Khánh Sơn
On June 3, 2012
72 views
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Từ khi lên làm vua, Nhật Lễ ít khi ngó ngàng đến việc triều chính mà bắt đầu rượu chè bê bết, dâm dật hoang đàng còn hơn cả vua Dụ Tôn trước đó. Đào hoàng thái phi cũng kiêu lộng khác thường. Hồi còn là con hát, đóng các vai Tây Vương Mẫu, Võ Tắc Thiên, Lã Hậu là những người đàn bà có đủ quyền sinh sát thiên hạ, bà cũng từng mơ ước làm sao những tuồng tích mình đóng bỗng nhiên biến thành sự thật. Nào ngờ con tạo trớ trêu lại khiến bà trở thành vị hoàng thái phi thật! Khi đã được thỏa chí bình sinh, bà chẳng coi ai ra gì nữa. Thấy các hoàng thân quốc thích vẫn còn dựa vào nề nếp cũ, can ngăn, phê phán những hành vi của Nhật Lễ, bà rất bất bình. Một hôm, khi Nhật Lễ đến viếng mẹ, Đào thị nói:
-Hoàng nhi phải biết, làm vua phải có cái quyền của ông vua. Mẹ đã đóng nhiều tuống tích xưa, mẹ biết hết. Các ông vua xưa như Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ, Tào Phi đều muốn làm gì thì làm, muốn cho ai sống thì sống, muốn cho ai chết thì chết. Đâu như hoàng nhi uống một chung rượu cũng có người can, muốn coi một tuồng hát cũng có người gián. Nhất là mấy cái ông hoàng thân cứ ỷ thân tộc, vai trên, luôn ngăn cản những cuộc vui của hoàng nhi, như vậy làm vua đâu có sung sướng gì? Hoàng nhi phải làm sao cho họ khiếp sợ, không dám can gián gì nữa, đó mới thật là oai quyền của một ông vua!
Nhật Lễ nói:
-Thuở xưa con không biết sao chứ mới đây các thầy học đều dạy con, dù mình làm vua, vẫn phải nghe lời chú bác khuyên răn. Vì chú bác là những người cùng dòng họ với mình, trung thành với mình, sẽ cùng sống chết với mình khi nguy biến hơn người ngoài. Những khi họ ngăn cản những cuộc vui của con, con cũng bực mình lắm, nhưng biết làm sao?
Đào thị nói:
-Hoàng nhi tưởng mấy lão hoàng thân ấy cùng dòng họ với hoàng nhi sao? Mẹ nói cho hoàng nhi biết, hoàng nhi không phải họ Trần đâu! Họ gốc của hoàng nhi là họ Dương đấy!
Nhật Lễ ngạc nhiên hỏi:
-Mẹ nói thật ư? Sao lại có sự việc như thế?
Đào thị bèn kể ngọn ngành gốc gác thật của Nhật Lễ ra. Nhật Lễ nghe xong than:
-Trời đất ơi! Hóa ra con là người họ Dương! Bây giờ mình quyền quí cao sang thế này mà phải mang họ người khác thì đâu còn vinh dự gì?
-Hoàng nhi cũng nghĩ đến điều đó hở? Muốn cho họ Dương được vinh dự thì cứ việc đổi lại họ cũ thôi! Hoàng nhi gốc họ Dương đổi lại họ Dương đâu ai trách!
-Con chỉ sợ thiên hạ không phục thôi!
-Ai dám không phục chứ? Làm vua là do mạng trời chứ đâu phải tự con người làm nên? Nay trời đã trao thiên hạ cho hoàng nhi ai dám phản đối? Nếu hoàng nhi còn ngại ngùng thì cứ tạo vây cánh cho thật vững và kiếm cách tỉa dần đám thân vương có uy tín đi là xong.
Nhật Lễ nghe lời mẹ, cấu kết với bọn tiểu nhân để tạo thế lực mưu đồ thực hiện việc đổi lại họ Dương. Người triệt để hưởng ứng mưu đồ đó nhất lại chính là một người trong tôn thất nhà Trần: Trần Nhật Hạch. Hạch là cháu nội của Văn Hiến hầu ngày trước. Sau khi vụ án giết hại Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn được phanh phui minh bạch, vua Minh Tôn đã giáng Văn Hiến hầu làm thứ dân, xóa tên trong sổ hoàng tộc. Đến đời Dụ Tôn, Nhật Hạch nhờ dâng nhiều thóc trong vụ chẩn cứu dân đói nên được cho phục hồi họ cũ và được triệu dụng. Tuy thế, các tôn thất nhà Trần đa số vẫn có thái độ lạt lẽo, coi thường Nhật Hạch. Vì vậy, Nhật Hạch đâm ra căm hận họ. Tới khi Nhật Lễ lên làm vua, Nhật Hạch liền ra mặt ôm chân Nhật Lễ. Gặp cơ hội vừa được rửa hận, vừa được thăng tiến, lẽ nào Nhật Hạch lại bỏ qua? Được sự hậu thuẫn của Nhật Hạch, Nhật Lễ càng nghênh ngang không còn biết nể sợ ai nữa. Hiến Từ thái hoàng thái hậu thấy mối nguy cơ ấy đâm ra hối hận, bà than:
-Nó hư hỏng quá rồi! Nó phản rồi! Nếu biết trước vậy, ta đâu có giành ngôi báu cho nó!
Không ngờ lời than thở đó lọt đến tai Nhật Lễ. Nhật Lễ bí mật cho người bỏ thuốc độc vào thức ăn của Thái hoàng thái hậu. Một hôm Thái hoàng thái hậu dùng cơm nửa chừng thì ói máu ra mà mất.
Thấy Nhật Lễ hành động tàn bạo như vậy, Thái tể Nguyên Trác cùng con là Nguyên Tiết với hai người con trai của công chúa Thiên Ninh và một số tôn thất bèn họp nhau để tìm cách đối phó. Một đêm kia, họ bất ngờ xông vào thành định giết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường, trốn dưới một gầm cầu. Mọi người lùng sục một hồi không thấy, bèn bỏ ra về. Khi trời sắp sáng, Nhật Lễ vào cung, chia người đi bắt cả thảy 18 người đã dự mưu ám hại mình. Cả bọn Nguyên Trác đều bị giết cả.
Nhật Lễ cũng muốn giết luôn cha vợ là Cung Định vương Trần Phủ lúc ấy đang giữ chức Thái sư Tả tướng quốc. Chi hậu nội nhân phó chưởng Nguyễn Nhiên biết được liền cấp tốc tìm gặp Cung Định vương báo tin:
-Ông phải lánh đi nơi khác ngay! Hoàng thượng sắp cho người đến bắt ông đấy!
Cung Định vương hoảng sợ nửa đêm tìm đến nhà quan Thiếu úy Trần Ngô Lang lánh nạn. Trần Ngô Lang ngạc nhiên hỏi:
-Thái sư Tả tướng quốc có việc gì mà nửa đêm phải đến đây vậy?
Cung Định vương đáp:
-Hoàng thượng đang muốn giết ta! Ông có cách gì cứu ta không?
Trần Ngô Lang nói:
-Hoàng thượng vô đạo, trước sau cũng gây họa cho nhà Trần. Thái sư là người mà hoàng tộc và cả thiên hạ đang trông cậy, sao không nhân dịp này xướng nghĩa để lấy lại cơ đồ?
Cung Định vương lắc đầu chán nản:
-Ta chẳng có ý muốn làm vua. Điều cần thiết bây giờ là làm sao để thoát nạn đã!
-Nếu Thái sư ở đây thì trước sau hoàng thượng cũng biết, tai họa sẽ lây đến cả tôi nữa. Chi bằng cứ lên Đà Giang tạm lánh rồi tính sau. Tôi sẽ ngầm thông báo việc này cho các vương thân, họ sẽ lên gặp Thái sư ở đó.
-Không được đâu! Nếu biết ta ở đó, thế nào hoàng thượng cũng cho quân lên bắt thôi!
-Thái sư khỏi lo! Tôi đang được hoàng thượng tin tưởng, nếu hoàng thượng phái quân đi, tôi sẽ có cách giúp Thái sư an toàn.
Cung Định vương nghe Trần Ngô Lang nói không tin tưởng lắm. Nhưng chẳng biết tính sao nữa, đành lặn lội lên trấn Đà Giang. Quả đúng như Trần Ngô Lang hứa, mấy ngày sau Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán và Thiên Ninh công chúa cũng đến hội ở đấy.
Nhật Lễ được tin Cung Định vương Trần Phủ đã đến Đà Giang, liền sai tướng Đinh Thịnh đem một đội quân đi bắt. Trần Ngô Lang dặn nhỏ với Đinh Thịnh:
-Kim thượng vô đạo không giữ mình được lâu đâu! Ông đi chuyến này đừng đánh đấm gì cả mà nên ở lại giúp Cung Định vương. Ngài sẽ trở về làm vua đó!
Đinh Thịnh vốn chẳng ưa gì Nhật Lễ nên vâng chịu ngay. Thấy sai đội quân của Đinh Thịnh đi bắt Cung Định vương không kết quả, Nhật Lễ lại lần lượt sai hai đội quân khác đi bắt tiếp. Nhưng cũng như đội quân của Đinh Thịnh, họ đều nghe lời dặn ngầm của Trần Ngô Lang, ở lại với Cung Định vương cả. Nhật Lễ lo sợ hỏi Trần Ngô Lang:
-Sao ta sai tướng nào đi bắt Trần Phủ họ cũng không về thế nhỉ? Quân giữ kinh đô hao hụt quá làm sao bây giờ?
Trần Ngô Lang nói:
-Có lẽ họ là những tướng nhẹ dạ nên bị Trần Phủ dụ dỗ chăng? Bệ hạ tuyển một đội quân khác cho thần đi một chuyến chắc bắt được Trần Phủ thôi!
Nhật Lễ khoát tay:
-Thôi thôi! Đi ba đội hao hụt quân số bảo vệ kinh thành lắm rồi. Lúc này nếu đưa thêm quân ngoài về đây làm sao ta tin tưởng được? Ông là người ta trông cậy, ông đi nữa ta biết bàn việc với ai?
Khoảng giữa tháng 11 năm Nhâm Tuất*, thấy lực lượng theo Cung Định vương đã đủ mạnh, các tôn thất bèn khuyên vương dựng cờ xướng nghĩa. Vương dùng dằng không chịu. Thiên Ninh công chúa nói:
-Thiên hạ này là của ông cha chúng ta, lẽ nào lại vứt bỏ cho người khác? Anh cứ mạnh dạn lên, chúng em sẽ tận lực phò tá anh!
Lúc ấy Cung Định vương mới quyết định khởi binh. Các vương thân bèn tôn Cung Định vương lên ngôi vua ở phủ Kiến Hưng, đổi niên hiệu là Thiệu Khanh, giáng Nhật Lễ xuống làm Hôn Đức công. Vua tự xưng là Nghĩa hoàng (khi Nghĩa hoàng mất được tôn miếu hiệu là Nghệ Tôn, vậy từ đây xin gọi là vua Nghệ Tôn cho tiện) rồi ngự giá về đóng ở Đông Bộ Đầu.
Tin này lan tới kinh đô, Nhật Lễ lo sợ hội triều thần lại bàn cách đối phó. Nhật Lễ nói:
-Nghe tin Trần Phủ đã làm phản xưng vua ở Kiến Hưng, bây giờ ta nên làm thế nào?
Đào hoàng thái phi nói:
-Hoàng nhi chớ hoảng hốt! Trước kia mẹ đóng tuồng thấy khi Ngũ Tử Tư nước Ngô đánh bại nước Sở, tướng Sở là Thân Bao Tư liền chạy sang nước Tần cầu cứu. Sau đó nước Tần đem quân giúp nước Sở, nước Ngô sợ phải rút quân về. Hoàng nhi cứ bình tĩnh lo công việc. Nếu có chuyện gì mẹ sẽ sang cầu cứu nước Chiêm Thành cho!
Nhật Lễ biết lỗi mình bỏ bê việc triều chính, giết hại tôn thất nhà Trần, lại mưu đổi lại họ Dương nên mới xảy ra sự việc này thì hối hận lắm. Ông ta lo sợ hỏi lại:
-Nếu sang cầu cứu Chiêm Thành, ta nói thế nào để họ chịu giúp ta?
Trần Nhật Hạch nói:
-Việc này không khó lắm đâu! Cứ nói với vua Chiêm là bệ hạ có ý muốn trả lại hai châu Ô và Rí cho Chiêm Thành để hai nước sống hòa bình với nhau nhưng bọn Trần Phủ không chịu nên làm phản! Thế nào vua Chiêm cũng kéo quân sang giúp ta thôi!
Trần Ngô Lang nói:
-Không nên làm thế! Nếu quả thật Trần Phủ đã làm phản thì thật khó chống! Ông ta nổi tiếng là người có đức lớn, đang được thiên hạ ngưỡng vọng. Quân ta ba lần được sai đi bắt Trần Phủ mà chúng lại đều theo Trần Phủ cả thì đủ biết. Bây giờ quân trấn giữ kinh đô đâu còn bao nhiêu làm sao chống lại nổi? Theo thần nghĩ, bệ hạ nên thoái vị đi, viết một bức thư tạ tội, mặc đồ thường ra đón tận ngoài thành. Trần Phủ là người nhân hậu, bệ hạ lại là con rể, chắc ông ta sẽ tha lỗi cho bệ hạ.
Trần Nhật Hạch giận dữ nói:
-Trần Ngô Lang muốn theo Trần Phủ làm phản rồi! Bệ hạ nên chém đầu hắn ngay!
Trần Ngô Lang cãi lại:
-Ta trình bày lẽ lợi hại cho hoàng thượng nghe sao ngươi dám nói là ta phản? Ngươi phải biết hoàng hậu chính là con ruột của Trần Phủ, Trần Phủ là người có đức lẽ nào lại muốn con gái mình trở thành kẻ góa bụa? Bộ ngươi muốn bệ hạ phải đem thân đi nhờ vã Chiêm Thành sao?
Nhật Lễ suy nghĩ một hồi rồi thuận nghe theo Trần Ngô Lang. Khi đón vua Nghệ Tôn trước cổng thành, Nhật Lễ phủ phục xuống đất xin tạ tội. Vua ôm Nhật Lễ rơi lệ mà nói:
-Không ngờ hôm nay sự thể lại đến thế này!
Cung Tuyên vương Trần Kính tuốt gươm ra quát:
-Nay vâng mệnh trời, đánh kẻ có tội. Tên tội nhân kia sao còn dám nói lôi thôi! Bệ hạ há vì lòng nhân từ bịn rịn mà bỏ mất nghĩa lớn sao?
Thế rồi Cung Tuyên vương bảo kẻ tả hữu lôi Nhật Lễ ra giữ lại. Các quan trong triều đều ra lạy mừng vua Nghệ Tôn. Vua nói với Chi hậu nội nhân phó chưởng Nguyễn Nhiên và Thiếu úy Trần Ngô Lang:
-Nếu không có hai ông tận tình che chở, giúp đỡ ta làm sao có ngày nay được? Ta sẽ trả ơn hai ông thật xứng đáng!
Nhật Lễ nghe được lời ấy mới biết mình đã nuôi ong tay áo, căm giận Trần Ngô Lang lắm. Sau đó vua Nghệ Tôn truyền giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu. Trần Ngô Lang thấy Nhật Lễ đã ra thân như thế cũng thương hại, bịn rịn đi theo an ủi. Nhật Lễ bèn gọi Trần Ngô Lang vào trong màn, nói dối rằng:
-Ta còn một hũ vàng để trong cung, ngươi hãy đi lấy về đây!
Trần Ngô Lang quì xuống vâng lệnh. Nhật Lễ thừa dịp bóp cổ Trần Ngô Lang đến chết.
Vua Nghệ Tôn biết được nổi giận sai giết Nhật Lễ cùng với con trai của y là Liễu rồi truy tặng Trần Ngô Lang làm Nhập nội tư mã, ban tên thụy là Trung Mẫn Á vương.
Giết xong Nhật Lễ, vua Nghệ Tôn lại cho giết luôn Trần Nhật Hạch vì y là người trong hoàng tộc nhưng lại xúi giục Nhật Lễ giết hại các tôn thất.
Khi thấy con mình là Nhật Lễ bị giam rồi bị giết, Đào thị hoảng sợ dẫn mấy tên đày tớ trung thành chạy trốn. Thầy trò Đào thị cải trang làm dân hàng chợ, đi lần tới biên giới Chiêm Thành. Sau khi đã tìm cách vượt qua được biên giới, thầy trò Đào thị bị một toán quân Chiêm chận bắt. Toán quân Chiêm này sống ở biên giới Chiêm Việt nên cũng có nhiều tên biết tiếng Đại Việt, một tên hỏi:
-Các người là dân ở đâu đến? Định làm gì ở đây?
Đào thị nói:
-Tôi chính là hoàng thái phi Đào thị từ Đại Việt đến đây. Chúng tôi muốn xin diện kiến Chiêm vương để báo việc khẩn. Các người mau đưa chúng tôi đến gặp ngài chắc chắn các người sẽ được thưởng!
Đám lính Chiêm ngỡ vớ được vị quốc mẫu của Đại Việt, mừng rỡ đưa trình ngay với vị chủ tướng đóng ở biên giới. Sau khi hỏi sơ lược cớ sự, vị chủ tướng này thân hành đưa Đào thị thẳng về Đồ Bàn tâu trình với vua Chiêm Chế Bồng Nga.
Vua Chế Bồng Nga đã nuôi sẵn mộng Bắc chinh, chỉ vì qua mấy lần đánh thăm dò, thấy quân Đại Việt các nơi vẫn phòng thủ khá kỹ nên dật dờ chưa khởi sự. Nay nhận được tin Đại Việt có nội biến ông mừng lắm, cho đòi Đào thị vào chầu ngay. Đào thị vừa lạy khóc vừa bẩm:
-Bệ hạ anh minh và nhân hậu, con trai thiếp là vua Đại Định nước Đại Việt đã bị chết thảm dưới tay bọn phản loạn Trần Phủ. Xin bệ hạ minh xét, đem quân đánh Đại Việt để mở rộng đất Chiêm và cũng để trả thù cho con trai thiếp, thiếp xin đội ơn bệ hạ muôn đời!
Vua Chế Bồng Nga lớn giọng:
-Mụ này nói lạ chưa? Ta đánh Đại Việt để mở rộng đất Chiêm thì còn có lý! Tại sao ta phải đánh Đại Việt để trả thù cho con mụ?
Đào thị dập đầu thưa:
-Như vậy là bệ hạ chưa thấu rõ sự tình. Con trai thiếp là vua Đại Định vốn rất nể trọng bệ hạ, muốn hai nước Đại Việt và Chiêm Thành được sống hòa bình bên nhau. Vì thế, con trai thiếp định đem đất châu Ô và châu Rí trả lại cho bệ hạ. Không ngờ bọn Trần Phủ lại có ý muốn ngược lại, đã không chịu trả đất lại còn muốn đánh Chiêm Thành để chiếm thêm đất nữa! Do đó hai bên sinh hiềm khích nhau. Cuối cùng thì bọn Trần Phủ mưu phản giết hại con trai thiếp. Vì thế thiếp mới dám xin bệ hạ đánh Đại Việt để trả thù cho con trai thiếp.
Chế Bồng Nga cười:
-Mụ đàn bà này cũng giỏi khoa khích tướng đấy chứ! Mụ biết tình hình quan quân và dân chúng Đại Việt hiện nay ra sao hãy nói ta nghe thử?
-Tâu bệ hạ, mấy năm nay Đại Việt mất mùa liên tiếp, dân chúng thiếu đói, giặc giã nổi lên khắp nơi. Quan quân phải luôn đi đánh dẹp rất mệt mỏi, chán ngán. Tiếp đó lại trải qua mấy trận đánh nhau giữa con trai thiếp với Trần Phủ quân sĩ lại thêm một phen hao hụt đáng kể. Vả lại, Trần Phủ mới cướp ngôi, quan quân và dân chúng vẫn còn rất nhiều người không phục. Thiếp nghĩ, nếu đem quân đánh Đại Việt lúc này sẽ có nhiều người Việt làm nội ứng cho bệ hạ. Thiếp tin chắc bệ hạ tiến tới đâu sẽ thắng tới đấy. Xin bệ hạ đừng bỏ qua cơ hội này!
Chế Bồng Nga hơi ngạc nhiên vì lý lẽ rành rọt của người đàn bà Đại Việt. Phải chăng ý trời đã gởi vào miệng người đàn bà này? Ông hỏi thêm một số chi tiết về vụ biến động ở Đại Việt. Dĩ nhiên là người đàn bà gốc con hát này cũng khéo léo thêm thắt về sự kém cỏi của nhóm Trần Phủ và tình hình rối loạn của Đại Việt để vua Chiêm phấn khởi và quyết tâm ra quân hơn. “Đúng lắm, ta không thể bỏ qua cơ hội này”. Vua Chiêm nói với Đào thị:
-Được! Ta sẽ đánh Đại Việt để trả thù cho con trai mụ. Cho mụ lui.
-Đa tạ bệ hạ! Đa tạ bệ hạ! – Đào thị dập đầu lạy năm lạy rồi lui ra.
Sau một đêm suy nghĩ kế hoạch, sáng hôm sau vua Chế Bồng Nga truyền lệnh quan quân chuẩn bị Bắc phạt. Nhà vua thân hành chỉ huy đại đội thủy binh đi đường biển tiến về Đại Việt.
Tháng ba nhuận năm Tân Hợi* quân Chiêm Thành bất thần đánh vào cửa biển Đại An rồi tiến thẳng lên Thăng Long. Quân Đại Việt lâu nay chỉ quen đối phó với những đám giặc nhỏ không đáng kể nên rất chủ quan trong việc phòng bị. Bởi thế, khi quân Chiêm Thành đưa một lực lượng lớn tấn công bất ngờ, các lực lượng trú phòng ở quanh Thăng Long đều bị tan rã nhanh chóng. Vua Nghệ Tôn và toàn bộ hoàng gia phải lên thuyền lánh sang Đông Ngàn. Quân Chiêm Thành tràn vào thành Thăng Long đập phá kho tàng, vơ vét hết mọi thứ tài sản rồi đốt rụi cung điện, nhà cửa. Quân Chiêm cũng lùng sục bắt hết những đàn bà trẻ và con gái chúng gặp. Vua quan Đại Việt bàng hoàng chưa định tĩnh để lập kế hoạch kháng chiến thì quân Chiêm lại đột ngột rút về.
Sau trận thắng oanh liệt ấy, Chế Bồng Nga cho mở tiệc liên hoan tại Đồ Bàn. Trong dịp này, ông cũng cho đem số chiến lợi phẩm đàn bà con gái ban phát cho những chiến sĩ có công làm thê thiếp hoặc nô lệ. Trước hàng trăm quan chức, chiến sĩ và các vị mệnh phụ, phu nhân, vua Chiêm hãnh diện tuyên bố:
-Hôm nay là ngày vui lớn, ngày vinh quang nhất của dân tộc Chiêm Thành! Quân ta đã chiến thắng, đã làm cho người Đại Việt run sợ, không còn dám khinh thường người Chiêm ta nữa! Ta tin chắc từ nay dân tộc Chiêm sẽ thẳng đà tiến lên mãi! Nhân cuộc vui này, ta cũng mong được nghe những ý kiến có tính cách xây dựng trong việc trị nước, trong việc đối phó với các lân bang. Đặc biệt nhất là đối với hai nước Chân Lạp và Đại Việt, ta phải rửa sạch các mối tủi nhục mà tổ tiên ta đã phải gánh chịu với họ! Nào, ta sẵn sàng nghe ý kiến của các khanh đây!
Tể tướng Nhã Đam là người lên tiếng đầu tiên:
-Trước kia vua Trà Hòa Bố Để đã dụng biết bao nhiêu tâm lực để chấn chỉnh quân đội với ước vọng tiêu diệt Đại Việt để giải trừ hậu hoạn cho Chiêm Quốc. Nhưng ước vọng ấy không thành, khiến vua Trà Hòa Bố Để buồn rầu sinh bệnh mà qua đời. Nay bệ hạ đánh một trận đã làm quân Đại Việt tan tác, chiếm được Thăng Long, vua quan Đại Việt đều mất vía kinh hồn, vua Trà Hòa Bố Để ở cõi âm chắc cũng toại nguyện lắm! Tuy nhiên, thần không hiểu tại sao trong khi quân Đại Việt đã thua tan tác, mất hết tinh thần, bệ hạ không thừa cái thế chẻ tre ấy tiến quân tiêu diệt chúng luôn mà lại vội rút về?
Vua Chế Bồng Nga cười ha hả:
-Hốt chiến lợi phẩm nhiều quá, phải đem về cất đã chứ! Nếu không chịu rút sớm, lỡ bị giặc cướp lại có uổng công không?
Tể tướng Nhã Đam vui vẻ cười theo:
-Vậy là bệ hạ đã thực hành chính sách bắt cá bỏ giỏ: Một con trong tay chắc hơn mười con dưới nước!
Vua Chế Bồng Nga cười nói tiếp:
-Thực tế là vậy đó! Hơn nữa, việc chiếm đất, tiêu diệt Đại Việt không phải là nguyện vọng chính yếu của ta! Thật tình ta cũng chỉ muốn lấy lại phần đất họ đã chiếm của ta thôi!
Mọi người đều ngạc nhiên khi nghe vua Chiêm bày tỏ ý kiến ấy. Một vị quan khác nói:
-Trước đây vua Trà Hòa Bố Để nhất quyết tìm mọi cách tiêu diệt Đại Việt để trừ hậu hoạn cho Chiêm Thành, nay bệ hạ lại nói không có nguyện vọng chiếm đất hay tiêu diệt Đại Việt nghĩa là sao? Chúng thần đầu óc u tối chưa thể nào hiểu được thánh ý, xin bệ hạ dạy bảo cho!
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Chư khanh không chịu đọc sử sách làm sao hiểu nổi vấn đề! Trước đây quân Mông Cổ đông gấp bội quân Đại Việt đã chiếm Thăng Long mấy lần mà rốt cuộc đều bị đánh tan tành, mười phần chỉ còn một, chạy trốn như chuột! Quân ta làm sao sánh nổi với quân Mông Cổ hồi ấy? Trong trận chiến vừa qua, ta chiếm được Thăng Long mau chóng không phải hoàn toàn nhờ quân sĩ thiện chiến mà còn nhờ ở yếu tố bất ngờ nữa. Suốt mấy trăm năm nay Chiêm Thành có bao giờ đánh Thăng Long đâu mà ngờ? Thật sự quân ta cũng chỉ phá vỡ được mấy tuyến phòng thủ của giặc ở gần Thăng Long thôi. Sớm muộn gì lực lượng giặc cũng sẽ tập trung lại để phản công! Nếu còn dây dưa ở thêm, không những cái gì ta đã chiếm được có thể vuột mất mà còn mệt sức, hao quân nữa! Ta rút quân sớm cũng nhằm mục đích làm cho giặc không kịp truy cản. Còn vấn đề tiêu diệt Đại Việt, ta được lợi cái gì? Hay chỉ rước lấy tai họa đến gần thêm? Làm khổ cho dân ta thêm? Theo ý ta, nước Đại Việt tồn tại vẫn có lợi cho nước Chiêm ta hơn là nó bị tiêu diệt!
Các quan lại một lần nữa trố mắt nhìn nhau. Tể tướng Nhã Đam lại tâu:
-Chúng thần tin tưởng bệ hạ nhìn xa biết rộng, nhưng những lời bệ hạ nói ra, thú thật chúng thần chưa thấu hiểu. Tại sao Đại Việt tồn tại lại có lợi cho nước Chiêm ta hơn? Xin bệ hạ dạy bảo cho chúng thần được rõ!
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Ta đã suy nghĩ nhiều rồi, các khanh đừng bao giờ nuôi mộng sát nhập Đại Việt vào Chiêm Thành! Thứ nhất, dân tộc Đại Việt là một dân tộc quật cường rất khó chinh phục! Nước Trung Hoa lớn mạnh thế kia, họ đã từng chiếm Đại Việt làm quận huyện trải ngót nghìn năm mà chúng còn vùng dậy được, nay nước ta làm sao cai trị chúng nổi? Thứ hai, nếu ta tiêu diệt được Đại Việt tức là ta tự đem cái biên giới nước ta lại gần nước Trung Hoa, như thế có phải là ta tự đem cái khổ, cái lo thường trực đến bên lưng mình không? Những nhà lãnh đạo biết xa thấy rộng đều thấy rõ cái họa đó nên đã cố tránh! Vua Chế Mân trước kia không chịu giúp Mông Cổ đánh bọc hậu Đại Việt cũng chỉ vì ngài thấy rõ chuyện đó! Ta cứ để Đại Việt làm cái hàng rào ngăn cách giữa nước ta và nước Trung Hoa các khanh thấy có phải hay hơn không? Ngoài ra còn khỏi gặp rắc rối với vấn đề tâm linh nữa. Chắc các khanh đều biết đối với dân Chiêm ta, muốn đưa muốn đưa họ đến cư ngụ ở một vùng đất mới rất khó. Hầu hết người Chiêm ta vẫn quan niệm đất đai của tổ tiên là vật thể thiêng liêng không được sang nhượng hay chối bỏ. Người ta tin rằng đất đai ấy đã được thần linh trấn giữ, che chở. Ai tự ý rời bỏ quê cha đất tổ mà đi định cư nơi khác là từ bỏ dòng tộc, từ bỏ thần linh, là kẻ phản bội. Vì thế, dù chiếm được đất giặc ta vẫn khó mà di dân ta đến trám vào những chỗ ấy. Phải có thời gian để cải hóa cái quan niệm cổ hủ đó ta mới tính chuyện mở mang lãnh thổ được!
Nhiều người bấy giờ mới vỡ lẽ, nhưng cũng có một vị hỏi:
-Thần chẳng hiểu tại sao bệ hạ lại kỵ nước Trung Hoa như thế?
Vua Chế Bồng Nga giải thích:
-Người Đại Việt tuy cũng hung tợn nhưng không thâm độc đểu giả bằng người Trung Hoa! Này nhé, Khổng Minh thời Tam Quốc mà nay cả nước Trung Hoa đều ca ngợi là nhà chính trị, quân sự đại tài và có đức lớn, các khanh biết không? Khi chọc giận Chu Du nước Đông Ngô hộc máu mà chết xong, y giả vờ sang Ngô điếu tang khóc lóc thảm thiết đến nỗi nhiều người tưởng y thương tiếc Chu Du thiệt tình. Khi đi đánh phương Nam, Khổng Minh lại tiêu diệt sạch dân tộc Ô Qua, sau đó y giả vờ tổ chức một cuộc lễ tế các vong linh trên sông Lô thủy, đốt trầm hương khóc lóc một hồi là xong nợ! Khi tướng Bạch Khởi nước Tần đánh quân Triệu ở trận Trường Bình, quân Triệu bị vây ngặt phải đầu hàng. Chỉ một đêm Bạch Khởi cho lừa chôn sống hết 30 vạn quân Triệu làm cho nước này suy kiệt hơn mười năm sau chưa phục hồi được! Trong trận đánh tiêu diệt dân tộc Dao ở Vân Nam, người Trung Hoa đã đốt sạch nhà cửa, giết sạch người Dao kể cả trẻ con, bỏ thuốc độc vào tất cả đầu nguồn các dòng suối, báo hại bao nhiêu thú rừng chim chóc phải mang họa lây! Người Trung Hoa đểu giả độc ác như vậy ta làm sao tin họ được?
Vị quan kia lại nói:
-Ấy là họ đối xử với những kẻ thù của họ, còn ta không thù oán gì với họ thì đâu đến nỗi?
Vua Chế Bồng Nga cười mà giải thích:
-Với người Trung Hoa ai là ân ai là thù làm sao phân biệt được? Hôm nay nhân vui miệng, ta kể các khanh nghe vụ này. Vào thời Xuân Thu, Trịnh Vũ Công muốn mở rộng lãnh thổ. Nhìn quanh các nước nhỏ kế cận thấy vua nước Hồ là kẻ ham nữ sắc, ông đem con gái gả cho. Ông còn cho đem nhiều vàng bạc tặng vua Hồ nữa. Vua nước Hồ tin tình cha vợ thương yêu chàng rể nên mất cảnh giác quốc phòng. Một hôm Trịnh Vũ Công lại hỏi quần thần: “Bây giờ ta muốn nới rộng lãnh thổ, nên đánh nước nào?”. Quan Tư Kỳ thành thực tâu: “Nên đánh nước Hồ! Vua nước Hồ bất tài dễ đánh nhất”. Trịnh Vũ Công giận dữ quát: “Ngươi xúi ta làm việc bất nghĩa ư? Vua Hồ là con rể của ta ngươi không biết sao?”. Thế rồi ông sai người đem Quan Tư Kỳ ra chém. Vua nước Hồ nghe được tin này càng ỷ lại vào Trịnh Vũ Công. Thế rồi bất ngờ Trịnh Vũ Công ra tay chiếm nước Hồ không tốn một giọt máu! Đó, nghĩa với tình của người Trung Hoa là thế đấy! Khi ta ở cạnh họ rồi, nay họ yêu sách ta việc này, mai họ yêu sách ta điều khác, nếu ta làm theo ý họ, họ sẽ yêu sách mãi ta làm sao chịu thấu? Còn nếu từ chối yêu sách của họ một hai lần ta sẽ trở thành kẻ thù của họ ngay! Lúc nào họ cũng đề cao lễ giáo nhưng các khanh có biết lúc nào họ cũng sẵn sàng ăn thịt đồng đồng loại không? Như chuyện anh chàng Lưu Bị vua nước Thục, nổi tiếng là một vị vua đạo đức thời Tam Quốc chẳng hạn. Khi chưa thành sự nghiệp, một hôm Lưu Bị bị Lã Bố đánh thua, phải chạy trốn vào nhà một người dân tên Lưu An. Lưu An biết Lưu Bị sẽ làm nên, muốn cầu công, bèn giết người vợ mình để lấy thịt đãi Lưu Bị ăn. Khi Lưu Bị biết được việc đó cứ nức nở khen Lưu An là trung nghĩa. Một chuyện nữa thời Đông Chu, một hôm vua Tề Hoàn Công nói với thuộc hạ: “Trên đời này bất cứ món ngon vật lạ nào ta cũng từng nếm, chỉ có thịt người ta chưa biết mùi vị ra sao?”. Mấy hôm sau có tên Dịch Nha đem dâng Tề Hoàn Công một món thịt hầm rất ngon. Hoàn Công ăn xong khen đáo để, hỏi Dịch Nha “Thịt gì mà ngon thế?”. Dịch Nha thưa: “Nghe chúa công nói trên đời này bất cứ món ngon vật lạ nào chúa công cũng đã từng nếm, chỉ có thịt người là chúa công chưa biết ra sao nên thần mạo muội giết đứa con ba tuổi của thần làm thịt dâng cho chúa công ăn thử!”. Tề Hoàn Công cũng khen nức nở: “Chỉ vì thương vua mà hi sinh cả đứa con nhỏ của mình!”. Với cái giống nham hiểm và dã man khó lường đối với cả người thân họ như vậy, ta xích lại gần họ sớm muộn cũng mang họa thôi!
Các quan đã hoàn toàn vỡ lẽ, họ đồng loạt nói:
-Bệ hạ thông suốt việc cổ kim, cư xử cẩn trọng như vậy thật là phước đức cho dân tộc Chiêm Thành!
Tể tướng Nhã Đam lại nói tiếp:
-Bệ hạ muốn dùng Đại Việt làm cái mộc đỡ đòn cho Chiêm Thành! Thật thánh ý cao vợi khó có người biết được! Nhưng hiện nay ta vẫn chưa thu hồi những phần đất Đại Việt đã cướp, xin bệ hạ sớm tính việc đó cho quân dân thỏa lòng.
Vua Chế Bồng Nga lại cười:
-Chuyện đó đâu cần phải vội! Với quân đội thiện chiến của ta hiện nay, ta cứ đánh thêm vài trận như trận vừa rồi ắt Đại Việt phải tự động dâng trả những phần đất ấy lại thôi! Ta nghĩ chúng còn phải bỏ ngõ luôn cả đồng bằng sông Hồng nữa chứ đừng nói chỉ những vùng đất ấy!
Tướng La Ngai bưng một chung rượu đến quì dâng lên Chiêm vương:
-Bệ hạ tính liệu như thần không ai lường được! Xin dâng chung rượu này chúc mừng bệ hạ trường thọ để đưa dân tộc Chiêm Thành tiến lên mãi mãi!
Liền đó cả hội trường như muốn bung vỡ bởi tiếng chúc mừng của cử tọa:
-Chiêm vương Chế Bồng Nga vạn tuế!
-Chiêm vương Chế Bồng Nga vạn tuế!
-Chiêm vương Chế Bồng Nga vạn vạn tuế!
Khi quân Chiêm đã rút khỏi Thăng Long, vua Nghệ Tôn mới cùng triều thần hồi kinh. Nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát của kinh thành, nhà vua rơi nước mắt than thở với quần thần:
-Ta làm thiên tử mà để giang sơn bị giặc tàn phá như vậy, không những đắc tội với tiên tổ mà còn có lỗi lớn với muôn dân nữa. Đền miếu bị phá phách, cung thất bị đốt rụi, kho tàng bị hốt sạch, lấy gì để kiến thiết lại? Mấy năm qua sưu cao thuế nặng, giặc giã liên miên, dân chúng cùng khổ lắm rồi! Cung thất giờ đây chỉ nên xây dựng lại đơn sơ mộc mạc ở được thì thôi. Phải lấy các tản quan,* tôn thất phục dịch chứ đừng phiền nhiễu đến dân chúng tội nghiệp!
Các quan nghe vua nói đều ngậm ngùi. Từ đó vua Nghệ Tôn đã tự ép mình vào cuộc sống kiệm ước. Chỗ ở không chưng diện vàng ngọc châu báu, xe cộ không trang trí lộng lẫy, ăn uống không đòi cao lương mỹ vị. Ngài cũng tự giới hạn hết thảy các cuộc vui chơi giải trí như các vị vua khác. Mặc dù già yếu, chỉ trừ khi bệnh nằm liệt giường, ngài không bỏ qua một phiên chầu nào. Ngài luôn nhắc nhở các quan tại triều phải chăm lo công việc, ở nhà phải lo giáo dục con cái hoặc đọc sách để mở rộng kiến thức, để học theo đức độ của thánh hiền.
Thấy các con mình không đủ khả năng trị vì thiên hạ trong hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương này, vua Nghệ Tôn phong người em cùng cha khác mẹ là Cung Tuyên vương Trần Kính làm hoàng thái tử. Trần Kính chính là người đã dày công giúp ngài truất phế Dương Nhật Lễ giành lại thiên hạ cho nhà Trần và cũng là người sát cánh bảo vệ vua Nghệ Tôn trong những ngày nguy biến vừa qua.
Sau đó, vua Nghệ Tôn lấy người em cô cậu là Lê Quý Ly làm Khu mật viện đại sứ rồi gả cô em gái mới góa chồng là công chúa Huy Ninh cho. Sang tháng 8 vua sai Quí Ly đi Nghệ An để chiêu tập dân chúng, vỗ yên nơi biên giới.
Tháng 11 năm Nhâm Tý*, vua Nghệ Tôn nhường ngôi cho hoàng thái tử Trần Kính để lên làm Thái thượng hoàng. Hoàng thái tử Trần Kính lên ngôi tự xưng là Khâm hoàng, đổi niên hiệu là Long Khánh. (Khi mất Khâm hoàng được tôn miếu hiệu là Duệ Tôn, vậy từ đây xin gọi là vua Duệ Tôn cho tiện).
Vua Duệ Tôn tánh khí cương quyết, dũng cảm và rất tự tin. Vừa lên cầm quyền, ngài liền cử Hành khiển tham mưu quân sự Đỗ Tử Bình ra trấn giữ Hóa Châu là nơi người Chiêm hay quấy phá. Đỗ Tử Bình cũng được giao thêm nhiệm vụ tổ chức một đội do thám len lỏi vào đất Chiêm để theo dõi tình hình. Khi nước Chiêm xảy ra vấn đề gì quan trọng, Tử Bình phải cấp tốc báo về cho triều đình biết.
Vua Duệ Tôn là một vị vua năng động ít ai sánh kịp. Ngài lo cải cách việc nội trị, chấn chỉnh lại xã hội, mở khoa thi cử để chọn nhân tài ra giúp nước. Việc được ngài quan tâm cải tổ nhiều nhất chính là vấn đề quân sự. Ngài cho tuyển mộ trai tráng để bổ sung vào quân đội, tu sửa và đóng thêm chiến thuyền, hạ chiếu cho dân quyên thóc cho nhà nước để nuôi quân, ban thưởng tước phẩm cho những người đã quyên tặng theo thứ bậc khác nhau tùy theo số lượng thóc quyên tặng. Ngài cũng cho chọn các quan viên có tài năng, biết luyện tập võ nghệ, thông hiểu thao lược, bất luận ở giai cấp nào cũng được bổ làm tướng chỉ huy. Nhờ thế, quân đội nhà Trần đã dần phục hồi sức mạnh. Bên ngoài, ngài cho sứ sang thông hiếu với nước Chân Lạp và nước Xiêm để tạo thế liên kết khi cần.
Khi thấy quân đội đã đủ mạnh, vua Duệ Tôn có ý định thân hành đem quân chinh phạt Chiêm Thành để rửa cái hận đốt phá Thăng Long năm Tân Hợi. Thấy vua chuẩn bị đánh Chiêm Thành, Ngự sử đại phu Trương Đỗ dâng sớ can: “Chiêm Thành chống lệnh, tội tuy đáng phải giết, song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó sẽ tự đến thần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đánh cũng chưa muộn”.
Vua Duệ Tôn bác bỏ không nghe. Trương Đỗ lại dâng sớ can thêm hai lần nữa nhưng vua vẫn tiếp tục bác bỏ. Trương Đỗ bèn treo mũ bỏ quan về ở ẩn.
Tiếp đó Ngự sử trung tán Lê Tích cũng dâng sớ can rằng: “Binh đao là đồ hung khí, không nên tự mình gây ra. Huống chi ngày nay vừa mới dẹp được giặc trong nước, t
Dimension: 181 x 279
File Size: 7.68 Kb
Be the first person to like this.