• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On September 27, 2012
129 views
* Trong Sang Mưgik ở Cwah Patih – Photo Inrasara 2002.
Sang mâgik là nhà thờ tự của người Chăm Bàni.  Ngày nay chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về Chăm Bàni và cũng đã có một số bài viết về Sang mâgik, song chưa có bài nào bàn về vai trò của nó đối với sự tồn tại cộng đồng. Nếu chỉ nói đến chức năng thờ tự của Sang mâgik thôi thì ai cũng biết, tuy nhiên vai trò của nó không chỉ có thế.
Sang mâgik trong từ ngữ của người Chăm ở Ninh Thuận có nghĩa bao gồm cả Thánh đường Hồi giáo (Islam) và nhà thờ tự Bàni, tuy nhiên Islam và Bàni hiện nay có một số sự khác biệt trong cách thức sinh hoạt, thành ra hoạt động của Sang mâgik ở hai bên có sự khác nhau. Bài này tập trung nói về vai trò Sang mâgik Bàni.
Trước hết, ta phải tìm hiểu vai trò của nó với tư cách là một nhà thờ tự tương tự nhà thờ tự khác như các nhà thờ Cơ đốc giáo, Do Thái giáo… Sang mâgik là nơi được các tín đồ tin tưởng là chỗ linh thiêng, được Po Aluah[1] ban phát ân huệ mà dân chúng thỉnh cầu. Người ta đến đây hoàn toàn tự giác mà không cần phải vận động hay ưu đãi nào. Chính vì thế nó luôn có đông đảo tín đồ hiện diện vào ngày lễ. Sang mâgik có một sân rộng nên người ta tụ tập để trò chuyện nhỏ nhẹ cho nhau nghe. Con người thông qua đó hình thành các mối quan hệ thân thiết, gắn kết với nhau tạo sự cố kết cộng đồng.
Khi đặt chân vào Sang mâgik ta nhìn thấy ngay nhiều sản phẩm mang phong cách thời xưa được hiện hữu. Các bó trầu cau được đặt sát cạnh các tường nhà. Trầu cau là đầu câu chuyện, đó là lối sống của phần lớn các dân tộc Đông Nam Á trong đó có Chăm, mặc dù ngày nay chỉ có các lão bà trên 60 tuổi mới thích nhai trầu cau, các bà ít tuổi hơn thì chỉ có một số ít người thích nhai. Các trầu cau trưng bày trong Sang mâgik cũng chỉ còn mang tính tượng trưng. Các vật dụng thực hành các nghi lễ như hop hala, tin được đặt trang trọng, đặc biệt là tapeng jién[2] được thấp sáng long trọng. Trang phục các tu sĩ Bàni cũng hết sức nổi bật gồm có các khăn màu đỏ trên đầu treo dài xuống trùm hai bên trên khuôn mặt, còn khăn màu trắng thì được quấn tròn trên đầu. Sự hiện hữu của các yếu tố này giúp chúng ta thấy được bức tranh của thời xưa trong lối sống.
Một vai trò quan trọng nữa mà tôi muốn nói ở đây là sự tác động của nó tới ý thức của người dân. Trong các ngày lễ chúng ta tuyên truyền ý thực cho các sinh viên để mong họ mặc trang phục dân tộc, nhưng có mấy ai chịu mặc trang phục dân tộc? Tuy nhiên khi bước vào Sang mâgik người ta đều phải mặc trang phục truyền thống dân tộc. Nam giới thì phải mbaik khan (mặc xà rông), đàn ông lớn tuổi thì quấn thêm khan ikak akaok[3], nữ giới thì phải mặc áo dài, đầu quấn khan njrem[4] thả dài xuống để dài hai bên. Việc mặc trang phục hoàn toàn do họ tự ý thức.
Vậy điều gì khiến người ta tự ý thức?
Niềm tin tôn giáo đã khiến họ tuân thủ nghiêm ngặt những quy định từ thời trước. Điều này đã duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu học không mặc trang phục đó thì không được phép bước vào Sang mâgik, ngay cả khi ở ngoài sân họ cũng bị ngó dưới con mắt đầy ác cảm.
Sang mâgik có vai trò rất lớn cho ý thức mặc trang phục truyền thống của dân tộc Chăm. Các trang phục áo dài, khan njem, khan mbaik (xà rông), khan ikak akaok đều không phải là trang phục tôn giáo mà là trang phục dân gian của người Chăm. Vì vậy mỗi người Chăm dù ở bất kì tôn giáo nào đều là chủ nhân của trang phục này. Đó là sở hữu của tất cả người Chăm.
Vai trò Sang mâgik là rất to lớn trong việc gắn kết cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa… Chúng ta cần phải sử dụng Sang mâgik hiệu quả để phát huy thêm vai trò của nó. Ngày nay chúng ta có điều kiện để xây các Sang mâgik to lớn, khang trang hơn nên chúng ta cần tu sửa các Sang mâgik cũ để hoạt động hiệu quả hơn.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              
Kiều Dung                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  theo inrasara.com
 
Posted in: Văn hóa Champa
Be the first person to like this.