• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On July 20, 2012
321 views

Chay Tram Sa

 Hằng

Truyện ngắn


 nghe thuat2 (1)

 

Cuộc đời trôi chả ra hồn gì cả. Suốt hai tháng ròng vào Sài Gòn với ông anh đang ăn nên làm ra, tâm hồn tôi cũng chẳng có gì cựa quậy gọi là sáng sủa. Bà chị dâu có xí nghiệp may gom đến cả trăm công nhân còn ông anh thì tiếng tăm rền vang văn giới Sài Gòn suốt ngày đánh giặc với công việc và công việc. Sáu mươi ngày hầu như tôi nằm nhà suy nghĩ. Vói tay lấy mấy tờ báo liếc qua loa, tắt ti vi sau điểm tâm sáng với ông anh, và nghe tiếng động của thành phố thức giấc. Tâm hồn tôi cứ ù lì. 

Sáng mai về. Tiếp tục làm đời anh giáo quê tẻ nhạt với bà vợ suốt ngày rỉ rả mấy vở tẻ nhạt trong cuộc sống tẻ nhạt đều đều. Tôi quyết định đóng bộ thật oách xuống phố. Chiều nay. Để lấy lại tư thế động viên tinh thần. Sau khi làm xong mấy chuyện vặt ông anh nhờ, tôi ghé quán cà phê ra vẻ nhất ở khu phố.

Quán cà phê trung bình nằm khuất trong một khu phố trung bình. Giữa phồn hoa Sài Gòn, nó có mặt như là không gì cả. Ngay cả cái tên nghe cũng trung bình: Cà phê Thảo. Tôi nghĩ bà chủ quán hay cô con gái cưng tên Thảo. Nhưng không.

Tôi uể oải bước vào quán. Một cô gái nhan sắc trung bình tóc cắt ngắn ngồi chiếc ghế ngoài bật đứng dậy và vội mở nụ cười. Tôi thoáng mĩm cười chào lại, ngập ngừng giây lát, rồi bước thẳng vào phía trong. Một cô gái khác mặc váy ngắn từ trong bước ra đúng lúc tôi kéo ghế ngồi sát vào tường.

- Thưa anh dùng gì ạ?

- Cho cái đen.

Tôi ngẩng lên và bắt gặp cái nhìn của cô gái tóc cắt ngắn dáng rất đô thị đang đứng sau lưng. Cô gái có vẻ chần chừ, rồi trở ra ngồi lại chiếc ghế cũ, nụ cười héo đi thấy rõ. 

Quán vắng khách. Bất chợt tôi nghe buồn. Tiếng hát Mỹ Linh bản Ở trọ chát chúa qua cái máy hát cũ không giải quyết được gì. Cô gái mặc váy ngắn bưng khay cà phê tới. Thao tác gọn nhẹ. Gọn nhẹ cả khi cô kéo ghế ngồi cạnh tôi.

- Anh mới ghé quán em lần đầu? Cô dè dặt hỏi.

- Ừa, hai ba lần gì đó. Nhưng gặp em lần đầu.

- Em mới qua đây hơn ba tháng nay.

- Hơn ba tháng cũng đã là nhiều. Tôi nói, hờ hững vậy thôi. Cô gái vẫn đứng đó. Tôi nhìn lên: khuôn mặt khá xinh. Tôi nói:

- Cho anh mấy điếu ba số.

Cô gái đứng dậy bước đi và nhanh chóng trở lại. Và lại ngồi, tay ghế đụng vào tay ghế tôi. Tôi nghĩ cũng không đến nỗi nào và bật cười ra tiếng.

- Chuyện gì vui dzậy.

- Anh đang tâm tư bỗng có người đẹp ngồi cạnh, dzui dzậy thôi, - tôi nói.

- Anh khéo khen. Cô gái khoẻn cười duyên và hơi nghiêng đầu về phía tôi. Đẹp trai như anh cũng có chuyện buồn ạ.

Tôi nhìn vào mắt cô gái: đôi mắt ngái ngủ. Tôi không biết nói gì thêm. Cô bé cũng đáo để, tôi nghĩ. Một anh chàng rằn ri bước vào quán. Cô gái có tóc ngắn không đứng dậy mà vội đưa tay lên ngăn bàn tay anh chàng toan đưa ra bẹo má mình. Chắc khách quen. Thu - tên cô gái mặc váy ngắn - đứng dậy đi vào mang ra ly cà phê đá. Có lẽ hắn kéo tay Thu ngồi vào cạnh ghế hắn. Tôi nghe tiếng chân ghế cạ vào nền xi măng kêu rít một cái khá mạnh. Tôi cầm ly lên ngồi ghế trước cách ba dãy. Cô gái tóc ngắn liếc qua tôi, không nhúc nhích.

- Bé ơi, cho cái bình trà. Tôi kêu tiếng đủ nghe. Cô gái đứng dậy bước về phía tôi cùng lúc Thu cũng vừa đi tới.

- À quên, xin lỗi. Chạy qua bên kia đường mua hộ anh cái quẹt ga. Cô gái cầm tiền chạy đi. 

Thu định ngồi xuống thì gã kia gọi. Thu trở lại với gã.

- Thối lại cho anh.

- Em cầm đi. Cô bé lưỡng lự rồi quấn tờ giấy hai ngàn trong lòng bàn tay.

- Em tên gì?

- Dạ Trâm, giọng cô bé lí nhí.

- Ngồi đây đi. Trâm ngập ngừng ngồi xuống.

Ngay khi cô bé vừa ngồi, không hiểu sao tôi đưa tập báo đến cả sáu mươi bài viết về ông anh tôi mới photo định mang về khoe dân nhà quê cho cô bé xem. Tôi chỉ vào bức chân dung ông anh thật hách.

- Biết ai không?

Cô bé nhìn chăm chú bức ảnh rồi quay sang trố mắt nhìn tôi.

- Anh à?

- Còn ai vào đây nữa. Tôi trả lời bừa, tự nhiên đến tôi cũng không ngờ.

Anh Chàm à? Trâm hỏi. Tôi thoáng giật mình. Nhiều người thường giấu lai lịch sắc tộc của mình. Tôi cũng thế. Tính mang ông anh ra dọa thiên hạ, ai ngờ. Cô bé đã nhìn thấy tít của tờ báo. Bỗng tôi sáng ra cái ý. Tôi nhìn thẳng mắt Trâm, rồi nhìn xuống. Cô bé còn quá trẻ, như mới vào thành phố. Cái đầu mới cắt kia, móng tay còn dính màu đất này. Trâm ngó chòng chọc tôi. Lúc này kẻ bối rối là tôi chứ không phải cô bé, tôi cảm giác vậy.

- Anh không giống Kinh à? - Tôi hỏi.

- Em không biết.

- Chàm hử?

Cô bé không nói, đặt tay lên tay tôi. Tôi toan rụt lại, nhưng rồi thôi. Tôi nghĩ Trâm chưa đến nỗi rành đời. Bàn tay cô bé hơi run.

- Anh người Ấn Độ lai Thái Lan. Khi anh mới ba tuổi thì cha mẹ anh mất bởi chiến tranh. Anh được ông bà già người Chàm bán thuốc dạo mang về Phan Rang nuôi. Tôi nói như thuộc bài. Rồi ngưng, liếc sang cô bé. Trâm nhìn tôi chầm chầm. Tôi hỏi:

- Bé quê đâu?

- Dạ Quế Sơn… Quảng Nam đó mà…

Tôi thoáng giật mình. Hay Trâm là Chàm? Là hậu duệ của người Chàm xưa? Nghĩa là cùng dòng máu với tôi? Thuở bé tôi nghe ông ngoại kể về dòng giống Chàm lưu lạc khắp đất nước Việt Nam. Nhất là ở miền Trung. Xứ Quảng. Quân Lý đánh vào Trà Kiệu hay quân Lê chiếm Đồ Bàn, người Chàm dắt díu con cháu chạy lên núi. Một phần ở lại trà trộn vào với người Việt. Một số người Việt hiện nay vẫn dùng họ Trà hay họ Chế, - ông anh nhà văn tôi nói thế. Họ không tìm đến Phan Rang nhận mình là Chàm, nhưng ở sâu nơi tâm khảm, họ ngấm ngầm biết mình là Chàm. 

 

Tôi nắm lấy tay Trâm, nghe bàn tay cô bé ấm.

- Học xong lớp mấy rồi nghỉ? - tôi hỏi.

- Lớp Tám. Ở quê nhổ cỏ ít tiền lắm, mẹ bảo vào thành phố làm thêm giúp em học…

- Anh cũng cực lắm. Nên anh cố học thật giỏi. Vào Đại học anh cũng học rất giỏi. Một á khôi người Kinh yêu anh. Em có biết á khôi là gì không?

- Dạ không.

- Người đẹp nhì trường đấy. Anh chị bỏ học dắt nhau về Nha Trang sống ấm áp hai tháng. Lãng mạn lắm…

Trâm im lặng. Tôi tiếp: - Giải phóng về, cả nước đói. Thiên hạ bán nhà cửa, của cải đi vượt biên. Một tổ chức lo cho anh chị đi. Vừa bước lên tàu anh nổi hứng không muốn đi nữa. Anh không thể xa Việt Nam, em ạ. Anh nhảy xuống. Chị cũng toan nhảy theo. Nhưng ông anh họ ghì chị lại. Anh thấy chị khóc hai mắt ướt đẫm. Một ông trung niên vác khẩu M15 ra dọa bắn anh. Không được lộ, chết cả lũ, ông nói. Chị lao tới nằm đè lên khẩu súng. Và kêu anh chạy đi chạy đi. Giọng tôi kể đều đều, như thuộc bài…

Tôi liếc mắt sang Trâm. Cô bé lặng đi.

- Anh đau khổ lắm. Năm năm sau anh lấy vợ cùng quê, con ông thứ trưởng chế độ cũ.

- Chị ấy có thư gì cho anh không? Trâm chợt hỏi

- Không, bọn anh không có địa chỉ của nhau. Anh chị thương nhau và có một đứa con trai. Nhưng khi ông thứ trưởng biết anh không phải là Chàm thuần thì ông không cho anh ở nhà ông nữa.

Tôi kể một hơi, như bị chính câu chuyện của mình lôi đi. Buồn cười vậy chớ.

- Tại sao anh chị không ra riêng?

- Người Chàm theo chế độ mẫu hệ và con trai phải về nhà vợ, em ạ. Buồn quá anh đi vào Sài Gòn viết văn. Anh còn lập một xí nghiệp may cho dân quê vào thành nữa. Tôi đưa bức ảnh chụp xí nghiệp chị dâu cho cô bé xem.

- Thế còn chị?

- Ông cụ không cho chị theo anh.

- Anh khổ quá nhỉ. Trâm nói. Tôi nghe nàng nuốt nước bọt.

 

- Trâm ra ghế ngoài ngồi đi. Giọng Thu nói sang, khá sẵng.

Trâm vẫn mân mê cánh tay tôi. 

- Thường họ Chế là Chàm phải không anh? - Tôi nghe giọng cô bé run run.

- Ừa, có lẽ vậy.

- Nhưng khai sinh em ghi dân tộc Kinh. 

Tôi giật mình, liếc nhanh sang cô gái.

- Trâm mầy ra dọn bàn nè... - Giọng Thu như quát.

Trâm "dạ" lớn, quay lại mình nghiêng hẳn sang với tôi:

- Em nghe cha nói ông nội có anh em là Chàm ở Phan Rang.

Tôi nghe choáng, máu dồn lên đầu nóng bừng. Không ngờ câu chuyện do đầu óc bệnh hoạn của mình bịa ra để không làm gì cả đã có tác dụng. Cả tôi cũng xúc động, không làm chủ nổi mình nữa. 

- Em vào Sài Gòn bao giờ? Tôi hỏi, nắm chặt lấy bàn tay Trâm.

- Dạ hơn tháng, anh à. Em làm lon bia nhưng tay bị đứt miết nên xin vào phụ quán. Nàng xòe bàn tay cho tôi xem, nhiều vết cắt còn chưa lành hẳn.

Anh thanh niên bước ra. Trâm đứng dậy. Tôi buông tay cô gái ra.

- Anh sẽ tìm cách giúp em. - Tôi nói với theo.

- Nhé anh nhé. - Cô gái ngoảnh lại, nói giọng nghèn nghẹn, chạy mất hút vào phía trong.

Nhưng giúp làm sao được trong lúc tôi anh giáo nhà quê quèn không nuôi nổi vợ con phải chạy vào Sài Gòn ăn chực ông anh bà chị khó tính. Chị dâu tôi cực ghét mấy ông la cà quán xá. Phu quân chị thì luôn sống dưới phép nhà của bà vợ. Làm sao mà giới thiệu. Tôi, vị anh hùng nhất thời vào chiều nay dưới mắt Trâm sẽ hành xử thế nào đây? Tôi thương cảm hoàn cảnh cô gái. Cô gái hãy còn chưa đến tuổi lao động nữa. Dẫu sao Trâm không ẹ như tôi, vẫn dám nhận sắc tộc. Khuôn mặt và đôi mắt vẫn còn nguyên chất mộc mạc dân dã. Đôi mắt ấy đã nhìn tôi cầu cứu, chiều nay.

 

Sáng hôm sau tôi lên xe đò về Phan Rang mà lòng nặng như có gạch đè. Rồi nguyên cả tuần tôi cứ ngẩn ngơ ngơ ngẩn. Nghĩ mãi vẫn không tìm ra được cách giúp cô bé Chàm tội nghiệp. Tại sao mình không nói ông anh treo bảng tuyển người rồi qua mách Trâm đến xin việc nhỉ. Anh tốt bụng chắc sẽ nhận thôi nhất là khi Trâm bảo mình là Chàm. Có khi anh còn ưu tiên nữa.

Nghĩ thế, chiều thứ Bảy sau tôi tạt sang bác thủ quỹ trường ứng lương tháng, nhảy xe vào thành phố. Không ghé ông anh, tôi đến thẳng quán Cà phê Thảo. Thu nở nụ cười rất tươi chào tôi. Và không đợi tôi hỏi, cô nàng nói luôn: 

- Trâm đã bị thôi việc gần tuần nay rồi.

 

Trích từ cuốn tập san Vijaya #8

Posted in: Bút ký - Truyện
Like (1)
Loading...
1
Kaka
<p>câu chuyện nghe rất tội nghiệp cho cô bé mang trong mình dòng máu Chăm, họ chế....phải lam lũ giữa chốn phố thị...</p>
2
2
July 20, 2012
Bích Hiên
<p>thương wa'!.....hjx.....e ko bít mik có được như cô bé í ko? chỉ bít xài tiền chứ có bao jo` bít kiếm tiền đâu. Tại sao Chàm lại bị kì thị thế nhĩ!</p> <p> </p>
July 20, 2012