Khánh Sơn
On June 3, 2012
8 views
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
DI TÍCH THÀNH CỔ ĐỒNG DƯƠNG
- “Theo công bố năm 1901 của L. Finot, đã phát hiện ở Đồng Dương 229 hiện vật, trong đó có pho tượng Phật bằng đồng nổi tiếng cao hơn 1m - một trong những tượng Phật cổ nhất và vào loại đẹp nhất ở Đông Nam Á.

Một năm sau, năm 1902, nhà khảo cổ học người Pháp H. Partmentier đã tiến hành khai quật Đồng Dương, phát hiện quần thể kiến trúc lớn vào loại bậc nhất và cũng độc đáo nhất của Champa và Đông Nam Á...”.

Phần trước của tháp Sáng năm 2006 khi dân làng chưa trồng cây lấy gỗ trong khu di tích - Ảnh: H.V.M.
Đó là những mô tả ngắn gọn của phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) về tầm vóc vĩ đại của Đồng Dương - Phật đô và cũng là kinh đô Champa hơn ngàn năm trước. Cũng theo ông Doanh: “Toàn bộ khu di tích là những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330m theo hướng từ tây sang đông. Trong đó khu đền thờ nằm trong một vành đai hình chữ nhật dài 300m, rộng 240m, có tường bao quanh...”.

Phật viện Đồng Dương và kinh thành Indrapura:

- Khu di sản khảo cổ duy nhất, nổi bật toàn cầu.

- Đại diện một kiến trúc Phật viện cổ duy nhất trong kinh đô Indrapura của Champa xưa.

- Tồn tại gần 600 năm.

- Mang nội hàm của một di sản thế giới.

TS TRẦN BÁ VIỆT

Sau ngày phô ra được với hậu thế chút vàng son còn lại của mình, suốt hơn trăm năm qua Đồng Dương hoàn toàn bị chìm trong quên lãng để rồi ngày nay chỉ còn lại cảnh đổ nát hoang tàn do đạn bom chiến tranh cùng sự xâm hại của con người.
Tháp linh trong ký ức dân làng

Từ ngã tư Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trên quốc lộ 1A rẽ sang quốc lộ 14E đi khoảng 12km, rồi theo đường làng chừng 400m là đến với Đồng Dương. Tên di tích được gọi theo tên làng, trước khi được người Pháp khám phá từng được ghi trong Đại Nam nhất thống chí (triều Nguyễn) trong phần tỉnh Quảng Nam: “Huyện Lệ Dương có hai tháp ở làng Đồng Dương. Hai tháp cách nhau 15 trượng, có một tòa cao bốn trượng, xây gạch trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó 40 trượng có nền cũ”. Làng Đồng Dương nay thuộc xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình.

Di tích quốc gia được công nhận từ năm 2001 nay chỉ còn hai trụ cùng một mảng tường gầy guộc, lở lói được chống đỡ tứ bề, bao quanh là rừng cây trồng sát chân tường. “Đây là phần trước của tháp Sáng. Những năm 1964-1965, tháp Sáng còn khá nguyên vẹn, thiếu nhi tụi tui thường vào trong tháp vui chơi. Năm 1967, bom Mỹ đánh sập tháp Sáng, chỉ còn mấy cái trụ đó!” - ông Trà Tấn Vụ, bí thư thôn Đồng Dương, kể. Bia đá - “tấm căn cước” của Đồng Dương - nằm chơ vơ trên đất, bị mưa nắng trăm năm bào mòn mặt chính, chỉ còn đọc được chữ ở hai mặt hông. May mà khi đến đây các học giả Pháp còn có thể đọc được những con chữ ở mặt chính của bia ký này!

Tháp Sáng còn khá nguyên vẹn trong khung cảnh khai quật năm 1902 - Ảnh tư liệu

Trong các phế tích Chăm ở miền Trung không đâu có lượng gạch vương vãi nhiều như ở Đồng Dương. Khắp khu rừng trồng rộng lớn trong khu phế tích, cả đường ngang ngõ dọc của làng Đồng Dương dày đặc vụn gạch đỏ au, màu đặc trưng của gạch Chăm ngàn năm trước. Đối diện tháp Sáng là tháp Tối, ở giữa là tháp Trung Tâm, tất cả nay chỉ là những đống gạch vụn bị vùi lấp dưới rừng cây. Tên gọi tháp Sáng, theo cư dân, do tháp có nhiều cửa, còn tháp Tối chỉ có một cửa.

Ngày xưa, theo lời lão làng Trà Diếu, giữa tháp Tối có giếng vuông, khi thả quả bòng xuống giếng nó sẽ trôi ra ao Vuông, một hồ chứa nước rộng gần 2ha. Thủy đạo ngầm ấy vẫn chưa được biết rõ nhưng con đường nối từ khu đền tháp chính (tháp Sáng, tháp Tối và tháp Trung Tâm) đến khu ao Vuông được các nhà khảo cổ Pháp thời đó khảo tả: “Con đường rộng, dài 763m chạy về hướng đông, tới một thung lũng hình chữ nhật dài 300m, rộng 240m”. Theo ông Trà Tấn Vụ, thung lũng đó chính là khu ao Vuông và con đường từ Phật viện đến ao Vuông được người xưa lát gạch, nay vẫn còn dấu vết ở một vài đoạn. Lão làng Trà Diếu cho rằng giữa khu đền tháp và khu ao Vuông không chênh lệch nhiều về cao độ, thế hệ ông cha của ông đã khám phá thủy đạo ngầm từ tháp Tối đến ao Vuông cũng được xây bằng gạch.

Với lớp người tuổi kề cận lục tuần như ông Vụ, tầm vóc hoành tráng của Đồng Dương vẫn còn in đậm trong ký ức họ. Sau khi chỉ cho tôi đâu là vết tích thành nội, thành ngoại vốn được xây gạch kiên cố, ông Vụ hướng dẫn tôi đến những phế tích khác khắp các hướng của làng mà theo ông: “Hồi xưa ông cha mình gọi những tháp này là tháp bót gác, có lẽ do kích thước nhỏ của tháp. Cái gần nhất cách khu tháp chính chừng 700-800m, cái xa nhất cách chừng 1.500m. Có tất cả tám tháp bót gác, riêng hướng bắc có đến bốn tháp...”. Lão làng Trà Diếu cho rằng những tháp bót gác này là tháp thờ trấn giữ khu Phật viện, người Pháp cũng khai quật các tháp bót gác này lấy tượng và tìm của báu.

Chữ khắc trên mặt hông của bia Đồng Dương còn rất rõ - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Còn in đậm trong ký ức của lão làng Trà Diếu là chuyện lấy vàng từ con voi đá đặt nơi “công viên” của Phật viện Đồng Dương: “Đó là năm Bảo Đại thứ 5 (1934), tui mới 6 tuổi, theo cha đi coi người Pháp đổ nước vô cái lỗ trên lưng con voi (đá) cái. Tại vị trí xa nhất nơi nước từ con voi chảy ra, họ đào xuống, lấy được vàng. Con voi đó được họ chở đi rồi, chỉ để lại con voi (đá) đực, không có lỗ trên lưng, còn đến bây giờ...”.

Ông Vụ vẫn còn nhớ vẻ mặt dữ dằn của pho tượng thần hộ pháp bị chở khỏi Đồng Dương năm 1962, lúc ông mới lên 7. Theo mô tả của ông Diếu, tượng các hộ pháp cao 1,14m và tượng các môn thần cao 2,15m - những tượng đá “đẹp nhất và có giá trị nhất” chỉ có ở Đồng Dương - được dựng thành hai hàng xen kẽ với những “trụ đèn” (theo cách gọi của cư dân) dọc hai bên con đường từ khu tháp chính ra bên ngoài.

Tượng voi (cách điệu) bên đường vào làng là tượng đá duy nhất của Đồng Dương được cư dân giữ lại - Ảnh: H.V.M.
Đợi chờ từ phế tích

Cả ông Vụ và lão làng Diếu đều cho rằng những người họ Trà - vốn chiếm số đông ở làng Đồng Dương hiện nay - là hậu duệ của những người Chăm tiền bối ở đất này, cùng sống chung và kết hôn với những cư dân Đại Việt đến đây trong hành trình mở cõi về phương Nam. Tuy được người Chăm chọn làm kinh đô nhưng Đồng Dương và vùng phụ cận đều không gần kề những dòng sông lớn nên đất đai cằn cỗi. Chỉ đến khi các nhà khảo cổ Pháp tới đây khai quật và nghiên cứu, người ta mới được biết những ngôi tháp cổ Đồng Dương là di tích của một tu viện Phật giáo trong lòng kinh đô Indrapura của vương triều Indrapura do vua Indravarman II sáng lập năm 875.

Lão làng Trà Diếu cho biết thời trước chiến tranh, với cư dân địa phương, những gì thuộc về di tích Đồng Dương dù chỉ là viên gạch cũng linh thiêng, không ai dám động đến nếu không muốn bị thần linh “quở phạt”. Là vị thầy cúng cuối cùng chuyên giải trừ sự “quở phạt” của thần linh, ông Diếu còn nhớ rõ những tai họa mà dân làng gặp phải khi lấy gạch ở di tích về sử dụng. Nhưng không ngờ sau chiến tranh mọi sự đều đảo lộn bởi “bom đã phá sập tháp rồi, còn gì linh thiêng nữa mà sợ!” - ông Vụ chua chát. Khi đó người Đồng Dương thoải mái lấy gạch ở di tích về xây nhà, xây chuồng trại, kéo theo cư dân ở một số làng lân cận. Dân làng đã đào bới sập cả hai vòng thành nội, thành ngoại với nhiều đoạn còn khá bề thế và nhiều người còn tìm kiếm của báu dưới lòng đất.

Năm 1978, khi đào bới ở khu Phật viện, một số người đã tìm thấy một pho tượng đồng. Sau đó dân làng quyết giữ lại pho tượng thay vì giao nộp cho ngành chức năng. Pho tượng đồng cao 1,14m, nặng 120kg này là tượng Bồ tát Lokesvara - tượng chính của thánh đường (trong khu Phật viện) - một báu vật quốc gia. “Hồi đào lên người ta làm sứt cái búp sen to bằng trái cau ở tay phải của tượng, chỉ bông sen nở ở tay trái còn nguyên vẹn. Cái búp sen được chính quyền xã hồi đó giữ lại cho địa phương, vẫn còn mãi đến giờ, được bàn giao qua mỗi đời chủ tịch xã...” - ông Vụ kể. Hai báu vật Đồng Dương không mất: tượng Phật được người Pháp khai quật năm 1901 hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, còn tượng Bồ tát Lokesvara được đặt ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

Ao Vuông trong khu thung lũng ở phía đông Phật viện Đồng Dương - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
***

Những đồng lúa chín vàng quanh khu di tích đang chờ thu hoạch. Đây là vụ mùa đầu tiên của làng Đồng Dương có được nước tưới từ đập Đông Tiễn vừa xây xong. Ông Vụ không giấu được niềm vui: “Vậy là từ nay bà con hết nỗi lo thiếu lúa ăn, mừng hết chỗ nói. Cũng mừng nữa là trên vừa có chủ trương khôi phục di tích Đồng Dương...”. Một sự trùng hợp có tính cơ duyên khi hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương” được tỉnh Quảng Nam tổ chức giữa tháng 8-2011 cũng là lúc đồng đất trong lưu vực Đồng Dương được đánh thức sau ngàn năm chịu cảnh khô hạn.

Tu bổ, tôn tạo di tích Đồng Dương khi đã quá trễ tràng sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng qua hội thảo, một số nhà khoa học cho rằng nếu kiên trì thực hiện từng bước vẫn có thể làm được, hơn thế nữa có thể tìm kiếm danh hiệu di sản văn hóa thế giới cho di tích này. Bởi theo tiến sĩ Trần Bá Việt (Viện Khoa học - công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng), so với các phế tích Chăm khác như Simhapura (Trà Kiệu, Quảng Nam) và Vijaya (An Nhơn, Bình Định), Indrapura - Đồng Dương có điều kiện bảo tồn hơn cả
Huỳnh văn Mỹ
Dimension: 280 x 280
File Size: 29.74 Kb
Like (1)
Loading...
1