• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On June 16, 2012
259 views

GIỖ PPO NƯGAR MƯBƠK, NÉT ĐẸP VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO

Phía bắc thôn Vụ Bổn (Palei Pabhan) xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, khoảng 3km trên đường đến đập gạch (Binưk Kiak), ở vị trí làng Ma Vớ hay Quí Chánh cũ (Palei Mưbơk), nơi có vết tích của lò gạch dùng để xây tháp Ppo Rome, ngày nay xen lẫn với bạt ngàn rẫy thuốc lá vườn cây ăn trái dọc theo Mương Ngựa (Ribaung Asaih) có một lùm cây rậm rạp rộng khoảng hơn một sào đất, ở giữa có một cây đa cổ thụ gốc phải đến 3 – 4 người ôm, dây leo chằng chịt, tán cây xòe rộng phủ trùm cả một khoảng đất rộng, tạo nên một không khí âm u, huyền ảo, khiến người gan dạ nhất cũng phải kiêng dè khi đi qua vào lúc tối trời. Cùng với rất nhiều mẫu chuyện về sự linh thiêng của ngài, Ppo Mưbơk dần dần được dân trong vùng coi như là thần của địa phương, chỗ dựa cho đời sống tâm linh của người Chăm lẫn Kinh, được thờ phượng đều đặn, long trọng và trang nghiêm.

Nằm dưới tán cây đa rậm rạp là một ngôi đền nhỏ khoảng 16m vuông, cao 4m, mái hình bánh ú, lợp ngói âm dương rêu phong, dáng cong cánh nhạn, đứng vững chải trên bốn trụ trơn đơn giản. Chính giữa đền có một phiến đá kut tượng trưng cho ngài, được tẩy thể và mặt lễ phục vào các ngày cúng giỗ. Theo các cụ già thôn Vụ Bổn kể lại rằng: ngôi đền này được dựng lên vào thời điểm xây dựng tháp Ppo Rome, để ghi nhớ công ơn của người sinh thành ra đấng minh quân này. Ngài là một biểu tượng của thánh mẫu, người mẹ xứ sở vùng Mưbơk phía nam Pangduranga như các bà mẹ xứ sở khác trong vùng Trung Việt.

Có người cho rằng trước đây đền Ppo Nưgar Mưbơk có tượng thờ, do chiến tranh dai dẳng tàn phá và là vùng hẻo lánh nên sự cúng kiếng của dân trong vùng bị gián đoạn. Mãi sau này hậu duệ của ngài là dòng tộc Mưbơk sửa sang lại, dựng tạm đá kut để thờ giống như sự thờ cúng của một dòng tộc. Người am hiểu văn hóa Chăm thì không chấp nhận được đây là kut của dòng tộc Mưbơk, vì không có đá ppo di, đá bên nam, đá bên nữ… như mô hình các kut khác, chỉ duy nhất có một phiến đá tượng trưng cho Ppo Mưbơk. Đây chính là Ppo Nưgar Mưbơk đã bị lớp bụi thời gian và sự nghèo khó kéo dài của dân làng Vụ Bổn làm cho thánh mẫu chỉ là mẫu của một dòng tộc Mưbơk thay vì là mẫu của cả vùng nam Pangduranga như các Ppo Nưgar Hamu Tanran. v.v…

Sự hoang phế kéo dài mãi đến năm 1955 thì có cụ “ông già Nhờ” vì không có con gái, sợ mình sẽ bị tuyệt tự (theo chế độ mẫu hệ của người Chăm), đã khấn cầu với ngài mong có được một người con gái nối dõi và mang điều lành cho gia đình, xin được lợp mái ngói cho ngôi đền. Ngay năm đó vợ chồng cụ sinh được cô Mua, nay cô đã có chồng và con cái vẫn mạnh khỏe, an cư tại thôn Vụ Bổn. Gần đây được hợp tác xã nông nghiệp Vụ Bổn cấp kinh phí, ngôi đền được xây mới, khang trang, tuy không giữ được những nét cũ nhưng 4 cây cột đường kính 35cm được chạm trổ công phu vẫn còn bên đền. Hằng năm vào đầu tháng giêng, vào đầu tháng 4, và đặc biệt là vào dịp lễ Katê đầu tháng 7 theo lịch Chăm, bà con xóm Mưbơk cũ, hay tộc họ Mưbơk hiện còn giữ y trang – lễ phục của ngài, cùng toàn dân làng Vụ Bổn, cư dân các rẫy vườn lân cận (cả người Chăm lẫn người Kinh), ai có khấn cầu thường đem lễ vật dâng cúng trong ba dịp này hằng năm. Theo quy định lễ dâng cúng này gồm 5 mâm cơm và một cặp gà do ông Camưnei (ông Từ) làm chủ lễ, được truyền từ đời này sang đời khác trong dòng tộc Mưbơk; Nay ông Chín thôn Vụ Bổn là ông Từ và gia đình ông đang giữ lễ phục của ngài.

Chẳng có một di ký, hay một bằng chứng rõ ràng nào (có thể là theo chủ quan của người viết) về nguồn gốc của bà. Kẻ cho rằng bà là người làng Mưbơk, người nói bà là mẹ của vua Ppo Rome, người gốc làng Rinhoh (Ninh Hà) Phan Rí tên là Mưwa. Một hôm do ăn trúng đọt lim xanh trong rừng nên có chửa, bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Trên đường tìm nơi nương tựa, bà đến ở và sinh hạ Ja Kathaut (tên Ppo Rome khi nhỏ) tại làng Tường Loan, sau đó lần bước đến làng Hamu Biruw (thôn Lạc Trị huyện Tuy Phong) rồi đến trú ngụ, sinh sống tại làng Palei Pabhan.

Để có một kết luận thuyết phục cần thêm điều nghiên của các nhà nghiên cứu về Chăm dựa trên các tài liệu cũ, kể cả lời kể người già, và hoa văn trên y trang – lễ phục của bà hiện còn đang lưu giữ. Duy có một điều chắc chắn rằng bà là người có công lớn đối với địa phương, làm việc từ thiện, lấy việc giúp bà con làm ăn sinh sống đoàn kết hòa thuận giữa Chăm và Bàni làm trọng, đặc biệt là giữa cư dân của 4 làng lân cận trong vùng là: Nha Phân (Palei Pabhan), Chà Vin (Palei Chaping), Ma Vớ hay Quí Chánh (Palei Mưbơk) và Palei Hamu Kalauk, nay dấu tích của kut và thổ mộ (ghur) của các làng đó vẫn còn. Cả 4 làng bị tập trung lại thành làng Vụ Bổn trong thời kỳ ấp chiến lược. Để nhớ công đức lớn đó của bà người đời đã lập đền và thờ phượng.

Theo chủ trương “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành chức năng không ngừng chú ý nghiên cứu, khôi phục lại hình thức lễ hội địa phương. Với quan điểm nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng bào và Ban quản lý các thôn cùng góp của, góp công tôn tạo, bảo tồn lại những di sản tinh thần tốt đẹp, tạo môi trường giáo dục và gìn giữ bản sắc độc đáo của cha ông, điều kiện cố kết cộng đồng, đảm bảo hòa nhập vững vàng trước xu thế khu vực hóa đầu thiên kỷ mới, là sự góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nhanh các mặt của địa phương được đúng hướng và vững chắc.

* Trong Tagalau03. 

Posted in: Văn hóa Champa
Like (2)
Loading...
2