Videos
Bên những dòng sông, làng Chăm với những ngôi nhà sàn gỗ cổ nghiêng mình soi bóng nước. Những làng Chăm ở An Giang hiền hòa, yên tĩnh, thiếu nữ Chăm với ánh mắt đen huyền, lóng lánh làm say đắm lòng lữ khách đến nơi này.
Người Chăm An Giang theo đạo Hồi giáo dòng Islam, gốc đạo Hồi ở Malaysia. Đàn ông dù lớn nhỏ đều để tóc ngắn, tham gia sinh hoạt xóm làng, đi lễ thánh đường đội nón nỉ (người già đội nón trắng, trẻ đội nón đen), quấn xà rông hoa. Nữ mặc áo dài, quấn xà rông, đầu đội khăn the Mat'ra (hay khăn Khanh ma-om). Không biết bao nhiêu lần đến những làng Chăm, nhưng khi bắt gặp các cô gái Chăm thướt tha bên chiếc khăn Mat'ra, chúng tôi lại có cảm nhận rất lạ bởi nét dịu dàng say đắm lòng người qua nét cười ý nhị.
Người Chăm An Giang xưa kia cất nhà sàn gỗ bên những dòng sông. Ngày nay cũng vậy, làng Chăm quần tụ bên những dòng sông tươi mát, nghiêng mình soi bóng nước. Người Chăm An Giang rất thân thiện với thiên nhiên, họ sống bằng nghề chài lưới, mua bán nhỏ, dệt thổ cẩm. Ngày nay, một bộ phận đồng bào đã biết kinh doanh du lịch, thương mại và dịch vụ.
Trong số 9 làng Chăm ở An Giang, Châu Phong là làng lớn nhất với trên 500 hộ và hơn 2.500 người, được chia thành 7 xóm nhỏ. Ở mỗi xóm đều có một tiểu thánh đường để cho giáo dân đến cầu nguyện hằng ngày. Riêng ngày thứ sáu (12 giờ), tất cả mọi người phải đến thánh đường lớn (Châu Phong) để cầu nguyện, còn phụ nữ thì cầu nguyện tại nhà. Ông Ismal, cho biết mỗi ngày, người Chăm Islam cầu nguyện 5 lần.
Categories:
Văn hóa Champa