• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
by On May 12, 2012
657 views

 

Dệt vải là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người K’ho Lâm Đồng. Nghề dệt không những cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, góp phần nâng cao nguồn thu nhập gia đình và bảo tồn được bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc mình.

Thông qua tấm vải dệt, người phụ nữ K’ho đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người qua những hoa văn sinh động. Đó là những vật dụng gần gũi, thân thương gắn bó trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Nguyên liệu

Nguyên liệu của nghề dệt là sợi bông và các loại cây tạo màu đều được lấy từ trong tự nhiên. Trước đây, trong đời sống tự cung tự cấp, đồng bào tự trồng bông để lấy sợi dệt vải. Để nhuộm màu họ đã dùng các loại củ, quả, lá cây rừng như: củ nghệ, đồng bào gọi là củ rơ- mít để tạo màu vàng, hạt quả cari còn gọi là quả nho để tạo màu cam. Vỏ và thân cây lốt để tạo màu đỏ, lá cây drửm để tạo màu xanh đậm và xanh dương. Để giữ bền màu khi nhuộm họ còn cho thêm bột vỏ sò và tro củ chuối vào nước nhuộm sợi.

Công cụ

Người K’ho dệt với công cụ khá đơn giản, bao gồm: cán bông (tơ-rơ-ghiết), bật bông (kăm-bích), xa quay sợi (khưng), hai khung cuốn sợi (sờ-na-bờ-rài và duỳnh doèng), khung căng sợi và bộ khung dệt. Khác với người Kinh và một số dân tộc ở phía Bắc, người K’ho không có khung dệt cố định và kiên cố mà họ chỉ có bộ khung dệt rời bằng các thanh gỗ, tre khá đơn giản. Bộ khung dệt gồm 12 thanh lớn nhỏ khác nhau và mỗi thanh đều có tên gọi và chức năng riêng: Thanh gạt chỉ (pơ-nớ-kủa-tria), thanh này được làm bằng gỗ, một đầu tròn dẹt và một đầu vát nhọn, dùng để gạt và lén chặt sợi khi dệt. Thanh cuộn vải (pờ -sar) được làm bằng gỗ, có hình chữ nhật dùng để cuộn vải trong quá trình dệt. Thanh đạp chân (đưng – poong) được làm bằng cây lồ ô, thanh này nằm ở cuối khung dệt dùng để tỳ chân tạo độ căng cho khung khi dệt. Thanh tâng- cau dùng để nhấc lên, kéo rộng khe hở luồn sợi chỉ khi dệt. Thanh lột - may dùng để luồn sợi xuống dưới phối hợp cùng tưng cau. Thanh lâm –pã dùng để điều chỉnh sợi khi tạo hoa văn, thanh này được làm bằng lồ ô vót mỏng. Thanh tơ – cau – brài dùng để quấn và luồn sợi khi dệt, nó có tác dụng như thoi dệt của người Kinh. Ngoài ra, một số thanh phụ khác tất cả đều được làm bằng tre hoặc lồ ô và dây đeo dùng để cố định một đầu khung vào lưng khi dệt.

Khung căng sợi của người K’ho cũng khá đơn giản: chỉ là 2 thanh gỗ dài khoảng 1,5 – 2m được cái móc cố định vào 2 chiếc ghế cao làm khung. Khi căng sợi người dệt chỉ buộc một đầu sợi vào 1 thanh gỗ dài ở phía bên này khung và bắt đầu kéo luồn sợi qua lại sang thanh bên kia khung sao cho căng và dàn đều là được. Sau khi căng xong, người ta khéo léo luồn các thanh của khung dệt vào và dỡ bỏ hai thanh gỗ của khung căng sợi ra và bắt đầu dệt.

Dệt

Khi dệt người phụ nữ K’ho ngồi duỗi thẳng chân trên sàn. Hai chân đạp và giữ chặt một thanh chủ của khung dệt (gọi là đưng- pong) và một thanh chủ khác được dùng dây móc vào lưng người dệt để cố định và kéo căng khung sợi. Các thanh khác tuỳ theo chức năng của chúng mà luồn rất khéo vào giữa giàn sợi. Họ vừa dệt vừa tạo hoa văn trên tấm vải, tay phải cầm thanh pờ-nơ (thanh gạt chỉ) luồn vào nâng lớp sợi ở phía trên lên, sau đó dùng tay trái cầm cây tơ-rau-brài, có công dụng như cây thoi của người Kinh đâm qua. Tiếp đến dùng pờ-nớ kéo xuống lèn chặt dồn sợi chỉ vừa dệt vào cho khít chặt với phần vải dệt. Sau đó nâng thanh tâng – cau kéo lên để làm rộng khe giữa 2 lớp sợi, điều chỉnh cái thanh lột may (lột mẹ), lột uôn (lột con) để tạo hoa văn theo ý muốn. Muốn tạo hoa văn, ngoài 2 thanh lột may (lột mẹ) còn phải có nhiều thanh lột uôn (lột con) vì nó có chức năng chia sợi ra từng phần nhỏ để tạo hoa văn theo ý người dệt. Hoa văn càng nhiều càng phức tạp thì càng cần nhiều thanh lột uôn.

Hoa văn

Trên thổ cẩm của người K’ho chủ yếu là các loại hoa văn hình kỷ hà, người, các loài muông thú và các vật dụng quen thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ như: cầu thang nhà sàn, cổ nỏ, tua cây nêu, cán xà gạt, con thuyền, mắt chim công, đường ranh, lá đùng đình, cây chông, vang trăng, con bọ chè, cườm chim cu.

Các sản phẩm nghề dệt truyền thống của người K’ho là những tấm đắp (ùi tơng), váy (ùi- ngoách), tấm choàng dể địu con (ùi -khan -bay), băng cột đầu, dây đeo tay. Ngày nay còn có thêm một số sản phẩm mới như băng cầu nguyện dùng trong các nghi lễ tôn giáo, các loại túi, ví xách tay bằng thổ cẩm…

Hiện nay, tuy nghề dệt bị thu hẹp nhưng người K’ho vẫn tiếp tục duy trì nghề và dần thích ứng với kinh tế thị trường; sản phẩm làm ra rất phong phú, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo tốt về chất lượng với giá cả hợp lý. Sản phẩm dệt của người K’ho đã trở thành hàng hóa và quà lưu niệm ưa thích đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm vùng đất Nam Tây Nguyên này.

Nguồn langvietonline.vn
Posted in: Văn hóa Champa
Be the first person to like this.