<p>Po Dharma là người Chăm tỉnh Ninh Thuận. Năm 1972, tổ chức Fulro gởi ông sang Pháp du học tại đại...
Po Dharma là người Chăm tỉnh Ninh Thuận. Năm 1972, tổ chức Fulro gởi ông sang Pháp du học tại đại học Sorbonne-Paris. Sau ngày tốt nghiệp bằng tiến sĩ, ông trở thành chuyên gia nghiên cứu của Viện Viễn Đông Pháp đặc trách về Champa học. Năm 2003, ông lên chức phó giáo sư làm nghề giảng dạy tại một số đại học ở Paris và ở khu vực Châu Á.
Sau 30 năm nghiên cứu, ông đã xuất bản 12 tác phẩm về lịch sử và nền văn minh Champa và 7 công trình nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết Chăm mà ông là chủ biên, chưa nói đến 45 bài khảo luận đăng rải rát trên báo chí khoa học thế giới. Sử thi Akayet Dowa Mano là tác phẩm số VIII của tiến sĩ Po Dharma do Thư Viện Quốc Gia Mã Lai và Viện Viễn Đông Pháp xuất bản tại Kuala Lumpur vào năm 1998 gồm có 215 trang. Đây là công trình nghiên cứu song ngữ (Pháp và Mã Lai) viết chung với G. Moussay và Abd. Karim, nhằm giới thiệu Akayet Dowa Mano, một tác phẩm văn học rất nổi tiếng trong kho tàng văn chương Chăm.
Tác phẩm Akayet Dowa Mano là công trình nghiên cứu nhằm trình bày mối liên hệ, những điểm tương đồng và sự khác biệt giữa Akayet Dowa Mano của dân tộc Chăm và Hikayat Dewa Mandu của dân tộc Mã. Bên cạnh đó, công trình này còn giới thiệu những diễn tiến cốt truyện qua bài tóm tắt nội dung của tác phẩm, kèm theo bản phiên âm Latinh để giúp những ai không đọc được chữ Chăm và bản Akhar Thrah được đánh lại qua máy vi tính. Sau cùng là bản tra tất cả từ vựng có mặt trong tác phẩm này.
Gần hơn 4 thập niên qua, các nghiên cứu ở phương Tây không ngừng bàn đến nguồn gốc xuất xứ của Akayet Dowa Mano. Theo các nhà nghiên cứu này, Akayet Dowa Mano của dân tộc Chăm là tác phẩm ra đời sau Hikayat Dowa Mandu của dân tộc Mã. Và Akayet Dowa Mano chỉ là chỉ là công trình sáng tác dựa vào nội dung Hikayat Dowa Mandu nhằm truyền bá chủ thuyết Hồi Giáo vào cộng đồng Chăm.
Để trả lời cho lý thuyết vừa nêu ra, Ts. Po Dharma đưa ra quan điểm hoàn toàn khác biệt. Theo Ts. Po Dharma, Akayet Dowa Mano không thể ra đời sau sử thi của dân tộc Mã được. Vì rằng, cho đến hôm này người ta không biết Hikayat Dewa Mandu được sáng tác vào năm nào và người ta cũng không có tin tức gì về niên đại ra đời của Akayet Dowa Mano. Chính vì nguyên nhân đó, Ts. Po Dharma đưa ra kết luận rằng Akayet Dow Mano của dân tộc Chăm và Hikayat Dowa Mandu của dân tộc Mã có thể là hai sáng tác văn học mang tính cách độc lập, đã diễn ra vào hai thời kỳ hoàn khác nhau và tại hai nơi chốn cũng khác nhau, nhưng dựa vào nội dung chung của một sử thi nào đó mà người ta chưa biết nguôn gốc ở đâu.
Theo Champaka.info