<table style="color: #333333; font-family: Helvetica, Arial, sans-serif; font-size: 12px; line-heigh...
Trước năm 1975, dân tộc Chăm là thành phần dân bản địa được hưởng qui chế “tự quyết và tự quản” về chủ quyền đất đai, biên giới thôn làng, phong tục tập quán, di sản văn hoá và đời sống tâm linh. Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam xoá bỏ qui chế tự quyết và tự quản này, biến dân tộc Chăm thành tập thể vô sản nghèo đói và bần cùng bằng cách chiếm đoạt tài sản và ruộng đất của người Chăm, trưng dụng đất đai thuộc về đền tháp và thánh đường, chưa nói đến chính sách lấn áp mồ mã tổ tiên của dân tộc này. Đó là những biến cố tang thương nhất đã làm đảo lộn hệ thống kinh tế, văn hoá truyền thống và đời sống tâm linh của dân tộc Chăm gần 4 thập niên qua mà độc giả có thể nhận diện qua kiến nghị thư mà Hội Đồng Phát Triển Văn Hoá-Xã Hội Champa có trụ sở ở Hoa Kỳ đã đệ trình lên chính phủ Việt Nam vào ngày 12 tháng 5 năm 2014:
Hội Đồng Phát Triển Văn Hoá-Xã Hội Champa
THƯ KIẾN NGHỊ
Kính gửi:
- Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
- Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
- Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Trích yếu: Vấn đề đất đai thuộc về đền tháp và nghĩa trang của dân tộc Chăm
Kính thưa quí vị:
Chúng tôi thuộc Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa có trụ sở tại California, Hoa Kỳ, trân trọng kính đệ trình quí lãnh đạo những nỗi bức xúc và nguyện vọng chính đáng của cộng đồng Chăm trong và ngoài nước như sau:
Dân tộc Chăm là hậu duệ của vương quốc Champa ngày xưa, hiện nay chỉ còn khoảng 120.000 người, cư trú tập trung trong hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, một số ít ở tỉnh An Giang và Tây Ninh.
Từ thời vua Thiệu Trị đến thời Việt Nam Cộng Hòa, các chính phủ này đã ưu ái dành cho dân tộc Chăm một qui chế nâng đỡ đặc biệt. Người Chăm được quyền quản lý một vùng đất đai rộng rãi riêng biệt cả đồng bằng lẫn miền núi để sinh sống và phát triển kinh tế. Các làng xã Chăm đều trực thuộc một huyện do ông huyện trưởng người Chăm cai quản. Nhờ áp dụng qui chế thông thoáng và phù hợp với nếp sống văn hóa truyền thống của người Chăm nên đã đem lại cho dân tộc này một cuộc sống an bình và phát triển mọi mặt. Mối giao hảo giữa hai dân tộc Chăm-Việt từ đó cũng được gắn bó bền chặt trên tinh thần tương kính, cảm thông.
Nhưng từ năm 1975 đến ngày hôm nay, dân tộc Chăm phải trải qua một cuộc sống vô cùng bấp bênh, tương lai mù mịt. Đất đai, tài sản lâu đời do tổ tiên họ để lại, nay nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thu hồi quản lý. Người Chăm mất đất canh tác, buộc lòng phải lang bạt khắp nơi xa lạ để làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày. Cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn dẫn đến tình trạng đạo đức suy đồi, tiêm nhiễm mọi thói hư tật xấu của một xã hội đầy bon chen, dối trá. Chính sự thay đổi môi trường sống này đã đưa đẩy xã hội Chăm rơi vào cuộc khủng khoảng trầm trọng.
Suốt 39 năm qua, không những mất đất đai canh tác, người Chăm còn chứng kiến đất thổ cư, đất đền tháp, đất nghĩa trang tổ tiên của họ cũng bị lấn chiếm thường xuyên. Điển hình như:
Tại tỉnh Bình thuận: chính quyền cho xây dựng Đàn Tiên Nông trong khu đất làng Chăm thuộc xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình; di dời mồ mả Chăm ở thị trấn Lạc Tánh, huyệnTánh Linh để lấy đất làm đường; lấn chiếm đất nghĩa trang Palei Ka-rang, huyện Tuy Phong để cất nhà, xây trường học, làm lối đi; xây chùa chiền trong vùng đất tháp Po Sah Anaih, thị xã Phú Hài, Phan Thiết.
Tại tỉnh Ninh thuận: chính quyền bao che cho một số cá thể người Kinh quật mồ, lấn chiếm đất nghĩa trang người Chăm có tên gọi là Darak Anaih ở thôn Khánh Nhơn và Ka-nduk ở thôn Vân Sơn thuộc huyện Ninh Hải để cất nhà, trồng hoa màu v.v.; dựng tượng Phật trong nghĩa trang Chăm thôn Chất Thường, huyện Ninh Phước.
Ngoài ra, các đền tháp Chăm ở hai tỉnh Ninh thuận và Bình thuận đều bị chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ. Mỗi khi tổ chức các lễ tục trên tháp, Cả sư Chăm phải làm đơn xin phép chính quyền. Người Chăm muốn lên tháp cầu nguyện hay dâng lễ phải mua vé vào cửa như khách du lịch. Cửa tháp được mở toang suốt ngày đêm để phục vụ khách du lịch, một điều tối kị đối với tín ngưỡng dân tộc Chăm. Từ thời Thiệu Trị đến năm 1975, mỗi đền tháp và thánh đường người Chăm được hưởng một số ruộng đất gọi là kỵ điền để canh tác lấy hoa lợi hầu mua sắm lễ vật thờ cúng và thù lao hàng năm cho giới tu sĩ Chăm Bà La Môn và Chăm Bani. Ngày nay, nhà nước tịch thu hết ruộng kỵ điền. Kể từ đó, các bậc tu sĩ vừa mất phần thù lao, vừa phải nai lưng đi quyên góp từng hộ gia đình Chăm để mua sắm lễ vật cúng tháp, trong khi đó Ban Quản Lý đền tháp của nhà nước thu tiền du lịch hàng tỷ đồng mỗi năm, không hề chi phí cho lễ tục cúng tháp một đồng xu nào. Thật là tội nghiệp và đau đớn cho dân tộc Chăm!
Các vụ việc nêu trên đều được người Chăm nhiều lần thỉnh nguyện lên chính quyền các cấp và yêu cầu giải quyết nhưng vẫn im lìm. Các cơ quan ngôn luận trong và ngoài nước như Web Dân Làm Báo, Web Champaka.info cũng đã nhiều lần đưa tin, viết bài phân tích tỉ mỉ, thấu tình đạt lý về tình trạng nhà nước quản lý đền tháp Champa, lấn chiếm đất đai nghĩa trang tổ tiên người Chăm là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến đời sống tâm linh của dân tộc này. Đặc biệt, một số mạng web trên thế giới cũng lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam hãy trả lại đền tháp cho người Chăm thờ tự và cúng kính theo tục lệ của họ phù hợp với Hiến Pháp Việt Nam và quyền tự do tín ngưỡng khi so sánh với những tôn giáo khác như Phật Giáo, Công Giáo, v.v...
Thể theo nguyện vọng chính đáng của dân tộc Chăm và sự ủng hộ rộng rãi của đồng bào Việt Nam, Hội Đồng chúng tôi tha thiết thỉnh cầu quí cấp lãnh đạo rộng lượng cứu xét những điều sau:
• 1/ Chính quyền hãy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai (Sổ Đỏ) cho tất cả khu đất thuộc về đền tháp, thánh đường và nghĩa trang của dân tộc Chăm.
• 2/ Xử lý nghiêm minh những trường hợp buộc người Chăm di dời mồ mã hay lén lút lấn chiếm đất đai thuộc về đền tháp và nghĩa trang người Chăm hầu né tránh những xung đột có thể xảy ra làm mất tình đoàn kết dân tộc.
• 3/ Chính quyền tỉnh Ninh thuận và Bình thuận hãy trao trả lại các đền tháp cho đồng bào Chăm quản lý theo đúng như Hiến Pháp Việt Nam ban hành về quyền tự do tín ngưỡng để đồng bào Chăm được tự do hành đạo trên các đền tháp theo đúng tín ngưỡng truyền thống của họ.
• 4/ Nghiêm cấm những hình thức tín ngưỡng khác như thiết lập bài vị, bàn thờ, đền thờ hoặc xây dựng các miếu chùa bên trong hay xung quanh đền tháp và nghĩa trang của người Chăm để bảo vệ cảnh quang tôn nghiêm của khu di tích lịch sử quốc gia.
Sự tận tình giúp đỡ của quí cấp lãnh đạo là một ân huệ lớn lao đối với dân tộc Chăm.
Chúng tôi xin chân thành cảm tạ.
Sacramento, ngày 12 tháng 5 năm 2014.
Andrew Tu
Chủ tịch Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa
TB: Bản sao Thư Kiến Nghị xin kính gởi Quí Vị sau đây để tham chiếu:
- Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Ninh Thuận
- Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Thuận