• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Thạch Ngọc Xuân
by On January 2, 2013
325 views

Nhà thơ Đồng Chuông Tử 

Vừa qua, tôi có chút việc về Phan Rí, sẵn tiện tạt qua Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận, thì được Giám đốc Lâm Tấn Bình, đưa đọc bài báo còn nóng hổi trên tay “Sao lại đóng đinh tháp Po Sah Inư?” của tác giả Hà Thanh Tú, đăng trên Báo Bình Thuận cuối tuần, số 4616, ra ngày 28.12.2012. Bài báo viết thật cảm động và phản ánh trúng vấn đề, gây nhiều bức xúc cho dư luận cộng đồng người Chăm, hậu duệ chủ nhân của bạt ngàn đền tháp Chăm mọc lên bí ẩn dọc dài miền trung của đất nước. Trong đó có đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi và sinh viên Chăm, mà hôm ấy bắt gặp bài báo. 

Là một người con Chăm sinh trưởng tại quê hương Bình Thuận giàu đẹp và anh hùng, mặc dù thường xuyên xa quê, nhưng qua Báo Bình Thuận online tôi luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi lấy làm vui mừng trước nhịp điệu đi lên của tỉnh nhà, cũng như trăn trở, đau đáu về nhiều vấn đề còn tồn đọng khó khăn. Ở vị thế một nhà thơ, tôi cũng có nhiều bài thơ cho quê hương Bình Thuận biển xanh nắng vàng mơ mộng, cho tháp Po Sah Inư huyền bí linh thiêng, đơn độc trên đồi cao “thi gan cùng tuế nguyệt” thấm đẫm tinh thần minh triết Chăm.Và chuyện về cái đinh ở tháp Po Sah Inư mà bài báo nêu thực sự khiến tôi sững sờ và buồn bã . 

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhưng không kém phần mỉa mai là có vị cán bộ Ban quản lí di tích nọ, một phần nhờ trình giải pháp thắp sáng cụm đền tháp này mà cuối năm được Sở biểu dương khen thưởng. 

Còn nhớ, từ rất sớm, năm 1991, tháp Po Sah Inư đã được nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Và là một trong những đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Luật di sản. Hành vi tác động dù nhỏ nhất liên quan đến di tích này, phải được sự cho phép của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, huống hồ là việc đóng đinh lên tháp. Dù rằng Bộ đã giao trách nhiệm cho địa phương quản lí, nhưng di tích còn chịu sự điều chỉnh của Luật di sản. Mọi dự án xâm hại đến di tích là trái luật, buộc phải tháo dỡ và nghiêm trọng thì có chế tài. 

Cũng thật lạ lùng, trải dài khắp miền trung nước ta, nhiều dự án khi áp dụng giải pháp chiếu sáng cho tháp, các địa phương ấy đã làm hết rồi và làm tốt nữa. Các địa phương đã đưa ra phương án kĩ càng, tỉ mỉ từng thao tác chi tiết, hạn chế tối đa mức độ tác động lên di tích. Ngay cả chiếu sáng, cũng chiếu sáng có chừng mực và chừa ra một khoảng không gian an toàn. 

Ở những địa phương có sự hiện diện của Tháp Chăm nên lấy làm hãnh diện vì điều đó. Bởi Tháp Chăm không chỉ dừng lại ở cấp độ là di tích cấp quốc gia, mà cao hơn Tháp đã là di sản vô giá của nhân loại. 

Trao đổi với tôi qua điện thoại, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara cũng thể hiện sự bức xúc về chuyện đóng đinh lên tháp Po Sah Inư. Ông hứa sẽ có bài viết ra tấm ra món trên Báo Bình Thuận hay Báo Trung Ương. 

Khi được tôi hỏi “Ông nghĩ sao về vấn đề này?” Giám đốc Lâm Tấn Bình, Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận, chưa thôi hốt hoảng, nói “Tôi thực sự lo lắng cho tháp Po Sah Inư”. Cũng câu hỏi tương tự, sinh viên năm cuối Trà Giang, Khoa bảo tồn bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh trả lời trong nghẹn ngào “ Em thấy đối xử với di tích cấp quốc gia như vậy thật là thô bạo, sai quy cách bảo tồn”. 

Nhất là với ngành văn hóa, thiết nghĩ hơn lúc nào hết, đất nước cần những hiền tài thực sự, bởi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đất nước thịnh suy, mạnh hay yếu, gánh vác phần to lớn chính là hiền tài.

Po-Xah-Inu1

Po-Xa-Inu-3

Po-Xah-Inu2

Posted in: Tin cộng đồng
Be the first person to like this.