Blogs
Categories
Mặc dù vương quốc Champa đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832, nhưng cho đến ngày nay những di sản văn hóa vật thể của Champa vẫn còn tồn tại và nổi bật nhất là các đền tháp rải rác khắp miền trung Việt Nam. Đền tháp Champa là một trong những di sản vật thể quan trọng đã đạt đến đỉnh cao về giá trị nghệ thuật và cấp thiết phải được bảo tồn. Tiếc rằng những công trình bảo tồn di sản đền tháp Champa gần đây đã gây ra những bức xúc trong giới nghiên cứu nền văn minh Champa và cả cộng đồng Chăm trong và ngoài nước. Những vấn đề được đề cập dưới đây được xem như là những trường hợp điển hình cần được xem xét.
1). Biểu tượng trái bầu (hồ lô) của Trung Quốc trên đỉnh Tháp Po Nagar Tháp Po Nagar là một trong những tháp Champa có nền kiến trúc độc đáo và còn tương đối nguyên vẹn, tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ở cửa sông Cái cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước, Nha Trang. Khi Champa thất thủ, đất đai của tiểu vương quốc Kauthara (Nha Trang) đã bị sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, và khi đó nữ thần Po Nagar cũng đã bị trở thành vị nữ thần của người Việt với tên gọi là Thiên Y A Na. Lịch sử của nữ thần này cũng bị chỉnh lý một cách khôi hài. Điều này được thể hiện ở tấm bia dựng lên trước tháp Po Nagar viết bằng chữ Hán và dịch sang tiếng Việt với nội dung nói về giai thoại của bà Thiên Y A Na rất là “kì quái và phi lí”, không liên quan gì đến nguồn gốc lịch sử nữ thần này mà dân tộc Champa đã từng thờ phụng từ rất lâu đời. Đặc biệt trong thời gian gần đây, quá trình trùng tu tháp Po Nagar ở Nha Trang đã không giữ lại được nguyên vẹn hình dạng ban đầu. Đáng chú ý là hình dạng đỉnh tháp đã bị thay đổi một cách khó hiểu, một quả bầu (hồ lô) mang đậm nét văn hóa Trung quốc đã được thay vào đỉnh tháp cổ. Tức là biểu tượng đỉnh tháp thiêng liêng của văn hóa Champa đã bị biến dạng qua sự trùng tu.
Điều đó đã chứng minh rằng công trình trùng tu đền tháp Champa tại Việt Nam hôm nay không còn mang mục tiêu nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa Champa nữa mà có hiện tượng sửa đổi một cách tùy tiện, phong cách kiến trúc đền tháp của dân tộc này theo quan điểm riêng của cơ quan trùng tu. Thiết nghĩ việc trùng tu đền tháp là công việc rất quan trọng dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nền văn minh xây dựng đền tháp và đặc trưng văn hóa vốn có của nó. Do đó cần có những chuyên gia kiến trúc có tầm hiểu biết sâu rộng về nền văn minh Champa tham gia công tác trùng tu tháp chứ không đơn thuần là những dự án xây dựng bình thường với những công nhân chỉ biết làm nghề thợ hồ. Do đó sự thay đổi biến dạng đỉnh tháp nói trên cần phải được xem xét lại và Bộ Văn hóa Việt Nam cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp kịp thời để thay đổi biểu tượng trái bầu (hồ lô) trên đỉnh tháp Po Nagar nhằm trả về nguyên dạng đúng như giá trị văn hóa của tháp vốn có.
2). Biến dạng tên gọi một số đền tháp và cổng làng Đền tháp Champa là trung tâm tín ngưỡng của dân tộc Chăm nhưng giờ đây đã trở thành di sản văn hóa của quốc gia Việt Nam. Tiếc rằng nhà nước Việt Nam không có chính sách rõ ràng về các dự án bảo quản cho nên một số tên gọi đền tháp và cổng làng của người Chăm trong khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận đã bị thay đổi một cách tùy tiện và gây nên sự bức xúc trong cộng đồng người Chăm. • Tháp Po Sah Ina Tháp Po Sah Ina là một trong những quần thể di tích đền tháp của vương quốc Champa, toạ lạc trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, tỉnh Bình Thuận cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông - Bắc. Tháp Po Sah Ina có phong cách kiến trúc Hoà Lai với vẻ uy nghiêm và huyền bí, được xây dựng vào thế kỷ thứ IX, là một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Champa và còn tương đối nguyên vẹn.
Po Sah Ina là tên của một vị nữ thần và cũng là tên tháp. (Theo ngữ nghĩa của người Chăm, Po có nghĩa là trời, thần, thánh, ngài,… còn Sah Ina là tên riêng của nữ thần). Thế nhưng ban trùng tu tháp đã viết tên tháp là PÔSAH INƯ. Cách viết này đã thể hiện không còn đúng nghĩa theo tên gọi của vị thần mà người Chăm đáng tôn kính này. Sự đặt tên tháp Po Sah Ina thành PÔSAH INƯ là thái độ thiếu nghiêm túc trong chính sách bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Chăm.
• Tháp Po Dam Tương tự như trên, Po Dam là tên gọi nam thần có đền tháp ở Tuy Phong - Bình Thuận, Tháp xây dựng vào thế kỷ thứ IX, có phong cách kiến trúc Hoà Lai. Tên nam thần là Po Dam đã bị chính quyền Bình Thuận viết lại trên bia đá là thành Pô Đam (Pô Tằm) với lý do để cho người Việt dễ đọc. Đây là một cách lý giải phi khoa học không đúng với yêu cầu viết tên riêng và phù hợp với chính sách bảo tồn văn hóa. Sự Việt hoá này còn làm cho người Chăm cảm thấy bị tổn thương khi tên của vị thần thánh của họ bị viết lại trên bia đá không đúng. Do đó cần phải trả lại tên của Tháp đúng như tên gốc vốn có là Po Dam.
Qua hai sự kiện trên đã nói lên rằng những công trình trùng tu đền tháp Champa đều do người Kinh thực hiện và không có sự tham gia đại diện của người Chăm hay các nhà khoa học chuyên về nền văn minh Champa. Vì sao người Chăm lại không được tham gia vào các hội đồng trùng tu tháp cổ do chính cha ông mình xây dựng để không phải bị mắc những sai sót đáng tiếc như trên.
• Cổng làng thôn Bầu Trúc, Ninh Thuận
Bên cạnh tên gọi Po Sah Ina và Po Dam, người Chăm không ngừng bàn đến cổng làng thôn Bầu Trúc, Ninh Thuận. Nói đến kỹ nghệ gốm của người Chăm, thì người ta phải nói đến thôn Bầu Trúc (palei Hamu Chrok) mà chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã nâng cấp lên thành làng văn hóa của người Chăm với tên gọi bằng tiếng Việt ngay trên cổng vào: Làng Nghề Gốm Bầu Trúc (xem hình). Tiếc rằng Sở Văn Hóa Ninh Thuận dịch câu này sang tiếng Chăm thành “Palei Ra-mbaow Gaok Glah Hamu Croak” mà chính người Chăm hôm nay không hiểu từ “ra-mbaow” là gì? Khi hỏi lại, Sở Văn Hóa trả lời rằng “ra-mboaw” là nghề nghiệp ghi rõ trong từ điển Chăm-Việt của Phú Trạm. Và tự điển này còn cho thêm thí dụ: (peh tabiak ralo rambaow = phát triển nhiều ngành nghề).
Chính bản thân tôi là người Chăm chưa bao giờ nghe đến từ “ra-mbaow” trong tiếng Chăm, thế thì Phú Trạm lấy từ này ở đâu mà ra? Sau khi nghiên cứu lại, tôi mới biết “ra-mbaow” xuất phát từ tự điển Aymonier (1906). Trong tự điển này Aymonier ghi rõ ra-mbaow là tiếng Khmer do người Chăm ở Campuchia sử dụng, chứ không phải từ vựng tiếng Chăm. Mặc dù có sự sai lầm trong tên gọi như đã phân tích trên đây, cổng làng Bầu Trúc vẫn duy trì tên gọi Palei Ra-mbaow (Làng Nghề) cho đến hôm nay mà không có cơ quan hữu trách nào đứng ra để điều chỉnh hay thay đổi.
* Thiết nghĩ hình dạng đỉnh tháp cũng như tên tháp, tên làng của người Chăm cần được bảo tồn một cách nghiêm túc đảm bảo tính khoa học và truyền thống văn hóa vốn có của nó. Những thay đổi một cách tùy tiện không có cơ sở khoa học và thực tiễn trong quá trình trùng tu cũng như đặt tên tháp, tên làng của người Chăm như mô tả trên đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể của Champa. Không chỉ với tác giả mà cộng đồng Chăm hôm nay mong muốn các đơn vị, cơ quan hữu trách cần phải nghiêm túc nhận ra những sai lầm nói trên và khẩn trương chỉnh sửa để bảo tồn những giá trị quý giá của nó vốn có như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành tại Điều 13 (Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa) của Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/1/2011 về Công tác dân tộc.
nguon: champaka.info |
Posted in: Tin cộng đồng
Topics:
Thư độc giả : Biến dạng văn hóa vật thể của dân tộc Chă..., Thư độc giả : Biến dạng văn hóa vật thể của dân tộc Chă..., Thư độc giả : Biến dạng văn hóa vật thể của dân tộc Chă...
Be the first person to like this.