• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On August 14, 2012
174 views
Mặc dù đã có lịch sử hình thành cả mấy trăm năm nay và sinh sống xen kẽ với cộng đồng người Kinh, nhưng những người Chăm vùng Tân Châu, An Phú…(An Giang) vẫn luôn giữ gìn những điều bí ẩn rất riêng. 12 làng Chăm với hơn 120.000 con người sinh sống rải rác ven những cù lao nằm bên bờ sông Hậu rộng lớn vẫn luôn là một thế giới bí ẩn với bất cứ ai, kể cả các cư dân địa phương quanh vùng. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu được nhiều điều lý thú của những người Chăm nơi đây.
thumb.jpg
Chuẩn bị làm lễ nơi thánh đường
Dưới bóng thánh đường
Sau khi qua cầu Cồn Tiên ở thị xã Châu Đốc, chúng tôi tới làng Chăm Hà Bao 2 (xã Đa Phước, An Phú) khi mặt trời mới đứng bóng, ông Cả Musa Haji (79 tuổi) cười bảo, giờ này mọi người đã đi làm, khoảng cuối chiều mới tiếp tục làm lễ lần nữa. Khi chúng tôi hỏi làm lễ để làm gì mà ngày nào cũng phải làm nhiều lần thì như đụng phải điều cấm kỵ trong giáo luật của đạo Hồi, ông Cả có vẻ không vui. Tuy nhiên, bằng một thái độ hết sức nhã nhặn, ông cố gắng giải thích cho chúng tôi hiểu rằng, với những người Chăm theo đạo Hồi ở đây, việc làm lễ là lẽ sống, tương tự như những người theo đạo thiên Chúa đi nhà thờ hàng tuần. Tuy nhiên, thánh đường của người Chăm lại hết sức giản dị vì không có một bức tượng hay bất kỳ một vật tượng trưng như Chúa, tượng Phật…của các đạo khác. Theo ông Cả Musa, do quan niệm của đạo Hồi giáo, thánh Allah luôn ngự trị trong tim mỗi người nên không cần phải tạc tượng hay một khuôn hình cụ thể.
Dưới bóng tòa thánh đường lộng lẫy với những gam màu xanh, trắng khá đơn giản, ông Cả kể về những nếp sống của người Chăm cho chúng tôi nghe. Ở đây cũng như nhiều làng Chăm khác quanh vùng, mọi người sống khá khép kín và chỉ khi có việc cần mới giao lưu với cộng đồng người Kinh mà thôi. Trong làng Chăm, mọi người luôn phải tuân thủ những giáo luật khá chặt chẽ. Từ việc ăn uống cho tới những ứng xử quan hệ xã hội và cả trong gia đình. Ngày nay do điều kiện sống, nhiều người Chăm men theo các chi lưu của sông Hậu mà tản đi khắp nơi vùng đồng bằng để sinh sống bằng nghề chài lưới hay thậm chí lên cả Sài Gòn buôn bán, làm công nhân các nhà máy. Mặc dù đi đâu, làm gì, thì họ luôn tuân thủ giáo luật của cộng đồng mình. Đó là việc không bao giờ vào các quán ăn, tiệm nước giải khát nào của người Kinh, chỉ ăn những đồ ăn do bản thân họ làm. Họ cũng không bao giờ uống rượu hay hút thuốc lá, nhiều điều cấm ghi trong Kinh Thánh. Nếu những ai bị bắt gặp vi phạm những giáo luật sẽ bị cộng đồng nêu tên, bị tái phạm thì hướng xử lý có phần nặng hơn. Mặc dù không mua bán, ăn uống bất cứ thứ đồ dùng nào do người Kinh làm ra, nhưng họ vẫn thường xuyên mời những người bạn là người Kinh tham dự các lễ hội của dân tộc mình. Theo chiều ngược lại, người Chăm không bao giờ dự lễ hội của người Kinh.
Ông Cả Musa ở làng Hà Bao 2
Vì thánh đường là nơi tôn nghiêm và luôn được người Chăm ngưỡng mộ nên những ai do bận công việc mưu sinh, không làm lễ thường xuyên được sẽ phải làm lễ bù sau quãng thời gian xa quê. Với họ, việc làm lễ ở thánh đường là hoàn toàn tự nguyện và đó là việc quan trọng trong đời. Tuy nhiên, những thánh đường lộng lẫy mang dáng dấp kiến trúc của Tây Á xa xôi không đơn giản chỉ là nơi để cộng đồng người Chăm làm lễ, mà còn là nơi để giải quyết tất cả các vấn đề khác trong cuộc sống, dưới sự chủ trì của ông Cả. Ngay như buổi sáng nay, sau khi tất cả mọi người làm lễ xong, ông Cả Musa phải đi theo anh Mohamed để làm lễ đặt tên cho cô con gái nhỏ của gia đình vì vợ anh vừa mới sinh được gần 1 tuần. Theo truyền thống của dân tộc mình, người Chăm không có họ mà chỉ có tên, được đặt theo tên các vị Thánh trong đạo Hồi. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định chung của những đứa trẻ trên khắp đất nước Việt Nam, hiện nay các ông Cả vẫn đặt tên chúng theo tên các vị Thánh và lấy một cái họ bất kỳ ghép lại, để đi học sau này, khi lớn lên chúng có thể hòa đồng với những đứa trẻ khác ở trường lớp.
Chuyện học và khung cửi
Cũng như nhiều quốc gia theo đạo Hồi khác, phụ nữ vẫn chưa có vai trò quan trọng trong quan niệm sống của người Chăm vùng An Giang, mặc dù thực tế sau khi lập gia đình, đàn ông vẫn thường xuyên phải…ở rể. Ở đây, khi ra đường (dù hiếm khi) phụ nữ vẫn phải dùng khăn quàng trùm trên đầu. Nhiều nơi theo đạo Hồi, giới luật là phải che cả khuôn mặt. Vì thế, chuyện học gần như chỉ dành riêng cho những đứa trẻ nam, còn nữ giới đa phần không được học hành đến nơi đến chốn mà phải làm quen với khung cửi từ nhỏ. Trong những ngày tìm hiểu về cuộc sống của người Chăm vùng An Giang nơi đây, thật bất ngờ khi biết rằng, cuộc sống của họ khá khó khăn và trình độ dân trí cũng không cao, nhưng mỗi năm hàng trăm trẻ em người Chăm nơi đây được…đi du học.
Bên khung dệt thổ cẩm
Không như những bạn cùng trang lứa người Kinh khác, chỉ cần học xong lớp 12 và có một kiến thức về tiếng Ả Rập với tiếng Chăm là đủ tiêu chuẩn có thể đi du học. Đa phần các đứa trẻ người Chăm ở An Giang đều đi du học ở các nước đạo Hồi thuộc khối Ả Rập và vùng Vịnh. Có một điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là những đứa trẻ Chăm ở đây rất chăm học. Nhìn cách chúng học bài khiến chúng tôi liên tưởng tới những ông đồ và học sinh thời phong kiến ngày xưa. Nghĩa là mọi thứ rất rõ ràng và nghiêm minh. Không có chuyện học trò cười nói, nhìn ngang, nhìn dọc hay làm bất cứ động tác nào khác trong giờ học. Trước mặt chúng là những quyển Kinh Thánh dày cộm với chi chít những con chữ ngoằn nghèo cùng tiếng học bài đều đặn vang lên. Hình như, không có bất cứ thứ gì tồn tại bên trong lớp học ngoài những con chữ và tiếng đọc-giảng bài vang lên đều đặn. Thầy giáo Haji Thanijan ở thánh đường Ehsan (Châu Phong, Tân Châu) cho biết, trước đây thầy từng theo học lớp Kinh Thánh ở thánh địa Mecca ở tận thế giới Ả Rập xa xôi. Ngoài việc dạy chữ cho bọn trẻ, thầy Haji Thanijan còn dạy chúng những giáo luật, cách đối nhân xử thế, nấu ăn, làm bánh…theo cách riêng của người Chăm, dù chúng là…nam nhi. Có thể nói, người thầy không chỉ đơn giản là thầy mà còn là một người cha, người mẹ theo đúng nghĩa đen. Mặc dù có ý nghĩa quan trọng và đóng góp rất nhiều cho lớp trẻ, nhưng những người thầy ở làng Chăm nơi đây lại không có…lương. Nghĩa là họ làm việc này hoàn toàn tự nguyện và coi đó như là bổn phận với cộng đồng trước thánh Allah cao cả.
Đấy là những đứa trẻ nam, còn những người con gái Chăm, đa phần họ chỉ quanh quẩn làm việc nhà, ít ra đường. Vậy nhưng, trong thời gian đi qua những thánh đường ven bờ sông Hậu hiền hòa, chúng tôi đã gặp những hình ảnh rất đẹp của những người con gái Chăm. Nhớ lúc mới từ dưới bến phà Châu Giang ở Châu Đốc qua, trên con đường tỉnh lộ 953 ngay đoạn ngã ba Châu Phong, chúng tôi vô tình bắt gặp một đôi mắt trong veo rất thánh thiện của một người con gái Chăm. Nắng chiều nhè nhẹ soi trên gương mặt cô, cùng gió từ phía sông Hậu thổi vào làm tấm khăn choàng khẽ bay bay trong gió, càng làm cho hình ảnh ấy giống như một bức tranh hơn là giữa một cù lao xa vắng này. Thú thực, hình ảnh chiếc khăn và bàn tay nhỏ bé của cô mềm mại trên từng khuông vải của chiếc khung dệt khiến chúng tôi liên tưởng đến những bộ phim mà mình đã xem đâu đó. Có lẽ, đó cũng chính là hình ảnh tiêu biểu của những người con gái Chăm, nơi vùng biên giới xa xôi này. Có lẽ, đó cũng chính là hình ảnh khiến những người lữ khách như chúng tôi quyến luyến không muốn rời xa mảnh đất phì nhiêu trù phú này…
Đoàn Đại Trí
Nguồn :  Báo ĐĐK
Like (1)
Loading...
1