• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
524 views

LÂM P, CHAMPA VÀ DI SN TS. Nguyễn Đức Hiệp(Australia)

Trong chuyến về lại Việt Nam vào đầu năm 2004, tôi có dịp viếng thăm miền Trung Việt Nam chủ yếu là ở ba thành phố chính: Huế, Đà Nẵng và Hội An. Huế thơ mộng đượm nét Việt Nam, Hội An cổ kính với nhiều ảnh hưởng của văn hoá Hoa kiều (Minh Hương), và Đà Nẵng thì lại mới mẻ và năng động. Có lẽ đa số khách du lịch sẽ chọn Huế hay Hội An là địa điểm đáng thăm nhất qua bề dầy lịch sử và nét cổ kính của hai thành phố này. Nhưng chính Đà Nẵng là nơi tôi chú ý hơn vì ở đấy có Viện bảo tàng văn hoá Chăm chứa đựng nhiều bảo vật quý giá của nền văn minh cổ Champa

Trong lứa tuổi tuổi học trò ở trung học, tôi rất thích môn học lịch sử và tò mò về vương quốc Chăm. Sự tò mò pha lẫn lãng mạn và nuối tiếc một nền văn minh đã tàn lụi, có lẽ một phần bị ảnh hưởng từ tập thơ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên. Gần đây, tôi có dịp đọc tập thơ “Tháp Nắng” và các bài nghiên cứu có giá trị về văn hoá Chăm của Inrasara (Phú Trạm), một người Việt gốc Chăm. Cuộc hành trình trở về nguồn gốc Chăm của Inrasara được kể lại rất chân tình và cảm động, làm tôi ray rứt và càng muốn học hỏi thêm về một bộ phận dân tộc và văn hoá ít được quan tâm đến ở Việt Nam. Tôi đến thăm Viện bảo tàng Đà Nẵng với mục đích tìm hiểu về quá trình phát triển mỹ thuật Chăm qua các phong cách khác nhau của các tháp Chăm.

Champa đã biến mất cách đây gần 2 thế kỷ, nay chỉ còn để lại các di tích Chăm, rải rác ở các tỉnh Trung phần Việt Nam, như Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Khương Mỹ, Tháp Mẫm.. Viện bảo tàng Chăm, do nhà nghiên cứu Pháp Parmentier thành lập năm 1919, đã thu thập các bảo vật, như tượng, bệ, công trình kiến trúc, điêu khắc của các đền, cung điện.. từ nhiều nơi để tồn giữ. Nhưng ngay tại đây, trải qua nhiều biến cố lịch sử, các di sản đặc sắc của văn minh Chăm cũng không thoát qua nhiều sự mất mát, lưu lạc. Ngày 9 tháng 12 năm 1946, trong những ngày đầu của chiến tranh Việt-Pháp, giữa sự hỗn loạn và thiếu an ninh ở Đà Nẵng, viện bảo tàng đã bị xâm nhập. Rất nhiều bảo vật cũng như tư liệu trong thư viện đã bị đánh cắp (1). Hơn một năm sau, vào năm 1948, Trường Viễn Đông bác cổ đã gởi ông Manukus đến để hồi phục lại viện bảo tàng. Hơn 150 bảo vật này đã được tìm lại từ nhà dân, trại lính, phi trường và tận ở Lào (Savanakhet). Năm 1954, Viện bảo tàng là nơi trú ngụ của khoảng 300 người dân di tản chiến tranh. Năm Mậu Thân 1968, trong trận đánh chiếm lại Huế, Viện bảo tàng này đã trở thành trại tập trung và là nơi ăn ở của quân đội Nam Việt Nam. Giữa những sự xô bồ, hỗn độn, va chạm và không có sự bảo vệ và bảo trì như vậy, thì sự hư hại, hay mất mát các tượng đá, các công trình điêu khắc tất nhiên đã xảy ra. Gần đây trong năm 1996, các nhân viên viện bảo tàng đã tình cờ tìm ra được 157 mảnh cổ vật đã được chôn dưới lòng đất trong khuôn viên của viện bảo tàng.

Champa đã biến mất qua những cơn bão lịch sử, nhưng di sản của nền văn minh này cũng đã chịu đựng nhiều sự cố không may mắn. Một số phận hẩm hiu của nền văn minh Chăm? Trải qua nhiều thế kỷ, các ngôi tháp Chăm ở nhiều nơi bị hư hại và đổ nát bởi thời gian và do thiên nhiên tác động. Theo Lê Quí Đôn thì Ngô Thế Lân, vào thế kỷ 18, đã để lại bài thơ, Chà bàn cố thành hoài cổ, cho thấy tình trạng xơ xác, bỏ hoang của các tháp, điện đài của vương quốc Champa cách đây hơn 200 năm (8).

Bóng tà dừng ngựa đứng

Man mác nỗi hư vong

Lăng uyển làm chùa Phật;

Cung đình thành ruộng cày

Núi tàn trơ tháp cổ;

Nước cũ hiện thành hoang

Thần đạo nguyên vô cứ;

Cửa tây tràn khắc bia

(bản dịch)

Không khác chi tình trạng hiện nay của nhiều tháp cổ khắp miền trung Việt Nam.Trong cuộc chiến vừa qua, di tích Đồng Dương hầu như bị huỷ hoại hoàn toàn do bom đạn. Một mất mát to lớn đối với những thế hệ về sau.

Hầu như tất cả những gì ta biết về văn minh Chăm là đứng từ góc độ của người không phải Chăm. Ngày nay, trong sách giáo khoa Đại học của giáo sư D. Hall về lịch sử Đông Nam Á (2), ta có thể biết tổng quát về lịch sử đất nước Champa. Tuy vậy phần lớn dữ kiện từ sách của Hall là dựa vào những công trình nghiên cứu tiên phong của các học giả Pháp như G. Coedes, H. Parmentier và H. Maspero ở đầu thế kỷ 20.

Nói chung về khảo cổ và sử của các nước Champa, Cam Bốt và một số nước khác ở Đông Nam Á thì chỉ vào đầu thế kỷ 20 người ta mới biết được nhiều mà thôi. Trước đó không mấy ai biết nhiều về Cambodia có một nền văn minh Angkor rực rỡ, cả sử của Nam Dương cũng mù tịt cho đến khi Coedes khám phá ra vương quốc SriVijaya ở Sumatra, còn sử của Champa thì mù mờ, chỉ biết qua tư liệu của các nước láng giềng như Việt Nam (Đại Việt sử ký toàn thư) hay của Trung Quốc (Tống sử, Minh sử..) đến khi Finot, Parmentier, Majumdar và Maspero khám phá ra bằng phương pháp có hệ thống. Ngay cả trong sử của Ấn Độ, trước đây hoàng đế Ashoka chả ai biết nhiều, chỉ nghe tên trong vài kinh điển Phật giáo, đến khi Princep khám phá ra qua bia ký là có thật, một nhà vua hiền triết chuộng đạo Phật với một vương quốc rộng lớn.

Hầu như tất cả khám phá về vương quốc Champa là từ những ký tự trên đá và những gì biết qua từ sử ký của Trung Quốc nói về các dân tộc trên. Từ đó lịch sử các nước đã được viết và ghi lại. Giải những ký tự trên đá để biết đến văn minh cổ ở Đông Nam Á cũng không kém khó khăn và mang tính cách đột phá như giải ra được chữ viết cổ Ai Cập qua tảng đá Rosetta của nền văn minh Ai Cập.

Phải nói là văn minh Trung Hoa đã đóng góp không lớn vào văn minh nhân loại qua sự phát minh ra giấy và dùng nó trong quan triều để ghi và truyền lại cho hậu thế những tham khảo rất giá trị về các nước chung quanh. Việt Nam cũng như Trung Quốc có những tư liệu lịch sử quí giá (như Đại Việt sử ký toàn thư), còn các nước khác ở Đông Nam Á, không có truyền thống viết sử đánh dấu giai đoạn của các triều vua, mà dùng lá và đá để viết nay thì tất cả chữ viết có giá trị trên lá đều đã ra tro bụi hoặc còn rất ít rải rác ở các thôn Chăm, chỉ để lại một vài chữ trên các tảng đá mà thôi.

Hiện nay nghiên cứu về văn minh và văn hóa Chăm đã được quan tâm và đã có một số công trình nghiên cứu có giá trị được xuất bản gần đây ở Việt Nam. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho sự nghiên cứu Chăm học ở Việt nam. Trước đây, trong các thập niên 1970 và sau giải phóng, có sự dè dặt trong sự nghiên cứu Chăm học, vì ngành này đa số là do các nhà nghiên cứu nước ngoài, chủ yếu là Pháp, khai phá và phát triển với sự cộng tác của một số cộng tác viên Chăm và Việt. Sự dè dặt nghi kỵ của người Việt về mục đích chính trị đối với các công trình nghiên cứu Chăm học không phải là không có lý do. Vì đã có nhiều thế lực chính trị lợi dụng để chia rẽ, hay muốn tách rời địa phận để độc lập làm khó khăn cho Việt Nam trong những năm chiến tranh chống thực dân, giảm đi tiềm năng và bước tiến của lịch sử. Nhưng sự dè dặt và nghi ngờ này nếu đi quá cũng có hệ quả là trong lãnh vực Chăm học, “sân chơi” chỉ dành cho lực lượng người nước ngoài nghiên cứu mà Việt Nam thì chỉ có lưa thưa vài người. 

Năm 1984, tôi có dịp về thăm Việt Nam và nhân dịp này có tiếp xúc với nhóm nghiên cứu ở viện Khoa học Xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi tôi đề cấp đến sở thích về nghiên cứu văn minh Chăm thì mọi người đổi thái độ và hơi dè dặt lo âu, anh trưởng ban chuyển qua đề tài về các lực lượng chống chính quyền ở Tây Nguyên và sau đó không còn bàn về đề tài Chăm học nữa. Chỉ có bác quản gia già ở thư viện sau đó nói chuyện với tôi vui vẻ về các sách về Chăm học mà bác biết rất nhiều từ khi bác làm việc ở đây từ trước năm 1945. Khoảng cuối thập niên 1990, tổ chức Toyota Foundation đã tài trợ cho Gs Trần Kỳ Phương xuất bản bộ sách tổng hợp về sự hiểu biết hiện nay về văn minh Champa ở Việt Nam như trước đây họ đã tài trợ cho bộ sách về văn minh Đông Sơn do Gs Hà Văn Tấn xuất bản. Không may là sự việc đã không thành.

Ngày nay Việt Nam đã khác nhiều và tự tin hơn về đất nước mình qua sự chuyển mình về kinh tế và tiềm năng trong tương lai. Tư duy cũng đã thay đổi từ thời chiến qua thời bình mặc dầu có những khó khăn trong những năm chuyển tiếp. Sự vững tin này cũng thể hiện trong lãnh vực văn hóa, văn học và nghiên cứu trong những năm gần đây. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã thành lập. Việt Nam ngày nay là thành viên của tổ chức ASEAN. Cộng đồng Chăm ở Việt Nam là gạch nối với các thành viên Indonesia, Mã Lai cùng tôn giáo và liên hệ ngôn ngữ. Các nước này đã có những chương trình hoạt động văn hóa, nghiên cứu chung với cộng đồng Chăm. Sợi dây liên hệ giữa Việt Nam và Đông Nam Á sẽ càng đan kết và thắt chặt.

Bài này có mục đích giới thiệu và tóm tắt lịch sử, văn hóa Chăm và một số thành quả nghiên cứu gần đây ở Việt Nam và nước ngoài. Hy vọng sẽ giúp chút ít cho độc giả thấy một hình ảnh toàn cảnh về sự hiểu biết về văn minh Chăm trong lãnh vực Chăm học hiện nay. 

Lần đầu tiên sau nhiều năm qua đã có một hội nghị Chăm học vào tháng 8/2004 ở Singapore qui tụ một số học giả từ nhiều nước như Việt Nam, Singapore, Nhật, Anh, Mỹ, Pháp. Nhiều báo cáo, khám phá mới có giá trị đã được thông báo: những hiểu biết về văn minh Sa Huỳnh và Chăm qua địa điểm khảo cổ Trà Kiệu, liên hệ giữa ngôn ngữ Chăm và các ngôn ngữ dân tộc ở Tây Nguyên. Một điểm đáng chú ý trong các bản báo cáo là các tài liệu Trung Quốc trước kia chưa được quan tâm đến nay đã được một số học giả nghiên cứu: Minh sử, Tống hội yếu tập cao và Cửu Phiên Chí. “Tổng hội yếu tập cao” có nhiều thông tin về Champa từ 960-1180 như sự liên hệ của Champa với triều đình Tống, Chân Lạp, Srivijaya, Đại Việt (thuộc Giao Châu thời bị Trung Quốc đô hộ và sau khi độc lập năm 960), phong tục Chăm, nông nghiệp, thương mại hàng hải...

Tiếp nối công trình bỏ dở của Boisselier khi ông này mất, Emmanuel Guillon năm 2002 đã xuất bản tác phẩm về nghệ thuật Chăm qua những bảo vật ở viện bảo tàng Đà Nẵng. Sách có giá trị tham khảo, tổng hợp sự hiểu biết từ trước đến nay kể cả những khám phá các di vật khảo cổ mới thu thập được.

Ở Việt Nam, các sách về văn hóa, văn học, nghệ thuật Champa của Ngô Văn Doanh, Insara, Trần Kỳ Phương... với những hiểu biết mới cũng đã được xuất bản. Lãnh vực Chăm học như có luồng sinh khí mới mở đầu cho thời kỳ Phục hưng trong nghiên cứu mà trước đây đã bị bỏ quên, ít được quan tâm trong một thời gian dài, sau những công trình khám phá tiên phong của các học giả Pháp trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

 

Địa thế lịch sử Champa

Indrapura

Nói về vùng đất từ Đèo Ngang, Hoành Sơn đến đèo Hải Vân (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên) là vùng giao điểm của hai văn minh từ hướng Bắc và hướng Nam hải đảo. Đây là vùng đất "đệm" của hai nền văn minh Ấn-Hoa. Di tích Chăm trong vùng này còn ở Mỹ Đức, Quảng Bình, Hà Trung, Thạch An, Bích La (5) cũng như ở dải cồn ở Cửa Tùng, Cửa Việt. Di tích Tháp Chăm được tìm thấy ở An Xá (Do Linh), Cam Giang, Cam Lộ, Cổ Thành Ái Tử và Trà Liên (6).

Tại vùng này, người ta cũng tìm được nhiều đồ gốm xưa của văn hoá Chăm và Trung Quốc từ thời Đường, Tống, Minh.. chứng tỏ xưa kia ở đây cũng có thể là nơi có các hải cảng thương mại sầm uất không kém cảng Hội An về sau này.

Xa hơn nữa vào thời tiền sử, vùng này là nơi chuyển tiếp của giao lưu văn hóa Sa Huỳnh và văn minh Đông Sơn qua Đèo Ngang. Nơi đây còn có các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Cồn Bàu, đảo Cồn Cỏ, Cổ Trai ở Cửa Tùng. Đồ đồng Đông Sơn đã được tìm thấy ở Tam Mỹ, Phú Hòa và mới đây tận mãi Bình Định, còn những khuyên tai hai đầu thú và các hạt chuỗi thuỷ tinh thuộc văn hoá Sa Huỳnh, thì tìm thấy được ở Xuân An, Làng Vạc (Nghệ An, Hà Tĩnh). Văn hoá Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ Việt Nam và nước ngoài cho là có không gian chính từ Quảng Nam đến Đồng Nai.

Tháng 8-2001 ở Thừa Thiên-Huế, tình cờ tìm được một ngôi tháp Chăm nhỏ, đỉnh tháp đã mất, thân tháp cao khoảng gần 2m. Theo Ngô Văn Doanh, ngôi tháp này (gọi là tháp Mỹ Khánh) có niên đại ở thế kỷ 8. Như vậy là ngôi tháp Chăm cổ nhất hiện còn thuộc phong cách Mỹ Sơn E1.

Trong chiến tranh chống Mông Cổ dưới đời vua Trần Nhân Tông, liên minh Chăm-Việt đã thành công đẩy lui hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc qua đường bộ và thủy. Từ sự liên kết này qua chính sách chiến lược sáng suốt của vua Trần Nhân Tông, mà Jaya Simhavarman III (Chế Mân) cũng đã đồng ý theo lời đề nghị của thượng hoàng Nhân Tông, trong dịp ông rời nơi tu dưỡng ở núi Yên Tử đi viếng Champa, để lấy công chúa Trần Huyền Trân, em gái của vua Trần Anh Tông. Trong hôn nhân Chăm-Việt này, lãnh thổ Chăm là châu Ô và châu Rí (Quảng Trị và Thừa Thiên) đã được nhượng tặng cho Đại Việt. Trong thời trị vì của vua Chế Mân, quyền lực Chăm rất mạnh trải rộng đến tận Tây Nguyên nam phần. Tháp Yang Prong ở Tây Nguyên và tháp Jaya Simhalingesvara (tháp Pô Klaung Garai) nổi tiếng ở Phan Rang là do chính Chế Mân xây dựng.

Tuy nhiên sau khi Nhân Tông và Jaya Simhavarman mất, vua Anh Tông hoàn toàn thay đổi chánh sách. Chiến tranh Chăm-Việt trở lại khốc liệt hơn khi Champa đòi lại vùng đất đã nhượng.

Theo Minh sử, một trong những lý do nhà Minh đã gởi tướng Trương Phụ xâm lăng Đại Việt là Đại Việt đã nhiều lần xâm phạm lãnh thổ Champa. Sứ giả Chăm lúc này đã dùng chiến thuật ngoại giao rất có tác dụng. Họ đã báo cáo thường xuyên rất nhiều lần và nhờ nhà Minh trợ giúp quân sự hay mua vũkhí để đánh trả Đại Việt. Nhưng cũng chính sự chiếm đóng và đô hộ Đại Việt của nhà Minh trong một thời gian đã đưa đến các nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của vương quốc Chăm sau khi Đại Việt giành lại được độc lập. Theo Wade (14) thì có 2 nguyên nhân chính: (a) Sự chiếm đóng và quản lý của nhà Minh ở Đại Việt và các quận ở Indrapura đã mở rộng phạm vi Đại Việt khi quân Minh rút đi (b) Sự chuyển giao kỹ thuật quân sự (súng ống) của nhà Minh vào Đại Việt. Ðến thời Lê Thánh Tông, vương quốc Chăm hoàn toàn bị mất thế trong tương quan lực lượng quân sự. Champa bắt đầu tàn lụi sau khi thủ phủ Vijaya bị tàn phá với dân số một phần bị tiêu diệt và phần khác bị bắt làm tù binh mang về Đại Việt.

Theo Shiro Momoki, qua các tư liệu như “Tống hội yếu tập cao”, “Chư Phiên Chí” thì Champa vào thế kỷ 10 đến 11 vẫn còn các cơ cấu xã hội, chính quyền ở phía bắc đèo Hải Vân. Như vậy quan điểm cho rằng người Việt liên tục mở rộng xuống phía Nam từ thế kỷ 10 là không đúng. Ngay cả ở thế kỷ 14, Champa không suy tàn như ta nghĩ, mà vẫn phát triển hoạt động thương mại với Trung Quốc và các nước trong vùng. Vải bông, đồ gốm Chăm xuất khẩu đến các nước Đông Nam Á hải đảo. Cửa Thị Nại là cảng quan trọng ở biển Nam mà Kublai Khan coi là cảng tiếp nối từ cảng Quảng Châu đến cảng Quilam ở nam Ấn Độ. Như vậy sự nam tiến của Đại Việt sau 1390 chỉ có thể được coi như là một chiến thắng len lỏi từ sau lưng.

 

Amaravati

Từ đèo Hải Vân (Quảng Nam) xuống phía nam đến giáp Bình Định là vùng trọng điểm của văn minh Chăm với các di tích lớn như Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Khương Mỹ, Chiên Đàn. Nơi đây ở Đồng Dương đã tìm thấy tượng phật đồng rất đẹp đầy mỹ thuật (hiện còn tàng trữ ở viện bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt các tượng điêu khắc, kiến trúc ở đền Đồng Dương chịu ảnh hưởng của Phật giáo đại thừa. Trong tất cả các di tích Chăm, nghệ thuật Chăm Đồng Dương là độc đáo sáng tạo và là nơi duy nhất có chịu ảnh hưởng tư tưởng từ Trung Quốc phương bắc. Di tích Đồng Dương hầu như đã bị huỷ diệt hoàn toàn trong cuộc chiến tranh vừa qua.

Trà Kiệu hay Simhapura (Thành phố sư tử, từ chữ Simha, Singha nghĩa là sư tử và pura là thành phố) là kinh đô xưa nhất của Champa ở Amaravati. Trước cả 2 thành phố "sư tử" khác ở Đông Nam Á là Singapore (Lion City, từ Singha và pura) và Singburi (Singha và buri (thành phố)), gần Ayuthaya, Thái Lan. Xưa kia sư tử còn hiện diện ở Cận Đông và Bắc Ấn (các vua người Assyria thường đi săn bắn sư tử như trên các bia khắc đền đã mô tả), sau này sư tử Á châu tuyệt chủng chỉ còn lại sư tử ở Phi Châu. Theo Ngô Văn Doanh (16) thì từ Trà Kiệu hiện nay là biến âm từ chữ Chăm cổ ya – sông, nước và chữ Phạn: keo - ngọc, mà người Việt gọi là thành Sông Ngọc để chỉ thành phố Simhapura. Mariko Yamagata, Ian Glover, Nguyễn Kim Dung của nhóm nghiên cứu Việt-Anh-Nhật khai quật ở Trà Kiệu (1997-2000) và ở Gò Cam (2000) gần sông Thu Bồn, cách thành cổ Trà Kiệu 3.5km về phía Đông. Tại đây đã tìm thấy các hũ đất giống các hiện vật ở Trà Kiệu, các đồ gốm, đồng, dấu ấn thời Hán, di tích nhà gổ cổ nhất (được xác định khoảng ). Dưới tầng khai quật trên là các di vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh, cho thấy có sự liên tục và người Chăm là hậu duệ của người Sa Huỳnh. Địa điểm Gò Cam gần ba di tích mộ chôn Sa Huỳnh: Gò Miếu Ông, Gò Mã Voi, Gò Vàng. Ông Yamagata cho rằng Trà Kiệu và Gò Cam xuất hiện ngay sau sự suy tàn của văn hóa Sa Huỳnh. Tầng cuối nhất của địa điểm khảo cổ Hoàn Châu (Trà Kiệu) và Gò Cam được thẩm định ở nửa đầu thế kỷ 2.

Mỹ Sơn là di tích Chăm lớn nhất, nằm trong thung lũng, dọc theo một con suối. Nơi đây có nhiều đền, tháp, bia ký được nhiều triều đại trong lịch sử Chăm xây dựng. Nhờ bia ký tìm được mà người ta biết được là người sáng lập ra Mỹ Sơn vào thế kỷ thứ 4 là vua Bhadravarman I . Dù thủ đô có dời hay ở nơi nào khác do thời cuộc, các vua chúa Chăm vẫn hướng về Mỹ Sơn để tưởng nhớ và xây đền thờ. Thánh địa Mỹ Sơn vì thế có nhiều kiến trúc khác nhau theo các phong thái riêng của mỗi thời.. Phần lớn những công trình kiến trúc hiện còn ở Mỹ Sơn được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 có chung một phong cách kiến trúc được các nhà nghiên cứu gọi chung là phong cách Mỹ Sơn A1. Trước phong cách Mỹ Sơn A1 là các nhóm tháp thuộc thế kỷ 8 đến 9. Qua lịch trình phát triển kiến trúc Chăm thì trong 2 thế kỷ 8 và 9, có ba phong cách khác nhau được nhận ra là phong cách Mỹ Sơn E1, phong cách Hoà Lai và phong cách Đồng Dương. 

Trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ vừa qua, đền Mỹ Sơn A1 và vài di tích lân cận đã bị phá huỷ khi trúng bom máy bay Mỹ trong một phi vụ oanh kích. Vào năm 1988, trong một công trình thủy lợi, người ta tình cờ khám phá ra di tích tháp An Mỹ, Tam Kỳ với nhiều điêu khắc đá như bộ linga-yoni, trang trí kiến trúc (đỉnh, cột tháp), mảnh vỡ của tấm bia… Niên đại được thẩm định vào đầu thế kỷ 10, thuộc phong cách chuyển tiếp từ Đồng Dương đến Mỹ Sơn A1.

Vào năm 1997, tỉnh Quảng Nam và chính phủ Việt Nam đã đề nghị và xin Liên Hiệp Quốc đưa Trà Kiệu, Mỹ Sơn và Đồng Dương lên danh sách những di sản của thế giới (World Heritage list) để bảo tồn. Đây là những di tích văn hóa xưa nhất ở Trung Việt Nam, lâu hơn Huế hơn 12 thế kỷ. Hiện nay quần thể Mỹ Sơn được công nhận là một di sản văn hoá thế giới.

Đồng Dương (Indrapura) một thời là kinh đô của Champa dưới triều đại Indrapura. Triều đại Indrapura, do vua Indravarman II sáng lập, bắt đầu từ  năm 875. Các đền tháp của phong cách Mỹ  Sơn A1 đều được xây dựng dưới triều đại Indrapura. Sau hơn một thế kỷ phát triển, kinh thành Indrapura bị tiêu hủy trong trận chiến với vua Lê Đại Hành vào năm 982. Năm 1000, vua Chăm Harivarman II rời hẳn thủ đô về Vijaya ở phía Nam.

Một số người Chăm cũng đã di cư qua đảo Hải Nam (và hiện nay họ vẫn còn) sau cuộc chinh phạt của Lê Hoàn vào Amaravati. Một tướng của Lê Hoàn là Lưu Kỳ Tông, phản lại nhà Lê, tự xưng vương ở Amaravati (986-988) đã cai trị hà khắc và huỷ diệt đền đài và nhiều bia ký ở Mỹ Sơn nên một số người Champa đã chạy đến đảo Hải Nam (Trung Quốc). Theo sử gia Maspero thì, vì bị mất nhiều bia ký (thế kỷ 8 – 10), nên trong giai đoạn này lịch sử Champa không được biết nhiều (9).

 

Vijaya

Mặc dầu Indrapura và Amaravati vẫn là lãnh thổ Chăm khi dời đô về Vijaya vào năm 1000, Indrapura và Amaravati đã trở thành các tỉnh ngoại vi, không còn chiếm vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị của Champa. Năm 1286, đất Indrapura phía bắc đèo Hải Vân nhượng cho Đại Việt khi vua Chăm cưới công chúa Huyền Trân. Vua Champa Chế Bồng Nga lấy lại được trong chiến tranh với Đại Việt. năm 1390, khi Chế Bồng Nga mất, Indrapura mất hẳn, và sau đó không lâu Amaravati cũng rơi vào tay Đại Việt.

Sau khi bị mất Indrapura và Amaravati vào tay Đại Việt thì vùng đất từ Bình Định đến Phú Yên là nơi dân tộc Chăm rút về tập trung ra sức chống chọi lại cuộc nam tiến của Đại Việt. Khi dân Việt đi vào định cư, thì người Chăm có đặc tính và khuynh hướng là không bám trụ ở lại. Đa số họ dời đi ở chỗ khác xuống phía Nam, chứ không ở lại với người Việt. Có thể đây là vì hai văn hóa có sự khác biệt nhiều.

Tập trung quanh khu vực kinh đô mới Trà bàn (Vijaya), họ cũng cố gắng lấy lại một cách vô vọng những vùng đất phía bắc đã bị mất. Nhưng đến năm 1471, kinh đô Trà bàn cũng đã bị thất thủ và tàn phá khi vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Lê Thánh Tông đã dùng chính sách phá hủy văn hóa để tiêu diệt dân tộc và năng lực tinh thần nước Chăm: đền đài, cung điện, tháp, bia ký, tư liệu phản ảnh đặc trưng của văn hoá Chăm đều bị phá hủy, quân dân và nghệ nhân bị tàn sát hay bị bắt đi. Mất Vijaya coi như vận mệnh của Champa đã tàn. Đối với Đại Việt thì Lê Thánh Tông là vị vua thành công nhất dưới triều Lê trong lãnh vực văn hóa, kỷ cương xã hội dựa vào nho học. Lê Thánh Tông là đại diện tiêu biểu cho văn minh Trung Quốc phương bắc đối chọi với văn minh Đông Nam Á. Cốt lõi văn minh bản địa Đông Nam Á của Đại Việt đã bị đè nén và dần dần bị tan loãng dưới lớp văn hóa Hán nho. Trong cuộc “xung đột văn minh” sống còn này, văn minh Champa Đông Nam Á đã phải lùi một bước dài quyết định trước bước tiến của văn minh nho học Trung Quốc.

Không những bị áp lực từ Đại Việt ở phương Bắc, mà Champa còn đối diện với vương quốc Khmer ở phía Nam. Vào thế kỷ 12, quyền lực Khmer ở Angkor lan rộng và ảnh hưởng đến Champa gây ra các cuộc xung đột giữa Angkor và Vijaya. Từ thế kỷ 12 đến 15, Champa đã chịu hai sức ép từ Đại Việt và Angkor. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới sự suy vong của Champa. Sau khi Champa đánh chiếm và tàn phá Angkor năm 1177, vua Khmer Jayavarman VII đã giải phóng thủ đô Angkor năm 1181, tiến đánh chiếm Vijaya và Champa. Từ năm 1203, Champa trở thành một tỉnh của Khmer cho đến năm 1220 thì Champa giành được lại độc lập, sau cuộc thảm bại của liên quân Khmer, Xiêm, Pagan đánh vào Đại Việt, dưới triều vua Sri Jaya Paramesvaravarman II mà bia ký đá ở Chợ Dinh (Phan Rang) cho thấy. Cũng không lạ gì mà rất nhiều kiến trúc, điêu khắc đền tháp ở Vijaya chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer.

Hiện nay thành Vijaya (Trà Bàn) không còn, chỉ còn chút vết tích tường thành để lại. Chính giữa thành, trên một gò nhỏ còn trơ lại duy nhất tháp Cánh Tiên (tháp Đồng). Ngoài ra có hai con voi đá và hai con sư tử đá rất lớn gần lăng Võ Tánh. Điêu khắc và mô típ của tượng voi và sư tử đá cho thấy chúng thuộc giống các tượng điêu khắc ở tháp Dương Long. Các công trình kiến trúc khác còn lại hiện nay ở vùng Vijaya là các tháp Bánh Ít, Bình Lâm, Thủ Thiện, Phú Lộc, tháp Nhạn. Phong cách kiến trúc này được gọi là phong cách Bình Định hay phong cách Chánh Lộ. Phong cách Bình Định có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 11. Tháp Bình Lâm là tháp duy nhất ở đồng bằng thay vì như các tháp khác ở trên đồi. Tháp Bình Lâm gần một thành cổ. Thành này đã bị đổ nát, không còn dấu t&ia

Posted in: Lịch sử Champa
Be the first person to like this.
Bích Hiên
dài wa'...đọc ko nỗi...hjx!
April 22, 2012
THONG MINH XUAN
xiu.... kho hong@-@
May 20, 2012
Bích Hiên
hả?....
May 21, 2012