• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Khánh Sơn
by On November 26, 2012
133 views

 

 

 
Vùng đất Bình Định xưa là đế đô của Vương quốc Champa (1000-1471). Trong thời gian trên dưới năm thế kỷ, biết bao thăng trầm của lịch sử đã diễn ra trên vùng đất này. Trên đất Bình Định nay còn để lại không ít dấu tích của một thời vàng son. Trong số đó, phải kể đến dấu tích của kinh thành Vijaya (thuộc xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá, An Nhơn), thành Cha (thuộc xã Nhơn Lộc, An Nhơn) và thành Thị Nại.
Thị Nại là tòa thành nằm trên địa bàn thuộc các thôn: Bình Lâm, Bình Nga Đông, Bình Nga Tây và Bình Trung, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. 
Đây là tòa thành gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Champa nên được nhắc đến khá nhiều trong thư tịch cổ. Và cũng chính vì vậy mà sau này khi nghiên cứu lịch sử Champa, nhiều học giả đã cố công đi tìm di tích tòa thành này trên mặt đất.

Cho đến đầu thế kỷ này, dường như mọi sự tìm kiếm vẫn chưa đem lại kết quả. Vào năm 1933, khi công bố tác phẩm Nhập môn nghiên cứu An Nam và Champa (Introduction à 1' étude de 1' Annam et du Champa), nhà khảo cổ học Pháp J.Y Claeys, một chuyên gia Champa học nổi tiếng, đã từng cho rằng: "đáng tiếc là tòa thành này đã bị phá hủy hoàn toàn". Hi vọng tìm thấy di tích thành Thị Nại dường như đã trở thành vô vọng..
Nhưng thật may mắn, trong mấy năm gần đây, do công việc đào đắp xây dựng của nhân dân, tại địa phận thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước đã xuất lộ nhiều đoạn tường của một tòa thành cổ. Các nhà khoa học đã có dịp đến trực tiếp nghiên cứu và đều thống nhất nhận định rằng đây là dấu vết còn lại của thành Thị Nại đã được sử sách nhắc đến.

Trong các tài liệu lịch sử, tòa thành này được chép dưới nhiều tên gọi khác nhau. Sách Kinh tế đại điển tự lục và Nguyên sử của Trung Quốc khi nói đến Chiêm Thành cảng, có đoạn viết: "Cửa cảng phía Bắc liền với biển, bên cạnh có 5 cảng nhỏ, thông với Đại Châu của nước ấy, phía Đông Nam có núi ngăn, phía Tây có thành Gỗ". Cửa cảng như mô tả trong sách có thể là cửa Cách Thử, hay Nha Phiên hải tấn, một hải cảng quan trọng của đất Đại Châu, mới bị lấp vào khoảng thế kỷ XIX. Núi ngăn phía Đông Nam chắc hẳn là dãy Triều Châu còn thành Gỗ chính là thành Thị Nại.

Vào thế kỷ XIII tòa thành này đã từng là nơi diễn ra những trận đấu ác liệt của quân Champa chống lại cuộc xâm lược trên quy mô lớn của quân Nguyên – Mông. Nằm trong chiến lược thôn tính các nước "ngoài biển" và kế hoạch hai gọng kìm tấn công Đại Việt, cuối năm 1282 vua nhà Nguyên Hốt Tất Liệt (Qubilai) đã phái một đạo thủy binh do Toa Đô (Sogetu) chỉ huy tiến đánh Champa. Ngày 30 tháng 12 năm 1282 quân Nguyên đến Chiêm Thành cảng. Quân Champa dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Indravarman đã tỏ ra quyết tâm kháng chiến. Thành Thị Nại trở thành cứ điểm tiền tiêu.

Sau nhiều ngày dụ dỗ và đe dọa nhưng không khuất phục nổi vua Champa, ngày 13 tháng 2 năm 1283 Toa Đô hạ lệnh tấn công thành Gỗ. Mặc dù đã chiến đấu vô cùng anh dũng nhưng vì thế giặc mạnh, quân Chămpa đã buộc phải rút lui. Thành Thị Nại lọt vào tay quân giặc. Tuy nhiên, quân Nguyên sau đó đã phải đối phó với một cuộc kháng chiến kiên cường, bền bỉ của quân và dân Chămpa.

Sau hơn một năm trời liên tục phải giao chiến mà không giành được thắng lợi, đầu tháng 3 năm 1284 Toa Đô đã phải tạm gác ý đồ chinh phục Champa, rút quân lên phía Bắc, vùng gần biên giới phía Nam của Đại Việt. Lực lượng này đã tham gia cuộc tiến công vào Đại Việt năm 1285 và chịu chung số phận thất bại với các cánh quân Nguyên khác. Tướng Toa Đô đã bị chém đầu trong trận Tây Kết.

Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của nhân dân Champa đã nhận được sự giúp đỡ của quân Đại Việt và đặc biệt chiến thắng oanh liệt của nhân dân Việt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên –Mông lần thứ hai diễn ra vào năm 1285 chẳng những đã bảo vệ vẹn toàn non sông Đại Việt mà còn chặn đứng được cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mông cổ xuống Champa và góp phần vào việc giải phóng hoàn toàn đất nước này.

Di tích còn lại cho thấy thành được xây dựng trên một doi đất cao nằm kẹp giữa hai phân lưu phía hạ nguồn của sông Kôn là sông Cầu Đun và Sông Gò Tháp. Thành có cấu trúc hình chữ nhật, chiều dài chạy theo hướng Đông-Tây đo được 1.300m, chiều rộng hơn 600m. Dấu tích thành còn rõ nhất ở mặt Bắc. tại đây tường thành chạy dọc theo sông Gò Tháp, dựa vào sông làm hào chắn tự nhiên. Vết tích còn lại là một dải gạch đổ dài trên 200m, trên đó còn một đoạn tường khá nguyên vẹn. Tuy đoạn tường còn sót lại chỉ dài gần 4m, cao 1,2m nhưng cũng đủ để hình dung về cấu trúc và kỹ thuật xây thành. Phần ngoài tường thành được bao bọc bằng gạch có kích thước lớn (0,36m x 0,20m x 0,07m), xây khít vào nhau, giật cấp từ dưới lên giống như kỹ thuật xây các tháp. Bề mặt phía trên tường rộng 0,8m. Bên trong phần gạch ốp, tường được đắp lèn đất rất chắc bằng đất trộn gạch vụn.

Tường thành phía Nam chạy dọc theo sông Cầu Đun. Dấu vết còn lại là một dải đất cao có bề mặt rộng tới 15-20m. Cấu tạo bên trong của dải đất này giống như phần đất đắp phía trong của bức tường thành phía Bắc. Rất có thể phần gạch ốp đã bị lấy đi để xây dựng các công trình khác.

Vết tích mặt thành phía Đông là một dải đất cao với hàng loạt các gò đống nối tiếp nhau, trên đó gạch xây dựng còn vương vãi ngổn ngang. Phía bên ngoài tường thành còn rõ dấu tích một con hào phòng thủ rộng đến 30m, nối thông hai con sông Gò Tháp và Cầu Đun. Rất có thể ở mặt thành này vào thời kỳ chống quân Nguyên-Mông, người Chămpa đã gia cố thành bằng một hàng rào gỗ.

Tường thành phía Tây chỉ còn lại dấu vết trên một dải đất trộn lẫn gạch vỡ lèn cứng rộng khoảng 4-6m.

Đất trong thành hiện nay đã biến thành ruộng. Khi canh tác dân địa phương thường gặp các vỉa gạch Chàm và mảnh ngói vỡ. Đặc biệt, rải rác ở khắp nơi còn có nhiều gò, đống như gò Nhang, gò Miếu, gò Đôi, gò Hời… Rất có khả năng đó là nền móng của các công trình kiến trúc xưa trong thành.

Trong quần thể kiến trúc liên quan đến thành Thị Nại, còn rõ nhất là một ngôi tháp nằm ở phía Đông thành là tháp Bình Lâm. 
Thành Thị Nại cổ đóng vai trò vừa là quân cảng (phòng thủ về quân sự) vừa là thương cảng (trao đổi thương mại). Khi vai trò quân cảng không còn nữa, người Champa đã xây dựng thương cảng Thi Nại khá quy mô. Tàu buôn các nước trong khu vực đã đến đây buôn bán, trao đổi hàng hóa với Champa; hàng hóa Champa cũng từ đây xuất đi các nước trong khu vực. Tư liệu về những con tàu đắm tìm thấy tại các vùng biển Pandanan, Bornéo ở Philippines đã chứng minh điều đó. Đã trên 1.000 năm nhưng dấu vết về thương cảng cổ được ghi chép trong lịch sử vẫn chưa tìm thấy.
Trên vùng biển Nhơn Hải thuộc TP Quy Nhơn, Bình Định ngày nay hiện vẫn còn một bờ thành chìm dưới lòng biển. 
Bờ thành nối hai bờ vách núi, chính giữa có chừa khoảng trống cho thuyền vào ra. Bờ thành này chỉ nhìn thấy khi thủy triều xuống, còn khá nguyên vẹn và chắc chắn. Bề mặt bờ thành phẳng, chưa xác định được độ cao. Về vật liệu, bờ thành không xây bằng đá hoặc gạch truyền thống mà là bằng hồ vữa. Điều chưa lý giải được là làm thế nào trong môi trường nước biển, mà người Champa lại xây dựng được một bờ thành như vậy. Thật là một kỳ tích!Thi Nại (hay Thị Nại) trên vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) xuất hiện từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15, cách nay gần 1.000 năm dưới Vương triều Vijaya. Tại đây, người Champa đã hình thành nên một thương cảng khá sầm uất. Một tòa thành trong lịch sử có vai trò to lớn trong việc giao thương giữa Champa với bên ngoài. Thi Nại vừa là quân cảng (phòng thủ về quân sự), vừa là thương cảng (trao đổi thương mại).Thương cảng Thi Nại có một vị trí xứng đáng dưới Vương triều Vijaya, chính vì vậy người xưa đã cho xây dựng thương cảng khá quy mô, tàu buôn các nước trong khu vực đã đến cảng này để trao đổi buôn bán với Champa, và hàng hóa Champa cũng từ cảng này xuất đi trao đổi với các nước trong khu vực.Tư liệu về những con tàu đắm tìm thấy tại các vùng biển Pandanan, Bornéo ở Philippines đã chứng minh điều đó. Đã trên 1.000 năm, dấu vết về thương cảng cổ được ghi chép trong lịch sử vẫn chưa tìm thấy.Gần thành thị nại này, còn lại một bia đá. Giống như bia Thanh Sơn (Hoài Châu, Hoài Nhơn) được người Pháp kiểm kê năm 1932, bia Hải Giang cũng được khắc trên một tảng đá tự nhiên nằm sát bờ biển, chân sườn núi đâm ngang ra biển giữa thôn Hải Giang và thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải thuộc bán đảo Phương Mai, TP Quy Nhơn.
 Bán đảo Phương Mai là một hệ thống núi đá trùng điệp, phía Đông và Nam là biển, phía tây tiếp giáp đầm Thị Nại, phía Bắc nối liền với huyện Phù Cát bởi dãy cồn cát kéo dài 5km. Nơi đây, từng chứng kiến nhiều biến cố lịch sử qua các thời đại từ Champa đến Đại Việt. Thời Lý (1010-1225) có sự kiện Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang đem quân vào giúp vua Chiêm dẹp loạn đóng quân ở Tam Tòa, chân núi phía Tây - Nam bán đảo Phương Mai. Để tưởng nhớ công lao Uy Minh Vương, vua Chiêm đã cho xây dựng đền Tam Tòa để thờ ông. Khi vua Lê Thánh Tông đem quân vào đánh Chiêm, đến đây cầu đảo đã phong cho Uy Minh Vương – Lý Nhật Quang là “Tam Tòa Sơn Thần”, các triều đại sau đều có sắc phong tặng. Hiện nay dấu tích vẫn còn.
 Trong nhiều năm gần qua, trên khu vực Hải Giang đã phát hiện một số di tích văn hóa Champa. Đáng chú ý là tượng “Phật Lồi” (tượng Bồ Tát) được nhân dân phát hiện chôn dưới chân đồi, đưa lên lập chùa thờ tự.
 Ngoài ra, còn một số di tích văn hóa Champa khác như Gò Luôn, Ụ Đầm Bé, gò Giếng Hời… tìm thấy rất nhiều gạch đá và bình hũ sành.
 Bia Hải Giang là một khối đá lớn nhô ra biển, cao khoảng 5m, dài hơn 10m, tạo một hang đá nhỏ, tục danh là hang Bà Dăng. 
Theo các cụ già nơi đây cho biết: Dân làng phát hiện xác Bà Dăng nằm chết ở hang đá này, nên lấy tên bà đặt cho tên hang đá. Và gọi bia là “Hòn Đá Chữ” hang Bà Dăng. Nội dung bia được khắc trên đỉnh của vách đá, chiều dài khoảng 5m và chia làm hai phần riêng biệt, bởi mặt vách đá hai bên lệch nhau 50cm. Một bên có chiều rộng 60cm, khắc 3 hàng chữ; một bên rộng 80cm khắc 4 hàng chữ, cao 10cm, nét chữ khắc vuông. Nhận định ban đầu: Bia Hải Giang khắc kiểu chữ Champa cổ thuộc giai đoạn muộn cùng thời với hai bia khắc trên đá tự nhiên khác là bia Cà Xơm (huyện Vĩnh Thạnh) và bia Thanh Sơn (huyện Hoài Nhơn), khoảng thế kỷ XIII - XIV.
 Bia nằm sát bờ biển, mùa mưa bão sóng vỗ mặt bia nên chữ không còn sắc nét. Gần đây, có một số người đến khu vực “Hòn Đá Chữ” hang Bà Dăng đào xới tìm vàng và dùng hồ xi măng bôi lên mặt bia làm cho nét chữ càng mờ. Sau khi phát hiện, tấm bia này đang được cán bộ ngành bảo tồn bảo tàng bình định tiếp tục nghiên cứu  \
                                                                               qui nhơn 07/07/2007  
Like (3)
Loading...
3