Videos
GIỚI THIỆU VỀ TÔN GIÁO CHĂM BANI Ở BÌNH THUẬN
Tác giả: Ja Karo
1) Sơ lược nguồn gốc hình thành Hồi giáo trong cộng đồng Chăm
Qua một số cứ liệu cho thấy Champa tiếp xúc với thế giới Hồi giáo từ rất sớm, khi mà người Chăm có nhiều hoạt động giao lưu hàng hải với các nước bên ngoài.
Cụ thể như: bia ký Champa có niên đại vào năm 1039 có đề cập đến các thương nhân Hồi giáo đến từ các nước Ả Rập. Dựa vào bản dập của hai tấm bia này do Ðô Ðốc người Pháp gởi sang Paris, ông P. Ravaisse liền viết bài nghiên cứu vào năm 1922 cho rằng hai tấm bia này phát xuất từ miền nam Champa. Từ đó P. Ravaisse đưa ra kết luận Champa là vương quốc đã du nhập Hồi giáo từ thế kỷ thứ XI.
Năm 1979, Ts. P. Y. Manguin đưa ra một giả thuyết khác nhằm phản đối quan điểm của P. Ravaisse và cho rằng hai tấm bia này không xuất phát từ vương quốc Champa, mà xuất phát từ một quốc gia khác.
Sau hơn 30 năm, vấn đề nguồn gốc của hai tấp bia Ả Rập lại tái diễn trên bàn hội nghị quốc tế về bia ký Ðông Nam Á được tổ chức tại Kuala Lumpur vào ngày 9 và 10-11-2011. Dựa vào nội dung và phong văn của tấm bia, Gs. Ludvik Kalus (Ðại Học Sorbonne, Paris) khẳng định rằng hai tấm bia Ả Rập không xuất phát từ vương quốc Champa mà từ thị trấn Kairouan của Tunisia, một quốc gia nằm ở Trung Ðông. Do đó, đa số đại biểu của hội thảo đưa ra kết luận rằng sự hiện diện của Hồi giáo tại vương quốc Champa không phải vào thế kỷ thứ XI.
Gs. Ludvik Kalus cũng giải thích thêm, một số tư liệu lịch sử đã nhắc đến sự hiện hữu của Hồi Giáo tại miền Nam Trung Hoa vào thế kỷ thứ VIII. Champa là vương quốc nằm trên bờ biển Nam Hải. Chính vì thế, có thể thương thuyền Ả Rập khi di chuyển từ Ấn Ðộ Dương đến miền nam Trung Hoa đã ghé bến Champa để tiếp tế lương thực và nước uống. Việc người Ả Rập xuất hiện ở Champa vì vấn đề thương mại là chủ yếu, vì vậy chúng ta không thể kết luận rằng vương quốc Champa đã theo Hồi Giáo vào thế kỷ thứ XI.
Nhiều tư liệu văn học, lịch sử trong và ngoài nước đã chứng minh sự du nhập của Hồi Giáo vào Champa và khu vực Ðông Nam Á chỉ sau thế kỷ thứ XVI. Khi đó một số tín đồ Chăm Ahier bắt đầu tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Hồi Giáo qua trung gian của các thương thuyền Malaysia và Ả Rập thường ghé qua các bờ biển Champa, kéo theo sự ra đời của một cộng đồng Chăm Awal còn gọi là Chăm Bani (tức là Chăm theo Hồi Giáo không chính thống) tại Panduranga và có thể cả khu vực Kauthara xưa kia (P-Y. Manguin, "L'introduction de l'islam au Campa" trong BEFEO LXVI,1979, trg. 255-287).
Đọc thêm trang mạng: www.champaka.info
Categories:
Văn hóa Champa