Khánh Sơn
On June 3, 2012
17 views
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Khi tướng Chiêm Bố Đông về nước xong, việc đầu tiên của Đỗ Tử Bình là cho người thân tín đem cất giấu hết 10 mâm vàng nước Chiêm dâng. Tiếp đó, ông cho đòi viên thuộc tướng Nguyễn Long đến sai chạy thư khẩn cấp về Thăng Long. Nguyễn Long ngạc nhiên hỏi:
-Bẩm, thượng quan có dặn thuộc hạ chọn năm mươi tên lính để hộ tống sứ đoàn Chiêm Thành về kinh. Chúng đợi mấy hôm nay rồi, bây giờ tính sao?
Lúc đó Tử Bình mới sực nhớ mình đã truyền cái lệnh đó, liền bảo:
-Bây giờ sứ đoàn Chiêm Thành không chịu đi nữa, hãy cho chúng trở về với công việc cũ. Ngươi đi một mình đủ rồi! Nhớ phải cẩn thận cái miệng đấy. Việc của ngươi bây giờ chỉ là mang thư khẩn của ta về triều. Những việc khác ngươi không biết rõ ai hỏi chớ có nói ẩu có khi mang họa đó!
Nguyễn Long vâng dạ. Sau khi truyền lệnh cho đám lính của mình trở về công việc cũ, Nguyễn Long vội vã lên đường ngay.
Bức thư khẩn của Tử Bình viết đại lược như sau: “Thần đã trao quốc thư cho viên tướng Chiêm trấn giữ biên giới là Bố Đông nhờ y chuyển cho Chiêm vương Chế Bồng Nga. Chế Bồng Nga xem quốc thư của ta xong đùng đùng nổi giận. Y đã dùng những lời lẽ rất xấc xược để thóa mạ vua quan Đại Việt. Hiện giờ y đã cho động binh khắp nơi, quân Chiêm có thể vượt biên giới Đại Việt bất cứ lúc nào. Vậy, thần kính khẩn báo để bệ hạ đề phòng”.
Vua Duệ Tôn đọc thư xong ngài nổi giận nói lớn:
-Tên Man vương ngang ngược này coi trời đất không ra gì nữa! Ta phải cho nó biết tay!
Ngài lại nói với các quan:
-Thế mà lâu nay các khanh cứ khuyên trẫm dùng văn đức để cải hóa Chiêm Thành! Các khanh đã thấy nó vẫn giữ thái độ ngang ngược, hỗn láo như cũ chưa? Phen này trẫm nhất quyết phải cầm quân đi đánh nó.
Thế rồi ngài ra lệnh cho Lê Quí Ly đốc sức dân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Châu và Hóa Châu vận tải lương thực để cung cấp cho quân sĩ. Ra lệnh cho các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa phải điều động quân các nơi tập trung theo những địa điểm ấn định để sẵn sàng xuất chinh.
Mùa đông năm Bính Thìn, vua Duệ Tôn đã huy động được một lực lượng 12 vạn quân. Ngài sai các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa chỉ huy tiền quân. Chính ngài và Ngự Câu vương Trần Húc là con trưởng của Thượng hoàng chỉ huy trung quân. Sai Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, Lê Quí Ly làm vận lương sứ có nhiệm vụ tải lương thực đi sau.
Trước khi ra trận, vua Duệ Tôn vào bái yết Thượng hoàng và nói:
-Xin hoàng huynh coi việc nước thay trẫm một thời gian. Trẫm đi chuyến này nhất định sẽ làm người Chiêm khiếp phục không bao giờ còn dám hung hăng xâm phạm Đại Việt nữa. Hoàng huynh cứ yên lòng chờ tin thắng trận!
Thượng hoàng nói:
-Quan-gia đi lần này ta cũng yên lòng và tin tưởng tất thắng. Nhưng ta cũng ngại một điều là quan-gia hay nóng nảy và cương quyết quá có khi làm cho quân dân hai nước chết oan nhiều cũng tội. Hành khiển Phạm Huyền Linh vừa cho ta biết Chế Bồng Nga đã chịu khuất phục nạp cống rồi sao nay sự thể lại đổi thay như thế nhỉ?
Vua Duệ Tôn bực mình nói:
-Cái lão ấy đặt chuyện vu vơ đó! Xin hoàng huynh chớ nghe!
-Phạm Huyền Linh nói có chứng cớ hẳn hoi chứ không nói càn đâu! Nội thị đâu? Đi mời quanh Hành khiển Phạm Huyền Linh tới quan-gia gặp ngay!
Vua Duệ Tôn không kịp cản lại. Ngài nói:
-Mấy cái anh hủ nho nhát như cáy mà cứ lắm chuyện!
Lát sau thì quan Hành khiển Phạm Huyền Linh đến. Vua Duệ Tôn hỏi:
-Ngươi nghe ai nói Chế Bồng Nga đã chịu khuất phục ta?
Phạm Huyền Linh bất đắc dĩ phải đem việc Nguyễn Long nhận lệnh chuyển bức thư khẩn của Đỗ Tử Bình về triều ra sao thuật lại hết đầu đuôi. Thì ra Nguyễn Long là cháu gọi Huyền Linh bằng cậu. Vì trước đó Đỗ Tử Bình có ra lệnh cho Nguyễn Long đi hộ tống sứ đoàn Chiêm Thành về Thăng Long dâng quốc thư và cống phẩm. Tử Bình cũng có cho Nguyễn Long biết là số cống phẩm có 10 mâm vàng. Sau đó Tử Bình lại thuyết phục được sứ Chiêm trao cống phẩm và quốc thư để ông dâng về triều. Nhưng thay vì chuyển quốc thư và cống phẩm của nước Chiêm về triều, Tử Bình lại gởi về triều bức thư báo khẩn Chiêm Thành hỗn xược và đang chuẩn bị tấn công Đại Việt. Sự thay đổi về chuyến đi cũng như sự trái nghịch giữa việc dâng cống phẩm với bức thư báo khẩn đã làm Nguyễn Long ngạc nhiên. Nhưng Nguyễn Long không dám nói với ai mà chỉ tiết lộ việc ấy với ông cậu mình. Phạm Huyền Linh thẳng ruột lại đem việc đó báo với Thượng hoàng xin bí mật điều tra. Nghe chuyện xong, vua Duệ Tôn nói:
-Chuyện có thể xảy ra lắm. Nhưng khui ra bây giờ là gây trở ngại công việc ngay! Ta đã chuẩn bị ra quân không lẽ đình lại nữa? Mọi việc đâu vẫn còn đó, cứ đợi trẫm bình Chiêm xong rồi tính! Bây giờ ta muốn quan Hành khiển theo ta ra mặt trận một chuyến chịu đi không?
Hành khiển Phạm Huyền Linh bất đắc dĩ phải xin đi.
Mấy hôm sau vua Duệ Tôn chia quân hai mặt thủy bộ cùng tiến về đất Chiêm. Đến cửa sông Nhật Lệ, vua Duệ Tôn cho tạm dừng để quân sĩ tổng tập dượt lại và cũng để biểu dương khí thế hơn một tháng. Sau đó đại quân tiến về cửa Thị Nại. Quân Đại Việt tiến đến đâu quân Chiêm Thành né tránh đến đó. Thừa thế quân Đại Việt tiến lên Thạch Kiều, đóng đại bản doanh ở động Ỷ Mang.
Trước đó Chế Bồng Nga đã cho dựng lũy bằng tre gỗ ở ngoài thành Đồ Bàn để chống cự. Thấy đoạn đường từ động Ỷ Mang đến thành Đồ Bàn lối đi chật hẹp khúc khuỷu, hai bên cây cối rậm rạp rất tiện cho việc phục binh, Chế Bồng Nga đã nghĩ ra được một diệu kế. Ông bí mật cho quân ra phục sẵn hai bên rừng rồi sai tướng Mục Bà Ma đi trá hàng. Mục Bà Ma đến doanh trại Đại Việt, xin vào ra mắt vua Duệ Tôn. Vua Duệ Tôn hỏi:
-Ngươi đến đây làm gì?
Mục Bà Ma nói:
-Muôn tâu bệ hạ, hạ thần vốn là thuộc tướng của Chế Bồng Nga đến đây xin hàng. Mong được bệ hạ thương tình nạp dụng!
-Vì lý do gì ngươi đầu hàng?
-Vì hạ thần thấy Chế Bồng Nga không biết tự lượng sức, ngang ngạnh chống lại thiên triều, hạ thần biết trước sau ông ta cũng bị bệ hạ bắt nên đến xin hàng trước để tội khỏi nặng thêm.
-Ngươi biết Chế Bồng Nga bố trí phòng thủ thế nào hãy nói ta nghe thử?
-Muôn tâu bệ hạ, trước đây Chế Bồng Nga định dựa vào thành lũy dựng bằng tre gỗ ấy để chống cự nhưng sau thấy quân Đại Việt mạnh quá, ông ta khiếp sợ nên đã kéo quân chạy trốn cả. Nay bên trong chỉ còn một cái thành không. Bệ hạ nên tiến quân gấp thì có thể bắt được Chế Bồng Nga, không nên bỏ lỡ cơ hội!
Vua Duệ Tôn tin lời Mục Bà Ma, ra lệnh tiến quân gấp. Đại tướng Đỗ Lễ liền can:
-Theo binh pháp, đánh lấy thành là sự bất đắc dĩ. Kẻ kia đã nói xin hàng thì ta nên lấy việc cho nước nó được an toàn là hay hơn cả. Vậy, ta hãy cho một tay thuyết khách cầm thư đi hỏi tội để dò hư thực, theo như mưu chước Hàn Tín đánh nước Yên ngày trước, chẳng phải khó nhọc lắm mà được nên công. Vả lại, tình ý của kẻ địch khó suy lường được. Xin bệ hạ hãy xét kỹ.
Vua Duệ Tôn nói:
-Ta mặc áo giáp bền, cầm vũ khí sắc, gội gió, tắm mưa, trèo non, lội suối, len lỏi đi sâu vào đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp ta đó. Huống chi bây giờ, vua nước nó đã sợ bóng sợ gió, chạy trốn xa, không có tinh thần chiến đấu. Việc binh quí hồ nhanh chóng. Nếu để chậm trễ không tiến quân coi như trời cho mà mình không nhận. Sau này nó lại trở mặt, dù ăn năn thì sự đã rồi! Nhà ngươi thực là kiến thức đàn bà!
Vua Duệ Tôn nói xong liền sai lấy áo đàn bà mặc cho Đỗ Lễ. Thế rồi ngài ra lệnh quan quân nối đuôi nhau như xâu cá mà tiến. Vua đi đoạn giữa đoàn quân. Đường quá chật, khúc khuỷu khó đi nên đoàn quân phải trải dài hàng mấy dặm. Thình lình quân Chiêm Thành đã bố trí sẵn đổ ra đánh cắt quân Trần làm nhiều đoạn không cho ứng cứu nhau. Quân Đại Việt tan rã cả, bị giết và bị bắt rất nhiều. Vua Duệ Tôn bị hãm giữa trận rồi mất tích luôn. Các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa và quan hành khiển Phạm Huyền Linh đều tử trận. Riêng Ngự Câu vương Trần Húc bị quân Chiêm bắt sống.
Hành kiển tham mưu quân sự Đỗ Tử Bình chỉ huy đạo hậu quân thấy hai đạo tiền quân và trung quân bị phục kích liền hoảng sợ vội vã rút lui. Vận lương sứ Lê Quí Ly nghe tin quân Việt bại trận cũng vội bỏ trốn về triều.
Thượng hoàng nghe tin giận quá sai đem một chiếc xe tù đi bắt Đỗ Tử Bình. Khi Đỗ Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, dân chúng đua nhau đón đường chửi mắng, lấy gạch ngói ném vào xe tù chở y. Quân về tới Thăng Long, Thượng hoàng liền sai đem Đỗ Tử Bình ra xử tội. Nhưng ai nấy đều ngạc nhiên y không bị tội chết mà chỉ bị đày đi làm lính. Riêng Lê Quí Ly dù bỏ lương mà chạy làm thiệt hại của quốc gia rất nhiều nhưng Thượng hoàng nể tình hai bà mẹ và em gái của ngài nên làm lơ không hỏi tội.
Sau khi đại phá mười hai vạn quân Đại Việt, giết được vua Duệ Tôn cùng nhiều tướng lãnh, vua Chiêm Chế Bồng Nga ban lệnh cho dân Chiêm được tổ chức ăn mừng trên cả nước. Ở Đồ Bàn, ông cũng cho tổ chức một buổi đại yến để vui vẻ cùng quan quân. Các tướng lãnh, chiến sĩ có công đều được tuyên dương, ban thưởng xứng đáng với công trạng trong dịp này. Tướng Mục Bà Ma, người đã dụ vua Đại Việt lọt vào tuyến phục kích để tiêu diệt được tuyên dương công đầu. Trong lúc uống rượu, vua Chế Bồng Nga cao hứng hỏi các quan:
-Ta vẫn nghe nói các danh tướng đời xưa như Tôn Tẩn, Bạch Khởi, Hàn Tín, Triệu Tử Long từng đánh những trận đánh ác liệt khiến sau đó quân địch cứ nghe danh là chạy dài. Nay chỉ trong vài ngày ta cũng phá được mười hai vạn quân Đại Việt, các ngươi thấy ta so sánh với các danh tướng ấy được không?
Mọi người đồng thanh nói:
-Bệ hạ giỏi hơn các danh tướng đời xưa nhiều lắm!
Vua Chế Bồng Nga hân hoan nói tiếp:
-Chắc hẳn từ nay quân Đại Việt sẽ không bao giờ dám mon men đến đất Chiêm ta nữa! Sắp tới ta sẽ thu hồi lại những phần đất mà Đại Việt đã chiếm của ta trước đây! Nhưng điều ta mừng nhất là trong trận đánh vừa qua, ngoài việc đánh tan hơn mười vạn quân giặc, ta còn đoạt được một bửu bối vô giá. Các khanh thử đoán xem ta đoạt được bửu bối gì nào?
Không có ai trả lời được. Cuối cùng Chế Bồng Nga nói:
-Bửu bối vô giá đó chính là Ngự Câu vương Trần Húc, con trưởng của Trần Phủ (tức Thái thượng hoàng Đại Việt)!
Tể tướng Nhã Đam hỏi:
-Trần Húc tuy là một văn nhân quí tộc của Đại Việt, nhưng đối với nước Chiêm ta, hắn cũng chỉ là một kẻ bại trận, một tên tù, xin bệ hạ cho chúng thần biết hắn quí báu ở chỗ nào?
Vua Chế Bồng Nga giải thích:
-Như ta đã nói với các khanh lần trước, ta vốn rất kỵ người Trung Hoa vì họ là một dân tộc gian trá, tham lam vô độ. Lịch sử của họ đã cho ta thấy rõ điều đó. Bây giờ Minh triều mới thống nhất thiên hạ nên họ còn o bế, hòa dịu với các nước nhỏ chung quanh để rảnh tay củng cố nội bộ. Nhưng khi Minh triều vững mạnh rồi thì sẽ biết! Trung Hoa sẽ tìm cách gây mâu thuẫn giữa các nước nhược tiểu để các nước này làm suy yếu lẫn nhau, cuối cùng tất cả đều trở thành miếng mồi ngon cho họ. Bài học nước Tấn đã nuốt gọn nước Ngu và nước Quắc như thế nào ta đã thuộc lòng! Nay ta còn xa cách Trung Hoa mà họ đã nay yêu sách này mai đòi hỏi nọ, khi Đại Việt không còn, nước Chiêm ta sẽ tiếp giáp với Trung Hoa, liệu ta chịu nổi những sách nhiễu của họ không? Bởi thế, ta không chủ trương tiêu diệt nước Đại Việt đâu! Ta cũng không chủ trương trực tiếp cai trị nước Đại Việt! Tinh thần dân Đại Việt quật cường, dũng mãnh lắm, thật khó mà cai trị họ! Trung Hoa lớn mạnh thế kia, từng cai trị Đại Việt cả ngàn năm mà cuối cùng cũng phải buông ra! Ôm tham vọng cai trị Đại Việt là tự rước lấy sự khốn đốn cho mình mà thôi! Nhưng ta sẽ dùng Đại Việt như một tấm bình phong ngăn cách giữa ta với Trung Hoa. Sau khi đánh gục Đại Việt, trước tiên ta sẽ lấy lại những phần đất cát mà Đại Việt đã chiếm của tổ tiên ta. Sau đó ta sẽ đưa Trần Húc trở về làm vua phần đất cũ của Đại Việt. Như thế là vừa được việc cho nước Chiêm vừa thuận lòng dân Đại Việt. Trần Húc là người do nước Chiêm gây dựng lại tất nhiên y không dám đi ngược lại quyền lợi của nước Chiêm. Đó là kế sách ta đã vạch ra để tìm một con đường sống hòa bình, an lạc cho dân Chiêm! Như vậy Trần Húc không phải là bửu bối vô giá hay sao?
Tể tướng Nhã Đam tâu:
-Bệ hạ nhìn xa thấy rộng, chủ trương hướng đi cho nước Chiêm ta như vậy thì thật tuyệt diệu! Nhưng có một điều thần chưa hiểu là vì sao bệ hạ lại chịu hợp tác với Trung Hoa trong việc tiễu trừ bọn cướp biển?
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Ta đã nói với các khanh, nay nước Chiêm còn xa cách Trung Hoa mà họ đã yêu sách ta điều này điều nọ nhớ không? Vụ hợp tác với nhà Minh để tiễu trừ giặc biển cũng là một trong những yêu sách của họ đấy! Việc tiễu trừ bọn giặc biển tuy khó khăn, nguy hiểm nhưng nó không đi quá xa khả năng của ta! Được cái lợi là ta có thể mượn danh Trung Hoa để diệt bọn cướp Java, Mã Lai mà không sợ mất lòng ai hết. Nếu từ chối không làm việc này, nước ta sẽ phải cống cho Trung Hoa những nhà sư, những đạo sĩ, những chiêm tinh gia, những đàn ông thiến, thợ giỏi… như các nước Đại Việt, Java, Chân Lạp… đã bị buộc phải làm!
Tể tướng Nhã Đam thốt lên:
-Bệ hạ quả là một đấng thánh sống che chở dân Chiêm! Thật là đại phúc cho nước Chiêm!
Quan quân nghe Tể tướng Nhã Đam nói xong đồng loạt quì xuống hô lớn:
-Quốc vương Chế Bồng Nga anh minh vạn tuế!
-Quốc vương Chế Bồng Nga anh minh vạn tuế!
Sau hôm ăn mừng chiến thắng, Chiêm vương cho dẫn Trần Húc đến gặp mình. Ông hỏi:
-Tại sao ngươi dám đem quân xâm lấn nước Chiêm ta?
Trần Húc ngang nhiên hỏi lại:
-Mấy năm trước Đại vương đem quân cướp phá Thăng Long giờ Đại vương đã quên sao?
Chiêm vương cười:
-Thôi, được rồi, bỏ qua chuyện đó! Giờ ta hỏi điều này: Trong trận vừa qua nếu ngươi bắt được ta ngươi sẽ đối xử với ta như thế nào?
Trần Húc cau mặt nói:
-Ta chẳng phải là kẻ sợ chết đâu! Đại vương đã bắt được ta muốn giết cứ giết chứ hỏi khó nhau làm gì?
Chiêm vương lại cười:
-Tới lúc này ngươi vẫn chưa tỉnh ngộ sao? Vua tôi nhà ngươi đem mười hai vạn quân xâm lăng nước ta, chỉ một trận ta đã đánh tan tành không còn manh giáp chưa tởn ư? Ta đã cho Trần Kính của ngươi đi chầu Diêm chúa, người Đại Việt còn dám chống ta nữa sao? Nếu ta thừa dịp này kéo quân sang Đại Việt với cái thế chẻ tre, đố ai chống nổi? Nhưng ta không muốn thấy cảnh đổ máu xảy ra nữa! Bây giờ ngươi chịu hàng hay muốn ta tiến quân đánh Đại Việt?
Trần Húc không trả lời. Chiêm vương lại dỗ dành:
-Đừng tuyệt vọng! Nếu chịu đầu hàng, một thời gian nữa ta sẽ đưa ngươi về làm vua Đại Việt. Ngươi bằng lòng chứ?
Trần Húc lắc đầu nói:
-Đại vương lầm rồi, ta không còn ham muốn chuyện đó! Ai sẽ làm vua Đại Việt là do Thượng hoàng ta quyết định! Đại vương đâu có quyền cho ta làm vua?
Chiêm vương nghiêm mặt:
-Sao lại không? Ngươi không thấy mấy trận đánh nhau với quân Đại Việt ta đều thắng dễ dàng như quét lá khô sao? Ta sẽ tiếp tục tiến quân đánh Đại Việt. Sớm muộn ta cũng sẽ bắt sống thân phụ của ngươi cho coi! Nếu chịu hàng, ngươi sẽ được làm vua và sẽ là người cứu mạng thân phụ ngươi! Bằng không chịu, ngươi sẽ thành một kẻ bất hiếu! Vừa giữ được nước, vừa cứu được mạng cha già há không hơn làm một kẻ vong quốc bất hiếu sao?
Trần Húc nghe giọng ngạo mạn của vua Chiêm thì bĩu môi làm thinh. Vua Chiêm nổi giận quát:
-Tên tù này dám vô lễ với ta đến vậy sao? Hãy tống cổ nó vào nhà ông Hoàng cho nó biết thân!
Thế rồi Trần Húc bị dẫn vào một ngôi nhà đặc biệt. Đó là một ngôi nhà cũ kỹ tọa lạc giữa một khu vườn được xây bao bọc trong bốn bức tường thành cao quá đầu người, chỉ có một cửa ra vào. Trong khu vườn này có rất nhiều cây hoa sứ. Vì thế, vừa bước vào đây chàng đã nghe phảng phất mùi hương. Trong nhà có đủ cả phản nằm, kệ cất đồ đạc, kệ để chén bát, một cái lu đựng nước. Hình như ngôi nhà vừa mới được dọn dẹp lại, các dấu vết vẫn còn.
Bên cạnh ngôi nhà có một cái giếng. Ở góc vườn xa ngôi nhà nhất có một cái hố xí. Bọn lính dẫn Trần Húc đến đây rồi dặn chàng:
-Lát nữa sẽ có người mang thức ăn lại cho ông. Ngôi nhà này là chỗ ở của ông. Từ nay ông chỉ được đi lại trong phạm vi khu vườn này. Nếu tìm cách trốn thoát, ông sẽ bị trừng phạt!
Nói xong bọn lính bỏ mặc chàng ở lại đó, khóa cửa vườn rồi ra về. Trần Húc cảm thấy hơi buồn nhưng cũng thầm hi vọng ở đây chàng sẽ ít bị ai quấy rầy.
Mà đúng vậy, những ngày sau đó không có ai ra vào ngoại trừ một người lính hai lần sáng chiều mở cửa mang cơm nước vào cho Trần Húc rồi lạnh lùng khóa cửa ra về.
Mấy ngày sau vua Chế Bồng Nga lại cho dẫn Trần Húc đến gặp một lần nữa. Ông lại hỏi:
-Ngươi đã suy nghĩ lại chưa? Hợp tác với ta để rồi trở về làm vua Đại Việt hay chịu làm một tên vong quốc, một kẻ bất hiếu?
Trần Húc trả lời:
-Xin đừng hỏi lôi thôi nữa! Đại vương muốn giết ta cứ việc giết đi!
Vua Chế Bồng Nga lại cho đem Trần Húc giam giữ riêng như cũ. Ông nói với quan Bình chương Hùng Vân:
-Thằng bé này khí huyết còn hăng chưa dễ cải hóa được! Khanh cứ tiếp tục tiến hành kế hoạch đã bàn định. Ta mới giết được Duệ Tôn, quân dân Đại Việt nay vẫn chưa hoàn hồn. Phải nhân cơ hội này đánh tiếp chúng một trận nữa! Đợi ta đi đánh Đại Việt về hãy tính tiếp.
Sau khi bị đưa trở lại ngôi nhà cũ, ngày nào Trần Húc cũng nằm co hoặc ngồi ủ rũ âu sầu. Tuyệt nhiên không một bóng người nào khác lui tới đây ngoài người lính mang cơm nước cho chàng. Người lính này lại gần như câm, y thường lặng lẽ để cơm nước đó rồi vội vã bỏ đi. Phần cơm cũng có thịt cá đàng hoàng nhưng chàng nào có ăn uống được gì đâu! Mỗi bữa chàng chỉ nhai qua loa vài miếng cầm xác rồi cũng để đó mặc cho người lính Chiêm dọn dẹp.
Nhưng rồi một hôm, người lính Chiêm ấy bỗng mở miệng nói Trần Húc:
-Hôm nay Quốc vương đưa đại quân đi đánh nước ông rồi đấy!
Trần Húc nghe y nói mà kinh hoảng. Chàng liền hỏi người lính cho biết rõ sự việc nhưng y không trả lời. Cả đêm đó chàng không thể nào chợp mắt được. Trận phục kích của quân Chiêm tới bây giờ nhớ lại chàng vẫn còn sởn gáy. Hôm sau, khi người lính Chiêm đến, chàng đã cố sức năn nỉ để biết thêm tin tức nhưng y vẫn một mực lặng thinh. Biết không thể cậy răng hắn ta được Trần Húc đành bỏ cuộc. Tinh thần chàng lại càng xuống dốc thậm tệ. Không bi quan sao được khi vua Duệ Tôn – người chú anh hùng của chàng – cũng phải chết dưới tay Chế Bồng Nga thì còn mong ai trong nước chống nổi ông ta? Chàng không sợ chết, không lo sợ cho bản thân chàng nhưng lại rất lo sợ cho vua cha. Thượng hoàng cũng sẽ phải gánh chịu số phận như chàng ư? Đã nhiều lần trong đầu óc chàng dậy lên ý nghĩ phải tự vẫn đi cho xong nợ, nhưng nghĩ đến vua cha chàng lại thôi! Chưa biết số phận của vua cha ra sao chàng không thể nào yên tâm để chết được!
Trong lúc chàng đang đau khổ, hoang mang đến cực độ thì bất ngờ xảy ra một sự thay đổi: Hôm ấy người mang cơm vào cho chàng không phải là người lính Chiêm như thường lệ mà là một thị nữ người Việt. Cô ta lễ phép nói với Trần Húc:
-Bẩm vương gia, con tên là Ấu Hương, đang giúp việc trong phủ quan Bình chương Hùng Vân. Con mới được giao công việc hàng ngày mang cơm nước lại cho vương gia.
Trần Húc lộ vẻ vui mừng, ngạc nhiên hỏi:
-Cô là người Đại Việt? Vì sao cô lại sang Chiêm và hầu hạ trong phủ quan Bình chương?
Thị nữ Ấu Hương rưng rưng lệ thưa:
-Dạ đúng, con là người Việt. Vào tháng giêng năm Ất Tỵ*, con cùng bạn bè đang chơi hội xuân ở Hóa Châu thì bị người Chiêm bắt. Vua Chiêm đã cho phân phối con làm nô lệ trong phủ quan Bình chương. Cũng may quan Bình chương là người tốt nên con cũng không đến nỗi bị đọa đày. Nay con được giao công việc hàng ngày mang cơm nước đến đây cho vương gia. Quan Bình chương có dặn nếu vương gia cần gì cứ giúp đỡ vương gia. Thấy vương gia xơ xác tiều tụy thế này con đau lòng lắm. Xin vương gia gắng ăn uống cho lại sức chứ tự hành hạ bản thân cũng không được việc gì, chỉ thêm khổ thôi!
-Cám ơn cô đã có ý tốt với ta. Nhưng đời ta coi như bỏ rồi, ta đâu còn thiết tha chi nữa mà gắng với không gắng! Giờ ta chỉ còn biết chờ ngày về với tiên tổ thôi!
Ấu Hương lại thưa:
-Xin vương gia chớ tuyệt vọng! Nếu vương gia cần gì cứ bảo, con sẽ cố gắng giúp đỡ vương gia trong khả năng của mình. Bây giờ con xin tạm lui.
-Khoan đã, cô có biết tin tức gì về vụ Quốc vương Chế Bồng Nga đem quân đánh nước ta vừa qua không?
-Thưa vương gia, con không được biết!
Hôm sau thị nữ Ấu Hương lại mang đồ ăn tới. Thấy đồ ăn hôm trước còn nhiều quá Ấu Hương than:
-Vương gia không chịu ăn uống gì hết vậy làm sao mà giữ được sức khỏe? Hay ngôi nhà này có điều gì làm vương gia sợ? Những đồ dơ của vương gia đâu đưa con giặt giúp cho! Con nói hơi đường đột xin vương gia chớ giận. Con hiểu vương gia không quen làm công việc này. Xin vương gia đừng ngại gì cả!
Lời nói đầy chân tình của nàng thị nữ đồng hương đã khiến vị hoàng tử sa cơ thất thế vừa cảm động vừa ngượng ngùng. Thật tình từ ngày bị bắt đến giờ chàng chưa giặt áo quần lần nào cả. Đúng ra chàng cũng chẳng hề biết giặt áo quần là làm thế nào. Khi bị bắt chàng đang mặc sẵn trong người hai bộ quần áo và một chiếc áo giáp. Suốt thời gian vừa qua chàng chỉ dùng hai bộ quần áo đó để thay đổi nhau. Nay nghe Ấu Hương đề nghị giặt giúp, tuy ngượng nhưng chàng rất mừng. Chàng lấy bộ áo quần đang rảnh trao cho Ấu Hương và nói:
-Thú thật ta chưa biết làm công việc này! Xin cô vui lòng giặt giúp bộ này trước. Mai mốt sẽ đổi bộ khác! Ta sẽ học cô để tự làm lấy chứ không làm phiền cô lâu đâu!
Ấu Hương vui vẻ nói:
-Đây chỉ là việc nhỏ mọn, xin vương gia đừng áy náy! Được giúp đỡ vương gia là con vui mừng rồi!
Thế rồi nàng ra giếng lấy nước lên giặt trên một phiến đá nằm gần giếng. Trần Húc cũng theo Ấu Hương ra giếng xem cô ta làm thế nào để bắt chước.
Những ngày kế tiếp Ấu Hương càng quan tâm đến việc ăn uống của Trần Húc hơn. Nhưng Trần Húc gần như chẳng để ý chi đến vụ đó. Lần nào đồ ăn thừa bỏ lại cũng tám chín phần mười. Hình hài Trần Húc vẫn tiếp tục teo tóp, khô héo…
Hôm kia, khi Ấu Hương mang cơm đến, Trần Húc ngạc nhiên thấy có một thiếu nữ người Chiêm cùng đi theo. Trông thiếu nữ Chiêm có dáng dấp quí phái, xinh xắn khác thường. Nàng tươi cười nói với Trần Húc:
-Kính chào vương gia! Vương gia an lành chứ!
Ấu Hương không giới thiệu thiếu nữ Chiêm ấy là ai. Thấy thái độ và ánh mắt của thiếu nữ đầy vẻ thiện cảm với mình, Trần Húc hơi ngạc nhiên:
-Chào cô! Xin cho biết cô là ai và đến đây có việc gì?
-Tôi là ai từ từ vương gia sẽ biết. Hôm nay tôi đến đây để thăm viếng vương gia chứ không có mục đích gì khác. Nghe nói vương gia buồn rầu bỏ ăn bỏ uống, tự hành hạ thân xác một cách quá đáng, tôi thật không đành lòng! Tại sao vương gia không gắng vui vẻ mà sống? Biết đâu nay mai hai nước lại thông hòa với nhau, vương gia sẽ được trở về Đại Việt?
Trần Húc vẫn tỏ vẻ dửng dưng:
-Tôi là tướng bại trận, đã bị bắt, dẫu có được về nước cũng chẳng vinh quang gì. Tôi không đòi hỏi hay mong ước gì nữa. Xin cô để cho tôi yên!
Thiếu nữ vẫn tiếp tục nhỏ nhẹ khuyên nhủ, an ủi Trần Húc. Nhưng hình như thái độ lạnh nhạt, hờ hững của Trần Húc đã dần làm nàng mất hết kiên nhẫn. Cuối cùng nàng nói:
-Tôi đến thăm vương gia chỉ mong giúp vương gia khuây bớt nỗi sầu trong nghịch cảnh này. Vương gia vốn dòng dõi tôn quí, lại đang lúc đầu xanh tuổi trẻ, sao lại dễ đầu hàng số phận đến thế? Sao không gắng vượt qua hoàn cảnh này để xây dựng lại cuộc đời? Thái độ quá bi quan của vương gia đã khiến tôi thật thất vọng. Vương gia không chịu gắng ăn uống thì trước sau cũng suy kiệt thôi! Tôi có làm bạn với vương gia cũng chẳng giúp ích gì cho vương gia được. Coi như chúng ta không có duyên vậy. Thôi, xin từ giã vương gia!
Nói xong thiếu nữ Chiêm bỏ ra về. Trần Húc ngồi đờ đẫn một hồi rồi lắc đầu lẩm bẩm:
“Ta thật vụng về hết sức! Nàng Chiêm nữ này ở đâu mà lại đến thăm ta và có vẻ thiện cảm với ta đến thế? Những lời nàng có lý lắm chứ! Sao ta lại có thể dửng dưng với một người có lòng tốt với mình? Nàng chỉ an ủi chứ đâu có hạch sách thóa mạ gì ta mà phải tự ái? Thái độ ương ngạnh vô lối của ta thật đáng trách!”
Từ giờ phút ấy hình bóng nàng Chiêm nữ xinh đẹp cứ lảng vảng trong đầu óc chàng. Trần Húc đâm ra tiếc rẻ và cầu mong sẽ có lúc nàng sẽ trở lại. Hơn mười ngày sau vẫn không thấy bóng dáng Chiêm nữ đâu, Trần Húc càng cảm thấy xốn xang trong lòng. Một hôm chàng đánh liều hỏi thị nữ Ấu Hương:
-Nàng thiếu nữ cùng đến đây với cô hôm trước là ai vậy? Sao nay không thấy thấp thoáng?
Thị nữ Ấu Hương đáp:
-Đó là công chúa Hoa Lài, ái nữ của Quốc vương đấy!
Trần Húc giật mình:
-Đó là công chúa Hoa Lài ái nữ của Quốc vương ư? Ta đâu ngờ công chúa lại đến thăm ta! Mấy bữa rày công chúa có nhắc nhở gì đến ta không?
-Thưa có! Mấy lần công chúa hỏi con về việc ăn uống của vương gia, con cứ thật tình trả lời mỗi bữa vương gia vẫn chỉ ăn vài miếng cầm xác. Công chúa nghe con nói vậy có vẻ không vui. Công chúa nói vương gia không chịu ăn uống coi như sắp chết, có làm bạn cũng chỉ thêm sầu khổ khi biệt ly nên không muốn đến thăm vương gia nữa.
Trần Húc nghe Ấu Hương nói thế đâm ra hốt hoảng. Không ngờ công chúa nước Chiêm lại quan tâm tới chàng như thế! Chàng liền tìm lời cải chính:
-Tại cô không để ý đó chứ! Trước đây ta đau buồn quá nên cơm cháo nuốt không vô. Nay lòng hơi nguôi ngoai nên ta đã gắng ăn uống trở lại rồi.
Thị nữ Ấu Hương nói:
-Vương gia đã gắng ăn uống trở lại thật là điều đáng mừng! Thế mà con vô ý quá. Ngày mai con sẽ thưa lại với công chúa việc này cho công chúa vui!
Trần Húc nghe thị nữ Ấu Hương nói thế mừng lắm. Chàng nói:
-Phải, cô nên nói lại cho công chúa biết điều đó. Nhớ cho ta gởi lời kính thăm công chúa!
Thế rồi mấy hôm sau công chúa Hoa Lài lại đến thăm Trần Húc. Vừa thấy mặt Trần Húc công chúa Hoa Lài liền vui vẻ nói:
-Nghe nói vương gia đã ăn uống trở lại tôi rất mừng! Vương gia phải giữ gìn sức khỏe như vậy mới phải chứ!
Trần Húc cũng cười vui vẻ:
-Cám ơn công chúa đã chiếu cố đến thân phận kẻ tù tội này! Nhờ những lời khuyên bảo của công chúa, tôi đã gắng ăn uống trở lại và bây giờ thì đã khá nhiều.
Công chúa Hoa Lài nói:
-Bây giờ trông vương gia tuy tươi tỉnh hơn lúc trước nhưng thân thể vẫn còn gầy ốm lắm! Phải gắng ăn uống thêm nữa mới được! Những khi rảnh rỗi tôi sẽ lui tới đây để thăm vương gia, vương gia có bằng lòng không?
Trần Húc nói:
-Thế thì còn gì hơn nữa! Chỉ sợ phiền công chúa thôi!
Từ đó cách vài ba ngày công chúa Hoa Lài lại tới thăm Trần Húc một lần. Càng ngày hai người càng trở nên thân thiết với nhau. Hai người hay kể cho nhau nghe về phong tục, về chuyện cổ tích, chuyện lịch sử của nước mình. Có một điều mà thời gian gần đây Trần Húc cứ canh cánh lo ngại trong lòng là tình trạng của thân phụ chàng (Thượng hoàng Nghệ Tôn). Khi thấy tình thân đã đủ để tin cậy nhau, Trần Húc hỏi công chúa Hoa Lài:
-Cho tôi hỏi một câu, công chúa đừng chấp nhé: Cách đây không lâu, tôi nghe Quốc vương đem quân đánh Đại Việt, việc đó có thật không và kết quả như thế nào?
Công chúa sốt sắng trả lời:
-Vương gia hỏi như vậy có gì đáng trách đâu! Quả thật phụ vương có đem quân đánh Đại Việt đấy. Kết quả tuy thắng lợi vẻ vang nhưng cũng như thất bại. Phụ vương tôi cho biết trên đường rút quân về nước, đội binh thuyền của phụ vương đã không may gặp cơn bão lớn lật chìm nhiều thuyền làm quân sĩ chết đuối rất nhiều.
-Phía Đại Việt có quan văn tướng võ nào quan trọng bị bắt hay bị giết không?
-Phụ vương tôi nói họ tránh né cả nên chẳng bắt được ai đáng kể!
Trần Húc nghe công chúa nói vậy mừng lắm. Thế là vua cha đã không hề hấn gì sau cuộc chinh phạt của Chế Bồng Nga! Tới lúc này chàng mới thật sự được an tâm. Chàng thầm biết ơn công chúa Hoa Lài đã thành thật cho chàng biết cái tin quan trọng ấy. Nhưng rồi nghĩ lại Trần Húc lại đâm ra lo ngại vẩn vơ. Nếu Chiêm vương biết được công chúa đã đến thăm viếng chàng và cho chàng biết tin tức như thế ông ta sẽ nghĩ thế nào? Có thể ông ta sẽ cấm không cho nàng đến đây nữa lắm! Chàng ngập ngừng nói với công chúa:
-Xin đừng cho ai hay tôi đã hỏi thăm tin tức chiến trận nhé! Tôi sợ Quốc vương sẽ không bằng lòng việc đó. Công chúa hay đến thăm viếng tôi thế này nếu Quốc vương biết được ngài có bắt tội không?
Công chúa Hoa Lài tươi cười nói:
-Vương gia khỏi lo chuyện đó! Việc thăm viếng vương gia là tự ý tôi chứ có phải vương gia tìm đến quấy nhiễu gì tôi đâu mà ngại!
Qua thời gian giao tiếp với công chúa Hoa Lài, Trần Húc đã dần phục hồi phong độ. Cách đối xử thân mật, vui tươi của công chúa Hoa Lài đã giúp chàng giảm bớt mặc cảm thân phận tù tội. Trần Húc cảm thấy tinh thần cởi mở hơn trước nhiều, chàng tự nhủ: “Còn vui được ngày nào ta cứ vui cái đã”!
Rồi chẳng bao lâu sau chuyện sẽ đến phải đến: hai người đã phải lòng nhau!
Từ đó công chúa Hoa Lài lui tới với Trần Húc đều đặn hơn. Một hôm đến thăm Trần Húc, công chúa thấy chàng có vẻ xanh xao, mệt mỏi khác hơn mọi ngày. Đến nỗi khi đang nói chuyện chàng đã phải cáo lỗi xin đi nhà xí mấy lần. Công chúa hỏi vấn đề sức khỏe của chàng, Trần Húc bất đắc dĩ thú thật chàng đang bị kiết lỵ. Công chúa lo sợ hỏi thị nữ Ấu Hương. Ấu Hương nói:
-Tưởng bệnh gì chứ bệnh kiết lỵ thì dễ chữa lắm! Thuốc chữa cần ba món mà ở đây đã có tới hai rồi, món thứ ba cũng dễ tìm. Vương gia chỉ cần uống đúng ba ngày là lành đứt!
Ấu Hương vừa nói vừa chỉ vào cây lựu rồi chỉ vào mấy cây hoa sứ đang nở đầy bông trắng ở gần cái giếng nước. Công chúa nghe Ấu Hương nói thì lộ vẻ mừng:
-Còn thiếu món gì nữa? Em nói dễ kiếm thì hãy kiếm để chữa cho vương gia đi!
Ấu Hương nói:
-Thưa công chúa, thang thuốc chữa bệnh kiết lỵ gồm ba món là vỏ trái lựu, hoa sứ và lá vối phơi khô. Ở đây mình còn thiếu lá vối khô nhưng đó là thức uống thường ngày của dân gian nên kiếm không khó. Lấy đúng cân lượng như thầy thuốc dạy, sắc chung ba thứ ấy, uống mỗi ngày ba lần trong ba ngày liền…
-Vậy thì em đi kiếm ngay để sắc cho vương gia uống!
Ấu Hương đi rồi Trần Húc ái ngại nói với công chúa:
-Công chúa sai Ấu Hương làm như vậy tôi thấy bất tiện lắm! Ấu Hương là người nhà của quan Bình chương Hùng Vân, cô ấy còn có công việc của cô ấy nữa. Tôi sợ quan Bình chương không hiểu cớ sự l&#7841
Dimension: 181 x 279
File Size: 7.68 Kb
Be the first person to like this.