• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
70 views


(LV) - Lễ hội của người Chăm thường được coi là một trong 3 lễ hội lớn nhất ở Nam Bộ - lễ hội của người Khmer, người Hoa, người Chăm. Lễ hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm và luôn có sức hút với những đặc trưng riêng.

 

 

>>> Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận, 2012 

 

Người Chăm ở Ninh Thuận có số dân đông nhất gần 60 nghìn người, chiếm gần 50% người Chăm ở Việt Nam. Họ cư trú thuần trong từng làng palei và bảo lưu đậm nét nhiều tập tục truyền thống như nghi lễ, hội hè, tục cúng tế đền tháp, tục cưới xin, tín ngưỡng, tôn giáo, luật tục, văn chương, làng nghề… mang bản sắc văn hoá riêng.

 

Ý thức gìn giữ bản sắc của người Chăm

 

Người Chăm là một trong những cộng đồng dân tộc có tập quán, văn hóa đặc sắc, lâu đời. Điều này thể hiện ở sự độc đáo, đặc sắc trong các nghi lễ với hơn 100 lễ hội diễn ra quanh năm như: lễ Katê, lễ Rija Nưgar, lễ Rija Praung, lễ khai mương, lễ xuống gặt, lễ mừng cơm mới... Những nghi lễ ấy diễn ra trong không gian đậm sắc văn hóa Chăm nên các lễ hội có sức lôi cuốn đặc biệt. Nét đặc sắc của văn hoá Chăm còn thể hiện trong tiếng nói, chữ viết, từ nghệ thuật và kỹ thuật tạo dáng của các ngôi tháp bằng đất, các pho tượng bằng đá, đến các sản phẩm vải thêu, dệt hoa văn, dệt thổ cẩm hoặc đồ gốm và các vật dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Không chỉ có vậy, người Chăm ở Ninh Thuận còn có nghệ thuật dân ca, dân vũ, múa Chăm độc đáo đã trở thành di sản văn hóa được bảo tồn, lưu giữ không chỉ trong kho tàng văn hóa của người Chăm mà còn diễn ra hàng ngày trong đời sống, hấp dẫn khách du lịch. Hầu như mỗi làng Chăm có một đội múa riêng. Trong đó, múa quạt là điệu múa phổ thông của người Chăm. Nhạc cụ của người Chăm là trống Paranưng và kèn Saranai.

Người Chăm tự hào về những công trình kiến trúc độc đáo mà họ xây dựng, đó là ngôi tháp Chăm cổ kính. Kiến trúc dân gian của người Chăm có lịch sử lâu đời. Tất cả đã tạo nên văn hóa truyền thống của người Chăm có sắc thái riêng, cuốn hút, huyền bí và bản thân người Chăm luôn ý thức gìn giữ bản sắc của dân tộc mình.

Đó cũng là lý do mà ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận tin tưởng rằng: Văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một, thay đổi qua thời gian là điều đáng lo nhưng với người Chăm thì chúng tôi yên tâm. Những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm được bảo tồn đến ngày nay là nhờ một phần không nhỏ ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của chính cư dân bản địa. Hiện tỉnh đã thống kê được khoảng 17.000 bài viết, đầu sách nghiên cứu về văn hóa Chăm ở các lĩnh vực như nhân học, sử học, diễn xướng dân gian, các lễ hội... Ngoài ra, tỉnh luôn chú trọng đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm bằng cách thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, đoàn nghệ thuật văn hóa Chăm hoạt động thường xuyên.

Hiện nay, Ninh Thuận có hẳn một ban biên soạn chữ viết người Chăm, ở trường học trẻ em được học tiếng Chăm hết tiểu học, truyền hình có phát thanh tiếng Chăm… Đồng thời, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống của bà con dân tộc Chăm, trong đó có khai thác du lịch từ chính thế mạnh là những nét cổ truyền của văn hóa dân tộc Chăm.

Bảo tồn từ lễ hội và thúc đẩy du lịch

Lễ hội chính là môi trường tốt nhất để bảo tồn văn hóa truyền thống của người Chăm. Văn hóa tín ngưỡng chính là sợi dây vô hình kết nối họ. Với các lễ hội, Nhà nước chỉ định hướng, hỗ trợ chứ không can thiệp, họ yêu cầu gì thì cơ quan quản lý hỗ trợ cái đó, làm sao để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống được tốt, lâu nhất. Có thể có những thay đổi trong đời thường như đám cưới, trang phục… nhưng trong các lễ hội, lễ cúng thì văn hóa Chăm vẫn giữ được nguyên vẹn.

Ông Phan Quốc Anh cho biết: Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh đã có chủ trương bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp khai thác tiềm năng du lịch làng nghề bên cạnh việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc Chăm. Trong đề án đã được phê duyệt, Ninh Thuận đã đưa làng gốm mỹ nghệ Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp vào điểm du lịch làng nghề của tỉnh. Hiện làng nghề Bàu Trúc cùng nghệ thuật làm gốm của người Chăm đang được làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Công tác trùng tu các tháp Chăm cũng đã tương đối hoàn thiện. Hiện nay du khách đến khu vực đền tháp rất đông, để đáp ứng như cầu thăm quan, phục vụ tốt, tỉnh đã cho xây dựng đường lên tháp thuận tiện thăm quan và tiếp đón du khách

Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ xây dựng những điểm đến du lịch, có tour, tuyến, hướng dẫn, giới thiệu khách đến nơi đến chốn. Phát triển du lịch theo mô hình Homestay cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, đường ven biển, xây dựng, quy hoạch theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đang là hướng đi phù hợp mà Ninh Thuận lựa chọn.

Like (1)
Loading...
1