• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
489 views

tộc người Raglai có một hệ thống nghi lễ rất phong phú và đa dạng. Nó phản ánh cảnh quan, môi trường sống và cuộc sống tâm linh của họ. Nói một cách khác, qua hệ thống nghi lễ người Raglai có thể giải thích về thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan, về các hiện tượng tự nhiên, về nguồn gốc của tộc người và buôn làng của họ. (Trường hợp nghiên cứu ở xã Phước Hà, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) (Ngaq yàk akoq thut urang Raglai di Biétnam) 1. Đặt vấn đề Dân tộc Raglai là một trong những dân tộc cư trú lâu đời ở vùng Nam Trung Bộ Việt Nam[1]. Theo tài liệu thống kê vào cuối năm 1995, dân số người Raglai có khoảng 85.000 người. Người Raglai thuộc loại hình nhân chủng Indonesia[2] có tiếng nói được xếp vào nhóm ngôn ngữ Chamic thuộc ngữ hệ Austronesian[3]. Họ tập trung sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng[4]. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận là nơi tập trung sinh sống đông đảo nhất[5] với hơn 36.515 người và chiếm 50% dân số Raglai trên toàn quốc. Đây là cư dân bản địa đã từng sống lâu đời và có mối quan hệ mật thiết với các dân tộc anh em ở Việt Nam nói riêng và các dân tộc ở Đông Nam Á nói chung. Từ trước đến nay, việc nghiên cứu các tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai – Đa Đảo đã được nhiều người quan tâm từ lâu, đặc biệt từ cuối thế kỷ 19 đến nay, việc nghiên cứu về tộc người Raglai ngày càng được quan tâm nhiều nhiều hơn. Sự quan tâm ấy không phải do số lượng tộc người đông đúc, cũng không phải do các nhóm cư dân Raglai ngày nay đang sinh tự ở những khu vực có vai trò đặc thù trên bình diện kinh tế, văn hóa và xã hội; mà sự quan tâm ấy được đặc biệt chú ý là do vai trò của tộc người có mối quan hệ mật thiết với tộc người Chăm ở đồng bằng duyên hải, trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa để hình thành khối cộng đồng đa tộc người và nền văn hóa của Việt Nam. Các công trình nghiên cứu chuyên khảo đã công bố trên các tạp chí và ấn hành thành sách có giá trị về mặt khoa học cũng như trong thực tiễn. Cụ thể như : “Người Raglai ở Việt Nam” do Nguyễn Tuấn Triết biên soạn, xuất bản năm 1991; “Các dân tộc ít người ở Việt Nam – các tỉnh phía Nam” do Bế Viết Đẳng chủ biên, xuất bản năm 1984; “Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Ngô Văn Lệ chủ biên, xuất bản năm 1997; “Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam” do Nguyễn Văn Huy chủ biên, xuất bản năm 1997; “Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam” do Phan Xuân Biên chủ biên, xuất bản vào năm 1998 v.v… Từ sau giải phóng đến nay, trong quá trình đổi mới và phát triển xây dựng đất nước, những biến đổi về kinh tế - xã hội đã làm cho yếu tố văn hóa truyền thống, đặc biệt là hệ thống nghi lễ truyền đang mất dần đi. Điều này đã tác động không nhỏ đến cuộc sống mới của các dân tộc trong tương lai. Trong đó, nghi lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người Raglai mà chúng tôi dành thực hiện bộ phim cộng đồng. Bộ phim này được tiến hành tại xã Phước Hà, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Chúng tôi hy vọng việc khảo sát nghiên cứu này có thể đáp ứng phần nào nhu cầu tâm linh, kinh tế, và xã hội hiện nay đang đòi hỏi. Trước hết, là giúp cho việc định hướng sự phát triển kinh tế, văn hóa, và an sinh xã hội của tộc người Raglai phát triển nhanh chóng về mọi mặt, thực hiện sự bình đẳng và phát huy tiềm năng của tộc người. Đồng thời, giúp cho các tộc người hiểu rõ nhau hơn để tăng cường tình đoàn kết thống nhất giữa các tộc người anh em. 2. Lịch sử hình thành và tên gọi tộc người Ralgai Trước đây, địa bàn cư trú của tộc người Raglai chủ yếu tập trung ở vùng rừng núi và thung lũng ở độ cao trên dưới 500 m so với mặt nước biển. Do bối cảnh lịch sử thường xuyên xảy ra nhiều sự biến đổi, địa bàn khu vực cư trú của toàn bộ cộng đồng Raglai ngày nay không được đồng nhất mà thường mang tính đặc thù riêng cho từng khu vực địa phương khác nhau. Vì căn cứ vào điều kiện địa lý môi trường và xã hội, một số nhà nghiên cứu như V.Cobbey[6], J.L.Shrock[7], và L.Lee[8] đã chia tộc người Raglai làm hai nhóm Raglai Bắc và Raglai Nam. Nhóm Raglai Bắc cư trú tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây tỉnh Khánh Hòa và trãi dài xuống vùng núi phía Bắc tỉnh Ninh Thuận và Đông bắc tỉnh Lâm Đồng. Còn nhóm Raglai Nam phân bố dọc theo phía Đông bắc và Tây bắc tỉnh Ninh Thuận và kéo dài xuống phía Tây và Tây nam tỉnh Bình Thuận (giáp ranh phía Đông tỉnh Lâm Đồng). Với địa bàn cư trú như vậy, tộc người Raglai đã trở thành tộc người cư trú ở vùng đệm tiếp giáp với tộc người Êđê ở phía Bắc; tộc người Churu ở phía Tây; tộc người K’ho ở phía Tây Nam; và tộc người Chăm ở phía Đông. Do đó, nền văn hóa của tộc người Raglai chịu sự tác động bởi quá trình đan xen văn hóa với các tộc người Êđê, Churu, K’ho và Chăm. Mặc dù vậy, tộc người Raglai vẫn lưu giữ được những sắc thái văn hóa truyền thống của tộc người mình. Raglai là tên gọi của tộc người đã được chính thức đưa vào danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam do Tổng Cục Thống Kê của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công bố vào ngày 2 tháng 3 năm 1978. Nhưng trong quá trình khảo sát nghiên cứu điền dã thực tế tại xã Phước Hà, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; chúng tôi nhận thấy rằng đa số người Raglai thường tự xưng là Cam cek (người Chăm ở miền núi), cho nên không ít các nhà nghiên cứu thường hay giải thích tộc danh của người Raglai vốn có nguồn gốc từ ngôn ngữ Malayo-Polynesian do tộc người khác gọi họ với ý nghĩa là “urang Raglai” hay “Orang glai” (có nghĩa là “người rừng”; urang hay orang = người, Raglai hay Glai = rừng). Để giải thích thêm điều này nhiều nhà nghiên cứu đang có khuynh hướng tìm kiếm nguồn gốc tộc người Raglai qua mối liên hệ tộc người trong thành phần cư dân của vương quốc Champa cổ đại. Những mối liên hệ này được biểu hiện thông qua văn học truyền miệng, trong các thư tịch cổ, và một số lễ nghi liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên, vua-thần của tộc người Raglai, tộc người Chăm và tộc người Churu v.v… Mặc dù, tộc người Raglai là tộc người bản địa sinh tụ ở khu vực này lâu đời, nhưng do bối cảnh lịch sử diễn biến phức tạp trong suốt thời kỳ chiến tranh đã ảnh hưởng rất lớn đến việc ổn định của một Palei (làng). Trước năm 1975, tộc người Raglai tập trung sinh sống chủ yếu ở khu vực giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận. Trong thời kỳ này thuộc tổng Trà Dương, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận[9], gồm bốn palei : Palei Njak, Palei La-a, Palei Ra-On, Palei Tah No. Đến năm 1959, do chính sách dồn dân lập ấp, bốn Palei dồn về tập trung ở khu vực Ma Nới, huyện Ninh Phước, Quận Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do chính sách định canh cho những tộc người du canh – du cư, trung tâm xã Phước Hà được thành lập và di cư một phần tộc người Raglai đến định cư, nhưng ban đầu chính quyền gặp rất nhiều khó khăn; vì một số palei Raglai vẫn định cư tại chỗ cũ (cách nơi cư trú hiện nay khoảng 60 km). Đến năm 1976, toàn bộ Palei Raglai này đến định cư ở trung xã Phước Hà dọc lưu vực kraong Tak Njat (Sông Tân Giang). Toàn bộ đất đai do Nhà nước cung cấp và hướng dẫn làm ruộng nước do Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Thuận Hải (hiện nay bao gồm tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận) đảm trách về phần kỹ thuật. Khi định cư chưa được bao lâu, vào năm 1978 đã xảy ra một trận dịch bệnh gây nhiều tử vong, nên một số Palei buộc phải dời về nơi ở cũ để tránh bệnh dịch. Đến năm 1980, chính quyền buộc phải di dời một số Palei Raglai tránh dịch bệnh về định cư ở nơi mới gần kraong Tak Njat (sông Tân Giang). Đến những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ XX, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống Hồ Tân Giang nhằm điều tiết hệ thống tưới tiêu cho cánh đồng khao khát được khoát trên mình thảm xanh của đồng lúa. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng tộc người Raglai định cư lâu dài và khai thác trên cánh đồng màu mỡ này. 3. Tiến trình của lễ hội cầu mưa của người Raglai: Các hình thái tín ngưỡng chủ yếu chi phối đời sống tinh thần, phong tục tập quán của tộc người Raglai là tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng trong nông nghiệp và saman giáo. Trước hết, đó là sự tin tưởng rằng con người và các loài động vật đều có linh hồn, rằng con sông, con suối, ngọn núi và các khu rừng đều có các thần linh ngự trị. Còn những cây cao bóng cả như cây đa, cây bồ đề là nơi trú ngụ của ma quỷ… và trong quan niệm của họ, một số loài cây cũng có linh hồn như con người như trường hợp cây lúa và liên quan đến nó là một hệ thống các lễ nghi nông nghiệp. Trong khi thực hiện những hình thức tín ngưỡng, đặc biệt là khi đau bệnh, phải cầu xin và hiến tế, tộc người Raglai đều phải mời thầy saman (Pajau) làm lễ, cũng như tuân thủ một số kiêng kỵ vốn đã hình thành từ trước. Do tộc người Raglai theo tín ngưỡng đa thần – tin tưởng vào các thế lực siêu nhiên có khả năng gây tai họa cho con người, thông qua nghi lễ cầu mưa và thực hiện những kiêng kỵ nhằm tránh xúc phạm đến các thế lực siêu nhiên ấy. Chính những điều này đã hình thành một tầng lớp Saman giáo ở tộc người Raglai được gọi là Pajau[10]. Phần lớn các Pajau là nam giới. Nhưng đồ vật hành lễ thường bao gồm : một cái giỏ grun trong đó đựng talei adut (lục lạc) gồm ba sợi dây cột lại, phía trước cột sáu cái chuông nhỏ và dải vải đỏ, hai cái kiềng đồng, một cái cawan (chén đất), một cái patil (chén bằng đồng), một karak mâta (cà rá Chăm) với hình sao sáu cánh (có thể là tượng trưng cho mặt trời) và một cái quạt để rung rung khi trạng thái nhập đồng. Nghi lễ cầu mưa là một dạng thức văn hóa khá đặc sắc của cư dân nông nghiệp lúa rẫy. Trước những khó khăn, những tai nạn thường xảy ra trong đời sống như trên rẫy cũng như lúc hành nghề ngoài rừng, người Raglai tự cảm thấy mình là một sinh linh rất bé nhỏ, yếu đuối, bơ vơ lạc lõng trong một vũ trụ bao la đầy hiểm nghèo mà sức người không thể chống chỏi nổi và cho rằng những khó khăn của đời sống, những vụ tử nạn nghề nghiệp cho đến những bệnh tật, chết chóc đều do người khuất mặt, qủy thần phá phách hoặc trừng phạt. Cứ đến tháng giêng của lịch Raglai, khi trời nắng khô hạn, cây cối mùa màng không đủ nước, người Raglai ở xã Phước Hà tiến hành nghi lễ cầu mưa. Với những nghi thức hết sức độc đáo. Nghi lễ cầu mưa được lưu truyền từ đời này tới đời khác, cho đến nay nghi lễ cầu mưa không chỉ là một sự kiện mang tính tín ngưỡng, mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ và truyền dạy nhau những tri thức của cuộc sống. Trong quá trình khảo sát và thực hiện phim cộng đồng ở xã Phước Hà, chúng tôi thấy tộc người Raglai ở đây được chia làm hai cộng đồng văn hóa. Một cộng đồng văn hóa phụng sự Po Romé chủ yếu cư trú ở Palei La-A (thôn La A). Cộng đồng văn hóa này thực hiện nghi lễ cầu mưa vào ban ngày, thường tổ chức vào thứ bảy hoặc chủ nhật thượng tuần trang của tháng giêng Raglai lịch. Và một cộng đồng văn hóa thứ hai là phụng sự Po Inâ Nagar (Bà mẹ Xứ Sở hay còn gọi là Bà nữ thần quốc mẫu) cư trú ở các thôn còn lài của người Raglai bao gồm : Palei Njak (thông Giá), Palei Tà No (thôn Tà Nô), Palei Ra-On (thôn Ra Ôn) và Palei Birau (thôn Tân Hà). Đối với cộng đồng văn hóa này, nghi lễ cầu mưa được tiến hành 1 đêm và 1 ngày; nghi lễ này được tiến hành vào tối chủ nhật và thứ hai thượng tuần trang của tháng giêng Raglai lịch. Mục đích của nghi lễ cầu mưa: cầu cho mưa thuận gió hòa, sản vật trăm hoa trăm quả và con người mạnh khỏe; súc vật có nước uống và không bị dịch bệnh. 3.1. Đối với cộng đồng văn hóa Raglai phụng sự Po Rome: Ngày xưa, thấy trời nắng hạn, đất đai nức nẻ người Raglai làm lễ cầu mưa và bắt đầu một chu kỳ sản xuất của một năm mới. Nghi lễ cầu mưa của cộng đồng thường do Ông Pajau làm chủ lễ cùng với hai người trợ tế. Theo Ông Tạ Yên Mao kể lại rằng: “ngày xưa, người Raglai làm lễ cầu mưa ở dưới gốc cây lớn ở trên đầu nguồn nước. Do chiến tranh và quá trình di cư lập ấp ở đồng bằng xa nơi cư trú ngày xưa, nên họ chỉ làm nghi lễ cầu mưa ở trên một ngọn núi bên cạnh làng có tên gọi là Cek Tak Njak (núi Tân Giang) bên cạnh đập Tak Njak (đập Tân Giang)”. 3.1.1.Danak da-a yàk (Nghi thức mời các vị thần) Đầu tiên là những người dân phát quang dọn cây để chuẩn bị tiến hành nghi thức mời các vị thần. Để cho lễ cầu mưa thành công, không thể thiếu một thủ tục đầu tiên, đó là làm lễ xin các vị thần về ngự trị bàn tổ. Ông Pajau Tạ Yên Sem là một Ông Bóng cho biết : “nếu các vị thần không đồng ý cho tiến hành nghi lễ thì Ông Pajau cầu khấn thế nào cũng không có mưa”. Thủ tục xin khấn các vị thần bao gồm năm nãi chuối[11], một chai rượu, trầu cau, 1 trái dừa[12] và bánh trái[13]. Trước tiên, Ông Pajau thắp đèn cày và xông các lễ vật qua hương trầm, tượng trưng cho nghi thức tẩy uế các lễ vật cho thần, sau đó đặt chén nước trắng bên cạnh lễ vật và rót rượu khấn xin các vị thần về ngự trị bàn tổ. Sau đó Ông Pajau đổ chén rượu xuống đất xin phép mời các vị thần linh nghiệm và chứng giám cho nghi lễ cầu mưa. Các vị thần được mời lần lượt và lời khấn có đoạn như sau : …Hỡi thần sông, thần núi, thần mặt trời và thần mặt trăng, Hãy cho mưa để chúng con cày cấy, con cháu mạnh khỏe Trâu bò không bị dịch và có nước mà uống Chúng con là người trần mắt thịt Chúng con xin pháp lập bàn tổ Xin dâng lễ cho các vị thần Hỡi các vị nam thần anh linh Và các vị nữ thần cứu độ chúng sinh Xin hãy độ trì và phù hộ cho chúng con… - Mời Cei Kamao: …Hỡi Cei Kamao! Ngài đã về trời lâu ngày nay lại về với chúng con, Ngài ngự trị vùng rừng núi, Thần hóa phép thần thông hiện về Thần mặc áo bào về hưởng lễ với chúng con Chúng con là Yên Mao, Ra Lo và Yên Sem Thần hãy mang chúng con đến với thần cai quản nước trời Để chúng con khấn xin mưa và cuộc sống ấm no Cho con người mạnh khỏe và trâu bò không bị dịch bệnh… 3.1.2.Danak tuh aia tapai ngan matai manuk (Nghi thức tế ché rượu cần) Sau khi nghi thức mời các vị thần về ngự trị bàn tổ kết thúc là nghi thức tế rượu cần được bắt đầu. Nghi lễ do Ông Pajau (một người trợ tế) thực hiện. Trước khi thực hiện nghi thức tế ché rượu cần, Ông Pajau thường khấn vái những người thầy Bóng (Ông Pajau) đã khuất, nhằm xin sự hướng dẫn của tiền nhân. Lời khấn có đoạn như sau : …Chúng con không biết gọi tên tuổi như thế nào? Xin các thầy làm trước chúng con làm theo sau Chúng con xin phép các vị thần tiến hành nghi thức tế rượu cần… Trong nghi thức tế ché rượu cần, người Raglai tiến hành nghi thức khấn vái các thần linh nhằm đánh thức những sinh linh vũ trụ về chứng giám cuộc hiến tế. Lời khấn có đoạn như sau : …Hỡi các vị thần anh linh, Chúng con xin đội ché rượu cần lên núi Để làm nghi thức tế ché rượu cần Xin thần hãy làm trước, chúng con xin làm theo thần. Xin hãy phù hộ và độ trì cho chúng con Hãy ban cho chúng con niềm vui… 3.1.3.Danak ew yàk (Nghi thức cầu mưa) Đây là một nghi thức chính trong nghi lễ cầu mưa của người Raglai. Nghi thức này được bắt đầu dưới sự điều khiển chủ lễ của Ông Pajau. Ông Pajau vừa cầu khấn vừa rót rượu cần mời các vị thần về dự lễ. Các vị thần được mời tuần tự về dự lễ; các vị thần mời dự lễ là các vị thần có độ trì và phù hộ họ trong cuộc sống. Mỗi vị thần về dự lễ thì Ông Pajau tay cầm quạt rung rung và rót rượu cần mời trong tiếng cầu nguyện phù hộ độ trì sức khỏe, hạnh phúc và may mắn trong cuộc sống của dân làng. Lời cầu nguyện có đoạn như sau : …Hỡi thần núi, thần là thần cai quản rừng núi. Thần sinh ra cây cối và con người, Thần cho cây cối tốt tươi và con người nảy nở. Thần sinh ra cây cối và ruộng vườn tốt tươi, Những lúc chúng con ốm đau, Thần độ trì cho chúng con mạnh khỏe… - Mời Cei Kamao : …Hỡi Cei Kamao, thần xứ sở vĩ đại, Ngài cho trần gian cuộc sống. Chúng con tìm trầu cau trên rừng cao, Chúng con dâng lên cho thần về hưởng lễ… Sau khi nghi thức cầu mưa kết thúc là Ông Pajau tiến hành nghi thức bói toán. Nghi thức bói toán được thực hiện thông qua chân gà, cánh gà, chân và mỏ gà. Đây là một nghi thức bắt buộc, vì thông qua nghi thức này người dân mới biết được thần có độ trì và phù hộ cho họ hay không. Nếu cánh gà, chân gà khớp với nhau là điềm tốt, tức là các vị thần chấp thuận cuộc hiến tế; còn nếu cánh gà, chân gà không khớp với nhau là điều xấu, tức là các vị thần không chấp thuận cuộc hiến tế đó. Hậu quả là con người sẽ bị ốm đâu, súc vật và cây cối sẽ bị dịch bệnh. 3.1.4.Danak rak danaok (Hạ bàn tổ) Khi nghi thức bói toán kết thúc là nghi thức hạ bàn tổ được bắt đầu. Nghi lễ này tạ ơn các thầy Pajau quá cố đã hướng dẫn các Ông Pajau thực hành nghi lễ cầu mưa thành công. Đồng thời những người phụ nữ đại diện dòng họ tổ chức nghi lễ cầu mưa mời các Ông Pajau chén rượu cần để bày tỏ lòng thành kính và xin hưởng những điều may mắn cho dòng họ và gia đình mình. Nghi lễ cầu mưa kết thúc bằng nghi thức đập chiêng ăn mừng để đón những cơn mưa đầu tiên của một năm mới, đồng thời cũng bắt đầu cho một chu kỳ sản xuất mới. Thông thường thì mưa đến chiều hôm đó hoặc khoảng 2 – 3 ngày sau đó là có mưa. 3.2. Đối với cộng đồng văn hóa Raglai phụng sự Po Ina Nagar: Có thể nói, tộc người Raglai có mối quan hệ khá chặt chẽ với tộc người Chăm. Mối quan hệ này được thể hiện thông qua lễ hội Katé[14] hàng năm được thực hiện trên các tháp Chăm, tộc người Raglai từ một số làng theo một truyền thống từ xa xưa về tham dự và họ cũng là một trong những thành viên quan trọng của cuộc tế lễ. Ở tỉnh Ninh Thuận, tộc người Chăm chia ra làm ba khu vực phụng sự đền tháp Chăm. Đó là khu vực phụng sự đền tháp Po Klaong Girai (phường Đô Vinh, Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), khu vực đền tháp Po Romé (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) và khu vực đền tháp Po Inâ Nagar (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước). Mỗi khu vực này, hàng năm khi tiến hành lễ hội Katé đều có sự hiện diện của tộc người Raglai. Tại khu vực đền tháp Po Inâ Nagar (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) khi tiến hành Lễ hội Katé hàng năm đều có tộc người Raglai ở xã Phước Hà, huyện Ninh Phước về tham dự. Tại xã Phước Hà có năm Palei (năm thôn) người Raglai; trong đó có 4 Palei (thôn) phụng sự Po Inâ Nagar (Bà mẹ Xứ Sở hay còn gọi là Nữ thần quốc mẫu) là Palei Palei Njak (thôn Giá), Palei Tà Nô (thôn Tà Nô), Palei Ra-Ôn (thôn Ra Ôn) và Palei Biruw (thôn Tân Hà – đây là thôn mới được tách ra từ thôn Giá) có trách nhiệm đến dự tế lễ, chủ yếu là ba dòng họ Chamaléq, Patau Asah và Manan. - Dòng họ Chamaléq giữ y trang (khăn, xà rông, áo, quạt…) của nữ thần Po Inâ Nagar và chén bạc để rót rượu và nước trong nghi thức tế thần. Dòng họ này theo truyền thống mỗi năm đều mang lễ vật xuống thực hiện nghi thức tế thần một lần. - Dòng họ Patau Asah giữ Aciét[15] đựng lễ phục. Dòng họ này theo truyền thống 7 năm mới mang lễ phục xuống thực hiện nghi lễ tế thần một lần vào dịp lễ hội Katé. - Dòng họ Manan giữ những dụng cụ như ngoáy trầu, những trái cau và những con cá biển nhỏ bằng vàng của nữ thần Po Inâ Nagar. Theo truyền thống cứ 7 năm dòng họ này mang những lễ vật này xuống thực hiện nghi lễ tế thần tại đền thờ Po Inâ Nagar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Nhưng những lễ vật đã bị cháy và mất trong những năm 1967 – 1968 bởi những trận càn của biệt kích Mỹ và lính Nam Triều Tiên. Cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng của nhất của người Raglai. Nghi lễ cầu mưa này được tiến hành sau khi đã phát rẫy, đốt và dọn rẫy. Nghi lễ này được bắt đầu vào buổi tối chủ nhật của ngày thứ nhất, và được tiến hành tại nhà Ông Patau Asah Bôn. Sáng sớm thứ hai của ngày thứ hai, nghi lễ cầu mưa sẽ được tiến hành tiếp tục tại nhà Ông Chamaleq Thép. Theo truyền thống của người Raglai, tất cả những lễ nghi đều được tiến hành ở hai ngôi này[16]. 3.2.1.Danak raok khan aw trun (Nghi thức mời các vị thần về ngự trị) Xuất phát từ những tín ngưỡng vạn vật hữu linh, trong Aciét đựng lễ vật của nữ thần có vị thần ngự trị. Aciét đựng lễ vật này được treo ở cây đòn dông trong nhà, nghĩa là nơi cao nhất của mái nhà và những vấn đề kiêng kỵ đối với Aciét này cũng rất phức tạp. Do đó, khi bắt đầu nghi thức cầu mưa, Ông Pajrong bắt đầu xin phép lần lượt những người tham dự lễ. Nghi thức được bắt đầu từ chủ nhà là một người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình, sau đó là người chồng của chủ nhà, già làng và những người lớn tuổi trong dòng họ. Sau đó, Ông Pajrong rót rượu và xông hương trầm xin phép Po Inâ Nagar (Bà Mẹ Xứ Sở) rước Aciét đựng lễ vật của thần và lập bàn tổ & xin mời các vị thần về ngự trị. 3.2.2.Danak tuh aia tapai ngan matai manuk (Nghi thức tế ché rượu cần) Sau khi nghi thức mời các vị thần về ngự trị kết thúc thì nghi thức tế rượu cần được bắt đầu. Nghi thức này được diễn ra dưới sự điều khiển của chủ lễ Ông Pajrong. Lễ vật xin tế ché rượu cần bao gồm: một bát nước, một lư hương, trầu cau. Trong không khí trang nghiêm Ông Pajrong cầu lễ thần linh độ trì và phù hộ cho dân làng mạnh khỏe; đồng thời, cầu mưa để cho dân làng bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới, cho mùa màng tốt tươi và trâu bò mạnh khỏe. Trước đây, nhà ở của người Raglai có một cột ở giữa nhà – là nơi cư trú của các vị thần, nên trẻ em không được nghịch phá làm kinh động đến thần, nhất là không được dùng cây đánh vào nó hay dùng dao, rựa chặt vào cột giữa. Theo quan niệm của người Raglai nơi đây chính là nơi đi lại, lên xuống của thần. Trên sàn nhà, xung quanh cột giữa, cũng là chỗ thiêng liêng nên trong các dịp lễ cúng tại nhà. Nhưng ngày nay, do nhà truyền thống không còn nữa, nên người Raglai thực hiện nghi lễ tế ché rượu cần và đặt ché rượu ở cạnh cửa chính ra vào với ngụ ý là mời thần về tham dư lễ. Nghi thức tế ché rượu cần được kết thúc bằng nghi thức cắt cổ gà[17]. 3.2.3.Danak ew yàk (Nghi thức cầu mưa) Cuộc sống người Raglai gắn bó với núi rừng, đồng thời gắn liền với các vị thần ngự trị ở đó. Mỗi làng có một địa vực cư trú nhất định và một khu rừng nơi đó họ làm rẫy, săn bắn thú rừng, có con sông hay ngọn suối để lấy nước cho sinh hoạt hàng ngày. Mối liên hệ mật thiết có tính chất sống còn đó khiến cho họ quan niệm rằng mỗi ngọn núi, cánh rừng, con sông, con suối đều có sự linh thiêng với sự ngự trị của thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối v.v…Những vị thần này tuy không có một chân dung cụ thể, rõ rệt nhưng theo quan niệm của người Raglai thì khả năng trừng phạt hay giúp đỡ đối với họ thật là lớn lao. Nghi thức cầu mưa được điều khiển bởi chủ lễ Ông Pajrong. Nghi lễ này được bắt đầu bằng nghi thức đập chiêng thần 7 lần của Ông Pajrong trong tiếng hô theo của những người tham gia lễ. Khi nghi thức đập chiêng kết thúc thì Ông Pajrong vừa rót rượu mời các vị thần vừa cầu khấn xin các vị thần cho mưa thuận gió hòa, độ trì cho con người mạnh khỏe và vạn vật trăm hoa trăm quả, mùa màng tốt tươi. Các vị thần được mời tuần tự và khi mời xong mỗi một vị thần Ông Pajrong lấy chén rượu cần mời tuần tự những người tham gia lễ; bắt đầu từ người phụ nữ lớn tuổi, đến già làng và những người đàn ông lớn tuổi khác trong tiếng chiêng vang lên những bài “Rak aia” (cầu mưa) và bài “Baoh rabai” (cầu hạnh phúc). Ông Pajrong mời tuần tự các vị thần về dự lễ như: Po Ina Nagar, Po Rome, Po Klaong Girai, Po Sah…và cứ tuần tự mời các vị thần về hưởng lễ và cho đến kết thúc bằng nghi thức mời ông bà tổ tiên trong nhà hưởng lễ. Những người đã gìn giữ và lưu truyền cho con cháu đến ngày nay trong tiếng cầu nguyện sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Khi kết thúc nghi lễ cầu mưa là nghi thức đập chiêng[18]. Họ thường đánh bài “Jraong Tiwan”, cộng đồng tộc người Raglai thường sử dụng giai điệu này trong các dịp lễ hội cộng đồng quan trọng của cộng đồng như: lễ ăn đầu lúa, nghi lễ cầu mưa, lễ bỏ mả…để bày tỏ niềm hân hoan và phấn khởi của mình. 3.2.4. Danak poh khan aw tagaok (Nghi thức hạn bàn tổ - tiễn các vị thần) Sau khi nghi thức cầu mưa kết thúc bằng nghi thức đập chiêng thì sáng sớm hôm sau (ngày thứ hai) Ông Pajrong và hai trợ tế (Ông Camnei) thực hiện nghi thức hạ bàn tổ - tiễn các vị thần. Lễ vật bao gồm : rượu cần, chuối, trứng, trầu cau…Nghi thức được bắt đầu bằng nghi thức Ông Pajrong rót rượu cần và cầu khấn phù hộ và độ trì cho mưa, cho con người sức khỏe, hạnh phúc và may mắn trong cuộc sống. Lời khấn có đoạn như:“…Hỡi thần! cầu thần cho hạt mưa xuống, để cái suối không còn khô, để người và mọi loài sống lại. Cầu mưa để người có nước trồng trọt, làm lúa có lúa, làm bắp có bắp. Thần là nữ thần của xứ sở, chỉ có thần là người ban nước, ban mưa xuống để chúng con trồng trọt và con vật có nước mà uống, xin thần hãy độ trì và phù hộ cho chúng con…” Nghi thức hạ bàn tổ - tiễn đưa vị thần có phần tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa. Có thể nói, nghi lễ cầu mưa là một dạng thức văn hóa phi vật thể khá đặc sắc của người Raglai ở xã Phước Hà, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Khi nghi thức hạ bàn tổ - tiễn đưa vị thần kết thúc là nghi thức đập chiêng bài “Rak aia” (cầu mưa) được vang lên và di chuyển từ nhà Ông Patau Asah Bôn sang nhà Ông Chamaléq Thép để tiếp tục nghi lễ cầu mưa. Nghi lễ cầu mưa ở nhà Ông Chamaléq Thép cũng tương tự như tối hôm trước. Tại sao lại có sự lập lại nghi thức cầu mưa ở hai ngôi nhà này? Người Raglai giải thích rằng: “Tối hôm trước là nghi thức cầu mưa tượng trưng cuộc hiến tế cho Po Ina Nagar Likei (Ông Xứ sở) hay cho Po Ina Nagar Amaik (Bà mẹ xứ sở) và nghi thức cầu mưa ban ngày (ngày thứ hai) là tượng trưng cuộc hiến tế cho Po Ina Nagar Kumei (Bà Xứ sở) hay Po Ina Nagar Anak (con Bà mẹ xứ sở)”. Theo chúng tôi, nghi lễ cầu mưa ban đêm là tượng trưng cho Âm và nghi lễ cầu mưa ban ngày là tượng trưng cho Dương. Vì tộc người Raglai là cư dân nông nghiệp, do đó, họ quan niệm giữa Âm và Dương luôn luôn gắn bó chặt chẽ, không tách rời nhau. Đây là sự biểu hiện của sự thống nhất và gắn bó giữa hai mặt Âm và Dương. Do đó, dùng thuật ngữ Po Ina Nagar kumei (Bà xứ sở - tượng trưng cho Âm) và Po Ina Nagar likei (Ông xứ sở - tượng trưng cho Dương) hay thuật ngữ Po Ina Nagar amaik (Bà mẹ xứ sở - tượng trưng cho Âm) và Po Ina Nagar anak (con bà mẹ xứ sở - tượng trưng cho Dương) là một cách gọi khác chỉ sự hòa hợp giữa Âm và Dương – Kumei/Likei (Cái/Đực) – Amaik/Anak (Mẹ/Con) – Malâm/Harei (Đêm/Ngày)... Mối quan hệ lưỡng hợp này thể hiện rất rõ nét trong sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng như trong sinh hoạt văn hóa vật chất của hai nhóm cộng đồng Raglai phụng sự Po Romé (tượng trưng cho Dương) và Po Ina Nagar (tượng trưng cho Âm) ở xã Phước Hà, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Qua những điều trình bày ở trên cho thấy rằng, tổ chức cộng đồng xã hội truyền thống của người Raglai là một tổ chức “nhị phân – lưỡng hợp”. Âm và Dương là hai mặt đối lập nhưng lại hợp nhất. Trong Dương có Âm, trong Âm có Dương. Âm – Dương kết hợp thống nhất để tồn tại và không thể tách rời nhau. Sự hợp nhất gắn bó với nhau là cơ sở để tồn tại của cộng đồng xã hội truyền thống của dân tộc Raglai từ xưa đến nay. 4. Vài dòng thay lời kết: Nghi lễ cầu mưa (ngaq yàk akoq thut) vào tháng giêng Raglai lịch hằng năm là một hoạt động văn hoá hết sức độc đáo, mang bản sắc riêng, và vốn rất hoang sơ của người Raglai ở xã Phước Hà. Nghi lễ này mang tính tín ngưỡng phồn thực khá phổ biến ở các cư dân nông nghiệp. Vào dịp tổ chức nghi lễ, hầu như mọi sinh hoạt của người Raglai đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao những hạt mưa rơi xuống tưới tắm cho cánh đồng và rẫy ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, và đời đời no ấm. Có thể nói, tộc người Raglai có một hệ thống nghi lễ rất phong phú và đa dạng. Nó phản ánh cảnh quan, môi trường sống và cuộc sống tâm linh của họ. Nói một cách khác, qua hệ thống nghi lễ người Raglai có thể giải thích về thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan, về các hiện tượng tự nhiên, về nguồn gốc của tộc người và buôn làng của họ. Cho đến nay, có thể nói ở trong cộng đồng tộc người Raglai vẫn lưu giữ một số tàn dư tín ngưỡng nguyên thủy. Mức độ có khác nhau tùy theo vùng cư trú, nhưng nhìn chung toàn bộ bức trang của hệ thống nghi lễ cầu mưa của người Raglai thì chúng ta có thể thấy được từ những dấu vết xa xưa của tín ngưỡng đa thần. Việc nghiên cứu hệ thống nghi lễ cầu mưa của người Raglai cho đến nay vẫn chỉ là bước đầu, cho nên bài báo cáo nhỏ này có thể còn nhiều khiếm khuyết. Do đó, theo chúng tôi cần phải có công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn thì mới có những ý kiến xác đáng và những kết luận một cách chính xác có khoa học hầu có thể giúp cho Đảng và Nhà nước định ra chính sách phù hợp và thiết thực cho việc phát triển văn hóa, kinh tế và an sinh xã hội của người Raglai hiện nay cũng như trong tương lai. Tài liệu tham khảo: 1. Cobbey V., 1972. Some Northern Raglai beliefs about the supernatural, Southeast Asia, Vol.II, No.I, Winter, tr.125 – 129. 2. Graham Thurgood, 1999. From ancient Cham to modern dialects two thousand years of language contact and change, Oceanic linguistics special publication, No.28, University of Hawai’I Press, USA. 3. Nguyễn Quang Quyền, 1978. Các chủng tộc loài người, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật. 4. Nguyễn Tuấn Triết, 19991. Người Raglai ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội. 5. Phan Văn Dốp, 1984. Dân tộc Raglai trong Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 266 – 275. 6. Phan Xuân Biên (chủ biên), Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ, 1998. Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 7. Shrock J.L.,1966. Minority groups in the Republic of Vietnam, Department of Army. 8. Thành Phần, 2000. Bước đầu tìm hiểu kỹ thuật làm giấy của người Raglai, Báo cáo tại Hội thảo khoa học về “Văn hóa và ngôn ngữ Raglai” TP. HCM. 9. Thành Phần, 2000b. Báo cáo kỹ thuật làm giấy của người Raglai và văn bản cổ Chăm ở tỉnh Ninh Thuận,Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh. 10.Vũ Đình Lợi, 1994. Gia đình và hôn nhân truyền thống ở các dân tộc Malayo-Polynesain - Trường Sơn – Tây Nguyên, Nxb. Khoa học Xã hội. [1]Phan Văn Dốp, 1984; tr. 266 – 275. [2] Nguyễn Quang Quyền, 1978. [3] Graham Thurgood, 1999. [4] Shrock J.L., 1966. [5] Phan Xuân Biên, 1998. [6] V.Cobbey, 1972; tr.125 – 129. [7] J.L. Shrock and others, 1966; tr.573 – 574. [8] L.Lee, 1972; tr. 26 – 52. [9] Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philipe Papin. Đồng Khánh &#

Posted in: Tin cộng đồng
Like (1)
Loading...
1