Blogs
Categories
Trên mảnh đất “vàng” rộng vài hec-ta ở ven đô Hội An (thương cảng từng khởi đầu “con đường tơ lụa trên biển” của xứ Đàng Trong cách đây 300 năm), vừa xuất hiện ngôi làng Việt mang tên “Làng lụa Quảng Nam” mang đến những trải nghiệm tuyệt vời về một làng nghề truyền thống với nhiều sự tích lãng mạn.
Một góc “Làng lụa Quảng Nam” ở Hội An – Ảnh: HC |
Nghề dệt và lụa Quảng Nam, từ cây dâu đến cách trồng, từ con tằm đến cách nuôi để cho ra tơ lụa Quảng Nam từng sánh ngang tơ lụa Trung Hoa trong sự lựa chọn của người tiêu dùng Nhật Bản và các nước Đông Nam Á thông qua “con đường tơ lụa trên biển”, đều bắt nguồn từ Champa. Tại sao giữa hàng nghìn làng nghề truyền thống, tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam) lại được chọn để tiến vua? Nguyên nhân sâu xa là sự độc đáo của sản phẩm, bắt đầu từ nguồn nguyên liệu của xứ Chăm – cây dâu Champa!
Bên cạnh ruộng dâu lá bầu của người Việt… |
Là những gốc dâu Chăm cổ thụ hàng trăm năm tuổi |
Có những câu dâu khi chưa cắt cành để đem về trồng tại “Làng lụa” cao đến hơn 10m! |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Minh, dâu Champa là loại dâu lá xẻ hình chân chim được phát triển tự nhiên. Khi tằm gần chín, người ta bỏ lên cây dâu để tằm tự nhả tơ, kết kén. Đây là giống tằm cho tơ tốt, dai, mịn mà đến nay hầu như đã thất truyền. Một số tài liệu nước ngoài miêu tả “dọc các bãi bồi và triền đồi ven sông Thu Bồn, Vu Gia, Chiên Đàn, Trường Giang có các biền dâu xanh mướt làm nguyên liệu cho việc nuôi tằm. Hàng năm cư dân Champa có đến 8 lần thu hoạch kén tằm” để xe tơ dệt lụa quý, dùng cho may mặc và làm hàng xuất khẩu đến nhiều nước trong khu vực.
Thiếu nữ “làng lụa” hái lá dâu |
Cách đây vài năm, một công ty lụa ở Nhật Bản (thành lập cách đây 160 năm) đã cử một Phó Chủ tịch HĐQT đến Quảng Nam tìm lại loại dâu Champa. Dù mất công xuyên rừng lội suối, tốn kém nhiều tiền của, công sức nhưng vẫn không đạt kết quả. Ấy vậy mà tại “Làng lụa” vừa ra đời ở Hội An đã xuất hiện 40 cây dâu Champa cổ thụ hàng trăm năm tuổi khiến nhiều du khách trong và ngoài nước không khỏi ngỡ ngàng!
Du khách thích thú cho tằm ăn lá dâu |
Có thể nói đó là kỳ tích của ông Lê Thái Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam (Quảng Nam Silk). Suốt hơn 10 năm, ông bị không ít người coi là “kẻ điên” khi ngược xuôi khắp cả nước, hễ nghe nơi nào có giống dâu lạ là ông lại tìm đến. Nhưng hết lần này đến lần khác, niềm vui chưa kịp nhen nhóm thì đã bị dập tắt ngay lập tức.
Nấu kén… |
Xe tơ… |
Nối chỉ… |
Nhưng rồi như một cơ duyên trời cho, đầu năm 2012, trong một đợt sưu tầm các ngôi nhà rường cổ cho dự án “Làng lụa”, ông tình cờ phát hiện ở vùng rừng núi huyện Quế Sơn (Quảng Nam) một cây dâu Champa cổ thụ sừng sững trước mắt. Điều kỳ lạ là chính những người sở hữu cây dâu ấy cũng không biết nó quý đến thế nào. Từ đầu mối này, ông tiếp tục tìm ra được 40 cây dâu Champa cổ thụ. Khi chưa cắt cành để đưa về trồng và nhân giống tại “Làng lụa”, có cây dâu cao đến hơn 10m!
Thiếu nữ “làng lụa” với tơ vàng óng ả |
Như vậy là, bên cạnh cây dâu lá bầu truyền thống của người Việt, ở “Làng lụa” hiện nay đã có bộ sưu tập các giống dâu từng được trồng trên đất Quảng Nam xưa và đây là nguồn gien quý cần được trân trọng bảo tồn. Đó cũng là cái kết có hậu cho hơn 20 năm ông Lê Thái Vũ và các đồng sự ấp ủ ao ước làm sống lại một không gian làng cho nghề dệt lụa với nhiều sự tích lãnh mạn ngay tại Hội An, một thương cảng từng khởi đầu con đường tơ lụa trên biển của xứ Đàng Trong cách đây 300 năm.
Các nghệ nhân Chăm say mê dệt thổ cẩm |
Vợ quay tơ, chồng dệt vải – chuyện ngỡ như đã là dĩ vãng! |
Bước vào “Làng lụa”, người ta thấy nhiều cung bậc giao hoà giữa những nếp nhà rường cổ xưa đặc trưng cho kiến trúc xứ Quảng. Đường làng quanh co uốn lượn giữa đầm sen, hàng cây cổ thụ, lứa chuối non vừa cho quả đợt đầu… Một ngôi làng chứa đựng những trầm tích văn hoá của các tộc người Chăm, Việt từng sống trên mảnh đất này là kết quả của gần 20 năm tác giả “Làng lụa” đi ngược thời gian tìm kiếm từng khung nhà cổ xưa, ngồi hàng giờ bên những khung dệt cũ để xác định tính chất từng loại khung dệt của người Chăm, khung cửi của người Việt mang theo trên bước đường “hành phương Nam”.
Thêu tay… |
Và in tranh Hội An lên những tấm lụa thành phẩm |
Giữa khung cảnh thanh bình này, tiếng lách cách của khung dệt Chăm lại vang lên với tài dệt thổ cẩm của các nghệ nhân Chăm đến từ Ninh Thuận. Bên cạnh đó là các cô gái Việt cần mẫn với khung cửi, nong tằm, với nén tơ vàng óng… Du khách không chỉ tiếp nhận được sản phẩm cuối cùng “ra lò” ngay tại chỗ là những mét lụa mượt mà truyền thống xứ Quảng, hay những tấm thổ cẩm của người Chăm… mà còn được tư vấn để không sợ bị nhầm lẫn với lụa Trung Quốc trà trộn đầy phố.
Du khách nước ngoài thích thú với những trải nghiệm từ “Làng lụa” |
Sự hài hoà giữa quá khứ và hiện tại còn được kết nối bởi khu trưng bày 100 bộ trang phục truyền thống bằng lụa của người Việt, người Chăm. Du khách cũng có thể tự tay hái dâu sau vườn cho tằm ăn, mặc bộ đồ lụa truyền thống dạo quanh làng, nghe tiếng hát của các cô thôn nữ và cảm nhận câu chuyện đẹp về sự tích “bà chúa Tằm Tang”.
Bộ sưu tầm trang phục truyền thống bằng lụa của người Việt… |
… và người Chăm |
Chuyện kể rằng, vào một đêm trăng đẹp năm 1615, tiếng hát trong trẻo bên nương dâu của cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc đã làm xao xuyến trái tim Hoàng tử Nguyễn Phúc Lan đang cùng Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên giong thuyền dạo chơi trên sông Thu Bồn. Để rồi sau đó Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng, còn cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc trở thành quý phi họ Đoàn (dân gian thường gọi là Đoàn Quý Phi), người có công rất lớn trong việc mở mang nghề tằm tang – dệt lụa ở xứ Đàng Trong…
Nét đẹp của thiếu nữ làng lụa từng làm say lòng bao văn nhân, tài tử! |
Dựng làng, quả là một công cuộc làm mà chơi, chơi mà làm, là những trải nghiệm văn hoá tuyệt vời cho chính những người thực hiện. Cuối cùng, ngôi làng sẽ ảnh hưởng lên lối sống của họ, và con đường đi tiếp chính là trở về với truyền thống làng quê Việt!
HẢI CHÂU
Nguồn : Infonet.vn
Posted in: Văn hóa Champa
Topics:
NHỮNG CÂY DÂU CHĂM HÀNG TRĂM TUỔI Ở “LÀNG LỤA” QUẢNG NA..., NHỮNG CÂY DÂU CHĂM HÀNG TRĂM TUỔI Ở “LÀNG LỤA” QUẢNG NA..., NHỮNG CÂY DÂU CHĂM HÀNG TRĂM TUỔI Ở “LÀNG LỤA” QUẢNG NA...
Be the first person to like this.