• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On April 30, 2012
489 views

Một "thế giới" nhỏ bé người Chăm ở An Giang đã có mấy trăm năm tồn tại. Cộng đồng cư dân này sống rải rác ở huyện Châu Phú, An Phú và thị xã Tân Châu. Họ sống hòa đồng với những dân tộc khác, nhưng vẫn giữ gìn một bản sắc rất riêng. Nhờ vào ý thức cội nguồn sâu thẳm, cùng với giáo luật làm nền tảng, những cộng đồng Chăm tại đây thực sự là một "thế giới" đầy bí ẩn.

Bài 1: Bí ẩn những “thế giới” bé nhỏ

Trên đường từ Tân Châu sang Châu Đốc, trước khúc quanh dẫn lên chiếc cầu sắt bắt ngang con kinh Vĩnh An thuộc ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, bất ngờ chúng tôi nhìn thấy trên ban công nhà sàn một cô gái Chăm đang ngồi thêu đan. Kín đáo trong bộ trang phục màu xám, chỉ hiện ra một phần gương mặt dưới chiếc khăn trùm, nhưng đó là gương mặt đẹp đến sững sờ. Một vẻ đẹp sâu thẳm, thánh thiện, chỉ thấy trong các tác phẩm hội họa về các thánh nữ. Tích tắc dừng xe ấy trở thành ấn tượng không phai về các xóm Chăm ở đầu nguồn Cửu Long mà chúng tôi có dịp lướt qua trong chuyến đi đầu năm 2010 này, dọc các cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh An Giang.

Bangsa – cội nguồn

chaudoc.jpg
Một cô gái Chăm ở xóm Lama, Vĩnh Trường trong một lễ đặt tên. Đám đặt tên, cưới hỏi, người Chăm có ăn uống, nhưng nói họ ăn nhậu như một số phương tiện truyền thông là họ tức giận, vì rượu, bia bị giáo luật cấm uống.

Chúng tôi đã biết gì về những người Chăm anh em sống bên mình đã mấy trăm năm ở đầu nguồn Cửu Long này? Chỉ là con số không. Tìm hỏi vài người quan tâm đến lịch sử vùng đất An Giang, đang sống tại An Giang, hóa ra họ cũng không khác gì. Ám ảnh ấy khiến chúng tôi cố công tìm hiểu để quyết một lần sẽ trở lại với những xóm Chăm An Giang.

Trong tiếng Chăm, Bangsa có nghĩa là cội nguồn. Bangsa Chamba là cội nguồn Champa, đó cũng là tên cuốn sách của hai đồng tác giả, mà chúng tôi may mắn gặp được ngay sau chuyến về từ đất cù lao. Hai tác giả, ông Dohamide và Dorohiêm là hai anh em ruột cùng sinh ra, lớn lên ở làng Koh Taboong, ấp Khánh Mỹ, xã Khánh Hòa thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ngày nay. Chúng tôi đã tìm về tận đây, nhưng tiếc thay tất cả những người ruột thịt của hai ông hiện không ai còn sinh sống nơi này.

Nhiều tài liệu phổ biến hiện hành vẫn viết rằng, người Chăm An Giang có nguồn gốc từ Bình Thuận, Ninh Thuận di cư vào. Sự thật họ có cùng cội nguồn, tổ tiên họ cùng một dân tộc, là con dân của vương quốc có lịch sử từ vài ngàn năm trước đến thế kỷ 17, hùng cứ dọc dải đất miền Trung của Việt Nam ngày nay. Nhưng người Chăm hiện định cư ở đầu nguồn Cửu Long lại có nguồn gốc từ Campuchia di cư sang, cách nay chỉ vài trăm năm. Vì sao họ di cư, chính xác vào thời điểm nào? Cả sách Bangsa Champa cũng chưa tìm được tài liệu để minh định. Chỉ biết, bể dâu thế cuộc trong quá khứ còn để lại một thực tế: cộng đồng người Chăm hiện sống trên 10 quốc gia thì ở Campuchia là đông nhất, hơn 317.000 người. Trong khi ở Việt Nam, con số này là 133.000.

Khi cuộc tiếp xúc đã trở nên cởi mở thân tình, ông quản tự của thánh đường ở ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú bất ngờ cho chúng tôi một thông tin: theo lời ông bà kể lại thì tổ tiên ông đã theo nhà Nguyễn từ Phnom Penh, Campuchia di cư về đây đã 300 năm. Nếu thông tin này chứng minh được, nghĩa là họ đã di cư trước cả thời Gia Long lên ngôi lập ra triều Nguyễn (1802). Thời các chúa Nguyễn, nước ta có 2 cuộc di binh lớn sang tận Phnom Penh để giúp triều đình Chân Lạp dẹp loạn và an trị: năm 1700 của đại binh Nguyễn Hữu Cảnh và năm 1755 của Nguyễn Cư Trinh. Sử cũ đều chép, cả hai cuộc bình định này đại quân Việt đều có thu nạp vào quân ngũ người Chăm sinh sống ở Campuchia. Và cả hai cuộc can thiệp này đều rút về nước bằng đường thủy xuôi dòng Mekong, lại tiếp tục đồn trú để giữ yên biên ải trên vùng cù lao đầu nguồn Cửu Long. Nếu chứng minh được con số trên dưới 300 năm, thì có thể lắm, đó là cuộc di binh của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Một “thế giới” để ngỏ

Gặp chúng tôi trước chuyến đi, nhà thơ Lê Thanh My, người nhiều năm làm trưởng phân hội văn nghệ Châu Đốc, cho biết: mới tháng trước, có vài bạn văn từ Vĩnh Long sang muốn tiếp cận để tìm hiểu các làng Chăm. Nhưng khi cái hội lang thang này dừng lại trước một thánh đường, một bến nước, một ngôi nhà sàn cổ… để chụp hình, nhìn ngắm là liền có mấy thanh niên Chăm đến dò hỏi có vẻ không thân thiện.

Hóa ra sự e ngại của chị My và lo lắng của chúng tôi là chẳng cần thiết. Không kể người trẻ, ngay những người già là chức sắc trong giáo hội đều rất cởi mở khi chúng tôi tiếp xúc. Giáo cả xóm Chăm Koh Taboong, Vĩnh Hòa, cũng là giáo cả của toàn giáo hội Islam An Giang, dù đã ngoài 80, đã qua một lần tai biến tuần hoàn não, vẫn ân cần tiếp chuyện chúng tôi gần cả buổi chiều, tỉ mỉ diễn giải tất cả mọi điều mà chúng tôi cần biết. Ở thánh đường Rohmah, Lama, Vĩnh Trường, hơn 50 đàn ông cả già trẻ ngồi tụ tập trước giờ lễ trưa để giải thích cho chúng tôi từ lễ tục, giới răn của đạo cho đến nếp sống sinh hoạt ngoài đời. Sau khi kết thúc lễ, ông Mohamach Thost còn mời tiếp chúng tôi về nhà để trò chuyện.

Cộng đồng người Chăm An Giang quả thật bé nhỏ, chỉ trên dưới 12.000 người sống phân tán thành từng xóm trên hai huyện An Phú, Châu Phú và thị xã Tân Châu. Xóm Chăm luôn nối liền với các xóm Việt trên một trục lộ, hay một bờ kinh mà người qua đường rất khó phân định. Họ sống trên nhà sàn. Nhưng người Việt ở đây cũng sống trên nhà sàn, vì đất này hàng năm có 4 - 5 tháng ngập lũ. Thoạt trông, chẳng khác gì nhau, nhưng bên trong là hai thế giới khác biệt. Đi qua xóm Chăm không thấy phụ nữ trên đường, đàn ông cũng thảng hoặc, chỉ có trẻ con đi học. Lễ hội, tiệc cưới, tiệc vui người Chăm vẫn có mặt người Việt. Ngược lại, họ không dự tiệc tùng của người Việt, không vào quán ăn, quán giải khát của người Việt, không mua thực phẩm ở chợ Việt…

Khác biệt một phần bắt nguồn từ giáo luật, phần khác là phản ứng bảo tồn bản sắc một cách tự nguyện xuất phát từ cội nguồn thẳm sâu. Xóm Chăm Lama, Vĩnh Trường được xem là cộng đồng Chăm lớn nhất An Giang với hơn 500 nóc nhà và trên dưới 2.200 con người, nhưng cũng chỉ kéo dài theo trục lộ chưa được một cây số. Nhiều xóm Chăm khác là cụm cư dân nhỏ chỉ vài trăm con người, thế mà mấy trăm năm qua họ vẫn không hề mất đi bản sắc văn hóa.

Đó là cả một bí mật lớn lao mà loạt bài này không hề có tham vọng làm sáng tỏ, chỉ mong được kể lại đôi điều mà chúng tôi quan sát, tìm hiểu được.

 Theo Vietbao (Theo: queviet.pl)

Like (2)
Loading...
2