Written by Abd Karim
Hiện nay, trong làng người Chăm còn lưu giữ nhiều bản "Ariya Glang Anak&...
Written by Abd Karim
Hiện nay, trong làng người Chăm còn lưu giữ nhiều bản "Ariya Glang Anak". Tuy nhiên, các bản văn này phần nhiều là sự sao chép qua lại, không có sự sai biệt lớn, nên không thể gọi là dị bản. Thí dụ như, trong sưu tập của Thành Phần có ít nhất 3 bản Ariya Glang Anak, mang mã số : TP. N° 223 trang 1-35; TP. N° 349 trang 1-73; TP N° 340 trang 3-137.
Ở Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) cũng có ít nhất cũng 4 bản Ariya Glang Anak dưới các mã số : CAM 137 (4), CAM 149 (5), CAM MICRO 18 (1), CHCPI 1 và những bản này đã được đưa vào thư mục «Catologue des manuscrits cam des bibliothèques francaises» EFEO xuất bản, năm 1977.
Bản Ariya Glang Anak được chúng tôi mang ra giới thiệu dưới đây là bản của CHCPI 1. Bản này được các ông Ja Mata Harei, Ja Yaparang, Luw Kuang Thrang, Lam Ya Tin, Thuan Weng Nien sao lại vào năm 1968 khi họ đang làm việc hay có mặt ở Trung Tâm Văn Hóa Chàm Phan Rang.
Ariya Glang Anak, một tuyệt tác văn học và là một văn kiện lịch sử quan trọng của dân tộc Chăm viết vào ngày thứ Sáu, mùng mười, tháng hai, năm Mùi, tức là năm Ât Vị 1835 theo như câu 82 của Ariya Glang Anak «Kami sarak di dalam ariya, nasak pabaiy bulan dua sa pluh bingun Suk tanyruah», tức là năm cuối cùng của chiến tranh đồng khởi dưới sự chỉ đạo của Ja Thak Wa chống lại quân xâm lăng của triều đình Huế.
Tác phẩm văn học bằng thơ này, tuy chỉ khoảng 120 câu, nhưng đầy ấp các triết luận về cuộc sống, nhiều áng văn mang tính kinh điển cũng như sự thâm sâu của các ngôn từ được sử dụng. Ariya Glang Anak còn là một thi phẩm đề ra cho người Chăm một "sinh lộ" trong điều kiện họ không còn lối thoát trước sự tiêu diệt tàn bạo của đoàn quân Minh Mạng sau ngày Champa mất nước vào 1832 và sau cuộc cách mạng đồng khởi của Ja Thak Wa vào năm 1834-1835, thất bại.
Một điều đặc biệt khác, là so với các tác phẩm có mặt trong kho tàng văn học Chăm, Ariya Glang Anak là tác phẩm gây ra nhiều sự ngộ nhận. Sự ngộ nhận này không giới hạn trong quần chúng bình dân Chăm, mà ngay cả với các vị được cho là uyên thâm ngôn ngữ Chăm, như : Lưu Quí Tân, «Cổ thư Chăm», trong Phổ Thông. Thiên Sanh Cảnh «Tiên đoán» trong Nội San Panrang, số 1, 1972, trang 13-14, và v.v… khi các vị này hiểu đơn thuần từ "glang anak" trong tiêu đề thi phẩm có nghĩa là "tiên đoán", đồng thời xem nó là một tập sấm kí, trong khi đó từ "glang anak" ở đây, có nghĩa là "nhìn về phía trước" hay với nghĩa rộng và hàm ý hơn là "tìm một sinh lộ".
Nội dung sơ lược
Ariya Glang Anak đúc kết lại các diễn biến thời cuộc của một vị lão thành người Chăm, trước hoàn cảnh đất nước Champa bị Đại Việt (Việt Nam) thôn tính và bị tàn phá dưới thời Minh Mạng vào những năm 1832-1835.
Vị lão thành này ( tác giả Ariya Glang Anak ) đã cho thấy những sự hoảng loạn, nỗi khiếp sợ cũng như sự xáo trộn của xã hội người Chăm khi quân giặc kéo vào giết chóc, đốt phá hầu hết các làng mạc của dân tộc này. Quân xâm lược ngay tức khắc xô đổ nền tảng xã hội Champa. Làm cho giá trị luân lý đạo đức nhanh chóng xuống cấp, lòng người trở nên nham hiểm khó dò, lòng ganh ghét lấn át tính khoan dung, sự hận thù dấy lên tràn ngập, cái ác lấn chiếm cái thiện, và cộng đồng người Chăm chìm hẳn vào trong đêm tối. Quân xâm lược cũng đã bày ra một xã hội mới trên đống hoang tàn này. Những người có năng lực, có hiểu biết và đức độ được coi là rường cột của đất nước thì bị quân giặc vứt ra rìa, bị kết án, tù đày hay bị khống chế, chỉ những kẻ phàm phu tục tử, ương hèn, không biết gì hơn ngoài sự xu nịnh, chạy theo chân giặc, thì được quân giặc dùng để cất nhấc lên trở thành quan quyền, có dịp ngồi trên, đứng lên đè đầu cỡi cổ nhân dân. Tất nhiên, những phần tử này chỉ là công cụ để cho quân xâm lược sai khiến. Do vậy, mà xã hội Chăm trở nên tồi tệ hơn.
Trong cơn bão loạn và trong đêm tối của dân tộc Chăm, Ariya Glang Anak cố gắng phát thảo một sinh lộ, và đưa nó ra như một cái phao hay đóm lửa soi đường cho người Chăm còn sống sót bám lấy, để cho họ khỏi chìm hẳn hay mất dạng trong đêm tối.