• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
668 views

Mẹ xứ sở Po Inư Nưgar trong tâm thức người Chăm

HOÀI QUẢNG
Tín ngưỡng thờ Mẫu là giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ khi đất nước đổi mới đến nay, tín ngưỡng dân gian nói chung và thờ Mẫu nói riêng đã được phục hồi ở người Việt và các dân tộc thiểu số khác. Điều đó góp phần làm cho bộ mặt văn hóa nước nhà thêm  phong phú và sống động.

 Nữ thần Po Inư Nưgar của người Chăm

Nữ thần Po Inư Nưgar là biểu tượng linh thiêng nhất của người Chăm về Mẹ. Ngày nay các huyền thoại, truyền thuyết, kiến trúc, lễ hội… về Nữ thần vẫn còn tồn tại và in đậm trong đời sống nhân dân.

Nữ thần Po Inư Nưgar được coi là người Mẹ xứ sở của người Chăm, là người sáng lập ra vương quốc Champa. Từ thời cổ đại đến thời cận đại đã có rất nhiều thần thoại viết về nguồn gốc của Nữ thần. Ngay từ thời sơ thủy, trong dân gian đã bắt đầu kể về Bà:

"Ngài là Nữ thần mẹ của vương quốc

Ngài tạo dựng nên vùng đất cho cây cối và rừng gỗ quý sinh sôi

Ngài gây ra giống lúa và dạy dân gian trồng lúa

Vua trên trời ngửi thấy hương thơm của lúa đang trổ chọn, pha lẫn hương thơm trầm gỗ của người trần gian dâng tế trời.

Po yang Inư Nưgar mới cho đưa lên trời một hạt lúa có cánh trắng như đám mây.

Vua trên trời gieo hạt lúa ấy mà làm nên tất cả mọi giống lúa.

Tuy khác nhau về màu sắc bên ngoài nhưng bên trong thì hoàn toàn như nhau.

Po Inư Nưgar ghét hạng người độc ác, thường giúp đỡ hạng người hiền lành.

Lễ cúng Ngài chỉ có trầu, dâng trên hai cánh tay nâng cao".

Theo truyền thuyết, Bà là vị thần từ cõi trời xuống trần gian. Bà có 97 người chồng, 36 người con. Nữ thần có nhiều tên gọi khác nhau: Po Inư Nưgar (thần Mẹ xứ sở), Po yang Inư Nưgar Taha (thần Mẹ lớn xứ sở), Muk Juk (Bà Đen), Pataw Kamei (Vua của đàn bà), Bahagavati vari (Nữ thần Mẹ lớn Linga – Shiva). Khi Bà La Môn giáo xuất hiện ở Champa, người Chăm Bà La Môn giáo đã đồng nhất Po Inư Nưgar với Nữ thần Uma – vợ thần Shiva trong Bà La Môn giáo của người Ấn Độ. Về sau, dưới cách nhìn của người Chăm Bà ni lại cho rằng Bà là con gái của Âu Loa Hú (thượng đế).

Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Ấn Độ thì đã có sự hòa nhập giữa vị thần Bhavapara (Uma – vợ của  thần Shiva) của Ấn giáo với nữ thần bản địa Po Inư Nưgar của người Chăm và sau này còn được Hồi giáo Bà ni hóa nữa. Kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa đó, Po Inư Nưgar được các triều đại vua Champa ở vùng Kauthara (Nha Trang) tôn thờ ở vị trí tối cao.

Có thể nói, Po Inư Nưgar hiện diện trong tâm thức người Chăm như một vị thần tối thượng sinh ra mọi thứ từ vũ trụ đến đất đai, cây cối, lúa gạo và cả con người. Bà lại là nữ thần mẹ của xứ sở che chở con người Chăm và giúp họ tồn tại với chức năng là nữ thần nông nghiệp bởi đó là ngành kinh tế chính của họ từ trước đến nay. Do vậy đối với người Chăm, Po Inư Nưgar là vị thần tối thượng toàn năng, là đấng sáng tạo, là đấng bảo vệ, là đấng hủy diệt những điều xấu, điều ác.

Chính vì thế mà trong hầu hết các nghi lễ, nữ thần Po Inư Nưgar luôn được người Chăm cầu xin ban phước và bảo vệ. Trong suốt mười mấy thế kỷ cho đến nay, người Chăm vẫn luôn tôn thờ một Bà mẹ xứ sở của từng thôn làng họ.

Vai trò của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống người Chăm vùng Nam Trung Bộ

Đối với văn hóa của dân tộc Việt Nam vốn có nguồn gốc nông nghiệp, vai trò của người phụ nữ rất được đề cao trong đời sống cộng đồng, nó không chỉ biểu hiện qua ý thức mà còn cả trong tình cảm lẫn cuộc sống tâm linh của mỗi người.

Đối với người Chăm, vai trò của Nữ thần Po Inư Nưgar đặc biệt quan trọng, Bà dạy người Chăm biết cách trồng lúa, dệt vải, là vị thần đầy quyền năng sáng tạo. Bà đã nâng đỡ người Chăm đi những bước đầu trong tiến trình lập quốc của mình. Hình ảnh Po Inư Nưgar là Bà mẹ nhiệm màu đã xóa đi mọi ngăn cách tôn giáo, vậy nên dù là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào thì Bà cũng có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Bà được tôn thờ một cách độc lập và trở thành một biểu tượng thiêng liêng.

Nghi lễ rước kiệu và y phục nữ thần

Mặt khác, tín ngưỡng thờ Mẫu có rất nhiều nét gần gũi với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam nói chung và người Chăm nói riêng. Ngay cả tín đồ đạo Hindu cũng cảm nhận được tín ngưỡng thờ Mẫu có rất nhiều nét gần gũi với họ, đó là đức tin vào người mẹ. Thực tế trên lịch sử cho thấy giữa Ấn giáo và Champa đã có sự giao thoa ảnh hưởng lẫn nhau thể hiện qua hình ảnh nữ thần Uma (vợ thần Shiva) mà người Chăm đã tiếp nhận dưới hình tượng Po Inư Nưgar.

Đặc biệt vào tháng 3 âm lịch hằng năm, từ Bắc tới Nam đều tiến hành “giỗ Mẹ”. Ở người Việt là lễ vía Thánh Mẫu Thiên Y Ana, người Hoa là lễ vía Bà Thiên Hậu, còn người Chăm là lễ vía Thần nữ Po Inư Nưgar. Vào dịp này khách thập phương có thể chiêm ngưỡng sắc màu lễ hội, tạo nên không khí náo nhiệt trên khắp cả nước.

Tựu trung lại, có rất nhiều tộc người có tục thờ Mẫu, mỗi tộc người có một bà Mẫu khởi nguyên và họ xem đó là tổ tiên của mình như Mẫu Âu Cơ của người Việt và Po Inư Nưgar của người Chăm. Việc thờ cúng này là dấu vết sớm của tục thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình hiện nay. Lịch sử xã hội phát triển, các giai cấp và hình thái xã hội ra đời, ngoài những vị Mẫu được xem là nguồn khởi nguyên giống nòi thì riêng từng nhóm người lại tôn thờ một vị Mẫu thần cụ thể, gần gũi và cần thiết cho cuộc sống tâm linh của bản thân.

 



Tài liệu tham khảo:
- Các nữ thần Việt Nam (Đỗ Thị Hảo, Mai Thị Ngọc Chúc), NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 1993.

- Đạo mẫu ở Việt Nam (Ngô Đức Thịnh chủ biên), NXB Văn Hóa Thông Tin, 1996.

- Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền (Ngô Đức Thịnh chủ biên), NXB Văn Hóa Thông Tin (2007).

- Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam (Nguyễn Hữu Thông chủ biên), Phân viện Nghiên cứu văn hóa tại thành phố Huế, NXB Thuận Hóa, 2001.

- Tiếp cận tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Nguyễn Minh Sang), NXB Văn Hóa Dân Tộc Hà Nội (1994).

- Từ thần thoại Po Inư Nưgar đến Thiên Y Ana. Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam, Tập II, quyển 2 (Văn Đình Hy). Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, 1978.

 

Posted in: Văn hóa Champa
Like (1)
Loading...
1
Bích Hiên
pài này hay!....chú viết đó hả!?
April 22, 2012
AngleChampa
HOÀI QUẢNG
April 27, 2012