• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On January 12, 2012
391 views

Thử Bàn Về Lễ Hội KATE 

Ja Intan 

Sống trong thế kỷ 21 này, đã là con người ai ai cũng quan tâm đến cội nguồn, văn hóa truyền thống dân tộc và có 2 tình yêu lớn nhất là dân tộc và đức tin.  Tôi cũng như bao người con dân Chăm, dù sống bất cứ nơi đâu cũng đều mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và phát triển nền văn hóa của mình. Do đó mọi người quan tâm đến văn hóa dân tộc, rất mong muốn tìm đọc các sách báo, tạp chí v.v nói và viết về Champa để ngày càng hiểu rõ hơn di sản văn hóa truyền thống cha ông đã để lại.

 

Trong kho tàng văn hoá Chăm về phần lễ hội, chúng ta thấy rõ nhất là Kate, Ramưwan và Rija Nưgar. Thật vậy, Kate là một lễ hội lớn nhất của dân tộc Chăm hiện nay qua phần hội và được mọi giới và thành phần cũng như tôn giáo tham dự tại ViệtNam.  Ngoài ra, Kate cũng đã làm nức lòng biết bao nhà báo, nhà văn, nhà thơ kể cả các nhà nghiên cứu nhưng hầu như toàn bộ chỉ là khảo tả và chưa nói lên được nguồn gốc và nội dung chính nguyên thủy của nó. Vậy tại sao chúng ta không thử cùng nhau tìm hiểu, trở về cội nguồn và trao đổi về lễ hội Kate để xem thực chất và xuất xứ của nó.

 

Có nhà nghiên cứu Chăm cho rằng Kate là một lễ tục của người Chăm Ahier hay một lễ tục cúng Nam Thần của người Chăm Ahier hôm nay. Đây là những bài viết mô tả, nhìn thấy qua phần lễ hội không có gì mới cũng như các bài viết của các nhà nghiên cứu Việt Nam, Pháp v.v viết dựa vào các Po Dhia, nhân sĩ hay trí thức Chăm cung cấp.

 kate_logo.jpg

Nếu muốn đào sâu và tìm hiểu tận nguồn ngọn của sự việc thì chúng ta hãy trở về cội nguồn cuộc sống cư dân Đông Nam Á cổ xưa. Tìm hiểu và nghiên cứu ở đây như nhà y học mang một mầm bệnh soi rọi dưới kính hiển vi xem nó là loại vi trùng hay vi khuẩn (virus) gì? Nó mang lại loại bệnh gì cho trẻ em, người lớn, phụ nữ .v.v...có nguồn gốc từ đâu, chỉ xuất hiện ở châu Á, Âu v.v..., xứ nhiệt đới hay ôn đới v.v...

 

Các dân tộc Đông Nam Á có nền văn minh lúa nước lâu đời, có tục thờ đa thần. Cây lúa lớn lên, cho thóc gạo là nhờ có Đất (Mẹ), nước, mặt trời (Cha) v.v…Vào buổi sơ khai việc làm ruộng, tất cả đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Nếu hạn hán hay mưa lũ thì mất trắng, còn được vụ là nhờ các vị thần ấy đã phù hộ cho mùa màng bội thu. Sau khi thu hoạch các dân tộc Đông Nam Á làm lễ tạ ơn trời, đất, thần Nông… với những sản vật mà họ đã nuôi trồng như cơm, muối, gà, trứng, chuối  v.v… Những lễ tục này dần dần hình thành lễ Tết Đầu năm (thường rơi vào tháng 4 Dương Lịch) của các dân tộc Đông Nam Á; hiện nay Tết Đầu năm vẫn còn được các dân tộc Chăm, Lào, Miên, Thái, Miến Điện v.v… lưu giữ.

Ngoài việc thờ cúng các vị thần linh phù hộ việc làm ruộng, nương rẫy, các dân tộc có nền văn minh lúa nước còn có tục thờ cúng gia tiên ( Ông Bà). Người có công sinh thành và đã để lại của cải, tài sản cho con cháu. Nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, họ đã làm lễ tạ ơn và tưởng nhớ đến công lao ấy.

 

Tại sao người Chăm lại chọn đầu tháng 7 Chăm lịch để tiến hành lễ tục thờ cúng gia tiên. Theo tôi có lẽ tiết trời vùng cư trú (vùng nhiệt đới) trời sắp chuyển mưa là thời điểm tốt nhất cho việc bắt đầu gieo trồng vụ lúa mới. Việc gieo trồng vụ lúa mới và vụ thu hoạch là hai việc rất hệ trọng, sống còn của cư dân có nền văn minh lúa nước.  Dần dần lễ tục này hình thành lễ hội Kate trong buổi ban đầu mà người Chăm chưa có ảnh hưởng Ấn giáo (Hinduism). Có nghĩa là Kate hình thành sau sự xuất hiện của tư hữu trong cộng đồng cư dân Đông Nam Á có nền văn minh lúa nước vì của cải được truyền lại cho con cháu nên mới có lễ cảm tạ của thế hệ sau đối với người trước.

 

Về sau xã hội dần phát triển, hình thành đất nước và do nhu cầu quản lý, cai trị một nhà nước, vua chúa Champa đã du nhập Ấn giáo vào cùng với văn hóa và văn minh Ấn độ (chữ viết, kiến trúc, văn học…) nhưng tất cả đều bị bản địa hóa. Dân chúng Champa không bỏ các lễ tục truyền thống dân tộc, họ chỉ tiếp thu thêm các vị thần Ấn giáo và cải biến nó thành tín ngưỡng riêng của mình. Vì Ấn giáo là một tôn giáo đa thần nên không buộc tín đồ mới phải từ bỏ tín ngưỡng riêng nên dễ dàng được người Chăm chấp nhận.

 

Từ đó trong dân gian, theo suy nghĩ của tôi, lễ hội Kate được tiến hành hằng năm trong gia đình qua việc cúng ông bà, tổ tiên. Tại nhà làng, người Chăm cúng tạ ơn những người có công đóng góp thành lập, xây dựng nên thôn  làng. Nơi các đền tháp Chăm, người dân làm lễ tạ ơn (dâng cúng) long trọng các vị vua chúa ở địa phương có công bảo vệ, đem lại hạnh phúc, ấm no cho Champa hay địa phương mình (sau khi mất, các vua chúa đã được người Chăm thần thánh hóa). Theo thông lệ, Kate được tổ chức long trọng đúng vào ngày mồng 1 tháng 7 Chăm lịch trên các đền tháp Chăm, tại thôn làng và tư gia vào ngày thứ Tư hoặc thứ Bảy tiếp theo.

Còn các vị vua có làm lễ Kate không? Theo tôi, họ cũng tiến hành lễ tục tạ ơn các vị thần đã bảo trợ ngai vàng, dòng tộc và triều đại của mình ở thánh địa Mỹ Sơn.

 

Vào khoảng thế kỷ thöù X, Hồi giáo bắt đầu phát triển và du nhập vào các nước Đông Nam Á (Hồi giáo hình thành vào theá kyû thöù VII ở bán đảo Ả Rập); Champa cũng giao thương buôn bán với các nước Ả rập nên cũng bị Hồi Giáo chinh phục và phát triển mạnh vào thế kỷ XV.  Nhưng lúc bấy giờ Champa vẫn còn chủ quyền và hưng thịnh nên các vua chúa và lãnh đạo tôn giáo Champa đã khéo léo, gạn lọc và tiếp thu thêm thánh Allah vào tín ngưỡng. Do đó chúng ta vẫn còn thấy người Chăm Bani còn giữ được tín ngưỡng truyền thống (thờ Đa thần) qua việc cúng tổ tiên vào dịp lễ Ramưwan (pabang Muk kei), Rija Nưgar v.v… Bấy giờ người Chăm mới xuất hiện 2 từ Ahier và Awal để phân biệt người Chăm theo 2 tín ngưỡng khác nhau. Lý thú hơn nữa là Ông cha ta đã hòa quyện được 2 tôn giáo với nhau theo triết học Âm Dương Chăm (Ahier là Dương và Awal là Âm) để không sinh ra mâu thuẫn trong cộng đồng và xã hội lúc bấy giờ.

 

Sau ngày Champa vĩnh viễn bị xóa tên trên bản đồ thế giới, người Chăm không còn chủ quyền và người lãnh đạo nên dân tộc Chăm cũng như các dân tộc khác cùng có tín ngưỡng thờ đa thần dễ bị các tôn giáo lớn chinh phục. Một khi tôn giáo lớn đã xâm nhập vào một dân tộc nào thì tín ngưỡng của dân tộc đó sẽ mất đi. Vì giáo luật của tôn giáo mới chỉ cho phép thờ Đấng chí tôn duy nhất. Đây là một trong những lý do một số ít người Chăm theo đạo Islam, Thiên Chúa Giáo hay Tin Lành vẫn còn thờ ơ với lễ hội Kate hiện nay. Họ đã ngộ nhận Kate là một lễ hội của tôn giáo Bà La Môn vì có sự xuất hiện các vị Po Dhia, Paseh, Kadhar...ở các đền tháp Chăm tại Việt Nam.

 

Kate là một lễ tục dân gian chứ không phải là một lễ hội tôn giáo như Noel, Phật Đản v.v... Kate diễn ra trên các đền tháp là các buổi lễ dành riêng cho các vị vua, chúa ( đã được thần thánh hoá) cần phải có các vị chức sắc dâng cúng trân trọng dành cho các vị thần.  Thế thì tại tư gia, thôn làng chúng ta đâu thấy sự xuất hiện của các vị chức sắc ấy, người Chăm theo các tôn giáo khác vẫn khoâng ngại đến chúc mừng, tham dự hay chia sẻ với cộng đồng Chăm được gọi là Ahier.

Các tôn giáo lớn trên giới, không một kinh thánh nào khuyên răn tín đồ phải từ bỏ văn hoá truyền thống, xem tổ tiên là ma quỷ cả. Các ngài : Chúa Jesus, Đức Phật, nhà tiên tri Mohamet... thật sự là những nhà hiền triết đại tài vào lúc bấy giờ; các ngài đã rao giảng những điều tốt lành cho dân chúng giữa lúc loạn lạc, đời sống thống khổ đầy bất hạnh, bất công.v.v...

 

Tóm lại, nguyên thủy Kate thật sự là một lễ tục, một phong tục tập quán tốt đẹp của người Chăm xưa, tạ ơn đấng sinh thành, có công nuôi dưỡng cũng như người Hoa Kỳ (không phân biệt tôn giáo, màu da, dân tộc) có lễ Thanks Giving, tạ ơn người Da đỏ đã cứu giúp họ trong buổi ban đầu đến Châu Mỹ. Các nước phát triển trên thế giới hiện nay, họ càng ra sức và bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của để bảo vệ văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp. Càng văn minh và phát triển con người càng cố gắng bảo vệ văn hoá truyền thống nếu không chúng dễ dàng bị mai một bởi các nền văn hoá lớn.

Để cùng chia sẻ ngày lễ hội Kate, người Chăm trên thế giới nói chung, không phân biệt sang hèn, giai cấp, tôn giáo... nên tổ chức lễ hội ở đền tháp (nếu có, tại Việt Nam....), tại thôn làng và tại tư gia.  Tốt đẹp hơn nữa chúng ta gửi lời chúc mừng và chia sẻ niềm vui Kate đến với bạn bè, người thân hoặc làm một bữa cơm gia đình; trước tiên là tạ ơn đấng sinh thành sau là vui cùng bạn bè hay khách quý. Dù sống tận nơi đâu, chúng ta cũng cố gắng trở về với gia đình, cộng đồng để hưởng trọn niềm vui Kate.

 

Có nhà nghiên cứu người Chăm cho rằng Kate chỉ là lễ tục của người Chăm Ahier Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay). Vâng, đúng vậy vì từ ngày Champa vĩnh viễn bị xóa tên trên bản đồ thế giới thì Kauthara, Vijaya, Indrapura... đâu còn cư dân Chăm sinh sống đương nhiên là không có lễ tục Kate ???  Hơn nữa nếu còn thì họ đã bị Việt hoá từ lâu, ngay những người còn mang chút ít dòng máu Champa như họ Chế, Trà.v.v... cũng không biết Kate là gì???

 

Trở lại  với lễ hội Kate hiện nay, theo tôi trộm thấy có 2 phần rõ rệt là phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ là việc cúng tế ở gia đình, thôn làng và đền tháp. Còn phần Hội là việc tổ chức văn nghệ, thể thao và việc tiếp đãi khách ở tư gia.

 

Vào những năm cuối thập niên 60, để đón chào quan khách long trọng, các quan chức trong tỉnh lúc bấy giờ, Quận đường An Phước đã tổ chức múa cổ truyền Chăm, về sau có phần học sinh trường Trung Học Po Klong làm hàng rào danh dự đón khách qúy đến tham dự Lễ Kate trên tháp Po Klong Girai.  Việc ý thức bảo tồn văn hóa Chăm manh nha bắt đầu từ giới trí thức lớn tuổi Chăm như phát động học sinh trường Po Klong làm vệ sinh trên các đền tháp, chặt bỏ cây cỏ dại trên tháp cũng như sân bãi, cạo xóa các từ ngữ viết bậy trên tường tháp v.v....chuẩn bị cho ngày lễ Kate.

 

Dần dần các trí thức thế hệ trẻ Chăm đã ý thức được việc bảo tồn văn hóa dân tộc, không may là sau ngày 30/4/75 đã làm một số trí thức Chăm phải rời bỏ nơi làm việc, một số sinh viên học sinh phải rời ghế nhà trường nhưng họ vẫn cố gắng tổ chức lớp học đêm tiếng Chăm hay nhóm nhỏ ở các làng Chăm. Họ kết hợp với nhân sĩ các làng Chăm có đền tháp để tổ chức các đêm văn nghệ và giải đá banh giao hữu để phần hội ngày càng phong phú. Trước tiên là góp phần bảo tồn ngày lễ sau là tạo không khí vui nhộn để thu hút mọi giới người Chăm đến với lễ hội.  Từ đó phần hội được phát triển mãi cho đến nay.

 

Còn ở hải ngoại, đặc biệt là ở California, Hoa Kỳ, Kate được hai hội đoàn tổ chức ở hai nơi San Jose và Sacramento thật là tốt đẹp cũng như ở quê nhà nhưng tùy theo môi trường và sinh hoạt nơi xứ nguời.  Cái đáng khen ở đây là giữa cuộc mưu sinh đầy gian khó nơi xứ người, những người con Chăm vẫn cố gắng bảo tồn truyền thống lễ hội Kate của mình. Mỗi người một nơi, mỗi người đều có công ăn việc làm riêng và thời gian biểu khác nhau nên việc gặp nhau để bàn bạc, tập dượt văn nghệ chuẩn bị cho lễ hội Kate thật vất vả.

 

Là con dân Champa trên thế giới thời hiện đại, chúng ta không phân biệt thành phần sang hèn, tôn giáo, nông dân hay trí thức v.v..., ở trong nước cũng như hải ngoại đều cùng chung vui tham gia lễ hội Kate, một lễ tục tốt đẹp của người Chăm xưa mà tổ tiên đã để lại. Hành xử của một người Chăm hiện đại là phải biết bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.  Chúng ta đừng quên rằng "Văn hóa còn là dân tộc còn".


Trích từ cuốn đặc san Vijaya #8

Source: www.ilimochampa.org

Be the first person to like this.