• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Thạch Ngọc Xuân
by On January 2, 2013
138 views

Theo tin nhanh 26/12/12 của Champaka.info kêu gọi đóng góp ý kiến cho trang mạng này ngày một tốt đẹp hơn và được cộng đồng mến chuộng. Tôi có vài lời như sau dầu cho có gây shock cho Champaka thế nào đi nữa thì đây chỉ là ý kiến cá nhân riêng lẻ và trung thực của tôi.

Champaka.info

Tin Nhanh

26-12-2012

Thăm dò ý kiến

Sau ngày ra mắt vào tháng 4 năm 2012, trang web Champaka.info đã đón nhận hơn 200 000 lần lượt vào của độc giả mà đa số là những thành phần trí thức, các tổ chức của nhà nước, các cơ quan báo chí và chuyên gia nghiên cứu chứ không phải là quần chúng đại trà đi tìm đọc và xem phim ảnh để giải trí. Đây là điều đáng khích lệ vô cùng lớn lao cho cơ quan ngôn luận duy nhất của dân tộc Chăm tại hải ngoại.

Năm 2012 sắp qua. BBT Champaka.info muốn thăm dò dư luận độc giả để biết :

1). Một biến cố đáng chú ý nhất đã xảy ra vào năm 2012 mà Champaka.info đã trình bày trên trang web

2). Một nhân vật tiêu biểu nhất có công trình đấu tranh nổi bật cho dân tộc Chăm hay là có thái độ làm phiền hà nhiều nhất đến xã hội Chăm.

Câu trả lời xin ghi vào trong phần Về Champaka (trang nhà)

Nhân dịp này, xin chúc quí độc giả lời chúc an khang và thinh vượng cho năm 2013

BBT Champaka.info 

Làm truyền thông là đem thông tin trung thực, khách quan đến với mọi người cụ thể là các nhà báo không ngại đến tính mạng của mình đưa tin về Syria, Afganistan, Irak v.v…

 Nhưng tôi thấy Champaka làm nhiều điều không nhỏ ngược lại và cứ tự cho mình là cơ quan ngôn luận đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc Champa và tự cho mình có cái quyền phê phán hay xuyên tạc ai đó. Sau đây là vài góp ý nhỏ cho Champaka như sau :

---Những sai trái trên trang mạng truyền thông Champaka.

*Sau ngày ra mắt vào tháng 4 năm 2012, trang web Champaka.info đã đón nhận hơn 200 000 lần lượt vào của độc giả mà đa số là những thành phần trí thức, các tổ chức của nhà nước, các cơ quan báo chí và chuyên gia nghiên cứu chứ không phải là quần chúng đại trà đi tìm đọc và xem phim ảnh để giải trí. Đây là điều đáng khích lệ vô cùng lớn lao cho cơ quan ngôn luận duy nhất của dân tộc Chăm tại hải ngoại.

-Theo tin Champaka đã được hơn 200.000 lượt đọc giả truy cập vào để xem. Tôi tin chắc rằng tôi và một số Mikwa bị tra tấn bởi Champaka. Vì chúng ta không chủ động truy cập vào trang web Champaka để xem mà bị động do Champaka tự động gửi vào hộp thư. Nếu hôm nào may mắn thì nhận được thông tin bổ ích cần biết thì tốt. Còn lại là những tin sai sự thật, tuyên truyền, chửi nhau, xuyên tạc người khác v.v… Như vậy là sai nguyên tắc của truyền thông báo chí.

-Các bài viết trên Champaka là ẩn danh (no name) cũng sai nguyên tắc truyền thông báo chí, trốn tránh trong vỏ bọc Ban Biên Tập (BBT Champaka). Trong trường hợp có đưa thông tin sai, xuyên tạc, tuyên truyền vẫn an tâm là không bị lộ danh tính nhưng người chủ biên của Champaka cũng không chịu trách nhiệm và phủi tay trước bài viết đó.

*Tượng thờ vua Po Rome là thần Siva, ô. Dharma cho rằng tượng thần có 6 tay phải là thần Siva chứ không phải là vua Po Rome : Sai.

Linga có khắc hình tượng vua (thần) gọi la Mukhalinga như ở tháp Po Rome, Po Klaun Garai v.v… là tượng của vua Po Rome và vua Po Klaun Garai chứ không phải là Siva. Tượng Siva ở các tháp là những lá nhĩ có tạc tượng được đặt trên cửa ra vào tháp. Nên hầu hết tượng Siva trên các tháp Chăm đều tương tự như nhau. Còn Mukhalinga là tượng nhà vua hoàn toàn khác nhau như Po Rome, Po Klaun Garai, tượng vua ở các tháp Bình Định, tháp Yang Prong v.v… . Theo tín ngưỡng tâm linh Champa vua là hiện thân của thần Siva (nhiều tài liệu Pháp, Việt… đã viết) trái với người Việt và Trung Hoa vua là thiên tử, con của trời.

Cụ thể là Mikwa và các thành viên Champaka hãy xem trang 79, từ dòng thứ 14 đến dòng 18 (Vương quốc Champa , Địa dư, Dân cư và Lịch sử / Lafont do Hassan Poklaun dịch) : “Vì rằng dân tộc Champa ở miền Nam không tôn thờ đấng Siva …..” Vậy đâu là đúng đâu là sai.

*Kate là lễ tục của người Chăm Ahier ( Balamon ) : sai  

Nếu xét về từ nguyên (étymologie) bản thân từ Kate thì Kate không phải là từ tiếng Phạn mà là một từ thuần Chăm.

-Trong “ Nouvelles Recherches sur les Chams” của Antoine Cabaton phần chú thích cuối trang 37 nói về Kate như sau, trích “ Ici ce mot que je rends par “fête” exprime proprement l’idée de manger et signifie exactement “offrir un repas aux divinités”; il marque l’action repétée et présente le triple sens de repas, de fois et de porte; repas, pour marquer l’action journalière de manger; fois parce qu’il exprime une action qui se réitère; porte, par allusion au movement de va et vient d’une porte”. Ở đây nói việc dâng cúng các bữa ăn cho thần. Thần ở đây bao hàm tổ tiên, vua chúa, đất, rừng, sông, núi, biển ….đối với người Champa, cư dân canh tác lúa nước ở miền đất khô cằn của miền Trung Việt Nam. Đối mặt với thiên nhiên không mấy thuận hòa cho canh tác để có miếng ăn trong đời sống hàng ngày nên cái Ăn rất quan trọng đối với họ. Cũng như các cư dân Đông Nam Á, việc cúng tế luôn luôn gắng liền với cái Ăn, từ cúng người chết trong ma chay, cúng tổ tiên, cúng thần đều có ăn uống, họ tư duy một cách đơn giản là nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của họ cần đến ăn uống thì người chết, tổ tiên và thần đều có nhu cầu ấy.

-Trong “ Histoire ancienne des États hindouisés d’Extrême – Orient / G.E Coedès (Cổ sử các quốc gia Ấn độ hóa ở Viễn Đông dịch bởi Nguyễn thừa Hỷ)”. Từ dòng 9 trang 40 đến dòng 9 trang 41. Trích “ Trước khi tiếp xúc với văn hóa Ấn độ, người Chăm cổ đã biết canh tác ruộng nước, thuần dưỡng trâu bò, đã biết sử dụng thô sơ các kim loại, kỷ xảo đi thuyền, về mặt xã hội, vai trò quan trọng của giới nữ và quan hệ nối dõi theo dòng mẹ, tổ chức xã hội xuất phát từ những nhu cầu thiết yếu qua canh tác ruộng nước, về mặt đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vật linh, tục thờ cúng tổ tiên và thờ thần đất, đặt những nơi thờ cúng ở trên cao, tục mai tang người chết trong các chum hay các mộ đá dolmen. Về mặt thần thoại, một thuyết lưỡng nguyên về vũ trụ, đối lập núi với biển, giống có cánh và giống ở nước, người trên vùng cao và người ở bờ biển; về mặt ngôn ngữ học, cách dùng tiếng nói đơn âm, có được một khả năng phong phú để biến tấu như vào những tiền tố, hậu tố và trung tố”. 

Qua đó chúng ta thấy người Chăm cổ cũng như các cư dân Đông Nam Á khác là cư dân có văn hóa lúa nước, theo chế độ mẫu hệ, thờ cúng tổ tiên và đa thần, tư duy theo thuyết lưỡng nguyên (phồn thực / âm dương), mai táng người chết trong mộ chum. Tất cả những điều trên đều tồn tại cho đến ngày nay duy chỉ có mai táng người quá cố trong mộ chum không còn. Điều này cho thấy phần mai táng  đã được chuyển sang hỏa táng, phải chăng để linh hồn người chết mau siêu thoát, ảnh hưởng tôn giáo Ấn độ về phần Chết . Do đó ngày nay các vị chức sắc Po Basaih, Po Adhia chỉ lo việc hỏa táng cho dân và kể cả vua và dâng cúng các vị vua sau khi mất đã hóa thần (phần chết) trong dịp Kate trên các tháp. Còn các dịp lễ cúng khác trong năm không thấy sự hiện diện của họ. Như vậy việc cúng ở nhà làng và tại gia đình vào dịp Kate không phải là thờ cúng tổ tiên sao!!! Kể cả người Chăm Bani cũng vẫn còn giữ lễ tục này trong ngày lễ Ramuwan.

Như vậy tín ngưỡng người Champa không phải là Balamon như mọi người đã lầm tưởng mà tín ngưỡng tâm linh của người Champa bản địa từ trước cho đến nay, cư dân văn minh lúa nước là thờ cúng tổ tiên và đa thần xuyên suốt qua triết thuyết vũ trụ luận lưỡng nguyên : phồn thực, âm dương cụ thể qua bộ Linga và Yoni trên các tháp được xây dựng trên cao có phần ảnh hưởng tôn giáo Ấn độ trong việc thờ thần Siva trong tổ chức xã hội và vương quyền của nhà vua chứ không phải tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày và đời sống tâm linh của họ hoàn toàn theo Ấn Giáo. 

Người Pháp sang Việt Nam, thấy choáng ngộp bởi nền văn minh Champa qua các đền tháp, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, bia ký và cho là người Champa theo tôn giáo Balamon. Vì các bia ký và đền tháp chỉ ghi lại, nói lên sinh hoạt cung đình chỉ xoay quanh vua chúa Champa chứ không phản ảnh sinh hoạt dân chúng Champa nên chúng ta không được biết sinh hoạt người Champa ở miền Bắc (từ Nha Trang trở ra Quảng Bình vì họ không còn và đã bị đồng hóa).

Chúng ta không thể lấy cái riêng lẻ (phần chết ảnh hưởng văn hóa Ấn độ) nói lên cái bao trùm, cái chủ đạo, thờ cúng tổ tiên và đa thần được. Ai trong chúng ta cũng đều biết phạm trù nào rộng lớn bao trùm phạm trù nào. Trong đời người, từ khi mới sinh ra đến chết qua rất nhiều giai đoạn và biết rằng cái chết là giai đoạn cuối cũng không kém phần quan trọng. Các sinh hoạt hàng ngày của người Chăm Ninh Bình Thuận và các lễ cúng trong năm của họ gần đây qua các lễ như Iew Prok, Puis, Payak, Kate, Rija Dayuap, Rija Harei… nói lên việc thờ cúng tổ tiên và đa thần còn các lễ cúng Ngak kabaw chok Yang Patau, Kap Kraung Halau, Palau Sah, Iew Po Bhum…nói lên nhu cầu thiết yếu về tâm linh của người Chăm trong việc canh tác lúa nước. Nếu cho rằng người Chăm theo tôn giáo Balamon thì cả một hệ thống Ciet Prok Tra, Muk Rija, Muk Buh, On Kathar, On Muduon, On Kain v.v… đều xếp vào hệ thống tôn giáo Balamon sao!!!!

Nghiên cứu Champa không phải là nói lại theo sách các nhà khảo cứu Pháp mà ta phải lấy đối tượng người Chăm mà xem xét về sinh hoạt và tập tục của họ và tư liệu của người Pháp là phần tham khảo chứ không phải là yếu tố chính.

-Theo ô. Dharma, Kate là lễ tục nhằm tôn vinh Po Yang Ama (Nam Thần), tức là đấng Shiva. Ca-mbur là lễ tục nhằm tôn vinh Po Yang Ina (Nữ Thần), tức là Po Ina Nagar (phu nhân của Shiva). Nhưng nhân dịp Kate và Ca-mbur, Ong Kadhar cũng thường hát bài tôn vinh một số vị thần linh khác. Đây là danh sách 53 vị thần linh được ca tụng trong ngày Katê và Ca-mbur mà BBT Champa.info xin đăng lại một lần nữa để bà con Chăm nắm vững về yếu tố lịch sử của Kate.

- Kate là lễ tục ra đời vào triều đại Po Rome mà các bậc tu sĩ Chăm Bà La Môn (Po Basaih, Po Adhia) đưa ra định nghĩa rõ ràng: Kate tok dah ka Yang Ama, ám chỉ Kate là lễ tục nhằm tôn vinh Nam Thần, tức là đấng Shiva. Ca-mbur tok dah ka Yang Ina, tức là Nữ Thần, ám chỉ cho Po Ina Nagar, phu nhân của Shiva. 

Nếu Kate là lễ tục cúng dành cho nam thần vậy lễ cúng Po Nagar ở làng Hữu Đức/Ninh Thuận cũng cùng ngày với các vị vua Po Rome và vua Po Klaun Garai thì ông giải thích ra sao?

Sau đây là danh sách các vị thần được tôn vinh trong ngày lễ Kate trong bài viết của ô. Dharma :

1). Po Thun Girai Thun Cek – 2. Po Girai Bhaok – 3. Po Bia Binân – 4. Po Rome – 5. Po Sah – 6. Po Inâ Nagar – 7. Po Pan – 8. Po Klaong Kasat – 9. Cei Tathun – 10. Po Praok Thuer – 11. Praok Dhar – 12. Po Ginuer Matri – 13. Po Bia Nai Kuer – 14. Po Bia Patao Yang-in – 15. Po Tang – 16. Po Gihlau – 17. Po Biruw – 18. Po Riyak – 19. Po Li – 20. Po Phuatimâh – 21. Po Than – 22. Po Thai – 23. Po Tang Haok – 24. Ong War Palei – 25. Cei Sit – 26. Cei Praong – 27. Cei Dalim – 28. Cei Sak Bingu, 29. Po Haniim Pan – 30. Nai Mâh Ghang Tang Nagar – 31. Po Patao Binthuer – 32. Dam Mbaok – 33. Dam Mbung – 34. Dam Tiap Pabuei – 35. Dam Tiap Pabaiy – 36. Yang Brait Yang Bri – 37. Po Mangi – 38. Po Manguw – 39. Nai Carao Craoh Bhaok – 40. Kadit Tanaow – 41. Kadit Binai – 42. Bia Soy – 43. Bia Binân – 44. Bia Juk – 45. Nai Lileng Tabeng Mâh – 46. Nai Lileng Bingu Tapah – 47. Po Kathit – 48. Po Kabrah – 49. Po Klaong Halau – 50. Po Klaong Can – 51. Patao Tabai – 52. Bia Mahik – 53. Ong Pasa Muk Cakléng.

Theo ô. Dharma là Kate là lễ tục người Chăm Ahier / Balamon, trong 53 vị thần được tôn vinh này, tôi không thấy vị thần nào thuộc Ấn Độ Giáo cả và những vị thần sau đây : 1. Po Bia Binân, 2. Po Inâ Nagar, 3.Po Bia Nai Kuer, 4. Po Bia Patao Yang-in Po Phuatimâh, 5. Nai Mâh Ghang Tang Nagar, 6. Nai Carao Craoh Bhaok, 7.Bia Soy, 8. Bia Binân, 9. Bia Juk, 10. Nai Lileng Tabeng Mâh, 11. Nai Lileng Bingu Tapah và 12. Bia Mahik đều là nữ thần, tại sao họ lại được tôn vinh vào ngày Kate như nam thần, mong ông giải thích.

---Theo ô. Dharma, Dựa vào danh sách này, Châu Văn Thủ nêu ra ai là vua chúa hay anh hùng liệt sĩ Champa được tôn vinh trong ngày Kate? Có chăng ông Châu Văn Thủ đã nhầm lẫn giữa thần linh Champa và bậc tiền nhân Champa để rồi Châu Văn Thủ tìm cách bào chữa cho sự sai lầm của mình.

Một số là thần linh có xuất xứ từ văn chương huyền thoại, như Po Thun Girai, Po Girai Bhaok, Cei Dalim, Cei Tathun, Po Klaong Kasat, v.v. Bên cạnh nhóm này, có 5 vị vua Panduranga, chứ không phải vua liên bang Champa, được phong thần sau ngày từ trần, đó là Po Binthuer (1316-1361/1306 1328), Po Kathit (1421- 1448/1433-1460), Po Kabrah (1448-1482/1460-1494), Po Klaong Halau (1568-1591/1579-1603) và Po Romé (1627-1651). Trong ngày lễ Kate, 5 nhân vật lịch sử này được tôn thờ dưới danh nghĩa là vị thần linh Champa chứ không phải là vua chúa Champa trong nghĩa rộng của nó. 

Câu “Có chăng ông Châu Văn Thủ đã nhầm lẫn giữa thần linh Champa và bậc tiền nhân Champa và đoạn “Bên cạnh nhóm này, có 5 vị vua Panduranga, chứ không phải vua liên bang Champa, được phong thần sau ngày từ trần, đó là Po Binthuer (1316-1361/1306 1328), Po Kathit (1421- 1448/1433-1460), Po Kabrah (1448-1482/1460-1494), Po Klaong Halau (1568-1591/1579-1603) và Po Romé (1627-1651)” hơi khó hiểu. Các Po như Po Binthuer (1316-1361/1306 1328), Po Kathit (1421- 1448/1433-1460), Po Kabrah (1448-1482/1460-1494), Po Klaong Halau (1568-1591/1579-1603) và Po Romé (1627-1651) là người thật việc thật có trên bia ký và sử sách sau khi chết được phong thần. Như vậy, ở đây có sự khác biệt giữa thần và tiền nhân hay không Mikwa? Theo tôi họ là tổ tiên của người Champa bao gồm tiền nhân đã sản sinh ra dân tộc Champa ngày nay kể cả vua chúa được phong thần có công trong việc chống quân xâm lược nhà Hán Trung Hoa, Đại Việt, Java, Khmer v.v…

-Một số là thần linh có xuất xứ từ văn chương huyền thoại, như Po Thun Girai, Po Girai Bhaok, Cei Dalim, Cei Tathun, Po Klaong Kasat, v.v. Bên cạnh thần linh mang nguồn gốc địa phương, có một số thần linh mang nguồn gốc Mã Lai-Hồi Giáo như Po Li, Po Phuatimâh, Po Biruw, Po Haniim Pan, Nai Mâh Ghang Tang Nagar, v.v. Số còn lại thì không có lai lịch rõ ràng như thần Yang Brait, Yang Bri, Po Mangi, Po Manguw, Nai Carao Craoh Bhaok, v.v. và một số khác mang tên gọi rất là đặt biệt, như các vị thần Dam Mbaok, Dam Mbung, Dam Tiap Pabuei, Dam Tiap Pabaiy, v.v.

Theo các nhà khoa học Lịch sử và văn hóa về dân gian, huyền thoại mang dáng dấp lịch sử, câu chuyện người thật việc thật được thần thánh hóa mà chúng ta chưa sưu tầm hết, nhận xét và đánh giá đúng và cho là hoan đường vì không có trên bia ký hay trong tài liệu trên lá buông, giấy Dó. Không phải là chúng không tồn tại mà vì chúng ta chưa tìm thấy hoặc chúng bị đốt hay phá hủy trong chiến tranh. Những gì ta thấy, ta hiểu thì cho là thật như huyền thoại về Po Klaun, Po Rome v.v…

-Theo Ô. Dharma : Ý nghĩa Kate, một lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay. “Dù Kate là lễ tục của người Chăm Ahier cũng như lễ Ramawan là lễ tục của người Chăm Awal, nhưng hai lễ tục này đều có giá trị văn hóa ngang nhau, cấu thành di sản văn hóa của Champa mà cộng đồng người Chăm dù là Chăm Ahier, Chăm Awal hay Chăm Islam đi nữa phải có nghĩa vụ bảo tồn, phát triển”. Mikwa và tôi chẳng thấy người Chăm Islam nào bảo tồn Kate cụ thể là họ không cùng tham gia tổ chức lễ Kate cùng với người Chăm được gọi là Ahier. Điều này dẫn đến việc chia rẻ tai hại giữa cộng đồng Chăm Islam và Chăm Ahier.

*Kate Sacramento, Kate San Jose.

Ở Hoa Kỳ, Hội văn hóa truyền thống Champa tổ chức Kate với hình thức lễ cúng tổ tiên theo truyền thống cùng với hình thức ấy Hội đoàn Bảo Tồn Văn Hóa Champa với điểm nhấn dâng vòng hoa các anh hùng liệt sỹ không phải là trọng tâm của buổi lễ. Ô.Dharma dựa vào đâu nói anh hùng liệt sỹ không phải là tổ tiên người Champa. Ông thấy sự tổ chức khác biệt ở Việt Nam là ông lên án. Vậy chữ bảo tồn và phát triển ông dùng ở trên là phải phát triển như thế nào mới đúng với ý tưởng ông. Sinh sống ở một nước tự do như Hoa Kỳ, người ta có sự tự do ngôn luận, tự do tư tưởng theo ý thức hệ của họ.

-Người Chăm ở hải ngoại chia rẻ, không đoàn kết, lắm hội đoàn.

Như tôi đã nêu ra ở trên, sống tự do trên đất nước Hoa Kỳ, người Chăm có quyền lập nhiều hội đoàn, mỗi hội đoàn hội tụ các thành viên cùng chung quê hương, làng xóm, chung trường, cùng dân tộc, cùng tư tưởng v.v…cho tiện sinh hoạt chứ không phải là họ mất đoàn kết như Champaka đã viết, người Việt Nam có hơn 100 hội đoàn ở Hoa Kỳ. Chúng ta phải có cái nhìn mới đối với dân tộc Chăm hôm nay.

-Với số lượng người Chăm ít ỏi, họ lại tổ chức Kate ở 2 nơi Sacramento và San Jose là chia rẻ.

Không đúng, tổ chức 2 nơi là hợp lý. Mỗi hội đoàn có chủ trương khác nhau (tự do tư tưởng, tự do ngôn luận), hơn nữa 2 thành phố lại cách xa nhau không tiện cho việc chuẩn bị và tổ chức. Cũng như người Chăm ở Việt Nam, mỗi làng tự tổ chức lấy Kate chứ không gộp lại tổ chức cùng một nơi. 

--Điệu múa Apsara của hội đoàn Văn hóa truyền thống Champa là lõa thể, trần truồn.  Ô. Dharma và các thành viên của Champaka có một cách nhìn hẹp hòi về văn hóa, hơn nữa Mikwa và tôi chẳng thấy ai trong số các ông am hiểu về nghệ thuật sân khấu, ngôn ngữ múa… Xin lỗi các ông, các ông bảo là lõa thể, trần truồn vậy xin hỏi nhỏ các ông thấy cái gì của họ. Các ông nói bảo tồn và phát triển văn hóa mà nói người làm văn hóa Chăm như thế là xúc phạm. Cô Thanh Hòa là người biên đạo vỡ múa với tựa đề “Một thoáng Chăm” theo phong cách hiện đại chứ không liên quan gì đến bài múa “Apsara” của đạo diễn Đặng Hùng. Nếu ông thấy bài múa “Apsara” của Đặng Hùng là lõa thể, trần truồn thì ông và BBT Champaka viết thư phản ánh với ông ta chứ đừng chụp mũ người Chăm mình dưới mọi hình thức. Các ông phải có một cái nhìn mới đối với sinh hoạt cộng đồng Chăm hôm nay trên đất nước tự do Hoa Kỳ. Thế trong Khai Mạc Hội luận Champa lần 2 tại San Jose, múa khai mạc hội là điệu vũ thiếu nữ “Doa chaw” là một bài vũ truyền thống Chăm sao? Không thấy Champaka viết bài nhận xét. Chắc có lẻ không phải là nhiệm vụ của cơ quan ngôn luận đấu tranh bảo vệ văn hóa Champaka!!!

-Tuyên truyền, xuyên tạc nhằm bôi nhọ trí thức Chăm.

Các bài viết Champaka hay lập đi lập lại các thông tin cũ như vụ Akhar Thrah của BBS sách chữ Chăm, vụ bầu cử dân biểu, vụ con heo quay… Theo truyền thông, một tin được lập đi lập lại nhiều lần là tin tuyên truyền. Khổ nỗi là những vị liên quan đến vấn đề đều còn sống cả. Sao Champaka không gặp họ để trao đổi và viết một cách trung thực về những tin trên. Có lẻ Champaka sẽ nói là không phải trách nhiệm của một cơ quan ngôn luận đấu tranh bảo vệ văn hóa Champa. Chửi, xuyên tạc và bôi nhọ trí thức Chăm trốn trong vỏ bọc BBT Champaka là tiếng nói đấu tranh bảo vệ văn hóa Champa. Còn sự phản biện ngược lại của trí thức Chăm là hạ bệ uy tín ô.Dharma hoặc là Chăm gian. Thế là thế nào Mik wa???

*Akhar Thrah và BBS sách chữ Chăm.

Theo ô.Dharma Akhar Thrah có từ thời vua Po Rome (1627-1651) có nghĩa là vào thế kỷ XVII cho đến nay thế kỷ XXI là bốn thế kỷ. Không có một khiếm khuyết nào chúng ta không được phép sửa chữa hay chuẩn hóa. Khiếm khuyết ấy là bất quy tắc trong ngôn ngữ viết Chăm, Akhar Thrah. Đã có nhiều bài viết phản hồi qua lại trong vấn đề Akhar Thrah, tôi không nhắc lại vì Mik wa cũng đã am tường.

Theo tôi được biết buổi ban đầu chỉnh sửa chữ viết Chăm, gồm có các cụ trí thức uy tín lúc bấy giờ là các ông Lâm Nài, Qua Đình Bồi, Thiên Sanh Cảnh và Lâm Gia Tịnh là những người thông thạo tiếng Chăm đã rất chu đáo và rất dè dặt trong vấn đề chỉnh sửa. Qua không dưới 40 phiên họp lớn nhỏ đã được tổ chức và đặc biệt là ở hội nghị quyết định cuối cùng thì có đủ thành phần tiêu biểu: nhân sĩ, trí thức, tu sĩ Chăm Balamon và Bani cùng với các nhà khoa học ở trung ương và có sự hiện diện của chủ tịch UBND tỉnh. Ở đây cho ta thấy là một việc làm thận trọng và có cân nhắc với mục đích làm trong sáng tiếng Chăm, Akhar Thrah.

Bất kể vật gì từ cụ thể cho đến trừu tượng, muốn tồn tại phải phát triển cho phù hợp với giai đoạn hiện hữu của nó. Trong ngôn ngữ cũng vậy, người Champa đã vay mượn chữ Phạn làm ngôn ngữ viết từ thế kỷ thứ II, văn bia Võ Cạnh và đã phát triển qua nhiều giai đoạn Akhar Rik, Akhar Yok, Akhar Tuol và nay là  Akhar Thrah. Gần gủi chúng ta ngôn ngữ viết của người Việt, từ sử dụng tiếng Hán ban đầu rồi đến chữ Nôm và nay là chữ Quốc ngữ do cha cố Alexandre de Rhodes (1591 – 1660), người Pháp dựa vào mẫu tự La tinh để mã hóa kinh thánh để giảng đạo cho người Việt trong vòng 6 năm (1624-1630) và soạn cuốn từ điển đầu tiên Việt – La - Bồ năm 1651 tại Rome. Tiếng Việt được hình thành vào thế kỷ XVII được Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) tiếp nối và phát triển. Ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ là tờ Đăng Cổ Tùng Báo. Chúng ta đọc những tiểu thuyết của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Tự Lực Văn Đoàn và tiếng Việt ngày nay là thấy quá trình phát triển và trong sáng của nó. Cụ thể từ “blời thời Alaxandre de Rhodes thành trời” ngày nay và gần đây từ “thang vang” trước có g nay được chuẩn hóa thành “ than van “ không có g.

Còn trong tiếng Pháp chữ C trước nguyên âm được đọc là cờ (K) trước các nguyên âm  a (car/ bởi vì), o (cocotier/cây dừa), u (culasse/cần lên cò súng) và được đọc là xờ (X) trước nguyên âm i (citron/chanh) là bất biến. Còn nếu chữ C trước các nguyên âm a, u, o, muốn đọc thành xờ thì phải thêm móc câu dưới chữ C tiếng Pháp gọi là Hamecon, bản thân từ này chữ C cũng phải có móc câu; ca va, recu; 2 chữ C này đều phải có móc câu. Móc câu không có trong hệ thống chữ cái tiếng Pháp. Chẳng có ai bảo tiếng Pháp là lai căng và di sản văn hóa bị phá sản.

*Chuyện bằng cấp giả thật của Thành Thanh Dãi.

Việc này có đáng để Champaka phải viết nhiều bài hạch hỏi và chất vấn như vậy không? Tệ hại hơn nữa việc trao đổi giữa 2 bên đã dùng những từ và lời lẻ thô tục như người bán cá ngoài chợ, ngoài đường phố.  Bằng cấp chỉ là một sự công nhận trình độ hửu hạng nào đó của một người trong chuyên môn nào đó chứ không phải là tất cả. Quan trọng là người đó có những công trình gì ích lợi cho cộng đồng. Trước năm 1975, tôi còn nhớ có lẻ ông Nguyễn Bạt Tụy thì phải, là người không có bằng cấp nhưng ông chuyên nghiên cứu về người Chăm, với sự hiểu biết không ít về Chăm, ông đã xin dạy trường Đại học Đà Lạt nhưng các Cha đã từ chối nhưng về sau khi biết được về ông, các Cha mời ông giảng dạy, ông lại từ chối. Vậy nếu một người chịu khó học hỏi, chuyên tâm nghiên cứu một vấn đề gì thì họ cũng có thể am hiểu một vấn đề nào đó như chuyên gia.

*Cựu Quốc Vương Campuchia Norodom Sihanouk đã qua đời vào ngày 15-10-2012 ở Bắc Kinh, hưởng thọ 90 tuổi. Đây là sự mất mát lớn đối với Campuchia nói chung và cộng đồng Champa nói riêng, một tập thể dân tộc bản địa mà Quốc Vương không ngừng giúp đở trong những thời vùng dậy của phong trào Fulro nhằm đòi quyền tự trị ở miền trung Việt Nam.

Ai cũng biết Bắc Kinh là thủ đô của Trung Cộng, một nhà nước Cộng sản. Sau khi bị tướng Lonol lật đỗ, quốc vương Sihanouk đã chạy sang Bắc kinh tỵ nạn. Sau đó ông xin chủ tịch Mao Trạch Đông ủng hộ Kmer đỏ. Tổ chức Fulro gặp không ít nguy hiểm vối Khmer đỏ. Sau khi giải phóng được Kampuchia, họ đã giết hại nhiều người Chăm ở đấy kể cả gia đình ông Ibờham, lãnh tụ Fulro tại tòa đại sứ Pháp. Các lãnh đạo Khmer đỏ mời Sihanouk về nước, lúc ấy đang ở Bắc Hàn, để xem tiến trình sự nghiệp cách mạng của họ. Vừa xuống phi trường và trên đường về thủ phủ Pnom Penh, ông Sihanook thấy đất nước tan hoan, đổ nát, không dân chúng và ông rất khiếp sợ. Khmer đỏ dự trù dùng ông làm tấm bình phong trong quan hệ quốc tệ nhưng ông từ chối và nói là đang có bệnh và khéo léo xin đi chữa bệnh nên ông đã tiếp tục đi tỵ nạn ở Trung Cộng.

2). Một nhân vật tiêu biểu nhất có công trình đấu tranh nổi bật cho dân tộc Chăm hay là có thái độ làm phiền hà nhiều nhất đến xã hội Chăm.

Đây có phải hàm ý nói đến ông Dharma chăng? Ông Dharma có nhiều công trình khoa học bổ ích về văn hóa Chăm nhưng cũng không ít điều gây phiền hà cho cộng đồng Chăm như tôi đã trình bày ở trên.

Thể theo thư thăm dò ý kiến đọc giả của Champaka, tôi bỏ chút thì giờ góp ý quý đặc san như lời yêu cầu. Mặc dù lời góp ý của riêng cá nhân tôi không như mong đợi của Champaka. Nhưng sự thật là thế. Ta không thể nhìn thấy bản thân mình mà phải qua cái gương (kính) mới thấy rõ mình.

Cuối cùng tôi mong rằng ô. Dharma và các thành viên của Champaka nên có nhiều tin bổ ích khoa học về văn hóa Chăm và đừng thấy mình có cái Chữ, học vị, học hàm mà ảo tưởng với chính mình để thủ đoạn với người khác. Còn những Mikwa đọc giả nào nhận được thư điện tử của Champaka là xóa bỏ vì họ quá hiểu Champaka thì tôi không có ý kiến, còn những ai có thiện chí mở ra xem nếu nhận thấy những điều gì sai trái thì đừng nói lại cho người khác nghe. Những ai có tinh thần đấu tranh với đúng và sai, giữa thiện và ác thì nên có bài viết phản hồi.

Kính chào Mik wa và BBT Champaka và chúc mọi người Một Năm mới an lành và hạnh phúc.

Ja Intan.

Like (1)
Loading...
1