• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On May 26, 2012
430 views

Tượng vũ nữ Chămpa

Ở mỗi dân tộc, mỗi đất nước đều có bề dày lịch sử và bề rộng của không gian xã hội. Cũng vậy, cư dân Chăm đã có một vương quốc với một nền văn minh cổ đại. Lớp bụi hàng trăm năm của thời gian vẫn không xoá nhoà hình ảnh của vương quốc Chămpa cổ, vốn là một hiện tượng lịch sử văn hoá độc đáo. Bởi lẽ đến nay, những công trình kiến trúc, điêu khắc cổ và kể cả nghề luyện kim đã để lại rất nhiều hiện vật tiêu biểu cho thời kỳ hưng thịnh của cư dân Chăm.    

Nghệ thuật điêu khắc Chămpa đã đi sâu vào lòng người, sớm nhất vào khoảng đầu thế kỷ 7,  đã gây nên những ấn tượng khá sâu sắc tới nhiều người trong và ngoài nước. Có thể nói công phát hiện đầu tiên là của các học giả, nhà nghiên cứu Pháp như: Parmentier, Agmonier, G. Maspero. Tuy số nhà nghiên cứu không nhiều, nhưng với nghệ thuật điêu khắc độc đáo và phong cách gắn với sắc thái dân tộc đã đóng góp một phần nào vào kho tàng văn hóa của nhân loại. Trong các tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP Hồ Chí Minh. Các tác phẩm được trưng bày ở đây đã minh chứng cho sự phát triển của nghệ thuật Chămpa đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và đã được phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 17, trong đó có vũ nữ Apsara Chămpa. Cội nguồn của các pho tượng trên là do các nhà nghiên cứu Pháp phát hiện từ vùng Quảng Nam – Đà Nẵng cho đến Quy Nhơn – Bình Định là những vùng được coi là lưu giữ nhiều nhất các di tích Chămpa như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu. Trong đó tượng vũ nữ Apsara của bệ thờ Trà Kiệu là một tác phẩm điêu khắc tiêu biểu. Vũ nữ Apsara với khuôn mặt đầy đặn, đầu đội mũ Mrần kiểu Kirata – Mukata có nhiều tầng với hai mắt mở to, sóng mũi cao và nở rộng đó là đặc trưng của điêu khắc Chămpa. Bên cạnh đó để làm đẹp và tô thêm sự duyên dáng của các cô vũ nữ, nghệ nhân Chămpa đã khắc đôi bông tai bằng những tua sợi rất tinh tế và hài hòa, ngoài ra với đôi môi mỏng và đang mỉm cười đã làm cho chân dung vũ nữ thêm phần sinh động. Đi sâu vào bức tượng, ngắm nhìn, cố lọc ra những gì tưởng chừng như không hợp lý, nhịp điệu của cơ thể giúp cho chúng ta đi vào bên trong của sự kỳ diệu ấy.  


Cô gái gần như lõa thể, với hai bộ ngực căng tròn với hai cánh tay nõn nà điểm xuyến vòng tay (Kon), bắp tay, bắp đùi căng tròn và thon thả. Cùng với điêu khắc đã phác họa vũ nữ Chămpa đẹp và sống động ấy vượt lên trên vẻ đẹp thân xác. Vũ nữ không có sắc dục, chỉ có nhịp điệu và vũ điệu Tamia Tatih; Tamia Biyen, Tamia Tra mà được các hậu duệ của họ là thiếu nữ Chăm nối tiếp vũ điệu cổ xưa đang lưu truyền trong cộng đồng người Chăm cho đến ngày nay. Toàn bộ khối hình của người vũ nữ là hai hình tam giác đối đỉnh nhau tạo nên một cảm giác cân đối nhưng chông chênh. Các đường lượn của tay và đùi tạo thành các đường gấp khúc uyển chuyển. Với cánh tay dài nõn nà mà có thể nói là quá khổ uốn cong thành một động tác tưởng chừng như là phi lý, nhưng chính cánh tay trái này làm thành một đường lượn kết nối hai phần của bức tượng, làm hai khối trở nên mềm mại và tinh tế hơn. Cùng với chiếc khố “plá tọp” được chạm với họa tiết khắc vạch rất tinh tế, diễn tả các đường trang trí hình cườm đồng tâm tỏa đều trên thân tượng. Những đường tròn từ chuỗi hạt, dây lưng, viền khố tạo một làn sóng lan tỏa từ trên xuống dưới. Các hạt cườm vắt qua bắp đùi và cánh tay giúp cho các khối này trở nên tròn trịa hơn. Hai chân ở một tư thế một chân trụ vững, một chân nhón gót theo nhịp uốn của thân rất uyển chuyển tài hoa mà bất cứ một vũ nữ tài ba nào ở thế gian này khó đạt được. Nghệ nhân Chămpa xưa đã biết tạo được nhịp động của khối đá vô tri vô giác thành một đường nét tổng hòa, một tư thế rất mềm mại mà khỏe khoắn tạo cho người xem, nhà nghiên cứu càng thích thú thêm về vũ nữ Apsara. Nhà nghiên cứu Cao Xuân Phổ đã nói “người ta gọi là vũ nữ riêng tôi gọi là cô gái Trà Kiệu, bao nhiêu mỹ từ đã được gán cho người đẹp, vẫn cảm thấy như chưa đủ, khách tham quan còn muốn tự bàn tay mình tiếp xúc với làn da mát rượi, cầu mong một luồng cộng hưởng giữa người nay và người xưa. Ao giác biết là ảo mà vẫn mong”.        

HGKQPU103012

HGKQPU103012HGKQPU103012

Thật vậy, chúng ta có thể nhìn bệ thờ Linga và Yoni ở Trà Kiệu mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là bệ thờ Trà Kiệu, hay bàn thờ vũ nữ : rộng 3m, cao 1,50m thể hiện hai vũ nữ và hai nhạc công với khuôn mặt ngất ngây hiền dịu, đôi mắt như nhìn vào cõi xa xăm, làn môi như hé nở nụ cười, tư thế uốn cong vừa khỏe vừa uyển chuyển mà dứt khoát. Đường cong của thân phù hợp với đường cong của đôi chân tô thêm sự diệu kỳ của người vũ nữ mà nhà nghiên cứu đã thốt lên “động trong cái tĩnh, tĩnh trong cái động của điệu múa”. Đó là bí quyết của nghệ thuật múa của Chămpa nói riêng và nghệ thuật Đông Phương nói chung mà người vũ nữ Trà Kiệu đã thể hiện một cách hoàn mỹ.   So sánh giữa vũ nữ Campuchia với vũ nữ Chămpa, ta thấy có những nét tương đồng, như: có tư thế hai tay uyển chuyển, đôi chân với tư thế một chân trụ và một chân nhón. Tuy nhiên nhìn dưới góc độ mỹ thuật, Apsara Chăm có nét hài hòa, uyển chuyển và hoàn mỹ hơn như mắt mở tròn, mũi cao với khuôn mặt xinh xắn cùng với đôi môi như nở nụ cười, không như Apsara Campuchia với khuôn mặt không cân đối, mũi nở rộng, môi dày, đặc biệt hơi dữ tợn với đôi cánh tay to và thô, có lẽ nghệ thuật điêu khắc của họ đã bị ảnh hưởng vấn đề tôn giáo rất sâu sắc, vì họ quan niệm đã là thần hay vũ nữ phải có cái riêng, cái uy quyền của thần linh, khác với đời thường thì muôn dân mới sợ và kính trọng.   Theo truyền thuyết, Apsara được coi như là nữ thần biên giới, là vũ nữ của thần Indra, chuyên múa hát và dâng hoa cho các vị thần. Apsara có biệt tài ca hát, nhảy múa có nghệ thuật yêu đương, là người bạn hay người yêu của mục đồng thiên giới Gandhawa, đặc biệt có tài khêu gợi tình dục, thậm chí phá được phép tu khổ hạnh của các tu sĩ đắc đạo và làm xiêu lòng biết bao thần thánh.   

Qua vũ nữ Apsara trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa đã tiếp thu văn hóa Ấn Độ một cách sáng tạo những yếu tố truyền thống văn hóa dân tộc. Thông qua cải tiến những họa tiết vốn có và bổ sung thêm những yếu tố mới đã góp phần làm phong phú về mặt nghệ thuật văn hóa dân tộc. Tuy nhiên sự tiếp thu đó mang tính cách dung nạp rồi sau đó bản địa hóa, địa phương hóa trở thành cái riêng của mình. Vũ điệu  người Chăm ngày nay là sự kế thừa của của vũ điệu Yang Naitri Chămpa xưa mà họ đang sử dụng trong các lễ hội như Riya Nưgar, RiYa HaRay (lễ cầu mưa) hay lễ Ka Tê mà chúng ta đang chiêm ngưỡng trong các lễ hội ngày nay. Điều đáng lưu ý là Yang Naitri đã được nghệ nhân Chăm pa dung hòa được các yếu tố bên ngoài mang sác thái của cư dân Chăm, để rồi qua mỗi triều đại biến nó thành cái đẹp hoàn mỹ mà không ai nhầm lẫn được nghệ thuật điêu khắc Chămpa với nghệ thuật cổ các nước Đông Nam Á.

B.T.P

________________________________________________

Tài liệu tham khảo

1. Cao Xuân Phổ, từ cô gái Trà Kiệu, tạp chí VHNT – Bộ VHTT, số 6 năm 1979. Tr 15-17.

2. Trần Duy Bá – Trung Chánh, Khu đền Angkor, tạp chí VHNT, số 6 năm 1979, Tr 24.  

3. Trần Kỳ Phương, Tư liệu về Nghệ thuật Chàm, tạp chí NCNT, số 5 năm 1980, Tr 78-81.

Đăng trong tạp chí mỹ thuật trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM Số 7-8 (Phát Hành Tháng 4 Năm 2004) 

 

Theo:  Gulpataom.com

Posted in: Văn hóa Champa
Like (1)
Loading...
1