng thư cổ nhất cũng vài trăm năm, muộn nhất cũng hai mươi năm trở lại đây và thường được viết bằng giấy gió, giấy xi măng, mực đen được chế tác từ nhựa cây hoặc mực tàu,v.v. Vì vậy, đến bây giờ với khí hậu nóng ẩm như ở vùng Phan Rang, một số tàng thư Chăm bắt đầu đang bị huỷ hoại bởi mối mọt, nhiệt độ và thời gian. Hơn nữa, những tàng thư Chăm đã lâu đời, một số chủ nhân của nó tuổi già đã ra đi nhưng không có thế hệ trẻ tiếp nối, thừa kế, lưu giữ nên một số tàng thư bị thả trôi sông theo phong tục để về với ông bà tổ tiên (người Chăm gọi akhar bhaw - sách hoang). Tình hình này đáng báo động nhưng chưa có một cơ quan chức năng nào ở Việt Nam vào cuộc. Để cứu vớt, mấy năm gần đây chỉ mới xuất hiện một vài cá nhân người Chăm vì say mê văn hoá Chăm mà họ tự làm. Ngoài tôi đang âm thầm sưu tầm và chuẩn bị xuất bản cuốn thư tịch Chăm sau hơn 15 năm nghiên cứu thì Tiến sĩ Thành Phần (Đại học KHXH&NV T/p Hồ Chí Minh) và Nhà thơ Inrasara với sự tài trợ tài chính của Quỹ Toyota Foundation – Nhật Bản cũng  đã sưu tầm và công bố thành sách về một số danh mục và nội dung của tàng thư của người Chăm ở Ninh - Bình Thuận. Còn cơ quan chức năng nhà nước hiện nay chỉ duy nhất Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm - một cơ quan chuyên nghiên cứu về người Chăm thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã thành lập từ năm 1993 đến nay (2009) gần 16 năm, trải qua ba đời giám đốc với 14 nhân viên, kinh phí hàng năm từ 300-500 triệu đồng, cơ sở vật chất và phương tiện máy móc đầy đủ (máy ảnh, máy chụp tư liệu, máy quay film, máy chiếu, vi tính, photocopy,v.v.) nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện hoặc đảm trách được công tác này để cứu vớt tàng thư Chăm.
Vấn đề này đã đặt ra mấy năm nay nhưng nhà nước chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Thiết nghĩ, muốn bảo tồn tàng thư Chăm, trước tiên mỗi cá nhân và cộng đồng Chăm nên tự có ý thức trách nhiệm mà tự sưu tầm, tự bảo quản tàng thư theo cách truyền thống của ông cha để tự cứu vớt lấy di sản văn hoá của mình. Kế đến, nhà nước, cơ quan chức năng nên vào cuộc, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm phải tự cải tổ lấy mình, nhất là vấn đề con người (cán bộ) phải nâng cao trình độ quản lí, trình độ chuyên môn, học tốt cả tiếng Việt và tiếng Chăm mới có thể đảm trách và hoàn thành được nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của người Chăm.

PV Nguyễn Vĩnh Nguyên
 thực hiện                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              Source: 
http://vn.360plus.yahoo.com/sakaya67/article?mid=169

Like (1)
Loading...
1