Blogs
Categories
Nghiên cứu bộ sưu tập của nhà sưu tập Hồ Tấn Phan cho thấy những tín hiệu về một cơ tầng văn hóa Champa sớm tại Huế.
Thừa Thiên-Huế là vùng đất cực bắc của vương quốc Chăm Pa trong lịch sử. Tuy nhiên, diện mạo văn hóa Chăm Pa ở Thừa Thiên-Huế đến nay chủ yếu dựa trên khối tư liệu về di tích đền tháp, kiến trúc, thành lũy, điêu khắc đá, văn bia. “Những nghiên cứu về đồ gốm Chăm Pa tại Thừa Thiên-Huế vẫn giậm chân tại chỗ kể từ sau cuộc khai quật thành cổ Hóa Châu. Tuy nhiên, ngay cả ở thành Hóa Châu, cũng chỉ phát hiện được đồ gốm Chăm Pa giai đoạn thế kỷ 9 – 10”, thạc sĩ Nguyễn Anh Thư, Viện Khảo cổ, cho biết.
Những hiện vật văn hóa Chăm sớm trong sưu tập của ông Hồ Tấn Phan - Ảnh: Thạc Sĩ Nguyễn Anh Thư cung cấp |
Trong hội nghị thông báo khảo cổ học năm 2009 đã có một bài viết về phát hiện một chiếc bình hình trứng trong sưu tập Hồ Tấn Phan (TP.Huế). Năm 2011, chị Thư có cơ may được tiếp cận với hai chiếc bình hình trứng còn lại của bộ sưu tập Hồ Tấn Phan. Đây cũng là vấn đề chị thông báo trong hội nghị khảo cổ học năm nay. “Cả hai chiếc đều là những bình hình trứng điển hình, tương tự loại hình đã tìm thấy tại Trà Kiệu và Gò Cấm”.
Chiếc thứ nhất còn khá nguyên vẹn, cao 32,5 cm, đường kính miệng 9,5 cm, dày trung bình 1 cm, cổ cao 4 cm, gờ miệng hơi loe, mép miệng đôi chỗ bị sứt. Gốm hơi thô, màu đỏ nhạt, bề mặt còn thấy rõ nhiều sạn sỏi nhỏ màu đỏ. Xương gốm chắc, độ nung vừa phải. Thân bình được trang trí văn đập thô, rãnh đập rộng 0,5 cm. Bình có dáng thuôn tròn về phần đáy giống hình trứng. Bình được làm bằng kỹ thuật dải cuộn, bên trong bình còn để lại rất rõ vết lồi lõm do bàn đập – hòn kê để lại sau quá trình tu sửa dáng.
Chiếc thứ hai đã bị mất phần miệng, chỉ còn lại phần thân phình rộng ở phía trên và thuôn dần về phía đáy, đáy nhọn, tương tự những chiếc bình hình trứng phát hiện được ở Trà Kiệu. Bình cao còn lại 23,5 cm, dày trung bình 1,4 – 1,6 cm. Gốm thô, màu đỏ nhạt, xương gốm cứng chắc, bao gồm sét và lượng lớn cát, sạn sỏi nhỏ. Thân bình được trang trí hoa văn đập thô, rãnh đập rộng 0,5 – 0,7 cm. Trên thân có một vết thủng lớn và còn nhiều vết cháy đen do lửa. Phần vai bình nơi giáp với cổ được trang trí một đường chỉ chìm.
Nhà nghiên cứu này cho biết theo ông Hồ Tấn Phan, cả ba chiếc bình hình trứng trong sưu tập của ông đều được vớt từ sông Hương lên. Phía trong lòng chiếc bình thứ nhất (được phát hiện năm 2009) còn vết rêu bám đen, có lẽ do bị ngâm nước lâu ngày. Cả ba chiếc đều có hình dáng và chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác tương tự như những chiếc bình hình trứng đã phát hiện trước đây tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. “Chúng có niên đại khá sớm, vào khoảng thế kỷ 1-2”, nhà nghiên cứu cho biết.
Cơ tầng văn hóa Chăm sớm
Nhưng sưu tập của ông Hồ Tấn Phan không chỉ có những chiếc bình hình trứng quý giá. Trong số hơn 10.000 hiện vật gốm các loại trong sưu tập này, nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Anh Thư còn được tiếp cận với những hiện vật gốm Chăm Pa khác. Chúng tương tự những hiện vật điển hình cho lớp văn hóa dưới cùng của Trà Kiệu và lớp Chăm Pa sớm của di chỉ Gò Cấm (Quảng Nam), niên đại từ thế kỷ 1-2 đến thế kỷ 3-4.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy trong sưu tập còn có những loại hình gốm khác có hình dạng, chất liệu, kỹ thuật chế tác và xử lý bề mặt và độ nung tương tự những đồ gốm tìm thấy trong các lớp văn hóa Chăm sớm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Đó là những đồ gia dụng như nồi, vò, bình, hũ, lọ, đĩa, bát chân cao, bát, cốc. Cũng có gốm trang trí kiến trúc như trụ gốm, gốm nghi lễ. Có cả dụng cụ sản xuất như ống thổi kim loại. Những hiện vật này có thể có niên đại tương đương với lớp dưới Trà Kiệu, từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 4, 5.
Khu vực Thừa Thiên-Huế cho đến nay chưa phát hiện được di chỉ cư trú Chăm sớm. Tuy nhiên, việc phát hiện 3 chiếc bình hình trứng cùng hàng chục đồ gốm khác có niên đại từ thế kỷ 1, 2 đến thế kỷ 4, 5 trong sưu tập Hồ Tấn Phan lại chỉ báo điều ngược lại. Chúng cho thấy những tín hiệu đầu tiên về một cơ tầng văn hóa Chăm Pa sớm tại khu vực Thừa Thiên-Huế vào những thế kỷ đầu Công nguyên.
Có thể tin vào điều này vì sự có mặt của những hiện vật trên cho thấy đồ gốm Chăm Pa trong sưu tập Hồ Tấn Phan không phải là những hiện vật đơn lẻ và được sưu tầm từ nơi khác đến. Theo thạc sĩ Anh Thư, đa phần hiện vật được sưu tập từ lòng sông Hương, trong một không gian không rộng lắm. Do vậy nhiều hiện vật ở đây mang đặc trưng khu vực rõ ràng. Nhờ thế, phần nào chúng giúp nhà nghiên cứu hình dung lại bối cảnh lịch sử – văn hóa của mảnh đất này trong khoảng thời gian kéo dài từ thời tiền – sơ sử đến hiện đại.
Trong điều kiện hiện nay, nguồn cung từ sông Hương đã cạn kiệt, nhiều hiện vật vớt từ lòng sông Hương và từ một số nơi khác ở Huế đã bị phân tán khắp nơi, thậm chí cả ở nước ngoài. Do vậy, những cổ vật của sưu tập Hồ Tấn Phan càng trở nên quý giá, thậm chí bảo lưu được nhiều loại hình hiện vật độc đáo mà chưa từng được tìm thấy qua khai quật khảo cổ học.
Nhận xét sơ bộ, nhóm nghiên cứu cho rằng bộ sưu tập gốm Chăm Pa của ông Hồ Tấn Phan rất phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình hiện vật. Sưu tập có nhiều nét tương đồng về loại hình hiện vật cũng như khung niên đại của hiện vật tương tự bộ sưu tập gốm Trà Kiệu của cha An-tôn (linh mục Nguyễn Trường Thăng tại nhà thờ Trà Kiệu, Quảng Nam).
“Có nhiều khả năng lưu vực sông Hương có những di tích Chăm sớm kiểu Trà Kiệu – Gò Cấm, là một trong những trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa phân bố ở lưu vực sông như các trường hợp sông Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng”, thạc sĩ Nguyễn Anh Thư, Viện Khảo cổ, nhận định.
Trinh Nguyễn
Theo Báo Thanhnien.com.vn