• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Inrachahya
by On October 19, 2012
253 views
Độc đáo Ngày hội văn hóa vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận 2012
 
 

Trao đổi với Báo Du lịch, ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, thành viên thường trực BTC nhấn mạnh: Ngày hội Văn hóa Chăm–Katê tại Ninh Thuận lần I được tổ chức năm 2000, đã thu được những kết quả khả quan trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và đáp ứng một phần nhu cầu sáng tạo cũng như hưởng thụ văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy sản xuất, ổn định an ninh chính trị; góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

“Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận lần thứ II – 2012” diễn ra từ ngày 14/10 -16/10/2012 với sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố có mục đích, ý nghĩa rất lớn, nhằm tiếp tục tôn vinh những giá trị văn hóa lễ hội phong phú và đặc sắc của đồng bào Chăm cả nước.

Dân tộc Chăm là một trong 54 dân tộc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, từng có một nền văn minh rực rỡ cùng với những đóng góp cho sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Theo số liệu thống kê, người Chăm hiện có khoảng gần 150 ngàn người, cư trú trên địa bàn các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang và TP.HCM. Nơi có người Chăm đông nhất là Ninh Thuận, khoảng trên 60 ngàn người.

Ninh Thuận được Bộ VHTTDL ủy quyền đăng cai, tổ chức Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận lần thứ II-2012 với chủ đề: “Văn hóa Chăm - Bảo tồn, phát huy và hội nhập”, đây là một trong những hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước năm 2012, nhằm đẩy mạnh sự đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, phát triển văn hóa vùng đồng bào Chăm; đồng thời là dịp quảng bá, giới thiệu những nét sinh hoạt, những thành tựu đạt được trong đời thường về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào Chăm với cả nước cũng như du khách. Ngoài ra, hoạt động của ngày hội cũng không nằm ngoài mục đích là tôn vinh những giá trị truyền thống cũng như hiện đại của đồng bào Chăm đến với đồng bào cả nước và du khách quốc tế.

Vì vậy, BTC ngày hội hết sức quan tâm đến khâu xây dựng kịch bản, rà soát – cân nhắc rất chi tiết từng phân đoạn đối với mỗi hoạt động diễn ra trong ngày hội nhằm đảm bảo thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm, đa dạng, phong phú, độc đáo, sáng tạo, truyền thống và tiến bộ. Ngày hội Văn hóa Chăm đều do các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công,... là người dân tộc Chăm thực hiện, với sự tham gia của các chức sắc tôn giáo tiêu biểu cho hoạt động văn hóa của dân tộc Chăm. Đây là dịp để các nghệ sĩ, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo..., cộng đồng dân tộc Chăm cùng đồng bào cả nước gặp gỡ, giao lưu văn hóa, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các hoạt động ngày hội lần này chắc chắn sẽ tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, tiết kiệm và thu hút đông đảo công chúng tham gia, giao lưu, hưởng thụ, sáng tạo nghệ thuật..., tạo nên hình ảnh đẹp về dân tộc Chăm trong hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và cả nước.

Ngày hội có khá nhiều hoạt động quy mô, hứa hẹn nhiều hấp dẫn với du khách: trưng bày sản phẩm đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam; triển lãm văn hóa Chăm của các tỉnh, thành phố; triển lãm ảnh đẹp cộng đồng các dân tộc Việt Nam; liên hoan tuyên truyền, trưng bày, giới thiệu sách; biểu diễn nghệ thuật dân tộc Chăm; thi đấu bóng đá, bóng chuyền, chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, thi đội nước, dệt thổ cẩm, nặn sản phẩm gốm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, hội chợ,... diễn ra tại các địa điểm: Tháp Po Klongirai, sân vận động thôn Hữu Đức, xã Hữu Phước, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, Bảo tàng, Quảng trường tượng đài 16/4... tỉnh Ninh Thuận.

Điểm khác của ngày hội lần này so với trước là chương trình khai mạc diễn ra vào lúc 20h ngày 14/10 và bế mạc vào lúc 20h ngày 16/10/2012 tại khu di tích Tháp Po Klongirai (dự kiến truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 & VTV4) hết sức hoành tráng.

Điểm nhấn ngày hội văn hóa Chăm là lễ hội Katê truyền thống của người Chăm, có qui mô rộng lớn trên toàn khu vực cộng đồng người Chăm sinh sống, mang đậm tính dân tộc. Kể từ năm 2000, lễ hội Katê được Bộ VHTTDL xếp vào một trong 15 lễ hội lớn nhất ở Việt Nam. Lễ hội Katê được tổ chức vào đầu tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng giữa tháng 10 dương lịch). Lễ hội Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm để tưởng nhớ đến các vị Nam thần như Po Klongirai, Po Rome… Lễ hội diễn ra trong một không gian lớn từ các đền tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình. Katê cũng là dịp để người Chăm từ mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ để cùng đoàn tụ cùng gia đình bạn bè, dòng họ. Lễ hội Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm, là tấm gương phản chiếu sinh hoạt cộng đồng; nơi hội tụ những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc. Do đó, lễ hội không những gắn với đền tháp cổ kính – nơi hội tụ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật của nền văn hóa Chăm mà còn gắn với những yếu tố khác của văn hóa như: đồ cúng tế, ẩm thực, y phục… Đặc biệt, đến với lễ hội Katê, quí khách sẽ thưởng thức một nền âm nhạc độc đáo, ca ngợi các vị thần có công với thần dân, ngoài ra còn được chiêm ngưỡng một nền ca – múa - nhạc dân gian Chăm với một phong cách riêng, độc đáo.

Diệu Vũ - Trần Vượng

Nguon: baodulich.net.vn

Like (1)
Loading...
1