Blogs
Categories
Điểm dừng chân tiếp theo trong cuộc hành trình của chúng tôi là vùng đất Vĩnh Hưng, nay thuộc địa phận quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vùng đất này trước kia vốn được vua Lý Thánh Tông ban chiếu cho phép những người Chăm Pa di cư đến để sinh cơ lập nghiệp…
Thấp thoáng vùng đất người Chăm cổ
Hiện nay, làng Vĩnh Hưng trong sử sách đã được đổi thành phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Để tìm hiểu lịch sử của vùng đất này, chúng tôi đến gặp cụ Nguyễn Trịnh Phong, người được coi là pho sử sống của vùng Vĩnh Hưng. Lần giở những trang tài liệu đã ố vàng, nhiều cuốn được ghi bằng chữ nho của nhiều năm về trước. Cụ Phong cho biết, đất Vĩnh Hưng xưa là vùng của người Chăm cổ sinh sống. Cụ Phong có cho chúng tôi xem cuốn ngọc phả chép tay bằng chữ Hán do gia đình cụ Phó Tước ở thôn Đông Thiên, Vĩnh Hưng cung cấp. Cuốn ngọc phả này chứa đựng những thông tin quý giá cho thấy sự ra đời của vùng đất Vĩnh Hưng. Sau chiến thắng quân Chiêm Thành (1044), vua Lý Thánh Tông trở về có dẫn theo vương phi Mỵ Ê là vợ vua Chiêm Sạ Đẩu (Jaya Sinhavarman II). Lúc thuyền vua đến dòng sông Lý Nhân, đã cho người sang mời Mỵ Ê vào triều. Mỵ Ê đã bị đuối nước. Nhà vua vô cùng thương xót bèn ra lệnh cho người mò tìm thi thể và chôn cất chu đáo. Sau đó, nhà vua xuống chiếu cho người Chiêm (Chăm cổ) khai phá những vùng đất công bị bỏ hoang để sinh cơ lập nghiệp. Ở vùng Tây Dư, Thanh Đàm, có một thửa cho người Chiêm đến ở đó, lấy tên là Vĩnh Hưng Trang. Nhà vua còn cho phép người dân ở đây lập thảo trang để thờ chủ cũ.
Đình làng Thượng ở Vĩnh Hưng thờ Vua và vương phi người Chăm.
Để tìm hiểu những dấu ấn của người Chăm ở đây, cụ Phong dẫn chúng tôi đến di tích đình Thượng. Cụ Phong cho biết, Vĩnh Tuy (Vĩnh Hưng ngày nay) là một làng rộng có nhiều thôn, nên Vĩnh Tuy có nhiều đình. Trong đó đình làng Thượng được xem là ngôi đình chính. Đi cùng chúng tôi còn có ông Dương Huy Tản, Trưởng Ban quản lý di tích đình làng Thượng, ông cũng khẳng định dấu ấn người Chăm vẫn còn tồn tại ở đây. Ngôi đình này là nơi thờ vương phi Mỵ Ê và vua Sạ Đẩu là người Chăm cổ. Hiện ở đình vẫn còn giữ được hai ông phỗng và bát hương bằng đá cổ. Mà chỉ có người Chăm mới có tượng ông phỗng. Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ngoài đình Thượng các đình khác ở Vĩnh Hưng như đình Đông Thiên, Tân Khai cũng thờ hai vị vua, vương phi người Chăm này. Các cụ cao niên ở đây cũng cho biết biết thêm, vùng Vĩnh Hưng xưa đa phần chỉ có một dòng họ sinh sống, đó là họ Dương. Sự thuần nhất này theo nhiều tài liệu cho rằng cùng một nguồn gốc, và rất có khả năng, họ Dương ở Vĩnh Hưng chính là người gốc Chăm cổ.
Trăn trở phục dựng văn hóa cổ truyền
Mặc dù dấu ấn của người Chăm đã hiện hữu trong sử sách và các hiện vật ở Vĩnh Hưng. Tuy nhiên nguồn gốc độc đáo cũng như các yếu tố văn hóa đặc sắc này hiện đang bị lãng quên. Cụ Phong tâm sự, hiện đa phần người dân trong vùng không biết đến nguồn gốc Chăm của Vĩnh Hưng nữa. Các yếu tố văn hóa thì gần như không còn gì. Nhiều người đến lễ đình cũng chỉ biết là đình thờ đức ông, đức bà, cũng không biết là đức ông, đức bà có nguồn gốc là người Chăm cổ.
Dịp lễ hội đình Thượng, 10-8 (âm lịch) năm 2012 chúng tôi có về lại vùng đất này, song thấy cả phần lễ và phần hội ở đây không thể hiện được nhiều nét văn hóa Chăm. Các cụ cao niên ở trong vùng khi ngồi đàm đạo ở đình cũng bày tỏ nhiều trăn trở. Ông Dương Thanh Bình, Phó Ban quản lý di tích đình làng Thượng, đồng thời là người nhiều năm tổ chức lễ hội bày tỏ, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, việc giữ gìn và phổ biến các nét văn hóa truyền thống là rất khó, đặc biệt là đối với giới trẻ. Khi ông còn nhỏ, lúc nào cũng mong đến hội để được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, hội làng khi ấy luôn nô nức người xem. Nhưng trong những năm gần đây hội làng cũng không còn đông nữa. Bọn trẻ trong vùng không còn mặn mà với các lễ hội nữa.
Cụ Nguyễn Trịnh Phong trăn trở, là một người nghiên cứu lâu năm về lịch sử Vĩnh Hưng, cụ thấy vùng đất của người Chăm cổ có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc khác hẳn với vùng khác. Vì thế trong mỗi dịp lễ hội của vùng cần phục dựng các nét văn hóa Chăm. Ví dụ cần phải nghiên cứu sâu rộng hơn các yếu tố văn hóa Chăm ở đây, từ đó có nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kiến thức này đến người dân cũng như du khách trong mỗi dịp lễ hội. Trong phần hội nên đưa vào một số trò truyền thống mang dấu ấn Chăm như đua thuyền, vật…
Thiết nghĩ, việc nghiên cứu và áp dụng các yếu tố văn hóa Chăm ở Vĩnh Hưng sẽ là một điểm nhấn đáng chú ý của vùng đất này. Nó vừa lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa tạo ra được sức hút riêng so với các nơi khác. Mong rằng, trong thời gian tới các yếu tố văn hóa Chăm ở đây sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa.
Bài, ảnh: Xuân Thắng – Khởi Thủy
Theo Báo Phapluatvaxahoi
Topics:
Hành trình lật tìm dấu vết Champa ở Thăng Long – Hà Nội..., Hành trình lật tìm dấu vết Champa ở Thăng Long – Hà Nội..., Hành trình lật tìm dấu vết Champa ở Thăng Long – Hà Nội...
Be the first person to like this.