• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On October 12, 2012
62 views

 

 Pano chính thức Ngày hội Văn hóa Chăm Ninh Thuận 2012

Theo Báo Ninh Thuận đưa tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý phê duyệt  tỉnh Ninh Thuận đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm năm 2012.  Ninh Thuận là khu vực dân tộc Chăm sinh sống đông nhất [ khoảng 74 ngàn người ], tại đây, Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 10/10 đến 16/10/2012 với chủ đề “ Văn hóa Chăm – bảo tồn, phát huy và hội nhập” với sự tham gia của các tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, TP.HCM và một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Theo đó, có 6 nội dung hoạt động chủ yếu trong ngày hội là Lễ khai mạc gắn với chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Chăm; giới thiệu văn hóa ẩm thực dân tộc Chăm; Hội thảo bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Chăm; Hội chợ – Triển lãm; Thi đấu thể thao dân tộc; Chương trình giới thiệu tiềm năng, quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch tại các di sản văn hóa của dân tộc Chăm.

Đây là Ngày hội hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp như khách du lịch, các nhà nghiên cứu, nhân sỹ, trí thức dân tộc Chăm và quốc tế đến tham gia. Do đó, khâu chuẩn bị từ thiết kế chương trình đến thiết kế pano, băng rôn, áp phích để quảng cáo cho Ngày hội cần được đầu tư kĩ lưỡng để đảm bảo tính thẫm mĩ, chính xác và khoa học. Tuy nhiên, gần đây trên website www.ninhthuantourist.com có đăng tải bài  “Lịch hoạt động Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Dân tộc Chăm – Ninh Thuận 2012” với lịch trình và bảng pano chính thức của Ngày hội viết sai chính tả tên di tích tháp Po Klaong Garay.

            Tháp Po Klaong Garay là tên gọi của một cụm tháp đẹp nhất của dân tộc Champa còn tồn tại ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Tháp ngự  trên đồi Trầu [ Mbuen Hala ], thuộc vùng đất Panduranga – Champa, nay thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 9km về phía Tây Bắc. Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIV để thờ vị vua Po Klaong Giray, vị vua có nhiều công trạng trong việc duy trì đất nước Champa. Theo truyền thuyết kể lại, vị vua Po Klaong Garay còn nhỏ lấy tên là Jataol, sau khi được hai con rồng liếm sạch ghẻ lở trên người thì hóa thân thành một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú. Chính vì thế, khi lên ngôi vua Jataol xưng là Po Klaong Garay, nghĩa là ngài là Con của Rồng. [ Theo ngữ nghĩa Chăm, Po là thánh, thần, ngài,... Klaong Garay là con của rồng ].

            Trên bảng pano chính thức của Ngày hội, không biết vô tình hay hữu ý Ban tổ chức (BTC ) đã ghi sai tên một vị vua Champa, thay vì viết Po Klaong Giray thì BTC lại viết Po Klongirai. Không biết BTC  dựa vào văn bản hay quy tắc chuyển tự latinh nào mà viết tên một vi vua Champa một cách phi khoa học như vậy ?

Tên gọi mà BCT áp dụng là Po Klongirai có hai điểm sai mà tôi muốn nói đến ở đây. Thứ nhất là BTC đã không tuân thủ nguyên tắc chung về chuyển tự latinh quốc tế của ngôn ngữ chữ viết thuộc hệ Mã Lai Đa Đảo (Malayo-Polynesienne) mà ngôn ngữ Chăm nằm trong gia đình ngôn ngữ này, vì rằng, theo cách chuyển tự quốc tế mà EFEO đang áp dụng thì chữ Po Klaong Giray [ chữ Klaong Giray  = Klaong có ina akhar Ka, takai Klak và darsa traoh aw, paoh thek  +  Giray có ina akhar Ga, takai Kik, ina akhar Ra và paoh Yak ] mới chính là chữ viết đúng. Thứ hai, cho rằng BTC đang áp dụng cách chuyển tự của một số nhà làm ngôn ngữ Chăm [ có thái độ vô trách nhiệm và thiếu tính khoa học] thì từ Klongirai lại vấp phải lỗi thiếu một chữ Ga, thiếu chữ cái này thì từ Klongirai hoàn toàn không có nghĩa. Qua đó, đọc giả thấy được thế nào là thái độ thiếu nghiêm túc của cơ quan Nhà nước Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật – phi vật thể của dân tộc Chăm ngày hôm nay. Thay vì, dành một ngày để có một cuộc hội thảo với các nhà trí thức, khoa học nghiên cứu văn hóa Chăm có thái độ nghiêm túc, khoa học để bàn về tên gọi, chữ viết Chăm dùng trong Ngày hội một cách chính xác hơn thì BTC lại làm điều ngược lại.

Từ PO KLONGIRAI chuyển tự latinh sai chính tả.

Viết đúng Po Klaong Garay [ Po Klaong Giray ].

Như chúng ta được biếtáp phích, pano hay băng-rôn là phương tiện của quảng cáo truyền thông nhằm tuyên truyền thông tin một cách  phi trực tiếp giữa người với người. Chính vì thế, pano sẽ là bộ mặt của Ngày hội, sẽ giới thiệu với khán giả, khách du lịch sơ lược về nội dung và thời gian của Ngày hội. Nếu nội dung, tên gọi trên pano mắc phải sai lầm thì chúng ta không thể lường được hậu quả mà nó gây ra, sự thật bị bóp méo, mất tính thẫm mĩ và chính xác, vô hình trung khiến  khách du lịch, nhân sỹ, trí thức đến tham dự Ngày hội sẽ suy nghĩ như thế nào về kiến thức,  khả năng tổ chức sự kiện của BTC chương trình hoành tráng và qui mô đến như vậy ?

Trước đó, trên trang mạng của Báo điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch [http://www.toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/12/nghe-thuat-bieu-dien/110737/ngay-hoi-vhttdl-dong-bao-cham-2012-sap-dien-ra-tai-ninh-thuan.aspx ] có bài viết Ngày hội VHTTDL đồng bào Chăm 2012 sắp diễn ra tại Ninh Thuận của tác giả L. Nguyễn. Đọc qua bài viết này, đọc giả có thể thấy được sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm của một nhà báo làm việc cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì rằng, khi đọc đến câu“Đặc biệt, Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối ngày 14/10 đúng vào đêm giao thừa Lễ Katê của đồng bào Chăm Ninh Thuận.”thì người đọc sẽ tưởng rằng Katé là Tết năm mới của người Chăm. Không biết tác giả căn cứ vào tài liệu nào nói về Katé của người Chăm mà cho rằng đêm trước ngày lên Tháp chính thức thì gọi là “ đêm giao thừa Lễ Katê”. Chính xác hơn, Katé không phải là Tết năm mới của người Chăm mà Rija Nagar mới là lễ hội tiễn năm cũ để đón năm mới, đơn giản vì Katé được tổ chức vào đầu tháng 7 theo Chăm lịch thì tại sao gọi là “đêm giao thừa Lễ Katê” được ?

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hiện thức hóa Đề án của Chính phủ về “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Chính vì thế Nhà nước ta cần tôn trọng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Chăm, đưa văn hóa của dân tộc Chăm trở lại vị trú cũ của nó như trả lại tên gọi chính xác các vị vua Champa, không trùng tu làm thoái biến các đền tháp Champa, ngăn cấm việc tự chỉnh sửa akhar thrah Chăm truyền thống một cách tùy tiện,…là một việc làm thiết thực cần thực hiện ngay từ bây giờ.

 

Tham khảo:

www.baoninhthuan.com.vn

www.champaka.info [ Ngôn Ngữ Champa – Gs. P –B.Lafont ]

http://www.ninhthuantourist.com

http://www.toquoc.gov.vn

http://www.ninhthuantourist.com/images/stories/file/PANO%20VH%20CHAM%20%28%20TAI%20QUANG%20TRUONG%20%29%2021-09-2012.jpg

nguon: Gilaipraung.com

Like (1)
Loading...
1