• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
by On March 6, 2012
366 views

Làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đang trên đà phát triển, mang lại cuộc sống mới cho cộng đồng người Chăm nơi đây. Thế nhưng để “giữ hồn” cho làng nghề truyền thống này cần những con người thực sự tâm huyết…

(NTO) Một ngày cuối năm, trên con đường nối dài được bê-tông hóa, chúng tôi tìm hỏi về nghệ nhân có tuổi nghề lâu nhất ở làng gốm Bàu Trúc. Không nghĩ ngợi anh thanh niên tận tình đưa tôi qua những con hẻm đến nhà cụ Đàng Thị Gia. Sang xuân mới, cụ tròn 75 tuổi và đã có “thâm niên” làm gốm gần 60 năm. Trong ngôi nhà khang trang được điểm thêm những đồ gốm mỹ nghệ do chính cụ làm ra, cụ say sưa kể cho tôi nghe “cái duyên” đưa cụ đến với nghề: “Lúc trước, cha mẹ cũng sống bằng nghề này, âu cũng là “cái nợ cái duyên”. Vốn tính phá phách của những đứa trẻ miền quê, bắt chước những gì người lớn làm, từ đó những cục đất sét trở thành một thứ đầy thích thú với tôi”. Bước vào tuổi 15, cụ đã bắt đầu mày mò làm những vật dụng phục vụ cho cuộc sống: nồi, lò, chậu… Cụ đã “chung sống” với những miếng đất sét vô tri ấy hơn cả nửa đời người. Bằng niềm tin, sự say mê đầy sáng tạo, cụ là một trong “cây cổ thụ” giữ lại cái nghề truyền thống của tổ tiên. Cụ còn là “giảng viên” các lớp dạy làm gốm do Sở Công Thương tổ chức.

Nghệ nhân Đàng Thị Gia. Ảnh:Minh Quốc

Khi sắp ở tuổi xế chiều, cụ tiếc nuối vì không thể tiếp tục cống hiến cho nghề của ông bà. Dù vậy cụ vẫn dõi theo bước chân 11 người con của cụ. Đặc biệt, người con thứ hai đang miệt mài bước tiếp “con đường đất sét” ấy - ông Đàng Xem, được người trong vùng gọi là “dân ngoại đạo”, “báu vật”. Xưa nay, chỉ có phụ nữ Chăm mới làm gốm, ông “lấn sân” và gặt về những thành công. Bàn tay nhẹ nhàng uốn nắn những đường cong trên phù điêu vũ nữ Apsara, ông kể: “ Dù cũng biết làm nghề gốm từ nhỏ nhưng tôi cũng không nghĩ là mình sẽ theo nghề này. Một phần cũng vì mưu sinh cho cuộc sống, dần dà tôi bị cuốn hút vào những vuông đất ấy. Tôi hạnh phúc khi làm ra một tác phẩm, hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình được khách hàng yêu thích”. Chính nhờ nghề gốm gia truyền này mà gia đình ông trở nên khá giả có của ăn của để.

Nghệ nhân Đàng Xem, “báu vật” của làng gốm.

Đang miệt mài bên chiếc bàn xoay, nắn nón từng cái chậu, chị Đống Thị Lạc mắt nhìn đăm đăm vào hình hài các sản phẩm thô, kể: “Nhà nghèo sống bằng nghề nông, phải nuôi 5 đứa con ăn học nên khó khăn lắm. Sẵn biết sơ về cách làm gốm, mình học thêm rồi đi làm thuê cho các chủ gốm ở đây kiếm thêm thu nhập”. Nhưng trong ánh mắt chan chứa ấy, tôi biết không đơn giản chỉ vì kế sinh nhai, mà tận đáy lòng là cả sự nâng niu cái nghề truyền thống của dân làng.

Gặp bất kỳ ai sinh ra ở làng gốm Bàu Trúc chúng tôi đều nhận thấy một điểm chung đó là niềm đam mê với nghề truyền thống của cha ông. Với mong muốn, làng nghề gốm Bàu Trúc luôn trường tồn với thời gian, những người dân nơi đây không ngừng tìm tòi và sáng tạo để làm ra những sản phẩm gốm mới, lạ hơn để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách thập phương.

Posted in: Văn hóa Champa
Like (1)
Loading...
2